Home Văn Học Tùy Bút Những dòng sông đẹp

Những dòng sông đẹp PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳnh Giao   
Thứ Năm, 18 Tháng 6 Năm 2009 04:12

Người viết vừa đi nghỉ Hè hơn một tuần trên hai con sông miền Nam nước Pháp, là sông Saône và sông Rhône. Chuyến đi bắt đầu từ tỉnh Lyon, thành phố lớn thứ nhì của Pháp sau Paris, và cuối cùng là Arles, nơi Van Gogh ở 435 ngày và vẽ trên hai trăm bức tranh.

 Quỳnh Giao không nói về địa danh hay danh lam thắng cảnh của những nơi mình đi qua. Mục này đã có ông Trịnh Hảo Tâm, một chuyên gia về du lịch đã tường tận chỉ dẫn chúng mình rồi. Có lẽ là những bài viết của ông càng khiến chúng ta muốn đi muốn thấy và muốn hiểu xa hơn nhiều hơn.

 Bây giờ, sau khi đi chơi và sống trên sông nước suốt một tuần, người viết bỗng bâng khuâng nhớ về sông nước và những dòng sông mình đã đi qua...

 Có ai đó đã nói rằng “dòng sông là những con đường biết đi, nó dẫn mình đến những nơi mình muốn tới...” Nhưng nếu mình muốn trở lại thì sao?

 Cách đây hai năm, Quỳnh Giao đã nghỉ hè một tuần trên sông Danube, đi từ tỉnh Passau của Ðức đi qua nước Áo, và điểm cuối cùng là thành phố Budapest của Hung Gia Lợi. Sông Danube rộng và sâu hơn hai con sông miền Nam nước Pháp. Người viết để ý thấy là sông càng to, nước càng đục. Ðoạn đẹp nhất của con sông chính là lúc đi qua ngôi làng Durntein của Ðức, nước sông trong trẻo nhờ in hình thành quách rêu phong ở hai bên bờ. Khá sạch là đoạn chạy qua Hung, khi chia hai thành phố Buda và Pest. Hai mạn Ðông và Tây được bắc ngang bằng một cây cầu thơ mộng.

 Ngoài ra, suốt dọc đường nước sông Danube đục ngầu, nhất là khi đến Vienne!

 Hóa ra con sông nổi tiếng là nhờ lời ca tụng của Johann Strauss trong bài Le Beau Danube. Nếu không có nhạc khúc bất hủ ấy, Danube chỉ là một con sông lớn và dài, chẳng trong xanh như chúng ta thường hát hay thường nghĩ.

 Cũng là khác biệt giữa mộng và thực, mà những ai đã thăm đảo Capri trong Vịnh Napoli của Ý Ðại Lợi đều có thể hiểu sau khi nghe Tino Rossi hát “C'est à Capri”... que je t'ai rencontrée, theo nhịp Tango óng ả, hoặc sau này nghe Hervé Villard kêu gào “Capri, C'est Fini!” Nghe vậy mà không phải vậy.

 Nói đến Danube xanh lơ trong mộng thì mình lại nhớ đến những dòng sông ta muốn trở về, như “Dòng An Giang” của nhạc sĩ Anh Việt Thu.

 Dòng An Giang sông sâu sóng biếc,

Dòng An Giang cây xanh lá thắm...

 Và nhất là nhớ lời một người phụ huynh học sinh đã từng đi qua dòng An Giang và cả dòng Danube, “Danube không bằng dòng An Giang của mình cô ạ! Nhất là khi đi trực thăng nhìn xuống từ trên cao mới thấy hết cái màu trong xanh, nhìn thấy tận đáy!...”

 Rồi mình bồi hồi nhớ câu hát về Cửu Long Giang của Phạm Duy:

 Cửu Long Giang, gió về vui trên sóng sông

Uốn quanh như chín con rồng, ôm chặt đứa con...

