Home Văn Học Tùy Bút Truyện một người Mỹ gốc Việt-......Minh

Truyện một người Mỹ gốc Việt-......Minh PDF Print E-mail
Tác Giả: Thầy giáo làng   
Thứ Năm, 21 Tháng 5 Năm 2009 04:26

Người Việt nam mình bây giờ có mặt ở khắp nơi ,có người Pháp,người Mỹ ,người Canada....gốc Việt.Chính sách đổi mới của Đảng và Chính phủ coi những người Việt xa xứ đó cũng như mọi người VN ở trong nước .Họ được tự do về thăm quê hương lúc nào cũng được ,lại còn được mua nhà đất,có sổ đỏ hẳn hoi.Các ca sĩ nổi tiếng ở Hải ngoại như Hương Lan,Elvish Phương,Đức Huy ...gần như có mặt thường xuyên ở trong nước.Họ còn có mặt cả trên những chương trình "Duyên dáng VN" đi biểu diễn ở Singapour,Australia .

Rồi đến ông Nguyễn cao Kỳ,nhân vật số 2 của chính quyền Saigon ngày trước cũng đã trở về,đem tiền bạc đầu tư vào khu Du lịch Tuần châu Rồi cả đến ông nhạc sĩ già Phạm Duy cũng đã trở về. sau hon 50 năm lưu lạc xứ người vì ông đã từng hát;"Tôi yêu tiếng nước tôi"từ khi ông mới ra đời ,giờ đây,trong những năm tháng cuối cùng của đời mình ,ông muốn trở về để được nghe,được nói,được hát thứ ngôn ngữ đó.
 
Câu chuyện chúng tôi sắp kể hầu các bạn đọc dưới đây lại là chuyện của một người Mỹ gốc Việt -Minh nghĩa là một người trước đây đã từng là một anh Vệ quốc quân,một anh Bộ đội cụ Hồ,đã từng có mặt ở Đông khê,Tây-bắc,rồi cả Điện biên phủ nữa.Anh từng có niềm vinh dự được là người chỉ huy trung đội công binh kéo lá cờ Chiến thắng của Quân đội ta lên đỉnh cột cờ Hà-nội ngày 10-10-1954.Tó m lại anh đầy đủ tư cách để tự hào là người chiến thắng trong cuộc Kháng chiến lần thứ nhất của dân tộc ta.Thế mà cách đây hơn một tháng,tháng 9-2008 anh đến thăm các bạn bè cũ với tấm hộ chiếu Hoa-kỳ,công dân Mỹ thứ thiệt mới là chuyện đáng nói chứ.

Vì những lý do tế nhị,ta cứ gọi anh là anh Vĩ,một cái tên như mọi cái tên khác của người VN mà ta vẫn thường gặp.Năm 19 tuổi ,sau khi đậu bằng Tú tài ban Toán<ngày đó gọi là bằng Trung học chuyên khoa>ở trường Trung học Kháng chiến Đào dã,anh đã tạm xếp bút nghiên để lên đường trực tiếp chiến đấu trong binh chủng Công binh.Trong cuộc đời binh nghiệp của mình ,anh đã tham gia nhiều chiến dịch mà đáng kể nhát là chiến dịch Biên giới năm 1950 với trận đánh đồn Đông khê với một kỷ niệm khó quên là sau khi quân ta giải phóng Đông khê,bộ đội của anh lấy được một mớ chocolat mang về và nói với anh là:"sao cái bọn Tây ở đây lại phải ăn cả đất thó?"Vốn là người thích chocolat từ ngày còn ở Hà nội,anh cười mà nói:"các cậu cứ để mớ đất thó ấy lại đây,ban chỉ huy sẽ giải quyết".Sau đó anh tập hợp anh em lại và giải thích cho họ hiểu công dụng của mớ "đất thó "cho anh em rõ.Hồi ấy đa số bộ đội ta đều xuất thân từ nông dân,làm sao họ biết chocolat là cái gì .

