Home Văn Học Tùy Bút Tạp Ghi Tháng Tư

Tạp Ghi Tháng Tư PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phàm Nhân   
Thứ Bảy, 02 Tháng 5 Năm 2009 09:01

     Tôi tìm chỗ đậu xe, cầm tờ báo bước vào quán. Nghe tôi về, hai anh bạn điện thoại hẹn tôi đúng ngọ đến đây dùng bữa trưa. Tôi nhìn đồng hồ, còn sớm chán. Ngồi đây, gọi ly cà phê đá, đọc báo chờ bạn già, còn khỏe hơn là lái xe vòng vòng Little Saigon, để điếc lỗ tai với chiếc radio đầy những quảng cáo nói nhanh dồn dập.

Rước Trung cộng vào cao nguyên Việt Nam.

Vừa nhâm nhi cà phê, tôi vừa lai rai đọc báo chờ hai ông bạn già. Tin trang nhất: Hoa kiều từ Trung cộng có quyền thong thả đi lại khắp cõi Việt Nam, không cần có visa, vì thỏa thuận “hợp tác toàn diện” giữa hai nhà cầm quyền Hoa Việt. Và để cho sự hợp tác được thêm phần chặt chẽ (!), Trung cộng đang đưa hơn chục nghìn công nhân, với đầy đủ trang bị, cơ giới, với “thành phần an ninh” sang lập công trường tại vùng Đắc Nông trên cao nguyên nước Việt, để khai thác quặng mỏ “bô-xít”.

Người ta còn nhớ, nhiều năm trước đây, Võ văn Kiệt cho xúc tiến mạnh việc xây đắp xa lộ trường sơn xuyên cao nguyên, với sự giúp công của Trung cộng. Lúc bấy giờ, không ai biết vào thời bình, xây xa lộ này để làm gì. Bây giờ đây mới vỡ lẽ: hàng đoàn công voa của Trung cộng vượt trường sơn vào công trường Đắc Nông, để sẽ chở quặng mỏ “bô-xít” về Tầu chế tạo nhôm. Rừng núi cao nguyên Việt Nam sẽ bị khai quang, ủi bằng, đào xới, hết còn trồng trọt được. Môi sinh nơi đây sẽ vĩnh viễn bị ảnh hưởng nặng nề ... Từ sau đệ nhi thế chiến đến nay, Trung cộng tuần tự đặt chân vào Thượng Lào, Tây Tạng, Nepal, Bhutan, Miến Điện và vùng biên giới Hoa Việt. Có nơi nào lính tầu đặt chân đến rồi, lại chịu dễ dàng rút bỏ đi chưa? Và lần này đây, dân quân Trung cộng được cộng sản Việt Nam đón mời vào sâu mãi tới cao nguyên trung phần Việt Nam! Chúng ta hẳn chưa quên câu nói của nhiều nhà quân sự: “Ai kiểm soát cao nguyên Trung phần, thì kẻ đó sẽ kiểm soát Việt Nam”.

Tin giờ chót: Nguyễn Tấn Dũng vừa từ chức thủ tướng. Và dự án công trình khai thác mỏ quặng “bồ-xít” đã được đình chỉ. Gần đây nhất, cứ hỏi thầy trò Nguyễn Cao Kỳ và nhà thơ PH, tác giả tập thơ “Chiện tụi mình”, xem chuyện việt cộng có dễ tin được hay không?. Nhất là, tin sốt dẻo giờ chót này, lại được tung đi đúng vào ngày “cá tháng tư” nữa ...

Chuyện dài ... lãnh đạo lính ...

Lật vào trang trong, lại có tin một chuyện dài: chị nữ nghị viên Madison Nguyễn, thành phố San Jose, tiểu bang Cali, vừa thoát hiểm, không bị bãi chức. Nàng ta bèn cùng tất cả tùy-tùng và ủng-hộ-viên đi ... “party” khao quân. Bằng các phương tiện khác nhau, tin tức từ San Jose được loan đi, là có ông Chủ Tịch chóp bu tập thể Cựu Kaki đến dự, và bắt tay bắt chân với người nữ. Hay tin này, ông giáo sư chủ tịch bèn đích thân ra thư, khẳng định là “tuyệt đối không có chuyện bắt tay chào hỏi”. Và bên dưới ký tên ... có chức tước giáo sư ... đàng hoàng!

