hôm nay tôi trở về thăm trường mới... |
Tác Giả: Trangđài Glassey-Trầnguyễn |
Thứ Hai, 29 Tháng 6 Năm 2009 13:52 |
mùa bế giảng Tháng Sáu là một tháng nhộn nhịp tại Hoa Kỳ. Bên cạnh ngày Từ Phụ (Father's Day), chúng ta còn có bao nhiêu ngày lễ ra trường. Ở Hoa Kỳ, học sinh ở cấp bậc nào cũng được dự lễ ra trường. Học hết lớp Năm thì ra trường cấp I, hết lớp Tám thì ra trường trung cấp, hết lớp Mười Hai thì ra trường trung học. Và dĩ nhiên khi học xong đại học, thì việc ra trường càng rầm rộ hơn, với hoa với bóng, với họ hàng hoan hỉ đến chúc mừng, với gia đình quây quần chung một bữa tiệc vui. Năm nay, một người bạn gửi hình cho tôi xem - cậu bé con học mẫu giáo cũng... tốt nghiệp. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội cắp sách đến trường và hoàn tất chương trình trung học hay đại học, và để có dịp mừng lễ ra trường với bao hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức vô vụ lợi vẫn tạo mọi điều kiện thích hợp và cấp học bổng để giúp những sinh viên học sinh nghèo hiếu học đạt đến những giấc mơ khoa bảng của mình, có nhiều người, vì hoàn cảnh gia đình hay vì thiếu sự hướng dẫn, đã không theo đuổi nghiệp bút nghiên. Tuy nhiên, cứ Tháng Sáu hằng năm, thì áo mũ cân đai lại ngập đường phố. Một mùa vui. Khi mới định cư ở Hoa Kỳ, tôi cũng thấy lạ, vì hình như mùa ra trường thì có vẻ hào hứng hơn mùa tựu trường. Ở lâu, tôi mới nhận ra, mùa tựu trường ở Mỹ rất... thực dụng: nó được đánh dấu bằng những loạt hàng giảm giá, những đợt khuyến mãi. Nó không có cái buổi sáng đầy sương của nhà văn Thanh Tịnh, không có từng đoàn học sinh áo trắng đi bộ hay đạp xe đến trường. Ở xứ Cờ Hoa, mùa tựu trường thiếu mất cái thiêng liêng mà tôi nếm cảm trong thời gian cắp sách đến trường ở quê hương. hôm nay tôi trở về thăm trường mới... Tôi đi bộ trên Ðại Lộ Cọ (Palm Drive) để vào trường. Có cái gì đó rất lạ. Hình như những cây cọ Hawaii này hôm nay được trang điểm để chào đón gia đình của các tân khoa. Những thân cây như thể nhuộm một loại bột vàng, và lá được cắt tỉa cẩn thận. Giữa Tháng Sáu, thời tiết tại Stanford thật thanh thản - có lẽ thanh thản quá so với cái tuần lễ vừa qua, khi sinh viên phải vật lộn với những bài luận và bao cuộc thi cuối khóa. Trên những bảng số của dòng xe thấp thỏm trên Palm Drive để vào trường, người ta đọc thấy tên của biết bao tiểu bang xa gần. Nắng vàng hững hờ nhón gót trên những ngọn cây gỗ sồi đứng chào đón khách thập phương về thăm trường. Nói như vậy, vì khuôn viên Stanford mỗi ngày và quanh năm đều được khách du lịch khắp nơi đến thăm và chụp hình. Vào những ngày trung tuần Tháng Sáu này, trường lại đón “họ hàng” từ xa về mừng con em tốt nghiệp. Tôi ghé về ký túc xá của mình ngày trước. Crothers Hall, cùng với Crothers Memorial Hall, là hai ký túc xá “cổ” nhất của trường, và cũng là hai ký túc xá duy nhất dành cho sinh viên cao học và tiến sĩ. Crothers Hall tọa lạc ngay tại trung tâm trường, chỉ cách sân chính dăm ba phút đi bộ. Tôi ngỡ ngàng, nhận ra rằng Crothers Hall đã bị niêm phong để trùng tu lại, trong dự án phát triển và mở rộng nhà cho sinh viên. Tôi đứng phía ngoài hàng rào sắt, nhìn lên lầu hai. Khung cửa sổ phòng tôi ngày xưa được tháo bung ra. Cửa kính đã được dời đi. Tôi ước mình là một con gió, để có thể một lần len lỏi qua hành lang phía trong, tìm về, đứng trước cửa phòng mình, chào hỏi những ngày tháng cũ. Tôi đăm đắm nhìn vào cái không gian hình chữ nhật trống hoắc ấy, như thể tìm lại những tiếng cười mà tôi đã có với những người bạn, những tâm tình mà các em sinh viên Việt Nam khác đã đến chia sẻ với tôi, những bữa