Trong chiến dịch Điện biên phủ,trung đội do anh chỉ huy được tham gia trận đánh bộc phá ở đồi A1.Mỗi khi nhge báo chí nói về khối bộc phá dùng trong trận đánh nặng 100Kg,anh cười mà nói với bạn bè sau này là thực ra,nó chỉ nặng 99Kg thôi và anh giải thích là ngày ấy bộc phá thường được gói thành từng gói 1 Kg một mà bộ đội thường gọi là bánh khảo.Trên đường vào trận địa,anh em đánh rớt mất 1 cái bánh khảo,do đó lúc đánh đồn thì tổng số bánh khảo chỉ còn 99 gói mà thôi.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết,chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô,đơn vị anh được phân công kéo lá cờ Chiến thắng của Tổ quốc lên đỉnh cột cờ Hà nội.Để hoàn thành tốt công tác này,trung đội anh được về đóng ở ngoại thành Hà nội trước khoảng một tuần lễ.Trong tuần lễ đó,theo lời anh kể lại sau này thì,vì đóng quân ngay ở ngoại thành Hà nội nên đêm nào anh cũng ngồi ngắm ánh đèn toả ra từ các phố phường của Thủ đô,lòng cồn cào nỗi nhớ Hà nội mà mình đã rời xa từ 9 năm về trước.Anh có rất nhiều người thân có cửa hiệu hiệu buôn bán ở ngay Hàng Đào,nếu không tôn trọng kỷ luật Quân đội,anh có thể về thăm họ chốc lát rồi sau đó lại về đơn vị,chắc cũng không ai biết,nhưng anh đã không làm như thế.Sau khi Thủ đô hoàn toàn giải phóng anh trở về gia đình thì chỉ còn gặp lại một bà dì ruột.Bà nói bố mẹ anh chờ mãi không thấy anh về nên đã xuống tầu vào Nam từ mấy hôm trước rồi.

Thế là từ ngày đó,ngoài nỗi đau không được gặp gia đình sau gần 9 năm xa cách ,anh còn chịu thêm nỗi buồn của một người có gia đình đi Nam,nỗi buồn đó cũng đồng nghĩa với việc mình sẽ bị cấp trên nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm và hiển nhiên là con đường tiến thân của mình sẽ bị chậm lại.

Biết mình không thể ở lại lâu dài trong Quân đội được,anh cùng một số bạn cùng cảnh ngộ như "Đệ giặc",và cả tôi nữa,những người mà trước đây đã có bằng Tú tài trước khi "tạm xếp bút nghiên ",bèn xin được về cầm bút trở lại. Xét thấy nguyện vọng của chúng tôi cũng chính đáng,vả lại quân đội đang được chính quy hoá,muốn là sĩ quan phải là Đảng viên,mà việc kết nạp chúng tôi lúc này,những người có gia đình vào Nam ,chắc là sẽ vô cùng khó khăn,nên cấp trên cũng đồng ý .Thế là Vĩ và Đệ vào học trường Đại học Bách khoa,còn tôi và một số anh em khác thì vào trường Đại học Sư phạm.

Sau 3 năm sống đời Sinh viên,tôi ra trường làm thầy giáo cho đến lúc về hưu ở tuổi 60,và con đường công danh của tôi cũng không có gì đáng nói,tuy nó cũng gập ghềnh và "khóc cười theo vận nước nổi trôi "như một câu hát quen thuộc nào đó.

Nhưng cuộc đời của Vĩ ,sau 4 năm ở trường Bách khoa ra thì có nhiều điều đáng kể,mà sau khi được anh cho phép,sau chuyến gặp gỡ vừa qua,tôi sẽ xin được kể ra dưới đây để ,vừa để các bạn hiểu về cuộc đời của một con người,mà lẽ ra ,nó phaỉ suôi chèo mát mái như nó vốn phải như thế đối với những người đã hy sinh một phần tuổi trẻ của mình cho đại cuộc,và cũng để giải toả giúp anh tránh khỏi những ngộ nhận mà anh phải chịu trong mấy chục năm qua.

