Home Văn Học Tùy Bút Việt Nam ơi ! Việt Nam

Việt Nam ơi ! Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Sơn Nghị   
Thứ Hai, 27 Tháng 4 Năm 2009 21:05

Thật không ngờ chuyến công tác ở Mã lai lại là cơ hội cho tôi về thăm lại quê hương sau gần 30 năm xa cách. Những cô em gái tôi đã lập gia đình, con cái đã lớn, có đứa đã tốt nghiệp đại học. Lúc tôi ra đi những đứa em vẫn còn nhỏ nay cũng đã trở thành thiếu phụ với hai mặt con. Cậu em trai tôi may mắn cưới được

một cô vợ đảm đang, quán xuyến mọi việc trong nhà để chồng yên tâm kiếm tiền nuôi gia đình.

Chuyến bay từ Mã lai đến Hànội qua ngả Sàigòn để lại trong tôi nhiều ấn tượng, vui buồn lẫn lộn. Hành khách trên chuyến bay 756B khởi hành lúc 2:20PM từ Kuala Lumpur đến Sàigòn gần một tiếng đồng hồ sau đó gồm khoảng 150 hành khách. Họ là những doanh nhân ngoại quốc, công nhân lao động trở về VN, những phụ nữ Mã đi du lịch…v..v. Lạc lõng trong số những hành khách nói tiếng Việt là tôi, một công dân Mỹ gốc Việt, rất mong được nhìn lại quê hương để tìm thấy những kỷ niệm may ra còn rơi rớt trong ký ức, được hội ngộ những đứa em nay đã già cằn cỗi, những đứa cháu đang lớn khôn mà tôi chưa hề bao giờ gặp mặt.

Cô tiếp viên hãng Hàng không Việt nam đứng tươi cười chào đón hành khách ngay tại cửa phi cơ. Cô mặc chiếc áo dài màu huyết dụ, quần trắng, tóc búi cao. Nhìn thoáng trên ve áo có huy hiệu Air Vietnam. Mặc dù tà áo dài uốn lượn trên không trung nằm trong tâm tưởng tôi mang màu xanh da trời chứ không phải màu đỏ thắm như bây giờ; mặc dù tôi cũng thường thấy những chiếc áo dài Việt ở nhiều nơi nhưng không hiểu sao buổi trưa hôm đó, nhìn lại một tà áo dài ở đất nước Mã sau bao nhiêu năm xa quê lòng tôi bỗng bồi hồi khôn xiết. Có lẽ vì hình ảnh một quê hương vời vợi, đây là lần đầu tiên thấy một người trong nước nơi xứ lạ nên không tránh khỏi xúc động. Hoặc giả tôi thoáng nghĩ đến những đứa em đang trông ngóng tôi ở phi trường Tân-sơn-nhất mà không hình dung được những khuôn mặt chúng thay đổi như thế nào. Liệu tôi có nhận ra chúng hay không? Hoặc chúng có nhận ra thằng anh cả sau từng ấy năm xa cách? Thú thật tôi không định nghĩa được cảm xúc của tôi khi bước lên chuyến bay của hãng Hàng không Việt nam 756B để trở về quê hương vào buổi trưa hôm đó. Nó kỳ lạ lắm. Đó là một trộn lẫn tuyệt vời giữa cảm xúc và tình cảm với hồi hộp, trông chờ, háo hức, và nôn nao của một người sau hơn một phần tư thế kỷ chưa hề thấy lại mảnh đất cong cong hình chữ S.

Chuyến bay nào cũng thế, cũng bắt đầu bằng sự hướng dẫn an toàn của tiếp viên hàng không. Cái lạ là sau một lời hướng dẫn bằng tiếng Việt thì có lời dịch bằng Anh ngữ do một giọng đàn ông mà tôi biết chắc là người ngoại quốc. Sở dĩ tôi biết chắc vì cũng âm giọng này tôi đã nghe ở trên những chuyến bay trong nước Mỹ, và ở các hãng hàng không khác. Thôi thì tạm chấp nhận vậy, cả cái nước VN với hơn 80 triệu người không ai nói được tiếng Anh hoàn hảo nên phải mượn một giọng Mỹ thật sự để nói cho hành khách ngoại quốc hiểu. Giọng của cô tiếp viên đúng là giọng Bắc, một giọng mang âm hưởng dữ dội, sắc bén của vùng đất chuyên vùng lên làm cách mạng. Tôi không mấy thiện cảm với cái giọng nói đầy âm sắc này. Có thể vì đã sống 5 năm sau ngày mất nước với biết bao thương đau và tủi nhục nên trong tôi vẫn còn một chút thành kiến. Tôi thành thật xin lỗi khi nói lên những ý nghĩ mang quá nhiều thiên kiến nhưng tôi xin nói để bộc lộ hết những cảm nghĩ của tôi trên chuyến bay đặc biệt này.