Chẳng đặng đừng, ông nhà báo nọ bèn cho phổ biến tấm hình ông giáo sư bắt tay bắt chân người nữ. Chạy trời không khỏi nắng, ông giáo sư ta lại bèn ra thư nữa. Lần này ông giáo sư nói là ... là “vì phản ứng tự nhiên mà tôi có bắt tay, nhưng tôi thật tình không có lộ ra một chút nào về sự welcome cô này” ... Bên dưới lại ký tên, có chức tước giáo sư giáo siếc đuỳnh huỳnh, một lần nữa! Báo hại ông nhà báo lại phải phóng lớn tấm hình bắt tay, và cho phổ biến lại. Lần này ảnh phóng lớn ra, rõ ràng là ... danh nhân có nhiều chức tước nhất trong cõi tị nạn ... xiết tay con nhà người ta ... muốn sụm mấy ngón luôn! Thú thật, anh em kaki cũng “pro” ông giáo sư lắm, chỉ vì cái tuổi tác của người già mà thôi, theo tập quán phương đông, chứ không hề vì cái chất lính của ông ... Anh em chỉ mong rằng, câu chuyện trên đây rốt cuộc chỉ là mấy tấm ảnh ghép cho vui mà thôi, nhân dịp cá tháng tư. Được vậy, thì hay ho biết mấy. Nhưng mà, ông giáo sư đã hai lần lên tiếng, với chức tước trang trọng cẩn thận!

Con cá nó sống nhờ nước. Ông lắm chức sắc này, sống vì ... chức tước. Tiếc rằng, chỉ với một chuyện lặt vặt này thôi, dù có mang bao nhiêu bằng cấp hay chức tước trên người, hỏi chứ có giúp ích được gì ... Lẽ ra, anh em cũng chả muốn đề cập đến ông chóp bu này làm gì. Vì vài lý do lỉnh kỉnh khác nhau, mười hai bến nước, lâu nay anh em vẫn cố chừa cái bến của ông ra, nhưng mà nào ông có chịu hiểu, và nào ông có chịu chịu tha cho anh em lính đâu! Ông muốn nghỉ ngơi cho khỏe tấm thân già, thì quý hóa lắm. Anh em chỉ mong có vậy, để mừng cho ông. Còn bằng như ông muốn gom quần bước xuống chốn giang hồ mưa máu gió tanh, thì cũng xong. Quyền tự do của ông. Có điều, độc giả Con Ong Việt cũng như anh em trong nhóm biên tập báo Con Ong, hầu hết đều là cựu lính cả, là cựu ... đủ thứ lính, mà sao chả có ai biết là chính mình, hay biết hội đoàn của mình, đã được hay đã bị ông giáo sư chủ tịch đại diện cho bao giờ cả, nói chi đến lãnh đạo với lãnh điếc ...

Đã đến lúc mình nên lương thiện với nhau một tí: Đã có mấy đoàn thể đồng ý gia nhập dưới trướng các ông rồỉ? Có đoàn thể lính nào thực sự dưới trướng cái “tai-tôn” chủ-tịch hội-đồng chóp bu của ông chưa? Nếu chưa, thì nói theo kiểu văn thư nhà binh ngày xưa, anh em kaki trân trọng thỉnh cầu ông ... tha cho cái mặt mũi của con nhà lính, cho lính chúng cháu được nhờ. Đừng bao giờ tự biên tự diễn mang cái chức đại diện, hay lãnh đạo kaki, mà đi diễu dở nữa. Đây không phải là lần đầu. Năm 2005, bà con đã chứng kiến một lần vào ngày 30 tháng 4 năm đó tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn rồi. Lần đó, kỷ niệm 30 năm tị nạn cộng sản, đồng bào Việt Nam tụ tập đông đảo về Hoa Thịnh Đốn để làm gì? Và cũng lần đó, bọn Việt Tân làm gì, ông mang mặt mũi của lính đi làm trò gì ở bức tường đá đen, có cần phải nhắc lại nơi đây hay không? Lần này đây, anh em lính người phàm, lính mồ côi chúng cháu chỉ dám mạo muội thỉnh cầu ngài giáo sư có bi nhiêu đó thôi. Và anh em rất mong sẽ không bao giờ phải trở lại chuyện dài không mấy thơm tho này nữa. Anh em lính không muốn làm điều đó ...

