Tôi đang đứng trên một bờ ruộng cạnh quốc lộ 1 hướng về Tây Ninh. Phía sau tôi là cây cầu cũng mang tên là cầu Bông trùng tên với cây cầu trong khu Ða Kao của thành phố Sài Gòn. Cây cầu này là mốc địa giới giữa quận Hóc Môn của tỉnh Gia Ðịnh và quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa. Trên các thửa ruộng sau hàng cây trâm bầu thấp thoáng những chiếc xe tăng M 113, M 48 mà binh sĩ sư đoàn 25 bộ binh miền Nam VNCH đã bỏ lại sau khi họ tan hàng tập thể trong hơn tháng trước. Trí óc của một thanh niên mới vừa 18 tuổi, tôi và Trí, người em con cậu, háo hức rảo bước vào các chiếc xe này. Trèo vào các chiếc xe tăng mà nghĩ về hình ảnh những người lính đã từng ngồi tại đây trong các chiến trận. Súng đạn vẫn còn nguyên trong xe và trên các bờ ruộng. Là dân sống ở Sài Gòn, tôi theo mẹ về dưới vùng Hóc Môn này để tìm mua ruộng đất làm ăn trong buổi giao thời thay vì chờ nhà nước CS đưa đi vùng kinh tế mới. Có tiếng lên đạn, tôi nhìn chung quanh và thấy vài thanh thiếu niên khác cũng trạc bằng hoặc nhỏ hơn tuổi tôi đang cầm một cây M16 trên tay. Một thanh niên đang chỉ dẫn cho bạn mình cách sử dụng cây súng rồi tiếng bấm cò, tiếng kim hỏa mổ vào chỗ trống. Súng không có gắn đạn. Lặp lại các động tác đó vài lần rồi họ vất cây súng đó trên bờ ruộng, kéo nhau đi. Trí nói với tôi: - Mình ráng kiếm xem coi có cây Côn nào không anh. Trí óc thanh niên ai cũng thích sở hữu một súng lục trong tay nhưng chúng tôi lục tìm trong các chiếc xe nhà binh này mà không tìm được cây súng Côn nào cả. Chúng tôi đi trở ra ngoài đường lộ. Một phụ nữ mặc áo trắng đang lui cui nhặt tìm một cái gì đó gần lề đường. Hai đứa tôi tiến lại gần người phụ nữ này. Bà đang xem từng tấm thẻ căn cước quân nhân, thẻ bài kim khí, thẻ giấy lãnh lương của lính... nằm vương vãi trên lề đường và gần các cạnh bờ ruộng. Mắt người phụ nữ này đỏ hoe. Tôi hỏi bà: - Dì kiếm gì vậy hả dì? Nhìn chúng tôi, người phụ nữ trả lời: - Chị xem coi có giấy tờ của anh ấy không? Hết đánh nhau rồi mà không thấy ảnh về. Không biết giờ ảnh ở đâu nữa! Thì ra chồng người phụ nữ này là một chiến binh VNCH chiến đấu trong khu vực Hóc Môn-Thành Ông Năm này trong những này cuối của chiến. Thấy chúng tôi yên lặng nhìn, người phụ nữ kể tiếp: - Ảnh tên Tia, Nguyễn Văn Tia... Các em có thấy tấm thẻ bài hoặc giấy tờ nào tên Nguyễn Văn Tia thì đưa cho chị nha. Rồi bà lầm bẩm: Anh Tia ơi! Anh ở đâu sao không về. Một mình em với các con biết làm cái gì bây giờ đây hả anh? Chúng tôi đi dọc theo các bờ ruộng này. Thỉnh thoảng cúi xuống nhặt một thẻ căn cước quân nhân hay một tấm thẻ bài xem nhưng không có tên Nguyễn Văn Tia chồng của người phụ nữ nầy. Ðến một trụ điện ven đường, ngay dưới chân trụ điện là hố cá nhân đã được ai đó lấp vội nhưng vẫn còn thấy rõ các mảnh thân xác của một tử sĩ VNCH nằm bên dưới thòi lên. Chúng tôi vội lùi xa khi luồng gió đồng từ đâu thổi đến làm bốc lên mùi tử thi bị rữa. Nằm không xa, một nấm đất mà ngay phía trên đầu là một cây súng trường M16 cắm ngập xuống đất với chiếc mũ sắt lính chụp trên báng súng. Hình ảnh nấm mồ với cây súng này y chang trong một cảnh phim chiến tranh lúc tàn cuộc mà tôi đã từng xem. Người phụ nữ khi nãy lại gọi chúng tôi. Trí và tôi liền quay lại. