Home Văn Học Tùy Bút Người anh vắng mặt

Người anh vắng mặt PDF Print E-mail
Tác Giả: Vietsciences- Võ Hồng   
Thứ Ba, 31 Tháng 3 Năm 2009 01:18

Anh tôi tên Lu. Hỏi ý nghĩa thâm thúy của cái tên đó, Ba tôi mỉm cười:

- Cũng đơn giản thôi. Hồi lên một tuổi rưỡi, nó mập mạp, má phính, và vì ăn to nên bụng cũng phính theo. Lũ trẻ nhỏ tinh nghịch nói "mày giống cái lu nước". Khi nó khóc, tiếng ồ ồ, chu cái miệng thì lũ nhỏ vỗ tay xác định "miệng hả như cái lu, tiếng ồm ồm như tiếng rền trong lu nước"

Không chỉ có vậy thôi. Đứa con nào của ba má tôi cũng được tròng thêm một cái tên thô thiển để kêu ở nhà: chị tôi là "con Bé", anh kế tôi là "thằng Em", còn tôi là "con em Nhỏ". Chẳng biết do ai đặt ra. Cái truyền thống rất quê mùa này lại cũng là rất Việt Nam, bởi chưng những người có học khá cũng không mấy ai thoát nổi cái hấp lực của nó. Ông tiến sĩ và ông thợ mộc đều vui vẻ xuề xòa nhận ra cái tên Cu Tí, Bé Cụi… cho con mình. Không phải vì sợ kêu tên đẹp thì ma quỉ bắt, đặt tên xấu thì âm hồn chê, như thời bà Ỷ Lan thái phi, bà Ngọc Hân công chúa.

Má tôi thể chất yếu mà lại sinh con vào giữa thời kháng chiến gian khổ nên có thể nói rằng má đem sinh mạng mình ra để đổi lấy sinh mạng cho con. Có mang đứa nào cũng đau bịnh rề rề. Bao nhiêu tiền tiện tặn dành dụm đều tiêu tan vào chương mục sinh đẻ. Hồi đó các nhân viên hành chánh đi đâu cũng mang theo cái xắc cốt da. Rập y theo kiểu xắc cốt của quân đội Nhật Bản khi tràn vào Đông Dương, năm 1940. Cái xắc cốt có hai cái túi, có nắp đậy. Mặt ngoài có mang ba bốn vòng da, đúng tầm cỡ để giắt bút máy, bút chì đen, bút chì màu (hồi đó chưa có bút bi). Ba tôi dành dụm tiền tín phiếu căng phồng xắc cốt và hễ má tôi đẻ một đứa là cái xắc cốt lép xẹp trở lại. Anh Lu tôi lập thành tích rực rỡ hơn hết. Tới phiên anh, cái xắc cốt ốm nhách nhiều tháng hơn mấy đứa khác.

Má tôi không có sữa. Đẻ ra đứa nào cũng phải nhờ mấy bà sản phụ ở gần kề cho bú giùm. Bắt đầu là mấy bà nằm đẻ ở các giường bên cạnh ở nhà hộ sinh. Sau đó khi ẵm về thì nhờ mấy sản phụ ở trong xóm. Trường hợp anh Lu có phần gian nan hơn: lúc đó trong xóm không có ai chịu đẻ hết. Trong khi đợi kiếm cho được một bà vú, má tôi đành bế anh đi theo một người đã cho anh bú nhờ ở nhà hộ sinh. Người nhũ mẫu này, má gọi là chị Tròn, vốn là dân Phan Rang tản cư theo kháng chiến và ra mãi Phú Yên, lúc ấy là vùng tự do. "Chị" và chồng dựng một cái nhà sơ sài bằng tranh rạ ngay trên lề đường ô tô, gần ga Phong Niên. Vợ chồng làm nghề đẽo guốc. Cái nhà lụp xụp, diện tích không hơn bốn thước vuông. Ba tôi phải mượn cái kho của Nghiệp đoàn xe ngựa địa phương để má và anh ở tạm. Cho gần bầu vú của "chị" Tròn.

Ngày bú mấy lượt, việc làm ơn và nhận ơn diễn tiến êm đềm. Chỉ khốn khổ nhất là giấc khuya, giấc gần sáng. Tuy mới giữa mùa Thu nhưng vì đồng trống lại sát bờ sông mà vách nhà kho lại chỉ gồm những thanh tre đan trống hở, nên gió lùa lạnh ngăn ngắt. Bốn giờ sáng anh khóc, má phải quấn anh thật kỹ trong chăn rồi má cũng tự quấn má thật kỹ trong áo choàng, khăn choàng, chụp thêm cái nón. Má lò dò bế anh lại nhà "chị" Tròn, lắng nghe động tĩnh, hồi hộp đau khổ, tính tới tính lui xem có nên gõ phên cửa hay không.

Hỡi ơi, bao nhiêu lo lắng ngại ngùng, xót xa buồn tủi đó, đâu ai còn nhớ, ngoài Ba tôi !

Kiếm cho ra một bà vú! Đích thực là trong trường kỳ lịch sử không phải người mẹ nào ở nhà quê cũng có sữa cho con bú.

Sau hai tháng nhắn nhe, một hôm người quen đưa đến một người đàn bà quê mùa vạm vỡ, quê ở ngoài Gành Đỏ Vũng Lấm miền biển nên nước da đen giòn. Mắt sáng, mũi cao, nét đẹp phương phi. Hỏi tên thì bà nói: "Cứ kêu là bà Kệ... má con Kệ". Để tỏ lòng quí trọng thân mật, má tôi gọi "Má Kệ"

Có má Kệ cho bú, anh Lu rời cái kho chuồng ngựa, về ở nhà ông, bà ở dưới Quảng Đức. Nơi này sát bờ sông, có gió biển. Khí hậu được khen là tốt. Lại có nguồn sữa dồi dào, anh mập trông thấy, má phính tròn, đùi và mông no tròn. Anh lãnh cái tên Lu vào giai đoạn hoàng kim này.

Gọi là "Hoàng kim" vì khi anh lên năm tháng, má Kệ một hôm xin phép về Gành Đỏ thăm nhà rồi ở luôn không vô. Lý do vì sao tôi không rõ, chỉ đoán là lý do chắc chính đáng lắm, má Kệ ăn ở biết điều lắm, bởi chưng má Kệ gởi chị Kệ Vân Anh thay má ẵm bế Lu, trong khi chờ đợi tìm bà vú khác. Chị Kệ lúc đó khoảng mười lăm tuổi.

Má tôi khốn khổ trong việc nuôi anh. Không chỉ nấu cháo, tán cháo, má tôi dành tiền mua thịt ninh lấy nước để pha vào cháo. Rồi phải mua rau cải, bí mật, hành… ninh với thịt để cho đủ chất bổ dưỡng. Rồi thêm hột đậu phộng vô ninh để tránh táo bón. Gần như má tôi phải lục lọi mọi kiến thức về Sinh học, về Hóa học, về Cơ thể học trong việc nuôi dưỡng anh. Suốt ngày suốt đêm lò lửa phải ngún âm ỉ để nồi cháo không bị lạnh, không bị thiu, không làm môi trường cho vi sinh vật phát triển. Tội nghiệp cho má. Lý luận chưa chắc đã đúng với thực tế, cái biết nó vời vợi chớ đâu mấy chồng sách đó mà đủ. Chắc má cũng hiểu vậy, nhưng quá thương con không dám bất cẩn, lỡ ra…

Nhưng kết quả bi thảm: anh gầy gò, đít teo, chân tóp, cổ khô, bụng dài. Cả cái đầu cũng thấy gầy ốm. (Hồi giờ tôi cứ nghĩ là nó gồm toàn xương thì không có cách gì mà ốm được. Té ra không phải vậy. Nó cũng biết cách). Chỉ lạ là cặp má vẫn phúng phính.