Văn chương xã hội chủ nghĩa.

Quán bắt đầu đông. Cô hầu bàn đưa một nhóm khách năm sáu người mới vào, đến chiếm chiếc bàn dài bên cạnh. Họ vừa ngồi vào ghế, vừa tiếp tục câu chuyện gì đó, hình như đang nói dang dở. Bỗng có một giọng nói hơi lớn:

- Mẹ, hoành tráng với bức xúc. Sao nó nói vậy, mà ông anh không ... bức vào mồm nó một phát, cho nó nhớ đời?

Tai tò mò, mắt tôi tự động rời trang báo, nhìn đi. Một chàng trung niên, tuổi khoảng vừa ngoài năm mươi, sắc mặt còn đầy vẻ bực dọc, ngồi đối diện với một người đàn ông có tuổi. Ông này chậm rãi:

- Chú mày nóng quá. Nó có nói năng gì trước mặt ai đâu.

- Chứ ông anh nghe như thế nào?

- Nó viết email. Từ sau khi tranh cử và đắc cử chi chi đó, đây là lần đầu nó có chuyện phải ngỏ lời với mọi người lớn nhỏ. Nó tự gởi điện thư lên diễn đàn. Và ngay trong câu nhập đề, nó phom phom chơi một phát “Có một điều cảm động và bức xúc tôi muốn tỏ bày ...”. Thật là nhảm nhí. Và dĩ nhiên là anh em thấy ngay. Và đã có anh lên tiếng, rằng không được dùng ba cái chữ nghĩa loại này.

- Rồi nó làm sao?

- Thì nó  làm ... thinh, nó phe lờ ...

Anh chàng trung niên càng xì nẹc:

- Mẹ, nó lòi cái đuôi vi-xi ra dài thoòng rồi. Còn nói năng gì nữa. Gia đình nào cũng có nhiều người còn ở bên nhà. Gia đình tôi cũng vậy. Tôi nói chuyện điện thoại với bên đó hoài. Có đời nào tôi nghe người nhà tôi bên đó xài ba cái chữ nghĩa cà chớn như cụm từ, như chất lượng, như khẩn trương, như nhất trí, hay như hoành tráng, như bức xúc cái con khỉ gì đâu!  Chưa bao giờ ...

Ông có tuổi giọng ôn tồn:

- Ừ, chú mày nói đúng, gia đình tôi còn rất nhiều người từ năm 1975 đến giờ vẫn ở Việt Nam. Chúng tôi điện thoại hay viết thư đi về hoài, từ nhiều năm nay, tôi vẫn chưa bao giờ nghe hay đọc thấy các chữ nghĩa quái quỉ loại này cả.

Cô hầu bàn mang thức ăn ra. Câu chuyện gián đoạn một phút. Rồi anh chàng trung niên vừa lai rai ly bia, vừa nối tiếp lại câu chuyện văn chương xã hội chủ nghĩa:

- Ông anh thấy không, những chữ nghĩa quái đản này, thường ai nghe qua, cũng cảm thấy chói tai, khó chịu ngay. Còn những tên có thể tự nhiên thốt ra một cách thoải mái như vậy, ắt phải, một là chính cán bộ việt cộng thứ thiệt, hai là đã từng giao du cộng tác thân cận với cán vẹm lâu dài, nên mới quen thuộc, đến nhập tâm như vậy. Nhận diện ra chúng, không có gì khó. Tôi nói ông anh để ý mà xem. Rồi mấy thằng này lại sẽ núp dưới chiêu bài này, hay danh nghĩa nọ, để mà hò nhau làm văn nghệ văn gừng, kiếm tiền đổ về Việt Nam “viện trợ” cho cộng sản mập thêm cho mà coi ...