Trong chuyến bay có phần chiêu đãi thức ăn, có lúc cập nhật những tin tức về thời tiết, ngày, giờ… v..v. để hành khách rõ. Cô nói cả hai phần Việt và Anh. Cái giọng Việt thì không nói làm gì nhưng phần Anh ngữ thì nghe buồn quá. Cái giọng nói tiếng Anh của cô nghe đến chán vì mang quá nhiều âm hưởng của người Việt. Cái giọng nói tiếng Anh của tôi cũng chẳng hay hơn ai nhưng đây là Vietnam Airlines, cô đại diện cho một quốc gia nên giọng của cô chắc chắn phải hay hơn giọng của tôi chứ. Những ngày trước, khi đáp chuyến bay quốc tế, giọng tiếng Anh và tiếng Pháp của cô tiếp viên thời đó nghe như đầm, nghe như ngỡ nước Việt nam thuê được một cô gái ngoại quốc nào đó. Nghe xong mà lòng tự hào rằng người Việt mình nói tiếng ngoại quốc cũng chẳng kém ai. Thế cả một nước hơn 80 triệu dân lại không kiếm được người có giọng phát âm thật chuẩn hay sao?

Tôi lại buồn vì cách phát âm sai lạc của cô, tôi nản vì phần văn phạm căn bản của cô cũng trật. Tôi nhớ được một chữ “approach” trong câu, “We’re approaching TSN airport…” cô phát âm không đúng làm tôi phải ngẫm nghĩ mãi mới đoán được. Cuối câu cô nói, “Thank you your attention” thay vì “Thank you for your attention”. Tôi cứ tưởng tôi nghe không rõ vì có thể cô nói chữ “for” nhỏ quá chăng, nhưng tôi lắng tai mãi cũng chẳng nghe thấy. Hoặc tai của tôi ù vì áp suất cao, hoặc tiếng Anh của cô không đến nơi đến chốn. Tôi tin chắc thính giác của tôi vẫn còn tốt. Nếu thế thì chương trình giảng dạy Anh văn của cả nước thế nào?

Đến phần chiêu đãi thức ăn thì thật hỡi ôi. Khoang của tôi được một cô miền Bắc phục vụ (cũng miền Bắc, bộ người miền Nam không được lịch thiệp duyên dáng hay sao?).
 