Gần đầy tuổi mà anh vẫn đứng chưa được. Thêm vài tháng nữa thì anh thêm chứng sài lở ở đầu và ở mặt. Ngứa quá, đôi tay cứ dụi cứ cào. Má may đôi bít tất tay bằng vải mang cho anh. Anh vẫn dụi. Má phải lấy dây vải cột đôi tay anh vào mặt võng. Ngứa quá, anh khóc ngằn ngặt. Má đứng nấp ở sau cánh cửa, nhìn anh mà nước mắt chảy ròng. Má khóc vừa tức tưởi nói:

- Lu ơi, con không có tội tình mà sao Trời lại hành hạ con khốn khổ như vầy!

Mọi kinh nghiệm dân gian chữa sài, má đều lần lượt áp dụng. Gần như không bỏ sót. Nghe ai bày món gì cũng cố gắng tìm ra cho được. Cây, củ, rễ, lá.. kể không xiết: lá sầu đâu, lá ổi, lá keo, lá dầu lai, củ ráy, chùm kết.. Khắp các phương pháp trị liệu: tắm, thoa, bôi, rắc, xông, đắp… Luôn tám, chín tháng như vậy. Cuối cùng, chán rồi, mấy chỗ lở cũng đành chịu khô lần.

Thấy anh ốm o, có người bày làm thịt chó con cho anh ăn. Má nghe theo, mà vừa nạo lông con chó vừa khóc. Lòng thương con vật, nhất là con vật còn thơ dại như chính con mình, khiến lúc đó má nghĩ đến tội sát sanh, má nghĩ đến ông Phật. Má không nỡ lý luận theo kiểu "vật dưỡng nhân", má lẩm bẩm "Nam mô"

Đích thực là vì lòng thương con, những người mẹ sẵn sàng rớt xuống chín tầng địa ngục. Hồi chị Bé lên hai tuổi, chị cũng ốm. Người ta bày ăn thịt rùa. Một người ở Hóc Bò đem tặng má một con rùa, má phải tự tay làm thịt vì không dám nhờ ai. Cái vỏ con rùa có vẻ vô tri, giống như một vật dụng bằng gỗ, bằng đá nên ít gây xúc động. Nhưng khi xếp những miếng thịt rùa đặt vào rổ, thấy trái tim rùa cứ đập nhịp đều đặn như nó vẫn còn ở trong lồng ngực, má òa ra khóc.

Anh Lu trở lại có da thịt. Không biết con chó con đóng góp mấy phần. Ba tôi không cả tin mà cũng không thành kiến, nghe người mách có một con dê Bắc Thảo nhiều sữa đang được rao bán, ba vay tiền mua liền. Hồi đó, chặng 1950 - 51, ở Phú Yên có phong trào nuôi dê tự túc. Bỏ vốn tìm mua một con dê Bắc Thảo giống tốt. Dừng một cái chuồng sơ sài, hoặc giản lược hơn, đem cột nó nơi hiên sau. Con dê vốn sạch, lông mịn không hề tiết ra mùi hôi. Phân khô rơi từng hột như hột mãng cầu và cũng không mùi như hột mãng cầu. Chỉ có nước đái thì khai quá trời, mà đái gì ngập sàn trôi sạp luôn. Có điều người ta truyền miệng cho nhau: nước dái dê sát trùng, ở cạnh chuồng dê, người lao cũng khỏi bệnh. Thì cứ tin như vậy cũng được, cũng chẳng tốn hao gì. Kháng chiến gian khổ, thuốc men vừa đắt đỏ vừa khó mua. Một hộp Bévitine 3 ống, chuyển từ vùng bị chiếm ra ngoài, giá bằng nửa tháng lương công chức.

Con dê cho mỗi buổi sáng một lít rưỡi sữa. Anh Lu và chị Bé chia nhau. Uống sữa tươi, nấu cháo sữa, khuấy kẹo sữa. Mỗi ngày thuê người chặt ba bó lá bự cho nó: lá gòn, lá keo, lá sầu đâu. Bí quá thì lá tre.

Bao nhiêu thiếu thốn nhọc nhằn tiêu tan hết khi ba thấy anh cười. Thấy cặp đùi no tròn. Thấy cái ngực đầy đặn trắng nõn mỗi khi má thay áo cho anh. Anh biết ngửa hai bàn tay bụ bẫm ra nựng má. Biểu "Hôn má đi" thì biết áp mặt vào mặt má, nhiều khi dây nước mũi lòng thòng.

Hạnh phúc tròn đầy đâu được bốn, năm tháng thì một buổi xế anh ngủ dậy, má rờ đầu thấy nóng. Cho uống căn cơ tán như thường lệ. Không bớt. Nóng suốt đêm. Sáng ngày má mời bác sĩ. Ngày ấy suốt tỉnh Phú Yên chỉ có một bác sĩ Dân y. Nhưng cơn nóng không thấy bớt. Má loay hoay. Muốn cho uống lại căn cơ tán nhưng không dám. Má xoa dầu. Má đánh gió. Nhưng anh không khá hơn. Má lại mời bác sĩ. Cũng vậy. Anh nhắm mắt. Má kêu "Lu ơi! Con ơi!". Nhưng anh cứ lặng im nhắm mắt. Hơi thở nhẹ. Ba loay hoay. Ông bà và cả nhà loay hoay. Đến nửa khuya thì mặt anh biến sắc. Tái hẳn đi. Rồi anh không thở nữa.

Ba má tôi chôn anh kề sát mộ bà Nội, ở sườn núi Gò Đình.

Sau anh Lu, má tôi sinh anh Hào và tôi. Kỳ sinh tôi gian nan nhất vì nhằm chiến dịch Atlante, Pháp tiến chiếm Phú Yên, ba tôi phải chạy ra Bình Định. Má ở lại xoay trở một mình. Những nhọc nhằn thể xác và âu lo phiền muộn đã gặm mòn sức khỏe má. Khi tôi lên ba tuổi thì má từ trần. Má đã được toại lời nguyện ước của ngày anh Lu mất. Ngày đó má cứ ôm xác anh, không chịu đặt nằm xuống. Bà lại gần đưa tay vuốt ve anh rồi nhẹ nhàng nói "Thôi, cho nó nằm xuống". Nhưng má giật lại, ôm siết chặt hơn, lắc đầu lia lịa "Không, không. Để tôi ôm. Tôi không lìa con tôi. Tôi đi theo nó. Con ơi! Con ơi! Má con đây!". Chắc anh đang đứng chờ má. Và má lặp lại câu nói ngày đó: "Con ơi! Má con đây!"

….

Bao nhiêu sự việc kể trên là do ba tôi thuật lại. Tôi biết được mặt má tôi qua những tấm ảnh. Xa nhất là khi tôi lên một tuổi, má bồng trên tay. Còn anh Lu thì mặc sức mà tưởng tượng. Chẳng biết do một ý thức tự ái tự trọng tiềm ẩn nào mà trí óc tôi cứ muốn xua đẩy cái hình ảnh anh Lu gầy gò sài lở mà vội vàng dựng lên cái vóc dáng mập mạp, cái gương mặt tròn trĩnh với đôi mắt nhìn thâm trầm lặng lẽ của anh.

Khi tôi có trí khôn, tôi để ý thấy cứ một năm đôi lần, ba tôi mở tủ sắp xếp dọn dẹp gì trong đó rồi thường lấy ra một cuốn sổ nhỏ lặng lẽ ngồi đọc. Cuốn sổ chỉ to bằng bàn tay và dày cỡ hai phân. Nét mặt ba u buồn và thỉnh thoảng đưa mắt nhìn ra xa mông lung. Đọc xong cất vào tủ khóa lại.

Năm tôi mười bốn tuổi, một hôm ba mở đọc cuốn sổ như thường lệ thì chợt bên hàng xóm trước mặt có tiếng la "Lửa! Lửa!". Ba lật đật bỏ chạy đi tiếp cứu, cuốn sổ ném ào lên bàn tôi. Vụ cháy chỉ nhỏ, dập tắt sau nửa giờ. Nhưng liền đó có người tới rủ đi có việc gì gấp, ba không kịp nhớ tới cuốn sổ nữa. Tôi lật ra coi.