cơm “sinh viên” mà tôi nấu để chung vui với bạn bè, những đêm chong đèn thức trắng để hoàn tất các bài luận khi mưa rỉ rả ngoài hiên. Nếu mái trường rêu phong là một hình ảnh nên thơ và thân thuộc cho một ký ức thiếu thời và một đời sinh viên áo trắng ở Việt Nam - hay ít ra là của một thời mà chúng ta đã sống - thì ở Hoa Kỳ, không hẳn đã như vậy. Hầu như tất cả các trường đại học đều có dự án phát triển dài hạn. Mỗi lần trở lại thăm trường, tôi đều nhận ra một tòa nhà mới, một khu ký túc xá mới, một sự thay đổi nào đó. Với biệt danh là “Ðiền Trang” (The Farm), Stanford vẫn còn lắm đất để phát triển những dự án mới. Thế nhưng, ít ra, trong những thay đổi dâu bể kia, thì có những hình ảnh vẫn ở lại trong khuôn viên của trường. Mái ngói đỏ. Những mái vòm bằng đá cát mịn màng được chạm trổ hoa văn mỹ miều. Những hành lang hun hút thời gian. Những rừng cây khuynh diệp quanh trường đón nắng đón mưa. Những tất bật ấm áp tình bạn bè của một đời sinh viên. Vẫn còn đó một chút thân quen, một chút kỷ niệm. Và trong nhiều khuôn viên đại học, những hàng phượng tím bừng nở, như bù đắp phần nào cho cái nhớ nhung của những ai vẫn hoài niệm một thời áo trắng Việt Nam giữa một mùa phượng đỏ. những ước mơ dài... Mùa Hè đến, không chỉ báo hiệu mùa tốt nghiệp hay những chương trình thực tập, mà được bắt đầu với việc dọn nhà đối với sinh viên cử nhân. Vì Stanford là một trường đại học nội trú, tất cả sinh viên đều phải ở tại trường, ngoại trừ các sinh viên hậu cử nhân, có quyền chọn ở tại trường hay ‘ra riêng’. Thương thay cho các cô cậu sinh viên, chỉ trong vòng mấy ngày của tuần lễ thứ hai của Tháng Sáu, vừa phải thi cuối năm, vừa phải chuẩn bị dự lễ ra trường, vừa phải đón tiếp và hướng dẫn gia đình từ xa về, vừa phải dọn nhà để trả lại cho văn phòng ký túc xá. Khoa tâm lý xác nhận rằng, những dịp vui cũng là những dịp căng thẳng trong đời người. Chắc đó là lý do mà ‘hỉ nộ ái ố’ đi chung với nhau. Có lẽ nên có động từ ‘trú hè,’ vì sau một tuần lễ đa đoan như vậy, ai cũng cần ngủ một giấc để lấy lại sức. Nhưng thể nào thì cũng phải tận vui trước đã! Không phải ngày tốt nghiệp là một dịp vui hoàn toàn cho tất cả mọi người. Khi tôi chúc mừng một phụ huynh người Việt có con gái tốt nghiệp cử nhân khoa Sinh Học tại Ðại Học Stanford trung tuần Tháng Sáu, 2009, cô đã nói: Cô không mừng chút nào con à! Mà lo nhiều hơn. Thật ra, lúc cháu nó ra trường trung học, cô cảm động vô cùng, vì đó là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời. Khi nó xong tú tài, thì coi như nó đã bắt đầu trưởng thành để vào đời. Còn việc tốt nghiệp cử nhân, tuy quan trọng đối với nhiều người, nhưng đối với con của cô, thì chỉ là một sự khởi đầu. Một sự khởi đầu? Vâng, đó là vì cô sinh viên này theo đuổi mộng thực hiện nghiên cứu ở bậc tiến sĩ Y khoa, nên mẹ của cô biết rằng, con gái mình sẽ còn phải miệt mài kinh sách và phải đầu tư nhiều công sức trong phòng thí nghiệm trong những năm tới. Tuy nhiên, tiếp tục đi học cũng là một chọn lựa hợp thời, vì trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các sinh viên tốt nghiệp không dễ dàng tìm được việc làm ngay. Cho nên có nhiều bạn trẻ, tuy không hẳn có ý hướng theo đuổi chương trình hậu đại học, vẫn khăn gói ‘vào trường’ lần nữa sau khi ra trường. Và cha mẹ, trong ngày con cái thành tựu, vẫn hướng tới những thử thách trước mắt, để tiếp tục đỡ nâng con trong những ước mơ dài. Những ước mơ dài, trải xuyên qua nhiều thế hệ. Mong sao những tân khoa luôn thấu được tâm tình và sự vun vén của cha mẹ, để cho những ước mơ dài được đơm hoa. La Jolla, 15 Tháng Sáu năm 2009 |