Những bản tin như hồi trống trận Thúc lòng ai nỗi nhớ quê nhà Những hình ảnh như nghìn mũi nhọn Đâm vào lòng những đứa con xa. (Huy Phương) Nói đến quê nhà, quê người là nói đến tấm thân lưu lạc, tha hương. Sao bỗng dưng một ngày nọ, bồng bế nhau đến xứ này. Thoạt đầu là lạ nước lạ non, bây giờ đâu cũng là nhà, nhiều khi quên mình đang sống trên đất khách. Sang đây thoạt đầu như cây trồng đất lạ, chưa quen thổ ngơi, lá còn héo, thân còn gầy, riết rồi cũng đâm chồi nẩy lộc. Người bạn của tôi sang định cư tại Hoa Kỳ đã gần hai mươi lăm năm, con đàn cháu đống, đứa cháu ngoại cũng đã vào đại học. Trong khoảng thời gian này, anh chị có công ăn việc làm khá, tậu được nhà cửa, xe cộ và lẽ cố nhiên toàn gia cũng đã có quốc tịch của xứ này. Anh sống, thở, ăn mặc, làm việc, du hý như một người bản xứ, cũng có thể con anh cũng đầu quân hy sinh và chiến đấu cho đất nước này, nhưng xem ra chẳng có ai xem anh hay gọi anh là một người Mỹ. Người bản xứ xem anh là một người thiểu số nào đó đến sinh sống ở đây, đôi khi dưới con mắt kỳ thị, dù anh có cố gắng càng ngày càng cho ra Mỹ. Phải chăng như vậy nên anh vẫn gọi nơi này là “quê người” ? Thế thì “quê nhà biết ở nơi đâu ?” Từ ngày anh bỏ nước ra đi, “quê nhà” gọi anh là những tội đồ, phản quốc chạy theo bọn đế quốc để chống phá tổ quốc. Một thời gian khá lâu sau, anh được người ta gọi là “Việt kiều”. Thương quý anh hơn theo miệng lưỡi nhà buôn thì người ta gọi anh một cách văn chương bóng bẩy là “khúc ruột nghìn dặm” nếu anh đem được đồng tiền về để “xây dựng đất nước”. Nghe đến thành ngữ “khúc ruột nghìn dặm”, ai mà không mủi lòng rơi lệ, nghĩ cùng chung một dòng máu, ai mà nỡ chia cắt khúc ruột theo cái nghĩa “đoạn trường” xót xa biết là ngần nào, cho nên ruột phải liền với ruột! Không biết ai đã mang tâm lý mỉa mai đặt ra câu ngạn ngữ “đồng tiền liền khúc ruột”. Thật là đểu giả, phũ phàng, ai lại đi so sánh tình thịt da, máu mủ với chuyện lý tài, lợi lộc. Lúc thù hận, khinh ghét và thêm chút ganh tỵ thì người ta gọi anh là bọn “tha phương cầu thực” nghĩa là đi xứ khác để kiếm miếng ăn, lúc cần ve vãn thì gọi anh là “Việt kiều yêu nước”, “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Điều mâu thuẫn chính là nơi “quê người”, sao khi trở lại nơi này, dù là đi du lịch ở xa về, hay từ cả lúc từ “quê nhà” trở lại, sao chúng ta bỗng cảm thấy yên ổn trong lòng như chúng ta trở lại ngôi nhà thân yêu của chúng ta vậy. Vậy thì đi và về đâu là một nghĩa như nhau! Những người dù đang sống ở “quê người” mà lòng vẫn vương vấn chuyện “quê nhà”, với bao nhiêu nỗi xót xa. Không một ngày nào là không theo dõi chuyện quê hương. Chuyện con cháu chúng ta phải bỏ xứ ra đi lấy chồng xứ lạ, trẻ vị thành niên sang Kampuchea bán thân, ở Mã Lai có đàn bà Việt Nam làm điếm. Chuyện lương dân bị bọn cướp ngày bức hiếp, tiếng trống đánh trước cửa quan kêu oan không vượt qua được bức tường dày điếc của chế độ. Chuyện những trang thanh niên tài hoa tuấn tú của đất nước bị còng tay trước cường quyền. Chuyện quan quyền tham