Đó là một cuốn vở tự đóng. Mở trang đầu thấy ghi "cuộc đời của Lu". Nét chữ của ba tôi. Tôi hồi hộp đọc.

Ba lược kể những ngày ba, má cùng đi dạy học, ở trọ nhà "chị" Quảng ở Đồng Me. Lúc bấy giờ chị Bé lên một tuổi mười tháng, nhờ một chị tên Rau ở Hóc Bèn tới ở bế giùm. Quang cảnh mùa mưa lụt ngập đồng, sõng câu bơi qua lại, ghìm sát hiên trường, bơi lọt vô luôn giữa lớp…

Những ngày má có mang, máy bay Pháp quầng bắn, phải chạy xuống hầm liên miên. Có tin Pháp rục rịch đổ bộ. Máy bay Pháp bay ban đêm thả dù do thám xuống vùng núi Vân Canh, Phước Lãnh. Bà mụ Ràn chuẩn bị Spartéine đề phòng má tim yếu. Ba giờ rưỡi khuya ngày 18-8 má sinh Lu, nở nang, ngực gồ, tóc đen. Sáng ngày máy bay quầng bắn Phú Hòa cách 3km. Ba ngày sau, Pháp đổ bộ Tiên Châu, bọc lên Hội Tín. Ba bế Lu, dắt chị Bé cùng má lội qua đập chợ Hôm, đi bộ lên đèo Thị, Phong Thăng ở lại hai ngày, đợi yên mới về.

… Những ngày có bà vú Kệ…

… Những ngày không có bà vú, những ngày gian khổ…. Chậu lửa để dưới giường vào những đêm lạnh... Sài lở nơi đầu ngứa quá, Lu cứ lấy đầu ủi bừa vào gối… Mài huyết kiệt, huỳnh liên mà bôi, đốt chân gà, chân công, tán nhỏ pha dầu mà xức. Chị Thắm bày ăn thịt trùn cho bớt ghẻ, ăn thịt cóc để xổ cái bụng cam tích. Mỗi lần tắm là mỗi lần cực hình, cứ thấy bưng cái thau nước đặt kề, rót nước loãng xoãng vô pha là khóc òa lên.

… Những ngày mạnh khỏe. Mượn cái xe mây của anh Yết. Ban đầu lạ, con sợ. Lần lần quen, con ngồi xuống đứng lên trong xe. Má ngồi đâu thì đặt xe kề bên, con yên lòng, thỉnh thoảng kêu "Má… Má…". Má bỏ đi đâu, con kêu "Má… Má..". Ngồi một mình buồn, con kêu "Má… Má". Cả lúc vui cũng quen miệng thích chí, gọi to "Má… Má". Tiếng "Má… Má" như đã khéo hình dung được lòng yêu thương tin cậy con đặt nơi má con…. Lu làm quen với ông, bà. Lết thật mau, bò thật mau lại giành bà với chị Bé. Có hồi lết xuống gầm bàn, lượm nhiều chiếc guốc, thọc chân mang chiếc này rồi bỏ qua mang chiếc khác. Trèo lên bực ngồi rồi té ngửa. Đang ở nhà ngoài, leo qua ngưỡng cửa, bò lên nhà trên để kiếm chị Bé.

… Mấy em nhỏ láng giềng, thằng Luận con Lự cứ lăm le chực ẵm Lu chạy chơi. Chính mấy bạn này đã đặt tên cho Lu đó. Ban đầu đặt tên Lô. Vì ăn to. Sau đó đặt tên Jô vì khi thích thú, con cứ nẩy nẩy rung rinh như người gảy đàn băng-jô. Sau cùng là Lu. Ôi, sau cùng! Có một mụt chốc nhỏ ở mép đầu phía trái, má lấy kéo hớt ngắn khoảng tóc xung quanh. Hôm con mất, cái khoảng tóc vẫn ngắn y nguyên giữa một rừng tóc cứng dày, ba hẹn cắt hoài mà chưa kịp.

… Ngủ với con, mới mờ sáng má đã phải lén dậy để đi nấu cháo. Múc cháo ra, chỉ có má, ba và bà đút là chịu ăn. Chị Bé đút thì la "không… không…". Ai khác lại gần cầm muỗng đút thì la "Đừng… đừng" vừa đánh vào tay. Mê ăn là đặc tính của trẻ con, khác nhau chăng là cách biểu hiện. Lu thì biểu hiện nồng nhiệt, thiệt thà, như huy động cả cơ thể mình để biểu diễn sự nồng nhiệt. Khi nghe dọn chén tiếng đũa chạm vào mâm là bắt đầu cuống quít. Thấy mâm cơm bưng đi qua là vội vã bò tới, vịn đứng dậy, miệng rối rít "Ngon… ngon". Vừa giơ tay đòi ẵm lên. Ba vừa đưa tay quàng ngang hông là ôm cứng vừa đánh đu dính chặt. Ba đùa, nách chạy vòng quanh vừa "Ùi.. ùi" thì thích lắm, nhảy cỡn lên, cười khanh khách. Đặt ngồi xuống xe là bật đứng dậy liền, như máy. Tay vội chỉ món này món kia còn miệng thì lia lịa "Ngon… ngon". Chị Bé mê chơi ở đâu, phải kêu mãi mới chịu về. Chị vừa sà lại đứng cạnh mâm cơm là con gân cổ rụt đầu hét to. Phải dàn xếp ngay, phải đuổi chị Bé đi chỗ khác. Qua đi những muỗng cơm háo hức lúc đầu, những muỗng sau khề khà chậm lại. Rồi kết thúc bằng một búng cơm đầy miệng, cứ ngậm nút mãi, nút cho đến díu mắt ngủ gục. Chợt tỉnh thì lại chíp chíp nút lại. Nhiều lần ngủ gục, xáng mạnh đầu vào tay xe, giật mình hoảng hồn.

Những món lạ mà con được ăn, ngoài cơm, thường là do bà đưa. Bà không "khoa học" như má, không phân tích thành phần hóa học và khả năng dinh dưỡng của mỗi món ăn. Bà làm theo thói quen lưu lại từ bà Cố, ông Sơ. Bắp nếp, khoai lang, khoai hạ, môn sáp… cho tới trái sim, trái say, trái giấy… bà cũng cứ đưa cho, thoải mái. Má ngại nhưng sợ phật ý bà không dám cản đành mượn lý luận để tự trấn an "Cứ coi như một cách tập luyện cho cái dạ dày nó quen". Con thì khỏi nghĩ chi xa xôi, chỉ biết mỗi khi thấy bà đi chợ chiều về là mừng.

Đang ăn mà nghe "ạch… ạch", cái mặt đực ra là biết rồi đó. Phải chạy lại bế đi gấp. Con biết ghê tởm sự dơ. Ngồi tiểu, thấy nước tiểu dính chân là cứ giơ cao chân lên, nhăn mặt "ử…ử" và đưa mắt cầu cứu. Mỏi mà cũng không dám bỏ xuống. Đôi lần đại tiện lỡ trên xe, vội vã đứng dậy ngoái lại nhìn, gớm quá cứ đứng tránh xa. Rồi nhăn mặt ứ.. ứ… Biết nghịch ngợm với cái xe. Ngồi chồm hổm, ngồi ghếch hai chân lên tay vịn, ngồi thọt hai chân lọt qua hông xe, rồi bị kẹt, rồi la. Thật xa xôi với ngày nào mới tập ngồi xe. Phải chèn gối phía trước, chèn gối hai bên, vậy mà mới đẩy xe tới đã lật đật ré lên, huơ tay cầu cứu. Bây giờ thì có nhiều lúc con ngồi im lặng trong xe, nơi chiếc giường lớn, ngồi một mình, nét mặt mơ màng xa vắng. Ba má thản nhiên đi qua, con như không để ý, không biết, như đang nghĩ gì đâu đâu. Ba thì hiểu sự im lặng đó là hình thái của sự cam chịu nhẫn nại. Chớ đâu có thể mơ mộng vào tuổi con. Có lần má thấy thương, hỏi "Lu, con đang nghĩ gì đó?" thì con liền giật mình như chợt nhớ ra, con vội "ứ…ứ" và giơ tay đòi ẵm. Có những buổi trưa má bận tay rửa chén. Con ngồi ngáp. Ba bế con lại giường. Nói "con nằm xuống ngủ đi". Thì liền chổng mông, cúi đầu dí sát mặt gối. Ba vừa đưa tay quàng ngang lưng thì con đã ngủ say rồi. Tiếng thở dài nhiều khi khò khè, rột rột.