Vâng ,nếu như mỗi con người chúng ta ,ai cũng sinh ra dưới một ngôi sao chiếu mệnh thì tôi có thể nói Vĩ sinh ra dưới một ngôi sao rất xấu.Thực vậy,ở Bách khoa anh đã được đào tạo về ngành tầu biển,thế mà khi ra trường vào năm 1961,người ta lại phân công anh lên Tây Bắc công tác .

Các bạn có biết anh đã phản ứng ra sao trước sự phân công chéo ngoe đó không?Anh đã viết một bản tường trình mà anh gọi là tờ "sớ"nói rõ quá trình công tác và đào tạo của mình cùng nguyện vọng được công tác đúng với ngành nghề mình được đào tạo.Rồi anh đến trước Văn phòng làm việc của Thủ tướng Phạm văn Đồng ,quỳ ở đó với tờ sớ đội trên đầu.Sự việc trên kéo dài đến ngày thứ ba thì xe hơi của Thủ tướng đi qua.Đích thân ông xuống xe nhận tờ "sớ" và hứa 3 ngày sau sẽ trả lời anh.

Anh về nhà,hồi hộp đợi chờ.Nhiều người nói:rồi sự việc cũng rơi tõm vào quên lãng mà thôi,ai hơi đâu mà đọc những thứ đơn từ như vậy.Mà có khi còn mang vạ vào thân nữa.Riêng anh,anh vẫn tin,dù sao thì Thủ tướng cũng là một nhà trí thức trước khi đi làm Cách mạng,ông sẽ thông cảm với nguyện vọng chính đáng của anh:được cống hiến cho Đất nước theo đúng ngành nghề được đào tạo.Quả nhiên,ba ngày sau đó anh nhận được thư của Thủ tướng mời anh đến Văn phòng ông làm việc để giải quyết vấn đề.Anh tới nơi thì được Thủ tướng tiếp đón rất lịch sự.Ông hỏi anh trước đây ở đơn vị nào trong quân đội,đã tham gia những chiến dịch nào...Sau cùng ông nói:Để anh ở lại Hà nội,ông cũng có thể làm được,nhưng như thế sẽ trái với chuyên môn của anh là ngành tầu biển.Vậy ông sẽ can thiệp để Tổ chức của trường Bách khoa phân công anh về Hải phòng công tác.Anh mừng rỡ quá đứng ngay dậy mà nói vô cùng biết ơn Thủ tướng.Thủ tướng xua tay cười nói:Đồng chí hãy cảm ơn chính mình thì hơn,nếu đồng chí chưa có một quá trình đóng góp cho Tổ quốc như mình đã làm thì bản thân tôi cũng không thể giải quyết như đã làm được.Thôi đồng chí về chuẩn bị để tuần sau có thể về Hải phòng nhận công tác.

Và thế là anh Vĩ trở thành một cán bộ của xưởng sửa chữa tầu biển Hải phòng từ đó <1962> cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng<30-4-1975>.

Vì hoàn cảnh công tác cứ phải luôn luôn nay đây ,mai đó cho nên cho đến tuổi ngoài 40 mà anh vẫn chưa lập gia đình.Trong cuộc đời anh,ngoài những lúc bận rộn với công việc ra,có lẽ niềm say mê nhất là dành cho âm nhạc.Anh sưu tập được hầu hết các bản nhạc cổ điển nổi tiếng như các bản giao hưởng của Beethoven,Mozart. ..,các concerto của Tchaicópky,Rachmanin op....rồi các bản nhạc nhẹ nổi tiếng của các ban nhạc The Beatles,Bee- Gees...Đó là lý do chính để anh vẫn thuộc binh chủng Phòng không cho đến ngày đất nước Thống nhất

Đất nước thống nhất,Bắc Nam đã nối liền,tình cảm gia đình mà mấy chục năm qua,anh cố ghìm nén đi do đất nước chia cắt,nay đã đến lúc bùng phát dữ dội.