Ông có tuổi nhấp một ngụm trà, rồi thong thả:

- Đường nào cũng về La Mã, đồng tiền nào về VN, rốt cuộc cũng chui vào túi cộng sản. Tuy nhiên, cùng đơn vị, hay cùng khóa quân trường ngày xưa, bây giờ quyên góp giúp đỡ nhau, thì còn có thể biết được đồng tiền có đến tay người nhận hay không. Chứ còn cứ hò nhau tổ chức này nọ cho quy mô xôm tụ, để gởi về “cứu trợ” cho đủ mọi thứ chuyện trong quốc nội, thì có phải rõ ràng là làm việc cho cộng sản hay không? Chúng chỉ mong có vậy. Bây giờ, người ta bắt đầu nghe nói đến một thứ giặc mới: giặc cứu trợ! Bọn này bây giờ đang lục súc tranh công với nhau cho nghị quyết 36, hô hào, gạ gẫm, phùng xòe và đi về ồn ào rộn rịp như cô hồn tháng bảy ...

Chưa về Việt Nam lần nào, nên chuyện này không biết. Mà không biết, thì ... dựa cột mà nghe. Anh em ngồi bên chiếc bàn dài bên cạnh, vừa ăn uống, vừa lai rai tiếp chuyện chữ nghĩa việt cộng. Tuy dán mắt vào trang báo, nhưng tai vẫn nghe tiếp câu chuyện. Nó bắt nguồn mãi từ trước năm 1975, khi cuộc chiến còn đang tiếp diễn. Khi người trong nam gọi trực thăng, thì cộng sản ngoài bắc gọi là ... máy bay lên thẳng. Trong nam gọi thủy quân lục chiến, thì cộng sản ngoài bắc lại kêu là ... lính thủy đánh bộ. Mới đầu, người ta cứ tưởng là họ tránh dùng chữ hán, thích dùng tiếng nôm. Tốt lắm. Quý hóa quá. Nhưng nghe kỹ hơn, thì thực ra không phải như vậy. Cộng sản chỉ ăn nói ngược đời cho khác với người quốc gia trong nam mà thôi. Vì khi người trong nam gọi lon lá là cấp bậc, thì các đồng chí ngoài bắc lại xổ nho là quân hàm. Trong nam nói đồng ý, thì cán binh ngoài bắc lại chơi ... nhất trí. Trong nam nói làm việc, thì ngoài bắc lại dùng chữ xử lý. Trong nam nói nhóm chữ, thì ngoài bắc lại gọi là ... cụm từ. Cụm từ? Ha ha ha ha!. Cụm (nôm) từ (hán). Nôm hán tả-pí-lù đề huề! Bắt đầu quái dị ...

Sau năm 1975, từ rừng mới chui ra, các ngài ăn nói rất chi là ... mệt  nghỉ. Nhà bảo sanh, các ngài không chịu, đổi bảng lại  là ... xưởng đẻ. Phòng vệ sinh, các ngài chơi là ... xin lỗi quý vị, là nhà ỉa.  Sau hơn hai con giáp thụ hưởng tiện nghi vật chất, lại đến màn xấu làm tốt, dốt hay nói chữ. Nhà cầm quyền cộng sản bắt đầu những dự án xây cất. Ưu tiên một là các khách sạn, nhà hàng, các khu ăn chơi khá sang trọng đẹp đẽ, để moi tiền du khách, nhất là móc túi “việt kiều”. Và báo chí cộng sản mô tả những khu đẹp đẽ là ... hoành tráng. Hoành tráng? Thử mổ xẻ ra, xem nó là cái quái gì. Chữ hoành, chắc là đến từ chữ tung hoành, tức là dọc ngang. Chữ tráng, chắc là do chữ tráng lệ đẹp đẽ. Ghép chung hai chữ lại làm một, thành hoành tráng. Không lẽ các ông cán ngố muốn nói hoành tráng là ... đẹp ngang xương?!