Có cái ngạch cửa thông từ hiên sang nhà ngang mà không lần nào vượt qua nổi. Cứ chống tay đứng gác, gác được một chân qua rồi sợ, rút chân về. Chị Bé phải lại nhấc lên giùm. Leo lên bực để lên nhà ngang. Leo lên bực để lên nhà trên. Leo xuống bực để xuống nhà bếp. Chao ơi, sao ở nhà quê lắm bực vậy không biết. Phiền quá, bò tới chỗ nào cũng gặp bực. Leo lên cho được cái bực, mệt rồi ngồi xuống nghỉ, bất kể chỗ ngồi đã đủ cho cái đít chưa. Hồi mới tập leo, ngồi chưa được vững, hễ cứ ngó lên ngược ót là đã ngã lăn kềnh.

Khi các mụt ghẻ đã lành, da thịt trơn tru thì không cần tắm con trong thau nước ấm nữa. Nhằm mùa Hè, má, chị Bé và con ra giếng tắm. Cứ tha hồ xát xà bông và xối nước cho con. Buổi chiều mát trời để con ngồi chơi trên chiếc chiếu trải giữa sân. Ba và chị Bé ngồi cạnh. Nhằm mùa mía, xiết đưa cho con một khẩu, con nhai mía ngon lành, nước mía chảy ướt vạt áo. Chiều xẩm có ông thông tin phát loa "Alô! Đồng bào nghe đây…" Mới nghe tới "Alô" con đã mừng quá, nhảy nhót huơ tay chân ra dấu đòi ẵm chạy ra coi. Buổi tối khi má dọn dẹp xong, rửa tay rửa mặt xong, má lại gần, nói "Lu đâu? thằng Lu đâu? Lại đây với má" tức thì con sà vào lòng má, ôm lấy vai, kề đầu tin tưởng vào ngực má ở bên mình. Vì chỉ giờ này má mới hoàn toàn là của con. Có lần khi được ấp ủ trong tay má, con buông ra một tiếng thở dài. Má nói với ba "tiếng thở dài như trút hết những lo lắng, khổ đau, đợi chờ mong ước. Ngủ cạnh mẹ lâu lâu cất tiếng ú ớ, lăn qua trở lại, huơ tay tìm. Hình như nó biết hạnh phúc đối với nó mong manh, được đó mà có thể mất đó. Thành ra sung sướng mà vẫn cứ phập phồng. Đời con khổ nhiều nên con ít dám tin tưởng. Không dám tin hạnh phúc có thể nắm vững được lâu. Cứ sợ má đứng dậy bỏ đi".

Tết năm nay con được một tuổi rưỡi. Con ăn cái Tết đầu tiên bằng bánh tét, bánh mè, mứt. Ba hay lấy một nhúm mứt bí đỏ bỏ vào chén rồi lừa lúc con không để ý, lén đặt trước mặt. Con nhìn xuống thấy, thản nhiên bốc bỏ vô miệng, không mảy may băn khoăn tìm xem từ đâu mà có. Con đội cái mũ bê rê đỏ, choàng cái áo len xám lên chúc tết ông, bà. Với bộ trang phục đó, khi ngồi yên vẻ mặt đăm chiêu trông giống một chú ả rập con. Thích cái mũ lắm. Đội lên, rồi gỡ ra, rồi đội lại. Đội sao cũng được, ngay hay lệch cũng được. Đội chụp trùm mặt, bịt kín hai mắt rồi mở ra nhìn ba cười. Khi trời nắng, con thích cái mũ vải của chị Bé. Má nói "Để may cho chị Bé cái mũ khác rồi sẽ cho con cái mũ này". Nhưng con không đợi tới ngày đó.

Chừng như phải vội vã sống cho hết mọi cung bậc của tình cảm, hồi mới một tuổi con đã có nhiều xúc cảm hơn mọi trẻ khác cùng lứa tuổi. Nạt một tiếng thì ngẩng mặt lên nhìn. Rồi cúi xuống. Rồi len lén liếc mắt thăm dò. Nếu thấy còn sừng sộ thì lại cúi xuống, lại liếc. Nếu vẫn sừng sộ thì tủi, khóc. Đó là đối với ba má, ông, bà. Đối với người lạ chỉ liếc mắt nhìn rồi cúi xuống, thản nhiên. Đang cầm đồ chơi, nếu giựt thì khóc, không đưa. Nếu nói dịu dàng thì đưa liền. Có lúc má nói nặng, đút cháo không ăn. Thử đưa chiếc đũa, lấy ném liền. Có lần má nghịch, đưa chiếc dép cao su lốp ô tô, - hồi kháng chiến người ta lấy lốp ô tô cắt làm dép, - nặng quá, Lu phải nâng bằng hai tay, chồm người cố ném thật xa. Dẫu khóc, con cũng không giấu được bản chất thật thà. Thường, dẫu là trẻ thơ nhưng khi sắp khóc hay cười cũng biết mím môi hay nhếch môi tạo vẻ duyên dáng tự nhiên. Con thì không. Cười thì bật ra cười, khóc thì lần lần hả rộng miệng rồi òa khóc. Nhiều lần ba đùa "Coi chừng! Thằng Lu nó đang mở hai cái nắp hộp của nó ra kìa!"

Cả nhà không ai đọc sách to tiếng. Chỉ chị Bé thỉnh thoảng lấy cuốn sách giả bộ đọc chơi (chị chưa đi học), vậy mà con bắt chước. Hễ động thấy tờ giấy là cầm lên đọc liền oa oa. Con thích sách lắm, hễ thấy là ôm lên liền, mở ra đọc oa oa. Kết quả là con đã làm rách mấy cuốn.

Rõ ràng là con đang bắt đầu phát triển trí khôn. Đang ăn cơm, nghe bà hỏi "Lu ăn no chưa?" thì lật áo lên vỗ bụng bịch bịch. Nghe ai hô "Tàu bay.. tàu bay" thì hơ hải chới với hai tay, giục ba, má mau bế chạy xuống hầm. Mùa đông lạnh bà bỏ một chậu lửa đặt kề võng, ngồi hơ tay. Con ngồi nhìn. Bà nói "Lu, hơ tay đi con. Cho ấm." Con liền chìa tay ra hơ, rồi nhìn bà cười.

Sao đã biết cân đo tình cảm ? Má nói "Con hôn má đi", con liền hôn một hơi dài. Nói "con nựng má đi" thì đưa liền hai tay nựng mặt. Nói "Con đánh má đi" thì lặng im làm như không nghe. Má bảo "Con đánh ba đi" thì thích thú lấy tay đập vào mũi ba vào mặt ba. Má lại bảo "Giờ con đánh má đi" thì con lại tảng lờ làm như không nghe.

Má dạy con "Dạ". Má kêu "Lu ơi". Con im. Má kêu "chị Bé ơi". Chị Bé dạ. Chị Bé phải dạ ba, bốn lần thì kêu con, con mới "dạ". Nhưng con rất hà tiện tiếng "dạ". Nhiều lần bà gọi, con chỉ "hờ". Má hay hát để dỗ con ngủ. Má không biết ru. Má tập con vỗ tay đánh nhịp. Khi nghe đoàn thanh niên đi đều bước cất tiếng hát ngoài đường, con quen tai, vỗ tay đánh nhịp theo.