Thân hình cô nhỏ nhắn, thật vừa vặn với chiếc áo dài màu huyết dụ. Nước da cô trắng hồng. Khuôn mặt cân đối, hai gò má cô vun cao tương xứng với cánh mũi thuôn đều đặn, đôi mắt trong suốt nhưng đằng đẵng một nỗi buồn nào đó. Khuôn mặt cô chỉ có một khuyết điểm nhỏ, đó là miệng cô hơi hô. Nói là hô nhưng không đến nỗi hô như cái mồm ông thủ tướng năm xưa đâu; trái lại cái miệng hô (kim) của cô có thể làm tăng thêm nét duyên dáng nếu khuôn mặt cô tươi lên một chút. Cô hà tiện lời nói, hoặc giả cô không biết tiếng Anh nên tôi chẳng nghe cô nói được một câu. Mãi đến gần cuối chuyến bay cô mới mở lời nói được một chữ, “Tea?” nghe cộc lốc như muốn đuổi khách. Với khuôn mặt đăm đăm, vô hồn, ánh mắt dửng dưng không chút thiện cảm tôi có cảm tưởng như chồng cô mới chết hôm qua nếu cô đã lập gia đình. Nếu cô còn độc thân thì chắc bố mẹ cô cũng vừa mới mãn phần. Trong suốt chuyến bay cô chưa hề nở nụ cười, ngay đến cả vén đôi môi của cô lên một tí cũng chẳng thấy. Chỉ cần nhếch môi một tí thôi, tôi tin chắc khuôn mặt cô sẽ sáng hẳn. Với khuôn mặt tươi tắn như thế, chắc chắn hành khách trên chuyến bay, trong đó có tôi, cũng vui lây quên mệt và ai cũng biết ơn cô. Có những người chẳng cần cười nhưng đôi mắt reo vui; bởi thế mới có câu “con mắt có đuôi”, hoặc “con mắt biết cười”. Đằng này, đôi mắt của cô cũng u ám như khuôn mặt của cô vậy. Chúng thờ thẫn, lạnh lùng, vô cảm như mang một mối ác cảm với hành khách. Còn anh tiếp viên trẻ có mái tóc thời thượng tua tủa như hầm chông cũng chẳng khá hơn. Khuôn mặt anh cũng đăm đăm, lạnh như tiền. Vào cuối chuyến bay, khi máy bay sửa soạn đáp, anh đi kiểm soát một vòng và nhắc nhở hành khách bỏ chân xuống, kéo ghế hết về phía trước, cài dây an toàn… Đi ngang chỗ tôi ngồi, anh hất đầu nói tiếng Việt như ra lệnh, “Đưa ghế hết lên trước”. Tuổi của anh tôi nghĩ còn thua tuổi của những đứa cháu tôi, thế mà anh lại ăn nói trịch thượng còn hơn bố tôi. Chẳng thà anh nói với tôi bằng tiếng Anh nghe cũng bớt phần trịch thượng đi, đằng này anh lại nói với tôi bằng tiếng Việt nên nghe không ngửi được. Nó nặng mùi của những kẻ thất học, và mang uế khí của những kẻ trưởng giả học đòi làm sang. Tôi nghĩ chắc những anh/cô tiếp viên này đã được học tập rõ ràng về cách cư xử đối với hành khách. Lệnh của cấp trên.

Tôi chợt nhớ đến lần phóng viên BBC phỏng vấn ông Nguyễn xuân Hiển, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Hàng không Việt nam năm 2004. Ông mất bình tĩnh và nổi nóng khi anh phóng viên hỏi có sợ cạnh tranh với những công ty hàng không nước ngoài không? Ông trả lời là chẳng có gì phải sợ cạnh tranh và chê anh phóng viên không rành tiếng Việt.

Năm ấy, tôi buồn cười vì thái độ trịch thượng một cách ngu xuẩn của ông. Tôi chê ông vì ông đại diện cho một nước Việt nam, làm đến chức vụ đó nhưng lại không có đủ bản lãnh để đối phó với một tay phóng viên. Cho dù tôi không đồng chính kiến với ông, nhưng nếu người Việt làm được một cái gì vẻ vang cho dân tộc, cho dù người ấy ở trong nước, tôi vẫn xin ông cho phép tôi được hãnh diện nhận là người Việt nam. Năm 1985, khi nghe ông thủ tướng Đồng trả lời ông phóng viên Ted Kopper của đài NBC về cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đã phải xấu hổ không dám nhận là người Việt khi đồng nghiệp ở sở làm gặng hỏi. Sau 23 năm, tôi vẫn từ chối tôi là người Việt khi cặp vợ chồng người Đại hàn trên chuyến bay ngồi bên tôi hỏi chuyện. Tôi chỉ buông thõng, “I’m Chinese and just drop by VN for a small vacation on my busisness trip.”, thế thôi!

Cho đến cuối năm vừa rồi, ông Phạm ngọc Minh thay thế ông Hiển trong chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Hàng không Việt nam, nhưng xem ra chất lõi của lối cư xử và cách ăn nói của những tiếp viên hàng không vẫn không thay đổi. Vẫn trịch thượng vô lối. Vẫn lạnh lùng hống hách. Và vẫn thiếu lịch sự tối thiểu của người đối với người.