ô, nhũng lạm, đục khoét công khố, vung tiền qua cửa sổ trong khi dân không có cháo mà ăn. Đành lòng sao khi chúng ta thức ăn dư thừa phải đổ thùng rác, sữa tươi trong tủ lạnh quá hạn, sợ thịt, sợ trứng trong khi ở quê nhà những đứa trẻ đang còn bươi móc trong đống rác mỗi ngày, những bà mẹ nhấp nhem đôi mắt vét trong nồi cơm những hạt cuối cùng. Năm vừa qua, chính phủ Việt Nam “hồ hởi” loan báo số tiền Việt Kiều gởi về giúp quê nhà đã lên đến 7 tỷ rưỡi đô la, đã vượt con số tiền của di dân Mễ gởi về giúp đồng bào của họ. Ở các thành phố đông người Việt cư ngụ, các công ty chuyển tiền càng ngày càng ăn nên làm ra, một đại lý nhân thành năm bảy. Trông cái cảnh những bà cụ chỉ có tiền già mà số tiền mang đến gởi lên đến số nghìn, số tiền này gom góp từ tiền trợ cấp, tiền con cháu chu cấp. Tiền này không phải chỉ gởi về cho Saigon mà cho cả Hà Nội, Hải Phòng, Sơn Tây hay Hà Nam Ninh để cứu đói, cứu nghèo hay cho nở mặt nở mày với quê hương, bà con ruột thịt, có “thân nhân ở nước ngoài”. Không tuần nào “quê người” không có gây quỹ, lạc quyên, không giúp người đói thì cũng giúp người nghèo, không giúp thuốc men thì cũng sách vở. Nào là người cùi, mù mắt, vá môi, nào là lụt lội, mưa bão. Mỗi chuyện sập cầu Cần Thơ cũng đã làm rúng động lòng người hải ngoại. Dù ở tha phương phải cầu thực để có miếng ăn, ở quê người không ai quên quê nhà. Trong khi ở quê người, đồng bào ruột thịt góp từng đồng mua từng ký gạo cứu đói, gởi cho kẻ neo đơn, người già không nơi nương tựa, thì ở quê nhà, Nông Đức Mạnh nhân chuyến viếng thăm quốc gia đại ác “Chí Phèo” Bắc Triều Tiên, đã biếu người anh em 20,000 tấn gạo để tỏ tình “vô sản công nông”. Những nỗi lo nghĩ ưu tư của kẻ tha phương xứ người đôi khi trở thành vô nghĩa và phi lý. Máu chảy ruột mềm, đây mới là nỗi đau thực sự của người hải ngoại nhìn về những người xấu số trong nước, tuy không đến nỗi nhịn ăn nhịn mặc, nhưng cũng đã chia cơm xẻ áo với người kém may mắn hơn mình. Nhờ tấm lòng của “quê người”, “quê nhà” mới có số tiền hơn 7 tỷ, số tiền mà miền Nam trước đây không có đủ để chống đỡ, giữ vững miền nam. Đối với Cộng Sản, hải ngoại cứ chửi bới, đả đảo, biểu tình bao nhiêu cũng được, miễn là những người này cứ về Việt Nam như đi chợ, đồng tiền vẫn cứ tuôn về quê nhà đều đều là tốt. Cứ nhìn cung cách chính quyền o bế, tuyên dương, gắn “mác” Việt Kiều yêu nước cho những nhân vật đã “tiếp máu” cho chế độ trong nước, chúng ta sẽ thấy rõ đường lối và chủ trương của khúc ruột “quê nhà” ra sao ! Người miền Nam thua Cộng Sản miền Bắc ở cái ác, cái tráo trở. Bây giờ quê người thua quê nhà ở chỗ sống vì lòng nhân ái, không thù hận, không thể quay mặt đi để khỏi nhìn đồng bào đói khổ. Bồi dưỡng cho thân thể đang mang bệnh ung thư thì đương nhiên ung thư càng phát triển, chưa ai nỡ diệt ung thư bằng cách giết luôn mạng sống con người. Cuối cùng chúng ta đành bó tay, thúc thủ như một ngày nào đã buông súng thua trận. Lưỡi dao “quê nhà” xuyên suốt trái tim hải ngoại, đau đớn mà ngọt ngào, biết cách nào mà chống đỡ. |