Biết phân biệt được xấu, đẹp. Có chị Thử hàng xóm hay lại nhà giã gạo nhờ. Chị có cặp mắt nhỏ và miệng méo. Chị chìa tay ẵm, con không cho. Má nói "Để cô Thử ẵm con đi chơi" thì con chu mỏ "không… không". Má đặt dĩa cháo xuống nói "chị Thử lại đút giùm em" thì con vội vã "không.. không". Chị Thử lại cầm muỗng thì lật đật "Đừng. …đừng" rồi quay mặt nhìn chỗ khác.

Học tiếng "giành" nơi chị Bé. Một buổi chiều bà đang ngồi trên chiếu, giữa sân chăm chú têm trầu. Chị Bé và con đang ăn mía. Chợt chị Bé nói "chạy lại giành bà", vừa nói vừa chạy. Con liền bỏ mía, lết thật mau về phía bà. Gần tới nơi thì chị Bé lại la "chạy lại giành ông" và chạy liền tới ông đang ngồi săm soi chậu ớt nơi hiên. Con lại lật đật quay lui, vội vã lết về phía ông. Bà thấy tội nghiệp vội lại bế lên.

Con thích cái hộp trầu của bà và cái "cây gãi" của ông. Chẳng biết do bắt chước ai, ông lấy cái tầu cau, cắt một đoạn dài chừng ba tấc. Khi ngứa nơi lưng, ông cầm một đầu cây mà cọ lên đẩy xuống. Tầu cau nơi gần bẹ thì bẹt mỏng ra khiến diện tích cọ xát với da lưng được rộng. Lại hơi cong cong, lượn theo sống lưng. Mỗi lần cầm được "cây gãi" của ông là con ngó quanh kiếm người để đánh. Cũng thích cái gương soi. Nhìn vào gương cười. Rồi huơ tay ra sau cái gương để kiếm cái đứa đang cười.

Khó chịu khi có cái gì vướng. Dán thuốc dán chỗ nào con thấy là con tẩn mẩn gỡ lần, ném hết. Nên phải đợi lúc con ngủ má mới thắp đèn soi, dán. Băng tay băng chân cũng vậy. Hễ thấy là hí hoáy kéo cho tuột ra mới thôi. Ngồi ăn cơm, thấy hột cơm rơi xuống chiếu thì lượm lên từng hột, bỏ vô miệng. Chẳng biết bắt chước ai.

Tính con tẩn mẩn, lặng lẽ nghịch ngầm. Đặt cái gì xuống cho chơi, một lát thế nào cũng gác chân lên. Thấy cái gì đặt hơi cao cao là bình tĩnh gác chân lên cho được. Con sợ tàu bay mà lại hay chơi tàu bay. Má bảo "làm tàu bay đi con" thì giơ tay đưa chầm chậm một vòng qua trước mặt, miệng vo tròn, nói "vu vu… vu vu". Thấy món gì ngon để gần đấy mà con thích thì con cầm tay ba đẩy về phía ấy. Ba nghịch, rút tay về thì "ứ… ứ" rồi cầm tay ba đẩy lại. Thích được bế ra đường chơi. Má đang bế con mà muốn sớt qua ba thì cứ hấp tấp nói "Đi chơi. Ba bế đi chơi". Vậy là con quàng tay cho ba bế. Nếu bế xong mà ba đi lui vào nhà là nẩy ngược , "ứ.. ứ" liền. Biết giơ tay xin "cho… cho". Nghe hát hay, ba nói "Hoan hô" là con vỗ tay. Bảo "Con hát bội đi" thì chìa ngửa hai bàn tay rồi ngẩng mặt nói "A..A…A..."

Con vật mà con thích nhất trên đời là con dê. Mỗi lần nghe tiếng kêu "Be … be" của con dê thả ăn trên núi trở về là con vui mừng cuống quít. Nhất là khi dê mẹ đẻ bốn dê con, chúng sẩy chạy lóc cóc trong sân. Con mèo tam thể cũng là bạn hiền lành. Con cầm chiếc đũa chọc vào bụng nó, nó cũng chỉ rồ rồ rồi đứng dậy đi chỗ khác.

Ảm đạm mây mù.

Ba đang ở cơ quan, đóng tại Chợ Sen, cách nhà năm cây số. Sáng 26 cô Bảy nhắn "thằng Lu sốt nhiều. Anh gắng về". Xế, bà nhắn tiếp "Về gấp". Ba vội vàng thu xếp công việc, hối hả về. Nhiều đoạn đường vắng, bỏ dép mà chạy. Đến bờ sông, nhìn qua cái nhà mình coi có rộn ràng gì không. Thấy chú Ba đang tắm. Hy vọng chưa đến nỗi nào. Ngược lại, thì đâu có sự bình thản đó.

Vào nhà. Con sốt, nằm trên mình má. Má kể mau sự tình. Hôm qua ngủ trưa dậy con sốt. Cho uống căn cơ tán. Tối sốt nhiều. Cũng lại căn cơ tán. Sáng đỡ hơn. Bà lể hổ khẩu. Trưa sốt lại. Bác sĩ cho uống urotropine. Nhưng vẫn sốt. Mặt đỏ, đổ nhiều mồ hôi. Chiều bác sĩ tiêm huile camphrée. Vẫn sốt. Chân tay co giật. Cho uống nước gạo trầm mễ rang. Lấy khăn nhúng vào thau nước lạnh, vắt khô đắp lên trán, lên đầu. Tán bột ký ninh, pha dầu thoa các khớp xương, vẫn sốt…

Ba thay má bế con. Bà nấu nước đậu đen cho uống. Vẫn sốt và ra mồ hôi, phải lau hoài. Lúc mười một giờ đêm bỗng nhiên lên cơn lạnh cứng. Con vặn người, cong chân. Da mặt tái xanh. Ông đứng cạnh khẽ lắc đầu. Ông đã có nhiều kinh nghiệm. Trời ơi! Nhưng ba không chịu để con chết. Ba hối quạt lửa để hơ cho con. Quạt chậm, ba giựt quạt, tự quạt lấy cho mạnh cho mau. Hơ chậm, ba hơ lấy. Hơ hối hả. Ba đổ dầu khuynh diệp bóp tay bóp chân cho con. Ba hơ trán hơ mặt cho con. Má khóc to vừa hơ vừa khóc. Ai cũng tỏ vẻ tuyệt vọng, chỉ có ba má là cứ hy vọng, cứ quyết cứu con, kéo con lại. Con ơi, có ở vào cảnh này mới biết lòng cha mẹ thương con là không bờ bến. Kìa! Con nóng cả người lại! tay chân mềm lại, nóng lại. Ba nhờ ông Thất và ông Tình đi xuống mời gấp giùm ông y tá Từ. Ông Từ tới, tiêm một mũi huile camphrée và bảo cho người theo ông xuống nhà lấy cái sừng tê giác về mài cho uống. Cái sừng tê giác có mặt sau nửa giờ. Đường dài ngót hai cây số thì e phải vừa đi vừa chạy mới mau được như vậy. Vội mài rồi vừa cho uống vừa cho thoa. Thoa đâu hơ đó, sợ lạnh. Con uống khó khăn. Hình như không còn đủ sức để nuốt.

Con thở mệt nhọc quá. Thở đứt quãng. Mà như chỉ thở bằng miệng. Ba bảo má lấy bông nhúng dầu nhị thiên đường phất phất trước mũi để con thở cho thông. Nghe có tiếng đàm nghẹt nghẹt trong cổ họng, ba nhắc má lấy ngón tay móc đàm ra. Nhưng nhịp thở vẫn gấp, vẫn hổn hển.

Đồng hồ treo tường gõ ba tiếng. Ba giờ khuya rồi. Mừng rằng còn hai giờ nữa là sáng. Mong cho mau sáng. Vì cứ lần bệnh nào con cũng bớt vào buổi sáng. Ba chợt nghĩ có lẽ đợi sáng mời ông thầy Mười hốt cho một thang thuốc bắc hạ mệt.

Ba giờ rưỡi. Có tiếng người đi lại, nói chuyện ngoài đường. Ba nhờ cô Bảy đi mời thầy Mười. Đường đi qua truông qua núi mà trời còn tối. Bà liền đi cuối xóm nhờ thím Nghĩa đi cùng.