Nhưng những ngày tháng đầu tiên của niềm vui đó,không phải ai cũng được đi thăm thân nhân sống trong vùng mới giải phóng.Ưu tiên số 1 phải dành cho các các bộ tiếp quản miền Nam.Tiếp đó là các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954.Người miền Bắc có gia đình di cư vào Nam,dù có là cán bộ từng tham gia Kháng chiến nữa cũng chưa thể có được cái may mắn vào Nam thăm gia đình vào thời điểm đó,đó là thời điểm rất nhậy cảm mà trong nhân dân có câu nói đùa:"miền Nam nhận họ,miền Bắc nhận hàng".Những người có được cái may mắn vào Saigon thời gian đó,khi trở ra Hanoi mang theo những thứ mà chỉ 1 năm trước thôi ,người Hanoi có nằm mơ cũng chả bao giờ thấy.Nào là xe máy Honda<xe máy sang nhất của dân Hanoi trước đó chỉ là chiếc Babetta của Tiệp khắc>,rồi quạt máy Mitsubitsi của Nhật,những chiếc quạt mà đem để cạnh chiếc quạt tai voi của LX,thì chiếc sau này chỉ có nước mà khóc thét lên.Dân mê nhạc như anh Vĩ thì không thể nào bỏ qua được những dàn máy âm thanh nổi như Akai,Teac... Chính những cái dàn máy này,ngày đó đã làm một cuộc giải phóng ngược lại:giải phóng miền Bắc khỏi những bài hát sặc mùi chiến tranh chém giết..Những bài hát :Anh vẫn hành quân,Sẵn sàng bắn,Không cho chúng nó thoát...từ lâu đã làm mọi người quá mệt mỏi,rã rời,bỗng dưng biến đâu hết cả mà đi đến đâu,từ khu Ba đình uy nghiêm,với những ngôi biệt thự của các quan chức cao cấp,đến khu Hoàn kiếm thương mại với những cửa hiệu buôn bán sầm uất ....đâu đâu người ta cũng nghe thấy tiếng cô Khánh Ly rót mật vào tai mọi người với những tình khúc của Trịnh công Sơn như Diễm xưa ,Biển nhớ ,Như cánh vạc bay....Ở những khu phố bình dân hơn,nơi cư chú của đám tiểu thương,xích lô,ba gác như ngõ Quỳnh,ngõ Mai Hương....thì lại có "Thành phố buồn"với tiếng hát Chế Linh,Anh không chết đâu anh của Trần thiện Thanh,rồi đôi song ca chuyên hát "nhạc sến"Hùng cường,Mai lệ Huyền...Có thể nói mọi từng lớp,mọi giai tầng,từ quan cho chí dân,sau ngày Giải phóng miền Nam mời sực nhớ ra rằng,ở trên đời này,ngoài chiến tranh,chém giết...còn có nhiều điều khác cũng cần được ca ngợi như Tình yêu,nỗi nhớ....Trước chiến tranh,ở miền Bắc chúng ta đã từng có những bài hát như thế,thậm chí còn hay hơn thế với những nhạc sĩ tài hoa như Văn-Cao,Đoàn-Chuẩn,Tô- Vũ ...Bây giờ họ ở đâu,làm gì???

