Home Văn Học Tùy Bút Người di tản buồn

Người di tản buồn PDF Print E-mail
Tác Giả: Henry D Nguyen   
Thứ Sáu, 01 Tháng 5 Năm 2009 03:39

Thấm thoát mà đã ba mươi bốn năm, tôi nghĩ rằng theo thời gian những kỷ niệm sẽ phai mờ trong ký ức, nhưng không kỷ niệm cho dù xấu hay là tốt chỉ quên đi trong khoảnh khắc nào đó của tâm hồn và sẽ quay trở lại. Tôi không ngồi ôn kỷ niệm để luyến tiếc hay oán than, nhưng tôi muốn ôn lại kỷ niệm để rút tỉa những kinh nghiệm cho cuộc sống và tôi muôn ôn lại kỷ niêm để chia sẻ với các bạn đã một thời như tôi lấy binh nghiệp làm lẽ sống dâng tuổi xuân cho Quê hương và Tổ quốc. Hôm nay nhân ngày Quốc Hận 30 tháng 4 tôi xin gởi đến các bạn một góc nhỏ hình ảnh những ngày cuối cùng của cuộc chiến mười ngàn ngày trên vùng đất đau khổ và yêu thương.

Tháng Hai năm 1975 một đơn vị CS có mặt tại vùng duyên hải quận Hải Lăng, dân chúng sợ hãi chen chúc trên những chiếc xe đò chạy vào Huế. Tôi làm việc tại BCH Cảnh Sát Quốc Gia Quảng trị phối hợp với Quân Cảnh ngăn chặn không cho cán bộ và quân nhân chạy theo gia đình, chúng tôi được lệnh ở lại sẵn sàng chiến đấu. Sáng ngày ngày 19 tháng 3 chúng tôi tập trung tại sân tòa hành chánh tỉnh để làm lễ chào cờ. Trung tá Tỉnh trưởng Ðỗ Kỳ hôm nay mang lon đại tá lái xe jeep đi vào, tôi ngạc nhiên nói thầm với người bạn, tôi mới thấy ông tuần trước còn mang lon trung tá, sao hôm nay ông mang lon đại tá im ru không nghe nói chuyện rửa lon rửa lá gì hết vậy. Sau lễ chào cờ, Ðại tá Kỳ đứng trước mặt chúng tôi ra chỉ thị, ông nói: Tôi Ðại tá Ðỗ Kỳ, tỉnh trưởng Quảng Trị, tôi cho các anh em biết rằng, trong những ngày sắp tới Quảng Trị có thể xảy ra một chiến trường ác liệt. Tôi cho phép các anh em mang gia đình vào Huế hay Ðà Nẵng rồi trở lại chiến đấu. Ðây là một cái lệnh thật lạ lùng, chúng tôi nhìn nhau, không ai bảo ai tất cả tự động tan hàng, Ðại tá Ðỗ Kỳ lên xe ra đi. Trở về đơn vị, Thiếu tá Phan Rang Chỉ huy trưởng CSQG Quảng trị ra lệnh chúng tôi chuẩn bị, ngày mai sẽ lên đường, chúng tôi bàn tán, đổ thêm xăng dầu và cho tất cả những dụng cụ cần thiết lên xe. Chiều hôm đó hầu hết các Sĩ quan và nhân viên Cảnh sát sắc phục đã bỏ đi, chỉ còn Thiếu tá Phan Rang, Ðại úy Thiềng và hai trung đội CSDC. Gặp Ðại úy Thiềng tôi ngạc nhiên, Ðại úy Thiệng là Chủ sự Trung tâm Phụng Hoàng Tỉnh, ông có vóc dáng của một nhà giáo, có cái vẻ trói gà không chặt, khác với những biên tập viên cùng lứa chải chuốt oai phong hơn. Vậy mà trong giờ phút nguy hiểm nầy ông vẫn còn ở đây, tôi đưa tay chào ông trong lòng đầy thán phục. Chúng tôi gấp rút sửa sang lại công sự phòng thủ, mang súng đạn trong kho trang bị thêm cho tất cả anh em . Trời tối anh em sẵn sàng bên giao thông hào, tôi phát hiện một đơn vị lính đang di chuyển, liên lạc với tiểu khu chúng tôi biết được đó là một đơn vị địa phương quân, họ cho biết sáng nay Biệt Ðộng Quân đã rút khỏi tuyến phòng thủ, họ chờ mãi đến chiều không có lệnh gì cả nên họ cũng rút lui. Khi biết BCH Tiểu khu và Cảnh sát còn ở lại thì họ dừng quân, bố trí bên cạnh. Suốt đêm hôm đó không hiểu tại sao BCH Tiểu khu bắn xi nhan sáng suốt đêm, chúng tôi nằm sát nhau bên giao thông hào một đêm dài đầy căng thẳng và lo âu. Sáng sớm hôm sau ngày 20 tháng 3 chúng tôi rời khỏi Quảng trị, khi đoàn xe sắp sửa chuyển bánh một người trong đơn vị nói với chúng tôi rằng, đi đâu đi làm gì, nước nhà sắp sửa thống nhất đi đâu mà đi, nhìn cái lon thượng sĩ trên vai áo của ông ta tôi giật mình, ít lắm cũng hai mươi năm người nầy đã nằm vùng trong ngành Cảnh sát. Trên đường từ Quảng trị vào Huế có nhiều binh lính và dân chúng di chuyển bằng đường bộ, đến gần đại lộ kinh hoàng tôi thấy một người lính khiêng trên vai đôi gánh, phía trước một em bé độ ba hay bốn tuổi, phía sau là một thùng đồ đạc treo lủng lẳng khẩu M16, bên cạnh anh là một người đàn bà vai mang chiếc ba lô tay dắt đứa bé khoảng sáu bảy tuổi và một cụ già đang chạy lúp xúp bên lề đường, chúng tôi ngừng lại đón tất cả lên xe và chạy thẳng về Huế.