Con vẫn nằm trong tay ba, má nâng đầu con lên cho cao một chút để con dễ thở. Vừa phe phẩy miếng bông tẩm dầu. Nhưng con vẫn thở hổn hển.

Chợt ba để ý thấy sao con thở ra thì dài mà thở vào thì ngắn. Ba chú ý lắng nghe. Cũng vậy. Rồi bỗng tiếp theo tiếng thở ra, không nghe con thở vào nữa. Im lặng nơi mũi. Con ơi! Sao con không thở! Ba kêu lên. "Con ơi". Má nghe kêu hơ hải ôm lấy mặt con, thổi vào mũi con. Rồi ngậm miệng con mà hút mạnh. Con vẫn im lìm. Tay ba rờ cái khớp xương mỏ ác của con: mỏ ác lặng im, không còn thoi thóp. Má khóc òa lên. Má bảo làm hô hấp nhân tạo, má nắm tay con co vào duỗi ra. Má ấn hai bàn tay bóp lồng ngực con. Rồi má bỏ tay khóc to. Má kêu "Ông ơi! Bà ơi" má giành lấy con, má ôm chặt.

Mình con vẫn còn nóng. Tay chân vẫn còn nóng, vẫn mềm mại. Nhưng con không thở, nằm im lìm. Ông bảo má đặt con xuống ván. Má không chịu. Má nói sợ con lạnh. Ba ôm con thay má. Ba hôn con, hôn lên mặt, lên má, lên trán, lên tay. Ba sợ lát nữa con sẽ lạnh, con khác với con thường ngày, và ba sẽ không còn hôn con được nữa. Ba ôm siết lấy con, nắn tay nắn chân, vuốt lưng vuốt đầu. Má ngồi cạnh, vật vã thân mình, khóc nức nở.

Bốn giờ. Ông, bà giục đặt con xuống ván. Sợ ông, bà phiền, ba đặt con xuống. Phủ lên mình con tấm vải trắng. Rồi ba, má ngồi cạnh con cho tới sáng, rờ đầu rờ mặt, cầm tay nắn chân. Bà thì vừa khóc vừa lo dọn dẹp những đồ đạc bừa bãi. Chặng sáu giờ thì tay chân bắt đầu lạnh. Nhưng ngực vẫn còn ấm. Tám giờ thì ngực lạnh. Mười giờ thì mi mắt khô, môi bắt đầu tím.

Lu yêu quí của ba! Vậy là con vĩnh biệt ba, má rồi. Ba ngồi nhìn mặt con hàng giờ, nhìn cái miệng thon thon mà ba thương hơn cả. Nhìn đôi má phúng phính mà ba thường vuốt ve. Ba sợ mất con! Ba vuốt mái tóc cứng. Ba sợ mất con! Ba lật tấm vải phủ tìm nắm đôi tay con, bóp nhẹ đôi chân con. Nhìn con nằm bình tĩnh thản nhiên như con đang ngủ. Đã bao lần con nằm cạnh ba như vậy, cũng trên bộ ván này. Ba chợt muốn nằm xuống cạnh con và ôm con như vẫn thường làm nhưng sợ ông, bà trách, ba đành chỉ ngồi nhìn và vuốt ve.

Nắng rực rỡ ngoài mép sân. Ba ra hái mấy cái hoa dâm bụt, mấy cái hoa mướp vàng đem đặt vào tay con. Chị Bé bẻ một nhánh mè đem để kề tay con. Lũ con Lai, con Lự, thằng Luận hái hoa phượng đưa má xếp xung quanh con. Con cứ nằm im, đầu hơi gục phía tay mặt như vẫn nằm ngủ thường ngày. Ông đặt cây nến dầu thắp sáng bên cạnh.

Chín giờ. Ba lấy mấy tấm giấy đắp lên mặt con. Từng chặp, ba má và ông bà lại giở tấm giấy ra nhìn mặt.

Mười hai giờ thì liệm con. Lau mặt, lau tay, lau chân. Ông Thất và ba mang bít tất cho con. Ba bế con đặt vào chiếc quan tài. Chân tay con vẫn mềm mại, co vào duỗi ra dịu dàng. Con nằm ngay thẳng, cái tư thế ít thấy khi con còn sống. Con nằm… trời ơi, bây giờ có nhìn con nằm dài mới thấy là con đã lớn nhiều. Miệng ngậm nhưng môi hơi hé một chút. Tay nắm chặt, chân duỗi thẳng. Bàn chân hơi quắp ở đầu ngón chân. Con nằm buông xuôi hai tay, dáng kính cẩn nghiêm trang như sắp đi vào một nơi nào đó trang nghiêm lắm. Má vừa khóc vừa tìm bỏ những áo quần cũ vào cho con. Cái áo len màu xám. Cái áo lụa màu vàng.. Má bỏ cái lõi chỉ là đồ con chơi hàng ngày. Ba phủ hoa lên mình con. Má đặt nhánh mè chị Bé vừa hái cho con. Rồi lần lượt ba lấy lá phủ lên mặt. Thôi hết rồi! Ba muốn hôn con cũng không được nữa rồi, cũng không kịp nữa rồi. Phủ lớp vải lên. Phủ những lớp giấy lên. Ông Thất đậy nắp quan tài. Má giằng tay ông Thất. Má quỳ xuống khóc, má vật mình xuống đất khóc.

Buổi xế thì đưa con đi xuống núi. Ông Thất cầm bó đuốc cháy dẫn đầu. Cô Ánh cầm vòng hoa. Anh Điện khiêng đầu trước, anh Tân khiêng đầu sau. Ông bà, ba má, dì Tư, các cô chú, mấy bà con láng giềng đi theo sau. Bỏ con đường xóm, leo lên sườn núi. Những bụi cây thấp, những thân cây cao, đất sỏi màu đỏ, những tảng đá to màu xám. Xa xa trải rộng cánh đồng Hòa Chiểu.

Huyệt con đào cạnh mộ của bà Nội. Khi hạ huyệt, má quỳ lạy cạnh mộ bà Nội vừa bệu bạo nói "Xin gởi cháu cho bà Nội" rồi òa ra khóc không nói tiếp được. Những nắm đất bỏ xuống. Những nhát cuốc kéo đất đổ xuống. Đất phủ lên đầy. Những lưỡi cuốc vô tình cứ đắp đất cho thêm cao. Những bàn tay phả lên mặt đất cho trơn láng.

Ba má đi về sau rốt. Về đến nhà là gặp nỗi trống vắng. Nhìn đâu cũng thấy con, rồi liền đó loáng thoáng biến mất. Bộ ván, cái giường nơi con ăn cháo.. mái hiên nơi con mải miết bò… cái xe… cái xe đang bỏ trống không có con ngồi. Má con gục lên thành xe mà khóc.

Bữa cơm chiều không ai muốn ăn. Giữa hai cái ghế của ba má không có cái xe trong đó con đứng hét, đòi đút cơm mau lên. Bây giờ thì chỉ có khoảng trống. Giữa khuya, không hẹn mà ba má cùng thức giấc một lượt. Nhắc đến con giờ này lạnh lẽo một mình ở một sườn núi hoang vắng.

Buổi sáng ba ngồi trước ly sữa. Bình thường thì chị Bé đứng một bên, con một bên. Múc cho chị Bé một muỗng thì con cũng một muỗng. Và ba một muỗng. Nếu ba húp hai muỗng thì chị Bé kéo tay phản đối. Chị Bé được hai hai muỗng thì con la lên. Con nuốt muỗng sữa của con mau lắm. Rồi nhìn trân trân phần chị Bé đang húp, phần Ba đang múc. Sốt ruột đợi tới phiên mình. Muỗng chót hết phải dành cho con, dẫu chỉ còn vài giọt, dù chỉ là những váng sữa còn sót lại. Sau đó phải lật úp cái ly xuống vừa nói "Hết… hết" vừa xòe rộng một bàn tay, lắc lắc. Con bằng lòng, cũng lật lật bàn tay, nói theo "hết… hết". Nhưng hôm nay thì chỉ có chị Bé và ba, không còn ai đưa mắt nhìn theo cái muỗng từ miệng ly đi lên miệng chị Bé rồi từ miệng chị Bé xuống lại miệng ly. Đâu còn những cử động nôn nóng, huơ tay và nhích chân lại cho gần. Vĩnh viễn hết rồi. Muỗng sữa ba đưa lên môi có thấm vị mặn của nước mắt.