Tuy Saigon đã được giải phóng nhưng Miền Nam vẫn còn là một thể chế khác:"Công hoà miền Nam Việt nam".Hai miền vẫn còn lưu hành hai thứ tiền tệ khác nhau với một tỷ giá có lợi cho đồng tiền của miền Bắc.Nhiều câu chuyện được kể ra nghe như chuyện đùa:Bốn ông cán bộ miền Bắc vào Chợ lớn ,đến nhậu ở một nhà hàng của một ba Tầu với đủ món cao lương mỹ vị như ba ba tần,bào ngư,yến sào..về đồ uống thì toàn rượu ngoại như Napoleon,VSOP. ..Lúc tính tiền,chủ hàng lễ phép nói:Dạ xin mấy anh cho 4 tờ Cụ Đỏ ạ<bốn chục đồng tiền Bắc lúc đó>thấy quá rẻ,một anh hỏi lại :ông không tính lộn đấy chứ.Chủ hàng lễ phép thưa:Dạ,không lộn đâu ạ.Mấy anh bước ra khỏi nhà hàng mà ngỡ như mình nằm mơ.Ở Hanoi ,một chầu nhậu như thế họ chắc họ đã phải trả gấp nhiều lần.

Tất cả những câu chuyện như thế đã làm cho dân miền Bắc,những người có thân nhân sống ở miền Nam cứ như lên cơn sốt.Những người mà trước đây ,do muốn vào Đảng,muốn được lên lương,lên chức nên đã giấu biến chuyện có người nhà đi Nam,nay lại khai tông tốc ra hết người thân này đến người thân khác hiện đang sống ở Saigon...

Anh Vĩ của chúng ta thì chả có gì phải giấu ai về chuyện có Bố,mẹ,anh em đi Nam từ năm 1954,những cái đó anh đã khai hết trong lý lịch của mình trước khi ra khỏi Quân đội để về đi học.Tuy nhiên anh vẫn chưa được có giấy phép vào Nam vì lý do đã nói ở trên.

Có cầu ắt phải có cung,quy luật Kinh tế muôn đời mà.Thấy mọi người xếp hàng mãi mà chẳng đến lượt một số người vốn rất nhậy bén chuyện làm "áp phe"bèn làm ra những giấy phép giả để bán cho những ai quá sốt ruột.Anh Vĩ của chúng ta đã có mặt ở Saigon vào tháng 9-1975 bằng tờ giấy phép giả đó.

Gặp lại cha mẹ và những anh chị em khác,anh Vĩ lại có những ngày hạnh phúc như ngày xưa,khi chiến tranh chưa sẩy ra,chỉ có một điều làm mọi người luôn suy nghĩ là tại sao ,đã ngoài 40 tuổi mà anh Vĩ vẫn chưa "yên bề gia thất"

Với sự manh mối của cô em gái,năm 1982 anh Vĩ cưới vợ ở Saigon.Vợ anh là một cô giáo dậy Anh văn ở trường Đại học Saigon.Cô tên là B.S,đã từng có những năm tháng tu nghiệp tại Florida,Hoa kỳ cùng với em gái của anh Vĩ.

Thời gian này anh đã xin thôi công tác tại Hải phòng để có điều kiện gần gũi gia đình riêng của mình.Cơ quan cũ của anh không đồng ý với quyết định đó của anh,họ coi như anh tự ý bỏ nhiệm sở.Vì vậy một thời gian dài sau đó,anh đã không có hộ khẩu chính thức tại Tp Hồ chí Minh.

Như ở trên tôi đã nói,anh Vĩ sinh ra dưới một ngôi sao xấu,vì vây ,cuộc sống lứa đôi của anh không kéo dài được bao lâu .Chung sống với nhau được bốn năm năm gì đó.năm 1988,chị BS qua đời sau một cơn đột quỵ.Ngày đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng,đám sinh viên nữ nức nở khóc như đám con khóc mẹ.Khi đến chia buồn cùng anh Vĩ,tôi chỉ còn biết nắm chặt bàn tay anh mà không nói được gì,vì lẽ mọi lời chia buồn với anh lúc này đều như vô nghĩa trước nỗi đau không gì bù đắp nổi của anh.Ngoài 40 tuổi mới có được hạnh phúc lứa đôi,ăn ở với nhau chưa được mặt con nào,chị đã bỏ anh mà ra đi tức tưởi,.