Xin hai ông, ông nguyên lẫn ông tại chức, cho tôi được một lần nói đến hai chữ lịch sự. Tôi vẫn mong Công ty Hàng không Việt nam vượt hãng Hàng không Singapore, chỉ vì hai chữ Việt nam. Trong chuyến bay đi công tác và bay về Mỹ, tôi đáp hai tuyến bay của hãng Hàng không Singapore. Chuyến bay đi mất 20 tiếng vì dừng ở hai nơi, chuyến về mất 18 tiếng. Xem ra dài nhưng lại thấy ngắn chỉ vì sự tiếp đãi của các cô tiếp viên làm những hành khách như tôi không muốn rời máy bay. Chuyến bay từ Mã đến Sàigòn chỉ mất tiếng rưỡi, tôi lại mong mau đến chừng nào tốt chừng ấy. Những cô tiếp viên của xứ đảo Sư tử mới duyên dáng làm sao! Bộ đồng phục với mẫu vẽ trộn lẫn hài hòa giữa nâu và đỏ làm tôn nước da trắng hồng trên khuôn mặt, trên đôi cánh tay thuôn trần. Tóc búi cao để lộ chiếc gáy nõn nà, trông gợi cảm với những sợi tóc non bay phất phơ khi cô uyển chuyển bước đi. Dáng cô thanh thanh, ngực nở, eo thon, vừa vặn trong chiếc váy dài gần mắt cá chân. Cô nào cũng trẻ đẹp. Con gái Việt có được vóc dáng và sắc đẹp như thế không? Tôi tin chắc những cô gái Việt nam phải bằng hoặc hơn chứ không thể thua. Cứ nhìn mấy đứa cháu gái tôi ở Việt nam, con bé Xuân, Thảo, và Nhi, tôi tin chắc khi lớn lên vóc dáng chúng cũng đáng hãnh diện với đời. Thế thì cái gì làm tôi phải quyến luyến với hãng Hàng không Singapore? Thưa chỉ vì lịch sự.

Tôi khá giỏi tiếng Việt. Tôi lại không giỏi tiếng Anh. Vì thế, tôi không bao giờ dám chỉ bảo tiếng Anh cho ai và những gì tôi viết sau đây hoàn toàn do tôi nghe được từ những cô tiếp viên Singapore nói với hành khách, như tôi, trên chuyến bay từ San Francisco đến Hồngkông. Xin liệt kê ra đây để hai ông am tường.

- Hàng không Singapore (HKS) với nụ cười: “Would you like to have noodle with chicken or beef and potato?” Tạm dịch, “Ông/Bà thích dùng…?” Chú thích của người viết: không cần ăn cũng thấy no chỉ vì nụ cười và câu hỏi ân cần. Cám ơn cô.

- Hàng không Việtnam (HKVN) với khuôn mặt đanh cứng, lạnh lùng đưa khay cơm cho hành khách mà không cần hỏi chỉ vì thực đơn có mỗi một món. Chú thích của người viết: không muốn ăn vì đã thấy ngấy.

- HKS với nụ cười khi dọn khay thức ăn: “May I take it away, Sir/Madam!” Tạm dịch, “Xin cho tôi dọn khay thức ăn này đi nhé!” Chú thích của người viết: giá mình được đứa con dâu như thế này thì cũng bõ. Cám ơn cô.

- HKVN với khuôn mặt đanh cứng, lạnh lùng dọn khay thức ăn mà không nói một tiếng nào. Chú thích của người viết: Ôi! Thời đại văn minh quá, người máy (robot) ở đâu mà trông giống hệt như người.

- HKS với nụ cười khi mời hành khách: “Would you like some tea? or milk?” Tạm dịch, “Ông/Bà dùng thêm chút trà hay sữa nhé!” Chú thích của người viết: người đâu mà cười tươi thế không biết! Vâng, xin cô.

- HKVN với khuôn mặt đanh cứng, lạnh lùng khi mời hành khách: “Tea?” Chú thích của người viết: may quá, thằng con trai mình vừa cưới vợ ở Mỹ. Nó mà về VN lấy vợ thì bỏ mẹ. Thôi, cám ơn cô.

HKS với nụ cười khi máy bay chuẩn bị đáp: “Bring the seat all the way up, please!” Tạm dịch, “Xin ông/bà đưa ghế về hết phía trước!” Chú thích của người viết: nói năng lịch sự thế thì ai mà từ chối được!

- HKVN với khuôn mặt đanh cứng, lạnh lùng, vẫy tay ra hiệu: “Đưa ghế lên trước!” Chú thích của người viết: lần sau dứt khoát phải đi hãng máy bay khác.