Buổi xế má quét sân thấy nằm hai trái cà tím nhăn nheo mà ba đã hái cho con chơi. Má phủi đất cát, đem đặt lên trụ gạch ở mái hiên.

Hai hôm sau ông dẫn chú Tiếp xuống thăm mộ con. Liền buổi chiều, ba má mang cuốc và rựa xuống mộ vì nghe chú Tiếp nói bò trâu đi lại làm chài đất. Má hái mang theo ít cái hoa dâm bụt. Dọc đường qua những bụi ổi hoang, má hái những bông ổi. Mùi lá ổi thơm thơm là mùi cố hữu, con có nhớ không? Bao nhiêu tháng ngày, lá ổi được vò vào thau nước để tắm ghẻ. Ba cuốc thêm đất, đắp thêm đá và chặt gai móc mèo gài xung quanh mộ.

Vậy là con đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Lu ơi! Niềm đau đớn đầy nước mắt tuôn trào đã lắng xuống. Cái khóc ào ạt đã chuyển thành cái khóc âm thầm, nỗi buồn uất nghẹn đã dịu lại, biến thành cái xót xa man mác. Ba má như thêm nhẫn nại chịu đựng, như thoáng chốc già đi. Sợi dây ràng buộc ba má lại với nhau như bỗng siết chặt thêm vì có một đầu dây chôn chặt dưới đất. Má con như được gắn liền thêm vào quê hương của ba vì nơi sườn núi kia có con nằm đó. Má nói "Dù có đi đâu xa cách bao nhiêu, sau cùng khi yếu khi già cũng muốn về đây. Và khi phải nằm xuống nghỉ giấc nghỉ cuối cùng, cũng muốn yên nghỉ nơi đây. Nơi đây kỷ niệm dẫu ít mà như nhiều, có lẽ vì kỷ niệm vui không nặng bằng kỷ niệm buồn. Con là giọt máu, là một mảnh hình hài của cha mẹ chôn sâu nơi đây. Ba má như thân cây sởn sơ đã bị chặt một cành. Như ánh nắng mùa xuân đã bị âm u. Tâm hồn đang tươi vui đã bị chết điếng một góc. Con ơi, hình hài của con sẽ sớm tan theo từng thớ đất nhưng hình ảnh của con thì cứ sống mãi trong tâm hồn của má của ba. Ba má sẽ trung thành với kỷ niệm của con.

Bây giờ là năm giờ chiều ngày thứ Sáu, 4.4.1952. Một tuần lễ xin nghỉ phép lo việc cho con đã hết. Ngày mai, dòng đời sẽ cuốn hút ba vào công việc trở lại. Trong suốt một tuần, ba đã đẫm mình trong những kỷ niệm rải rác với con. Ba nhớ lại từng chặng và đã lần lượt ghi lên trang giấy. Rồi khi nào, thảng hoặc ba tách ra khỏi dòng đời một tí, ba sẽ đọc lại, sẽ nhớ con, sẽ thấy hình dáng của con. Con ơi, cuộc nói chuyện triền miên giữa cha con ta tới đây tạm dừng. Ba hôn một trăm cái lên trán con

4-52: Má nhắc: Hôm mất, con mặc cái áo vải trắng. Hai hột nút hai đầu gài được. Hột giữa đứt chưa tra lại. Cái áo vàng cũng vậy, cũng hột nút giữa bong đâu mất. Giống cuộc đời thằng Lu. Ba má nằm hai bên, Lu nằm giữa khi ngủ. Ba má ngồi hai bên. Lu ngồi giữa khi ăn. Cũng như hột nút giữa bị đứt rớt mất, thằng Lu nằm giữa, thằng Lu ngồi giữa cũng không còn nữa rồi.

5-52: Buổi chiều ngày con mất và liên tiếp mấy buổi chiều sau, cóc nhảy đầy trên sân và nơi vạc nước. Má nhớ con, nhớ hồi bắt cóc làm thịt cho con ăn. Không hiểu sao mà lũ cóc biết được, trốn tiệt, kiếm không ra.

5-52: Trưa má lục giỏ, bị ra kiếm cái cuộn chỉ thêu. Cuộn chỉ không thấy, lại thấy cái mũ ca lô của con còn bỏ lại.

8-52: Má nói đầu chị Bé thường bị dính quết trầu của bà khi bà hôn. Đầu thằng Lu chưa kịp thấy vết trầu.

11-52: Chị Bé nói hồi khuya nằm chiêm bao thấy thằng Lu. Cổ tay nó có đeo cái hột cườm xanh mà hồi lâu con đã đeo cho nó. Nó cầm cái lược và chải đầu.

12-52: Bà nhắc tới Lu. Khóc, nói "Chưa kịp may cho thằng Lu cái áo. Cứ nhắn con mẹ Xửng hoài, biểu hễ vải bông tốt thì đem qua. Để may cho thằng Lu cái áo, nó mừng"

13-52: Ba, má, cậu Thạch, chú Tiếp xuống núi thăm mộ con. Có một bầy dê ai thả đang sục sạo giữa các bụi cây. Miệng kêu be… be. Ba nhớ rằng con thương những con dê và hàng ngày chúng đang làm bạn với con.

6-53: Trời dông sấm sét. Má nhìn trời, nước mắt rưng rưng "thằng Lu nó sợ sét. Hễ nghe sét đánh là nó khóc".

12-53: Mưa tầm tã mấy ngày nay. Cứ tối là má nói "Thằng Lu đang lạnh".

1-54: Nghe tin Pháp đổ bộ Tuy Hòa, có lệnh mỗi nhà phải đào hầm bí mật. Thu gọn đồ đạc vào ba lô đem gởi lên Trung Lương để phòng Pháp đổ bộ Tiên Châu.

2-54: Đồng bào Phong Niên ào ạt tản cư ra Diêu Trì. Ba gùi ba lô một mình đi theo quốc lộ ra đèo Cù Mông, thẳng đường đi Bình Định.

4-54: Nghe Pháp rút khỏi sông Cầu. Ba gùi ba lô từ Bình Định về tới La Hai.

19-6-54: Đêm nghe ríu ríu tiếng chim ở ngoài đường. Tiếng ở gần ở xa rồi loạn xạ. Chim ở đâu mà.. Má cười. "Đồ chơi trẻ con đó mà. Xe đạp. Vải lụa. Xoong chảo. Cả đồ chơi con nít". Ba nhớ đến trái cà nhăn nhúm và cái lõi chỉ của con.

20-7-54: Hiệp định đình chiến

14-8-54: Má liên lạc được với gia đình ở Đà Lạt.

2-9-54: Má chuẩn bị về Đà Lạt. Đan áo len cho ba đứa con. làm bánh đem theo. Sắp xếp vali. Nặng quá phải bỏ lại nhiều món. Ba cầm cuốn sổ nhỏ của con, hỏi má: "Còn cuốn sổ của thằng Lu?" Má nói ngay: "Đem theo chớ". Đang lúi húi với đống quần áo, má ngừng tay ngẩng lên nhìn ba: "Tất cả cuộc đời nó thu gọn chỉ có một cuốn sổ nhỏ thôi à. Đi đâu cũng phải đem nó theo". Nước mắt rưng rưng, má nói tiếp, giọng nghẹn ngào: "Chiều nay xuống thăm mộ con. Trước khi ra đi". Ba nói thầm "Phải. Đi đâu cũng nhớ đem con theo. Lu ơi..."

Có tiếng xe ba tôi rồ rồ ngoài cửa. Tôi lật đật đem cuốn sổ đặt lên bàn ba tôi rồi ra mở cổng.