Trưa hôm đó chúng tôi có mặt tại thành phố Huế, trung đội CSDC của tôi được lệnh tăng cường cho đài phát thanh, lúc nầy các đơn vị hậu cứ của sư đoàn I đang di chuyển về trong khuôn viên của các trường đại học, dân chúng xôn xao, chồng chất nhau trên những chiếc xe đò chạy vào Ðà Nẵng. Ngày 24/3 quốc lộ I Huế Ðà Nẵng bị cắt đứt, Huế có vẻ hấp hối, Sư đoàn I Bộ binh và các đơn vị Thủy quân lục chiến, Biệt động quân đang rút về Thuận an, tôi bám sát theo Thiếu tá Rang, nhưng đến trưa không thấy ông đâu nửa, tôi trở về gặp anh em trong Trung đội nói với họ rằng Thiếu tá Rang đi rồi anh em mình tìm phương tiện tự túc vào Ðà Nẵng và trình diện tại BCH CSQG khu I, nói xong tôi lập tức đi về Thuận An,

Chiều 24 tháng 3 bãi biển Thuận An có rất nhiều dân chúng và lính của các đơn vị, vài chiếc sà lan đậu sát bờ chất đầy bàn ghế, dụng cụ văn phòng, ngoài xa hai chiếc tàu quân vận của Hải quân, một chiếc chở đầy lính, xe thiết giáp pháo binh, xe jeep còn chiếc kia vẫn còn trống. Tôi đi quanh bãi biển với hy vọng tìm được người quen trong đơn, đi quanh một lúc tôi nghỉ rằng phải tìm cách lên được một trong hai chiếc tàu ngoài kia, Tôi đi về phía xóm dân chài, thấy một thanh niên đang chèo cái thúng, tôi gọi lại, lột cái đồng hồ đeo trên tay đưa cho anh ta và nhờ anh chở ra tàu, hình như tôi là người cuối cùng may mắn được lên chiếc tàu nầy, nhìn trên bãi biển, bây giờ có nhiều lính và dân chúng hơn, đến gần tối chiếc tàu Hải quân thứ hai cập bến, nhưng khi tàu đến gần bờ thì có tiếng súng nổ, chiếc tàu lập tức lui ra và khi trời tối hẳn hai chiếc tàu rời Thuận an. Trưa ngày 25 tháng 3 tôi vào đến Ðà Nẵng, bước lên bờ những nữ sinh đợi sẵn choàng vòng hoa trên cổ, tôi vào BCH CSQG khu I nhưng thấy nơi đây vắng vẻ, tôi thuê xe thồ về nhà bên Sơn Trà, ở lại với gia đình một đêm sáng hôm sau tôi trở lại trình diện BCH CSQG khu I.