Một vài câu tiêu biểu mong ông TGĐ yêu cầu các tiếp viên nam cũng như nữ học hỏi. Ông Hiển nói không sợ cạnh tranh khi anh phóng viên hỏi. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Người Việt nam vốn có dư thừa lịch sự, nhã nhặn. Lịch sự không hề giảm giá trị nhân phẩm nhưng trái lại nó nâng cao giá trị con người. Còn nếu những nhân viên của ông không hề có nhân phẩm nên không cần giữ thì lại là chuyện khác. Ở ngoại quốc, cùng một tuyến bay nhưng lại có rất nhiều hãng máy bay cạnh tranh. Cái gì làm cho hành khách lưu luyến một hãng máy bay nào đó. Thưa đó là lịch sự, là nhã nhặn. Lịch sự và nhã nhặn là cách cạnh tranh ít tốn tiền nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. Ở trong nước chỉ có một hãng máy bay duy nhất nên ông không cảm nhận được sự cạnh tranh khốc liệt trong thương trường đến thế nào nhưng đây là lối cạnh tranh lành mạnh và cần phải duy trì trong thế giới văn minh của hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay. Thời bao cấp đã qua, bây giờ là lúc cần phải học hỏi những lối làm ăn và cạnh tranh như thế.

Tôi ghé Việt nam có mấy ngày để thăm mấy đứa em, cả mấy đứa cháu đã lớn như thổi. Chúng lớn khôn, xinh tươi, học giỏi, lễ phép chào hỏi mỗi khi thấy tôi. Gần chục đứa cháu đứa nào cũng lễ phép với người lớn, lịch sự nhã nhặn với mọi người. Tôi cũng ngậm ngùi khi thấy cảnh nghèo khổ của nhiều gia đình trong xứ đạo của tôi. Giải thích thêm cho chúng hiểu cần phải chia sẻ với những người nghèo khó, con bé Thảo đã lấy 20 nghìn tiền để dành phụ với tôi. Số tiền chẳng là bao nhưng nói lên tấm lòng của một con bé mới 12 tuổi, đang học lớp 6 nhưng vóc dáng xinh cao như một thiếu nữ đôi tám. Mấy đứa cháu theo tôi đi thăm hỏi, biếu tặng một bà mẹ nằm liệt một chỗ vì bị tai biến não, còn ông bố phải đi ăn xin từng ngày. Chúng kéo hết vào nhà, thay phiên từng đứa chào hỏi lịch sự, và nói ý nghĩa của cuộc viếng thăm và sau cùng trao tận tay một bì thư có chừng vài trăm nghìn cứu ngặt. Cứ thế chúng đi thăm viếng 4, 5 gia đình nghèo nhất của xứ đạo. Tôi bằng lòng vì cách tư cách của những đứa cháu cũng lớn lên trong một xã hội như những cô/cậu tiếp viên kia nhưng lại hành xử hoàn toàn khác hẳn. Tôi trân trọng phẩm giá của những đứa cháu này.

Ngày trở lại Mỹ, tôi ghi tên ở quầy hãng hàng không Singapore. Anh nhân viên người miền Nam nhã nhặn xem xét giấy tờ, hỏi han lịch sự, cân hành lý cho tôi và sau cùng chúc tôi thượng lộ bình an. Tôi liếc nhanh bảng tên trên khuy áo: Nguyễn Duy Anh Hoàng. Tôi siết tay anh, giọng chân thành, “Cám ơn anh Hoàng”. Tôi cám ơn anh thật sự. Tôi cám ơn anh với tất cả tấm lòng của tôi vì anh đã cấy hy vọng vào tâm hồn tôi rằng đất nước này cũng còn những người lịch sự; tầng lớp thanh niên thiếu nữ tuy lớn lên trong cùng một xã hội nhưng vẫn giữ được nề nếp của cha ông, như cháu tôi. Có thể anh xem lời cám ơn lịch sự của tôi bình thường như mọi lần anh đã từng nghe nhưng cách cư xử của anh đã gieo vào lòng tôi một hạt giống của niềm tin, của một tương lai Việt nam sẽ có rất nhiều người tử tế, biết đối xử lịch sự với mọi người. Tôi bỗng thấy cuộc đời này đáng sống quá.

Cám ơn những đứa cháu của tôi. Cám ơn anh Hoàng. Khi máy bay rời khỏi mặt đất, nhìn qua khung cửa sổ, cảnh vật trước mắt tôi bỗng dưng nhạt nhòe hẳn.

Không biết tôi đã khóc tự lúc nào.