Sau cùng, là chữ chóp bu của đỉnh cao trí tuệ ngôn ngữ cán cộng: chữ bức xúc, mà gần đây người ta bắt đầu nghe thấy mấy anh cán vẹm nằm vùng thỉnh thoảng thòi cái đuôi ra. Một lần nữa, hãy thử mổ xẻ ra, xem nó như thế nào. Bức xúc, có phải ý muốn nói là bứt rứt xúc động? Không, không phải. Vì bứt rứt, thì phải viết chữ “t” chứ. Ở đây, “bức” viết chữ “c”. Ý cán vẹm muốn chế đạn cái kiểu gì đây? Bức hiếp, xin lỗi quý độc giả, hay là ... cưỡng bức con nhà người ta, nên mới gây ra xúc động ??? Thua, xin ngả nón chào thua các ngài ...

Người Việt Nam, ai cũng biết rõ ràng tiếng mẹ đẻ của mình. Hào hùng sắc bén có lúc, chính xác minh bạch có khi, và luôn luôn xúc tích mượt mà ... Không riêng chi tiếng Việt, mà ngôn ngữ nước nào cũng vậy, theo dòng thời gian thường được thêm thắt những hay ho mới lạ, để phong phú hóa ... Nhưng thêm thắt với những chữ nghĩa quái đản của cán cộng như cụm từ, như chất lượng, như sự cố, như hoành tráng, như bức xúc ... thì quả là tội nghiệp cho tiếng mẹ Việt Nam quá chừng chừng. Nghe sao mà nó chói tai, nó nửa mường nửa mán, nó nửa hán nửa nôm, nó nửa người nửa ngợm, nó nửa phố nửa rừng ...

Cũng ở bàn bên cạnh đó, có một chị trẻ tuổi, vẫn im lặng từ lúc đầu, giờ mới góp ý:

- Vợ chồng em vừa mới nhận được một số đặc san Xuân. Em mang vào hãng để đọc giờ nghỉ. Mở ra, lại cũng thấy tranh thủ với bức xúc. Em thật là bực. Sẵn thấy có số phone của tòa soạn ở San Jose, em bèn gọi. Gặp ngay ông chủ bút. Em hỏi sao lại đăng chữ nghĩa việt cộng? Ông này nói quanh co một hồi, rồi trớ rằng đó là thư trong nước gởi ra. Em nói bộ tụi tôi đóng góp tiền cho mấy anh in thư việt cộng hả? Cha nội nín thinh, rồi cúp máy luôn. Em cũng có về Việt Nam một lần, khi Bà Cụ em hấp hối. Từ trong nhà ra tới ngoài phố ngoài chợ, em chả có bao giờ nghe ai kêu là thành phố hồ chí minh, hay nghe ai nói ba cái chữ chất lượng, cụm từ hay nhất trí tranh thủ gì gì đâu ...  Không hề có ...

Anh bạn trung niên lúc nãy, vẫn chưa hết bực dọc, bèn lại cất giọng vang vang:

- Đấy, dân gian ngoài đường ngoài chợ, không ai gọi là thành phố hồ chí minh, không ai ăn nói lai căng nhăng nhố. Đằng này là người có ăn có học, từng được đào tạo đàng hoàng, mà giờ đây lại vô ý thức, đi a-dua theo cán ngố, để mà chấp nhận, mà xử dụng, mà phổ biến những chữ nghĩa hạ cấp này, để bôi bẩn tiếng mẹ Việt Nam, thì người đồng hương có phỉ nhổ, có phóng uế vào mặt, cũng đừng có kêu oan ...

Hai anh bạn già của tôi vừa xuất hiện ở cửa vào. Tôi đứng dậy đón bạn. Ở bàn bên cạnh, câu chuyện xỉ vả văn chương xã hội chủ nghĩa vẫn còn tiếp tục sôi nổi gây cấn ...