BCH CSQG khu I trong những ngày nầy hình như chẳng có ai làm việc, tất cả có vẻ lo âu, tôi quanh quẩn trong khuôn viên BCH, tình cờ gặp Sĩ quan ban lương của BCH CSQG Quảng Trị, anh ta mang một túi tiền lớn, anh nói rằng mới nhận tiền để phát lương cho nhân viên, nhưng bị kẹt ở đây, giờ anh ta không biết phải làm như thế nào với số tiền nầy, anh đề nghị tôi giữ giùm cho anh một ít, tôi trả lời không, nhưng nếu có thể tôi muốn nhận lương tháng ba của tôi, anh đồng ý phát cho tôi tiền lương tháng ba và phát thêm cho tôi lương Tháng Tư. Nhận hai tháng tiền lương nhét vào túi, bước ra đường gặp một CSDC mang trên vai áo huy hiệu 105, tôi nghĩ rằng đây là đơn vị Quảng Ngãi, tôi hỏi có phải anh đơn vị Quảng Ngãi không.. anh trả lời Quảng Ngãi mất rồi nên anh chạy ra đây. Bây giờ thì tôi thực sự lo lắng, tôi không hiểu tại sao lại bỏ Quảng Trị, bỏ Huế, bây giờ lại nghe tin mất Quảng Ngãi, tôi nghĩ đến gia đình, nhưng tôi không dám bỏ đơn vị.

Tối 28 tháng 3 Cộng quân pháo kích phi trường Ðà Nẵng, Bộ tư lệnh Quân đoàn I và Bộ tư lệnh Hải quân Vùng I duyên hải, trên hệ thống truyền tin từ BCH CSQG khu I gọi đến BTL Hải quân và BTL Quân đoàn I chúng tôi không có được tin tức gì, khi hỏi các cấp chỉ huy, được trả lời rằng không thấy cấp chỉ huy nào cả... Lúc bấy giờ Trung tá Long xuất hiện ông tập họp chúng tôi lại và nói rằng... Tôi Trung tá Long (tôi không nhớ ông nói chức vụ gì ) Ðại tá Lộc chi huy trưởng CSQG khu I đã hèn nhát bỏ đơn vị, bỏ anh em chạy rồi, tôi cũng có thể làm như vậy, nhưng tôi không làm, tôi cho phép tất cả anh em, có sẵn xe, súng đạn và lương thực, anh em có quyền sử dụng tìm cách rời khỏi Ðà Nẵng. Sau khi được lệnh của Trung tá Long tôi tìm cách trở về để báo tin cho gia đình biết. Lúc nầy trên người tôi mang bộ đồ rằn ri CSDC, tôi hỏi xin bà chủ quán cà phê phía trước một bộ đồ xivin, thay bộ đồ CSDC bỏ vào ba lô, nhét thêm vào mấy bao cơm sấy, một lon sửa và trái lựu đạn mi ni, thấy trong sân có vài chiếc xe Honda nhưng tất cả đều khóa cổ, dùng khẩu P 38 bắn rơi ổ khóa, mở hai sợi dây màu xanh đỏ, tôi cho máy nổ. Vừa ra khỏi cổng gặp vài CSDC chạy vào nói rằng lính đang phá kho quân tiếp vụ và cướp bóc, nghe vậy tôi bỏ chiếc xe Honda lại bên lề đường rồi đi bộ, tôi nghỉ rằng xe nầy không phải của mình lỡ bị cướp thì nguy hiểm. Qua bến phà sông hàn đi đến gần chợ chiều tôi gặp một toán lính SÐ 3, trong đó có một sĩ quan mang lon Trung úy, một anh lính gọi tôi đến chỉ xuống đôi giày bốt đồ sô bảo tôi lột ra, tôi nhìn ông Trung úy để cầu cứu, nhưng vị 4 nầy im lặng, tôi ngoan ngoãn ngồi xuống lột đôi giày trao cho anh lính kia và xin anh ta đôi giày vải của anh.

Khi bước chân vào nhà thấy ba má và các em tôi với một ít vật dụng đang chuẩn bị ra đi, gặp tôi tất cả mừng rỡ, tôi nói với ba má tôi rằng Ðà Nẵng sắp mất, phải tìm cách chay thôi, nhưng con không thể đi chung với gia đình được, ba má tìm cách vào Sài Gòn mình sẽ gặp nhau tại nhà cô Năm, nói xong tôi vội vàng ra đi má tôi khóc và chúc tôi may mắn. Chạy ra đến ngã ba Sơn Trà thấy dân chúng đang đi hôi của, có người lái xe Jeep quân đội chở đầy gạo, người thì vác TV, bàn ghế. Tôi đi nhanh vào căn cứ Hải quân Tiên Sa với hy vọng còn có tàu Hải quân, một chiếc xe jeep đến gần đưa tay đón, xe dừng lại, chúng tôi chạy vào Tiên Sa. BTL Hải quân Ðà Nẵng sáng 29 tháng 3 vắng vẻ, không một chiếc tàu, không binh lính, đâu đó vương vãi quần áo, đồ đạc và xác người... Xe chúng tôi quay đầu chạy trở lại xóm chài lưới Sơn Trà, lối đi ra biển ngang qua những căn nhà nhỏ khang trang, thấy một người đàn ông đang ung dung ngồi đan lưới, tôi nhìn ông ta nói, Việt cộng sắp vào đến Ðà Nẵng sao bác không chạy còn ngồi đây đan lưới, người đàn ông im lặng như không nghe thấy, vẫn chăm chú vào những múi khâu của mình.