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt bà, một phụ nữ miền Nam tuổi khoảng 40. Vẻ mặt bà đầy vẻ nhẫn nại, chịu đựng với chút thoáng buồn của người vợ lính làm tôi tự dưng có cảm tình với bà. Tôi đứng yên nghe bà hỏi: - Các em có biết lính mình còn đóng quân ở đâu nữa không? Các em có nghe có thấy nơi nào trong vùng này lính biệt động quân vẫn còn chiến đấu chưa ra hàng không? Chỉ cho chị biết đi. Thì ra chồng bà là lính biệt động quân. Trí cho biết là vài tuần lễ cuối cuộc chiến thì lính biệt động quân từ đâu đến tăng phái, đã đóng quân trong vùng Thành Ông Năm nầy vì những trại lính ở đây là lính công binh, tác chiến không như các lính chiến khác. Nghe Trí nói, người phụ nữ gật đầu, nói: - Ðúng rồi! Khi đơn vị ảnh chuyển đến đây thì chị có lên thăm ảnh được một lần ở trong khu xóm kia kìa. Không biết ảnh giờ lại đi đâu rồi ? Nhìn theo tay người phụ nữ, chúng tôi thấy mái nhà tranh xa xa khuất sau các hàng cây. Trí nhìn người phụ nữ, buột miệng: - Lính thường đóng trong khu rừng Ðiều lắm... Mà khi đó chứ bây giờ chắc không còn ai nữa đâu dì ơi. Vừa nghe xong, mắt người phụ nữ sáng lên, nhìn Trí , miệng bà lắp bắp hỏi dồn: - Rừng Ðiều! Lính đóng ở đó hả? Cách đây bao xa? Làm sao đi vào đó được? Hay là em vào đó tìm anh Tia giúp chị đi. Chị gửi tiền cho em ngay bây giờ. Ði ngay đi em, giúp chị đi mà. Tội nghiệp chị. Rồi người phụ nữ khóc và nhìn chúng tôi khẩn khoản. Tôi nhìn thằng Trí, dò hỏi. Nó im lặng trong chốc lát rồi lắc đầu, trả lời: - Không còn ai trong đó nữa đâu dì ơi! Cháu biết rõ như vậy với lại muốn đi vào đó phải có xuồng chứ lội bộ sình lầy không đi được. Người phụ nữ mắt đỏ hoe vẫn cứ nài nỉ thằng Trí giúp rồi thấy không xong, bà quay qua nắm tay tôi, van nài: - Giúp chị nha em. Tội nghiệp chị mà. Chị đâu có biết đường đi vào đó đâu. Tự nhiên nước mắt bắt đầu rỉ ra từ mắt tôi. Tôi nói với bà: - Dì ơi! cháu ở Sài Gòn mới về đây có ít ngày hà. Cháu cũng không biết chỗ đó đâu. Nếu biết thì... nhưng chưa nói hết câu thì thằng Trí đã kéo tôi đi ra chỗ khác. Ði một quãng khá xa nó nói: - Anh đừng nhận lời giúp bả. Làm sao mà đi vào đó được. Gần hai tháng giải phóng rồi, không còn lính nào sống ở trong đó hết. Em biết rõ như vậy. Tôi quay đầu nhìn lại, người phụ nữ đứng đó, tay bà vẫn vẫy chúng tôi trong tiếng khóc. Hai đứa tôi tiếp tục đi dọc theo đường lộ. Ðằng trước mặt có một thiết vận xa M113 nằm sát bên rặng cây bình bát ngay gần vệ đường. Tôi và Trí tiến lại, nhìn qua cửa mở toang phía sau xe. Chiến xa này có nguyên cả một cây súng cối khá lớn còn nằm trong lòng xe. Tôi định trèo vào để lục soát thì mũi ngửi được một mùi xác chết. Nhìn kỹ, một thi hài lính chiến nằm ngay trên sàn xe sát cạnh chân đế của cây súng cối. Tiếng ruồi vo ve gần bên tai, tôi vội bước lùi lại, bỏ ý định trèo vào chiếc chiến xa