Các bạn thử hình dung ra xem có nỗi đau nào lớn hơn thế không.

Kể từ đó anh sống mà như cái bóng của chính mình vậy .Người khác thì chắc là sẽ tìm đến rượu để dìm nỗi đau của mình vào đó.Nhưng anh không làm thế.Để quên đi nỗi cô đơn,anh đọc sách.Vốn Anh văn sẵn có từ trước,nay được anh làm cho nhuần nhuyễn nhờ ở những sách tiếng Anh do chị BS để lại mà ngày nào anh cũng lấy ra đọc với mục đích tìm laij hình bóng chị qua những trang sách đó.Ngoài ra anh còn làm thơ,trong đó có bài "Em ở miền hoa,anh Điện biên".Chữ miền hoa anh giải thích là trước đây chị tu nghiệp ở bang Florida,Hoa kỳ.Thời gian này,tôi cũng đã về hưu,do đó có thời gian gặp gỡ anh luôn.Cứ chiều chiều,chúng tôi thường ra một quán nước ở đầu cầu Lê văn Sĩ để vừa uống bia,vừa đọc cho nhau nghe những vần thơ mà anh viết để giết thời gian.Chúng tôi gọi đó là những buổi đi ngắm chiều phai

Năm 2000,với chính sách đổi mới của nhà nước,anh được sang Mỹ thăm mấy người em đã sang định cư bên đó từ nhiều năm trước. Việc đi Mỹ của anh Vĩ cũng không mấy đơn dản như những trường hợp khác.Lý do là như sau:tuy đã có hộ chiếu do phía VN cấp nhưng phía Mỹ đòi hỏi anh phải có tài sản như nhà cửa hay tiền gửi nhà băng.,coi như khoản tiền thế chấp Họ sợ anh sẽ ở lại Mỹ như một số người khác đã làm trước đó.Về sau các em anh phải gửi một giấy mời anh sang dự một Hội thảo Khoa học,họ mới đồng ý cấp visa.Chia tay anh ở sân bay Tân sơn nhất,anh hẹn tôi sẽ lại tái ngộ nhau sau nhiều nhất là 6 tháng.Thế mà năm 2000 qua đi,rồi năm 2001 cũng đã qua mà chúng tôi chưa được gặp lại anh.Trong thư gửi về,anh nói có một số công việc nội bộ gia đình cần giải quyết xong sẽ trở về.

Giữa năm 2003,đám bạn bè thân của anh nhận được một bức thư dài của anh,,trong đó anh báo tin mừng anh vừa tục huyền.Kèm theo thư,còn có cả thiệp Báo hỉ mà qua đó chúng tôi mới biết người vợ mới của anh chẳng phải ai xa lạ ,mà chính là cô BL,em ruột chị BS,người vợ trước của anh.Tất cả chúng tôi,ai cũng vui mừng vì tin này vì ai cũng nghĩ là cuộc đời anh đã sang trang,qua cơn bĩ cực,giờ đây đã đến tuần thái lai

Tuy nhiên,không biết cuộc hôn nhân thứ 2 này có đem đến cho anh hạnh phúc không mà đầu năm 2004,qua một lá thư anh gửi về cho bạn bè,anh nói anh sẽ về lại VN vào năm 2008 và sẽ không sang Mỹ lại nữa.Lý do anh nêu lên chỉ đơn dản là anh không hợp với nếp sống Mỹ.Anh nói Mỹ là một đất nước mà ta chỉ nên đứng xa mà ngắm nó thôi,không nên sống trong lòng nó.Kèm theo thư anh có làm mấy câu thơ sau đầy chán chường:

Le cours de ma vie

n'est qu'une suite infinie

d'illusions perdues

............ .

Tạm dịch là:

Cuộc đời tôi chỉ là một chuỗi bất tận những ảo ảnh...