Dọc bờ biển từ Sơn trà đến Mỹ Khê toàn là lính và dân chúng, ngoài xa một chiếc sà lan đang chờ sẵn, xa xa chút nữa một tàu Hải quân loại lớn. Tôi đứng chung với rất nhiều quân nhân của sư đoàn 3, họ kỷ luật không có vẻ gì là hoảng hốt, cách bờ khoảng 25 thước một chiếc tàu đánh cá bỏ neo, không có chủ nhân, chúng tôi hỏi thăm ai là chủ để nhờ họ chở ra sà lan, nhưng không tìm thấy, chúng tôi rủ nhau lội ra tàu, có vài anh biết nghề máy nhưng không thể làm nổ máy, chúng tôi đợi trên tàu khá lâu, tôi đứng bên cạnh một Thiếu tá Sư đoàn 3, tôi chỉ vào người đàn ông đang chèo cái thúng gần đó và nói với ông rằng: Thiếu tá em nghĩ ông nầy là chủ tàu, nãy giờ nó cứ lai vãng quanh đây, kêu nó lại Thiếu tá. Vị Thiếu tá ngoắt tay gọi ông ta, nhưng ông ta chèo chiếc thúng ra xa hơn, tôi nói: Thiếu tá bắn uy hiếp, nhìn sang người lính bên cạnh tôi nói bắn, lập tức anh lính bắn mấy phát lên trời, tôi nói bắn vào cạnh nó và tôi lấy khẩu súng trên tay anh lính khác bắn nhiều phát ngay cạnh chiếc thúng của anh dân chài. Hoảng sợ anh ta vội vàng cập vào thân tàu, anh nói, đây là tàu của tôi thấy mấy ông lên đầy tàu tôi sợ tàu bị đắm. Vị Thiếu tá nói rằng, anh làm ơn chở chúng tôi ra ngoài chiếc sà lan kia, chúng tôi sẽ trả tiền cho anh, khoảng 15 phút sau tàu nổ máy mang chúng tôi đi. Cũng lúc nầy chiếc tàu Hải quân đang di chuyển vào biển Mỹ Khê, nhưng khi tàu đến gần bờ thì có rất nhiều tiếng súng nổ, tàu lui ra đầy gần đó một hồi lâu rồi bỏ đi... Khi trời tối chiếc sà lan được móc vào một chiếc tàu khác kéo đi, sống biển vỗ vào thành sà lan nước bay tung tóe, gió biển lành lạnh, tôi ngồi co ro nghỉ đến gia đình. Về đêm biển gầm gừ và lạnh hơn, hai tay ôm chặt trước ngực cho đỡ lạnh, nhìn Ðà Nẵng xa dần, xa dần, tôi đưa tay chùi nước mắt. Sáng hôm sau chúng tôi được chuyển lên chiếc HQ 405 và hai hôm sau tàu cập cảng Cam ranh, mấy hôm lênh đênh trên tàu mệt nhừ, tôi và nhiều người bước lên bờ.