Năm tôi lên mười sáu tuổi, một hôm bất ngờ tôi đọc cuốn "Cuộc đời của Gabrielle". Tên cuốn truyện không có gì hấp dẫn nhưng đây có vẻ là một cuốn tự thuật, nghĩa là kể một chuyện có thật, tôi khỏi phải xúc cảm vô ích vì những bày đặt giả tạo. Tác giả, bà Gabrielson kể lại chuyện con gái mình, lên tám tuổi, mắc bệnh ung thư. Trong suốt cuốn truyện, bà kể những gì đã xảy ra từ khi phát hiện bệnh cho đến khi Gabrielle từ trần. Tôi chợt nghĩ đến trường hợp anh Lu. Nên một hôm tôi hỏi ba tôi:

- Ba đã đọc truyện "Cuộc đời Gabrielle?".

Ba tôi gật đầu. Rồi chậm rãi nói:

- Trong tủ sách có.

- Con thấy. Và con đã lấy đọc.

Ba ngẩng nhìn tôi.

- Chuyện cảm động. Một người mẹ ngồi viết về cuộc đời của đứa con mình mất sớm. Chỉ vì lòng thương con chớ chắc không có ý định làm văn sĩ. Vì bà viết đơn giản, tự nhiên, như ngồi kể chuyện.

- Nữ sĩ Pearl Buck, giải Nobel văn chương có phê bình "Cuốn sách đã làm rơi nước mắt những người mẹ nước Mỹ".

- Chính con muốn nói chuyện với ba về điều đó. Con có thấy in lời khen của bà Pearl Buck nơi bìa sách. Và con chợt nghĩ đến cuốn "Cuộc đời của Lu".

- Hả?

Tôi liền thú thật rằng năm trước tôi có bất ngờ được đọc cuốn sổ nhỏ của ba. Tôi kể sơ lược những điều đã đọc và kết luận:

- Những điều ba ghi chép làm xúc động con nhiều hơn. Có thể một phần vì những người trong truyện đều là những người con thương. Phần khác, vì người viết là người cha. Thường chỉ lo chuyện làm ăn bên ngoài, đâu ngờ biết rõ từng việc nhỏ nhất của đời sống con mình. Ngoài ra, vì cuộc đời ngắn ngủi của Lu lại quá dài khổ đau chịu đựng và cảnh chết của Lu được vẽ lại từng chi tiết như một đoạn phim quay chậm. Nếu được đọc, những người mẹ sẽ khóc.

Ba tôi có vẻ lúng túng khi nghe lời nhận xét.

- Thật vậy. Còn những người nhỏ tuổi, nếu được đọc, họ sẽ thương cha mẹ họ nhiều hơn. Bởi đâu có ai có kinh nghiệm chết một lần để biết tình thương của mẹ dành cho họ. Biết cha mẹ lo lắng thuốc thang khi đau ốm đã là hãn hữu rồi. Vì đang bệnh, đang sốt, đang nằm vùi, đang mê man thì làm sao thấy được? Như con đây, con đâu thấy hết tình thương yêu ba, má dành cho con? Chỉ thấy cho ăn, cho mặc, cho đi học… chưa kể đôi khi còn bị mắng bị rầy. Nhưng bây giờ thì biết. Nghĩa là nếu con chết thì ba, má sẽ đau đớn như vậy.

Ba tôi trầm ngâm. Thấy tôi im lặng hơi lâu, ba nói:

- Cuộc đời của Lu không phải chỉ có bấy nhiêu đó. Chắc con chưa đọc những dòng chính tay má con viết?

- Ở đâu?

- Ở phần sau cuốn sổ.

- Đâu có.

Ba tôi đi lại vặn khóa mở tủ. Ba lấy cuốn sổ, lật qua mấy trang cuối rồi đưa cho tôi. Tôi cầm nhìn lên. À thì ra sau cái phần ba tôi viết, bỏ trống tới năm sáu tờ mới thấy đoạn viết của má tôi. Má viết:

"Thằng Lu của má ơi, má đây con. Đêm qua má mệt ngất tưởng đã chết rồi. Má không sợ chết vì má sẽ được đến với con, được ôm con. Nhưng má thương chị Bé và hai em. Còn nhỏ quá. Má chết thì chị con và hai em con sẽ khổ, sẽ thiếu sự thương yêu của má. Thế nên má lại sợ chết. Vậy con cầu xin với Đức Mẹ cho má mạnh, để má ở với chị Bé và hai em. Con ơi, con xin giùm cho má sống đi con.

Nhức cả mảng sườn bên trái. Thở đau từ ba hôm nay. Nay tăng. Chắc chết. Chết mà thương các con quá đi, anh ơi. Thấy con nó đeo chung quanh hỏi: "Sao má khóc vậy má?" mà đứt từng mạch máu. Chắc là ở lại với anh không được. Có lẽ đợi đến ngày 11.6.56 cho đủ mười năm ở với nhau. Còn hai tháng nữa.

Mệt quá con ơi, Lu ơi. Má chết không con? Ngực nặng quá và đầu óc cũng nặng. Hay là sắp chết đây? Rồi mấy đứa con tôi? Anh ơi, gắng giữ gìn sức khỏe để nuôi con cho đến khôn lớn thay em. Em sống thì tránh được cho anh và các con một nỗi khổ đau to tát, nhưng em chết thì rồi đây thời gian sẽ xóa nhòa, anh sẽ bớt nhọc nhằn vì em. Anh sẽ đi làm để dìu dắt ba đứa con. Và khi nào nhận thấy cần thì anh phải cưới vợ để có bàn tay khéo léo và dịu dàng giúp đỡ và an ủi anh. Em sẽ phù hộ cho anh và các con. Em thương anh vô cùng, thương các con vô tận. Em muốn ôm ghì chặt hết tất cả bốn người. Chúa ơi đừng bắt con xa bốn người thương yêu nhất của con".

                             Bên mộ Má

Tôi đọc xong, bồi hồi nhìn ba tôi rồi nói như hụt hơi:

- Con không ngờ.

- Ba cũng không ngờ. Hơn sáu năm nay khi má con mất và do một ngẫu nhiên ba mới phát hiện ra. Trước đó và suốt mười năm, ba vẫn đọc cuốn sổ và cứ đọc xong dòng chữ chót của mình là xếp lại. Bữa đó, không hiểu sao không xếp lại liền mà cứ để ngửa trên bàn. Có ngọn gió vụt thổi tới, thổi lật gấp luôn mấy tờ để lộ trang viết của má con.

Sự phát hiện những tiếng kêu tuyệt vọng của má tôi làm tâm hồn tôi xao động. Tôi không biết nên mở lời như thế nào. Sợ vụng về, thấp, cạn, nhảm nhí, tầm thường, như tiếng con vịt đem đặt kề tiếng hát Thiên Nga. Con Thiên Nga chỉ cất tiếng hát khi sắp chết, má tôi cũng chỉ viết một lần khi cảm thấy cái chết gần kề.

Giọng ba tôi thoảng nhẹ như tự một cõi nào đưa tới:

- Những người mẹ sẽ cảm thương khi đọc được cuộc đời của Lu. Sẽ không giữ được nước mắt khi nghe tiếng kêu bi thương của má con.

Tôi bàng hoàng. Sao cuộc đời thật của chúng tôi được sắp xếp như trong tiểu thuyết. Sao má tôi lại có ý nghĩ viết lời nhắn kêu thống thiết gởi tới anh tôi, tìm viết ngay trong cuốn sổ nhỏ dành riêng cho đời anh? Viết âm thầm, viết không cần ai biết, viết rồi bỏ đó ra đi.. sao má lại có cốt cách khác thường vậy?

Giờ đây má đã gặp anh rồi. Một người mẹ luôn luôn ba mươi ba tuổi đang ôm đứa con hai mươi tháng của mình. Tôi không nhớ mặt má, không biết mặt anh, hai người như hai nhân vật của một cuốn tiểu thuyết mà những trang chót có thể làm trái tim những bà mẹ thổn thức bâng khuâng.