 Dương Thiệu Tước cũng có một sáng tác ca vịnh dòng Cửu Long lấy tên “Bến Nước Cửu Long” gần hay bằng bài “Bến Xuân Xanh”. Cũng trên nhịp điệu luân vũ, dìu dặt, óng ánh như sóng nước. Chỉ tiếc là bài này ít được người hát, nay đã mai một. Ngày nay thì chỉ còn nhớ đến nhạc thôi vì bài hát rất dài. Mỗi khi nhắc đến ca khúc này thì Kim Tước nhớ một đoạn, Mai Hương nhớ một đoạn, và Quỳnh Giao nhớ một đoạn, ráp lại vẫn không đủ cả bài... Tiếc lắm thay!

 Còn dòng Hương Giang của mình nữa, nước đẹp và trong, mà hình như có cả hương nữa. Nếu không, làm sao nhạc sĩ Lê Hữu Mục viết được câu,

 Mùa hương hẹn đến khi về

Lòng xanh còn in trời Huế... 

Bao giờ hát đến câu trên, với lời gặng hỏi chất ngất, chúng ta lại thấy con tim se sắt vì nỗi sầu mênh mông. Cảnh đẹp hữu tình là vậy. Chả trách mà các thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, ai cũng có nhắc đến một dòng sông thuở nhỏ của riêng mình.

 Nói đến sông, thì lại nhớ đến... cây cầu.

 Chuyến đi lần này, ngoài sự háo hức được thấy cảnh sông nước và những đồi nho thoai thoải, nơi sản xuất loại rượu trong vùng Côtes du Rhône, người viết hí hửng chờ đợi được nhìn thấy cái cầu mà ngày còn là nhi đồng, mặc áo đầm xòe múa hát với chúng bạn học lớp đồng ấu,

 Sur le pont d'Avignon.

On y danse, on y danse.

Sur le pont d'Avignon,

On y danse tout en rond...

 Sau này, được nghe lại một ca sĩ loại “lão thành” của Pháp, là Jean Sablon, hát bài đồng dao này với nhịp điệu rất nhí nhảnh thì mình thấy câu cầu của Avignon đã có vẻ gần gũi lắm. Cũng lại là mơ nữa vì đến tận nơi, thấy cây cầu Avignon nhỏ xíu, dìu hiu, vắng vẻ. Chỉ có toàn du khách đứng chụp hình.

 Trí tưởng của trẻ thơ phong phú quá, khiến nó cứ nghĩ rằng trên cầu là thôn nữ mặc y phục cổ truyền nhảy múa vũ điệu đồng quê. Với những người chưa được tới Nội Duệ Cầu Lim ở miền Bắc thì cầu Avignon là một hình ảnh đẹp của làng xã bên Tây. Khốn nỗi, dân làng nay là dân tỉnh mất rồi...

 Ðẹp nhất ở Avignon chính là lâu đài gọi là Château des Papes, xây từ thế kỷ thứ 15, rất huy hoàng, tráng lệ. Thế mới biết ngày xưa các nhà tu lên tới cấp ấy quả là sướng thật. Ðầy quyền uy và sống xa xỉ. Từ đó miên man nghĩ khi được nhấp ly rượu hổ phách là nhiều thứ rượu ngon lại do các nhà tu cất lên cho chúng ta!

 Trở về với hai con sông miền Nam nước Pháp, người viết cũng thấy con sông Saône, nhỏ và đẹp hơn sông Rhône. Và sông Rhône thì nhỏ và đẹp hơn Danube. Khi nghe mình nói vậy, ông thuyền trưởng đứng bên cạnh bèn khuyên, “Lần tới cô nên đi chơi những vùng trên sông Neckar, Ðức Quốc. Ðó là con sông đẹp nhất trong đời làm thuyền trưởng của tôi. Sông nhỏ thôi, nhưng thơ mộng lắm.”

 Người viết vốn không thích biển, sau 1975 lại càng không thích. Mà chỉ thích sông, và càng lớn tuổi càng thích những dòng sông nhỏ. Sẽ có ngày chỉ thích những dòng suối không tên...