Rồi năm 2008 đã sắp qua,chúng tôi được anh báo qua điện thoại rằng anh đang ở Hà nội và sẽ vào Saigon vào đầu tháng 10-2008.Không thấy anh nói đến chuyện về hẳn hay về thăm lại VN rồi lại đi?

Thế rồi chúng tôi lại được mặt nhìn mặt,tay cầm tay sau tám năm trời xa cách.Cả anh và vợ anh,chị BL,không ai nói đến chuyện sau kỳ về nước này thì những ngày kế tiếp,anh chị sẽ ở lại VN hay lại sang Hoa kỳ.Mà chúng tôi cũng không dám hỏi vì nếu ở lại thì việc đó sẽ là một quyết định rất táo bạo , giờ đây họ đã là 2 công dân Mỹ,mang hộ chiếu Hoa kỳ,muốn trở về quốc tịch VN,họ lai phải trải qua những thủ tục không mấy đơn dản.

Cho đến một hôm,vì thấy hai người đi mua quá nhiều sách báo,đĩa nhạc mà họ nói là rẻ hơn bên Mỹ rất nhiều,tôi đánh bạo hỏi:Sao trước đây anh chị nói là sẽ về định cư hẳn ở VN,thế thì mua làm gì lắm thứ thế?Lúc đó anh mới cười và nói:Trước thì định thế đấy,nhưng sau hơn một tháng ở nhà thì bọn mình đổi ý rồi.Tôi có hỏi một việc quan trọng thế mà chỉ quyết định sau một tháng thôi sao?
Anh Vĩ buồn rầu nói:Mình thèm cái không khí yên tĩnh,thanh thản của VN trước đây,ở thế kỷ trước ấy.Về đây mới thấy ở VN bây giờ cũng chạy theo lối sống Mỹ,cũng chụp giật,ồn ào,nhiều cái còn quá bên Mỹ ấy.Cứ mở Tivi ra xem là thấy ngay,từ âm nhạc đến ăn mặc...cái gì cũng chỉ là một sự sao chép vụng về của lối sống Mỹ,thế thì bạn thử nghĩ xem,mình về làm gì nữa.Cuộc sống của bọn mình trong gần chục năm qua,ở Mỹ,dù sao cũng thành một nếp sống quen thuộc rồi,thay đổi nó đi đâu có dễ.Mà cuộc đời chúng ta đâu có còn lâu dài gì mà thay đổi.

Đoạn anh tặc lưỡi nói:

Thôi "Advienne que pourra"<đến đâu hay đấy>

nếu trời cho còn khoẻ mạnh thì vài ba năm bọn mình lại về thăm quê hương,,thăm bạn bè một lần vậy.

Ngày anh Vĩ và vợ ra sân bay để về lại Mỹ,toàn thể thân nhân và bè bạn đều có mặt để đưa tiễn hai vợ chồng anh .Khi bắt tay chúng tôi anh nói :Tạm biệt.Riêng với tôi thì anh thì thầm vào tai tôi câu hát quen thuộc trong bài "Blue Spanish eyes" mà ngày trước,khi còn ở VN,chúng tôi cùng thích nghe:

...this is just "adios"and not "good bye"

Anh gượng cười nhưng tôi lại thấy:

...tear drops are falling from his eyes

Tôi vội quay đi vì không muốn cho trái tim đàn ông của mình phải mềm yếu trước mắt bao người quen,giữa thanh thiên bạch nhật.

Riêng tôi nghĩ,,với tuổi tác và sức khoẻ của thế hệ mình,tôi không hy vọng sẽ còn có dịp nào để cùng anh nghe Engelbert Humperdinck hát lại câu :

...soon i'll return,bringing you all the love your heart can hold...

Dù sao tôi cũng vẫn xiết chặt tay anh mà nói:"See you next time"

Saigon,cuối Thu 2008.
 
Thầy giáo làng