nầy. Trí kéo tay tôi đi, nó đã biết trong xe có xác người. Tôi nhìn chiếc chiến xa, không có dấu vết đạn nào trên thân xe. Như vậy, người chiến binh VNCH này chắc chắn đã tự sát chết. Bỏ chiếc xe tăng đó, chúng tôi đi tiếp đến một cây cầu nhỏ dẫn vào một con rạch thông thương với con kênh chính sát gần mặt đường nhựa. Dọc theo con rạch này, những bụi hoa Sim dại mầu tím sẫm và những bụi cây bình bát đung đưa theo gió chiều. Có cái gì nổi lùm sùm trong các bụi cỏ năng dưới làn rạch. Chúng tôi tiến lại xem. Một xác người đang trong giai đoạn rữa nát. Kinh quá! Chúng tôi đi tiếp để thấy thêm vài xác chết nữa nổi dập dềnh đây đó. Những người này là thường dân? Chắc chắn như vậy vì họ mặc thường phục. Hầu hết là đàn ông nhưng cũng có xác của phụ nữ nữa. Trí kéo tay tôi chỉ về một cái xác nổi gần bờ hai tay bị trói chặt. Bước chồm sát tới để xem cái xác, chân thằng Trí đạp vào vài viên đất trên bờ làm chúng lăn tòm xuống nước. Nghe động, một đàn cá rô bơi ra từ dưới bụng của xác người này. Trên lưng áo trắng bỏ vào quần vẫn còn dấu những vết đạn, máu loang lổ. Những xác người này; họ là ai và bị ai giết chết? Rồi tôi thấy ở khá xa tuốt trong phía sâu có bóng hai người đang lui cui làm cái gì khuất sau các hàng cây dứa dại cạnh bờ rạch. Tôi và Trí đi đến xem. Một người phụ nữ và một cô gái tuổi thiếu niên đang cúi đầu đọc kinh lầm thầm. Một tờ báo trải ngay trên mặt đất với ít bánh ngọt bày trên đó. Vài cây nhang đang cháy khói nghi ngút cắm gần một dép nhựa loại có dây quai gót ở phía chân trái. Tôi nhìn xuống con rạch, xác một người đàn ông áo sọc ca rô nổi phình trên các bụi cỏ năng cỏ lác mà chân phải của thi hài vẫn còn mang dép. Tôi và Trí đứng yên lặng trong chốc lát rồi từ từ quay ra. Gió đồng mang mùi xác chết đến mũi chúng tôi. Một cái mùi đặc biệt không lẫn vào đâu được. Sau lưng hai đứa tôi bây giờ là tiếng khóc than của hai mẹ con người này. Tôi nhìn cảnh vật chung quanh. Ðồng quê buổi chiều thật êm ả. Vài cánh cò trắng bay chập chờn xa xa như trong các câu chuyện các tấm hình về một cảnh đồng quê thanh bình. Nhìn ra phía đường lộ, vài chiếc xe hai bánh, xe đò vẫn bình thản chạy tới chạy lui. Không ai biết trên con đường nhựa nầy đang có người đi tìm tung tích chồng mình và trong tuốt con rạch có người đang khóc than cho số phận của thân nhân mình. Hết chiến tranh mà sao vẫn mầu thê lương tại đây! Trời đã về chiều trên cánh đồng tàn cuộc chiến. Tiếng gió bây giờ thổi mạnh, rít từng cơn qua các cành cây kẽ lá như lời đang than van của các quả phụ miền Nam VNCH vừa bại trận. Tiếng ai oán hờn căm trong gió Một tấc quê hương, một tấc người. Không một chế độ nào tồn tại vĩnh viễn. Chế độ nào rồi cũng phải thay đổi và quy luật đó cũng sẽ đến với đảng CS đang cai trị nước Việt. Hình ảnh xác người chết bên vệ đường, thằng chổng (xác người chết nổi) trên các con sông, bờ rạch vì cuộc chiến cốt nhục tương tàn... sẽ không còn tái hiện trong một xã hội hòa bình-tự do-dân chủ của nước Việt thân yêu sau nầy.
(Viết để tưởng nhớ ngày 30-4-1975) |