Vào đến khu phố có người chỉ cho tôi ngôi trường trung học gần đó đang tiếp nhận người tỵ nạn, tôi vào trường lấy gạo sấy nấu ăn rồi kiếm một nơi nằm nghỉ, mệt và mất ngủ nhiều ngày nên tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Sáng mai thức dậy tôi định đón xe đò để vào Sài Gòn, nhưng vừa bước ra khơi cổng trường tôi gặp hai anh lính với bộ đồ lính rộng thùng thình vác súng trên vai đi ngơ ngác, tôi nghỉ rằng chắc đây là tân binh, tôi hỏi anh ở đơn vị nào, hai anh trả lời đang thụ huấn tại quân trường Ðồng Ðế, Nha Trang đã bỏ nên anh chạy vào đây, anh nói thêm rằng lính trên Cao nguyên cũng chạy về. Nghe đến đây tôi hết hồn, tôi bảo hai anh rằng mình mau tìm đường vào Sài Gòn, hai anh trả lời, đường bộ vào Sài Gòn đến một cây cầu gần Phan Thiết lính giữ cầu không cho ai vượt qua, bây giờ trong đó phe ta hai bên đang bắn nhau. Biết rằng không thể đi bằng đường bộ tôi và hai anh lính rủ nhau ra cảng Cam Ranh. Chúng tôi đi vào một quân cảng chỉ thấy những cầu tàu nhỏ, hình như đây là nơi trú đóng của đơn vị Giang Cảnh hay là nơi trú ngụ của những tàu Hải quân loại PBR (patrol boat river). Bến tàu vắng ngắt, bên cầu tàu có một trạm canh, chúng tôi ngồi nghỉ hút thuốc lá, bỗng từ xa một chiếc tàu đánh cá của ngư dân đi tới, thấy trên cầu tàu có vài thùng phi tôi nghĩ rằng có thể mấy ngư dân nầy đang đi kiếm xăng dầu, tôi nói với hai anh lính núp kỹ đừng cho họ thấy, chiếc tàu chạy quanh quanh một lát, thấy trên bờ không có ai hai ngư phủ từ từ cho tàu cập bến. Ðợi cho họ bước lên bờ chúng tôi chạy ra chĩa súng vào người giữ họ lại. Hai ngư phủ chở chúng tôi đến một tàu Hải quân trong vinh Cam Ranh, ở trên tàu nầy một đêm, chúng tôi lên một tàu hải quân khác rất lớn trên đó có nhiều dân chúng và nhiều lính của Sư đoàn 2 BB, vài hôm sau tàu cập bến Vũng Tàu.

Tôi đang đứng sắp hàng để chuẩn bị lên bờ, bỗng nghe tiếng ai gọi tên mình, tôi nhìn quanh thấy một thủy thủ đàng xa cầm ống nhòm đưa tay vẫy, khi đến gần tôi nhận ra đó là Quyền bạn học cũ. Quyền và tôi cùng học một lớp em gái Quyền là bạn của em gái tôi. Năm 1971 Quyền nhập ngũ, tôi có nghe nói Q đi Hải quân, nhưng không ngờ lại gặp Q hôm nay. Hai đứa mừng rỡ hỏi thăm chuyện gia đình, bạn bè. Quyền hỏi tôi bây giờ đi đâu, tôi trả lời lên Sài Gòn kiếm gia đình. Quyền nói rằng vùng một và vùng hai đã mất rồi, tình hình nầy coi bộ không yên, ở lại trên tàu với anh ta rồi sau sẽ tính trên tàu có vài ông Tướng, Tá họ cũng không lên bờ. Nghe lời Q tôi ở lại trên tàu, hơn 3 tuần lễ ngày nào cũng có vài gia đình Sĩ quan lên tàu tôi không hiểu được thế nào nhưng tôi nghĩ rằng chiến tranh VN sắp chấm dứt.

Mấy năm đầu xa lạ vất vả trên xứ người, cho đến năm 1979 khi làn sống người tỵ nạn bằng thuyền vào Mỹ, khi đó cũng đã có vài tờ báo Việt ngữ, tôi bắt đầu theo dõi tìm kiếm tin tức của một người, nhưng cho đến hôm nay tôi vẫn chưa nghe biết tin tức của ông. Ðại tá Ðỗ Kỳ là Sĩ quan của binh chủng TQLC ông làm Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị năm 1973 thay thế người tiền nhiệm là Ðại tá Hà Mai Việt, ngày 19 tháng 3 Ðại tá Kỳ đã cho phép chúng tôi rời khỏi Quảng Trị, như vậy có nghĩa là ông biết được tình hình quân sự lúc bấy giờ, trên cương vị của ông tôi nghĩ rằng ông có thời gian và phương tiện để ra đi . Tôi hy vọng Ðại tá Kỳ đang sinh sống một nơi nào đó tại Hoa kỳ và tôi hy vọng Ðại tá Kỳ và gia đình vẫn bình an. Nếu hôm đó Ðại tá Ðỗ Kỳ im lặng, bỏ rơi tất cả thuộc cấp dưới quyền ông thì chắc chắn rằng đơn vị của tôi vẫn còn nằm tại Quảng Trị. Cho dù chuyến vượt thoát của tôi là do sự may mắn nhưng một trong những may mắn đó là cái lệnh kỳ cục của ông.

Henry D Nguyen
Houston, TX 77084