Home Văn Học Tùy Bút Cạn kiệt niềm tin

Cạn kiệt niềm tin PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Sáu, 27 Tháng 3 Năm 2009 02:07

 Tôi may mắn được đến Mỹ trước bạn tôi vài năm, cho nên khi được nhờ đứng ra bảo trợ để bạn tôi và gia đình có thể đến định cư tại vùng đất đông người Việt này tôi rất vui mừng sốt sắng, và sắp xếp chuẩn bị để đón tiếp. Tôi nhận được thư bạn tôi nhiều lần căn dặn về giờ giấc và nhắc nhở tôi đừng... quên đi đón bạn. Vài ngày trước khi bạn tôi và gia đình đến vùng đất hứa, nhà tôi chuẩn bị nhường lại một phòng bằng cách đẩy cậu con trai ra ngủ phòng khách. Gối, khăn trải giường, chăn đắp đều được thay đồ mới... giặt (thú thật, trong thời gian đầu của người mới sang làm gì có đồ mới mua ở cửa hiệu về), nhưng trong phòng tắm, bàn chải răng, xà phòng, khăn tắm đều mới, ngay cả thùng rác cũng được thay bao mới... đi chợ về. Ðó là chưa nói đến một lô áo quần lạnh... cũ, chuẩn bị cho cơn lạnh của Mùa Xuân chưa dứt ở California, mà những người từ vùng nhiệt đới mới đến đây, hẳn là chưa quen. Ðể chứng tỏ là người sang Mỹ trước, lịch thiệp và hào phóng, một chiếc bánh bông lan có hàng chữ “Welcome to America” cũng đã được mang từ tiệm bánh về để sẵn trong tủ lạnh. Tôi đã nhờ chiếc xe van của Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị của ông Nguyễn Hậu và người lái xe thiện nguyện cùng ra phi trường với tôi, nhân danh nước Mỹ đi đón những người đã chịu nhiều gian khổ trong nhà tù Cộng Sản mới đến đây.

 Máy bay sẽ đáp xuống phi trường John Wayne vào lúc 2 giờ chiều, lấy hành lý về đến nhà tôi ở thành phố Westminster cũng mất cả tiếng đồng hồ. Nghĩ đến đoạn đường ngồi trên máy bay qua biển Thái Bình Dương, ghé Ðài Loan, hay Nhật Bản, đổi phi cơ ở San Francisco hay Los Angeles, rồi còn giờ giấc thay đổi mà gia đình đến Mỹ nào cũng phải trải qua, vợ tôi đã chuẩn bị một nồi phở lớn cho toàn gia đình, với bàn ăn trải khăn, chén đũa xếp hai hàng, chào mừng bạn cố tri.

 Máy bay đến rất đúng giờ, tôi dễ dàng nhận ra hai vợ chồng bạn tôi và hai đứa con ở chỗ nhận hành lý của hãng máy bay với những bộ áo quần tươm tất và trên tay mang những túi xách đựng giấy tờ của IOM cùng trên giây belt hành lý, chiếc thùng nhôm được ràng dây chằng chịt, dấu hiệu đặc biệt của những gia đình mới đến định cư Mỹ trong thời gian này. Trong lúc tay bắt mặt mừng, tôi cũng chú ý đến một thanh niên hình như cũng có nhiệm vụ đến đón gia đình này. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện đến chỗ đậu xe. Người bạn bỗng đứng lại, quay về phía người thanh niên và giới thiệu với tôi đó là người em vợ của anh, cũng ra đón gia đình anh, và cám ơn tôi đã nhọc công cùng ra đón. Tôi khựng lại một vài giây ngỡ ngàng, và sau đó hiểu là bạn tôi sẽ về nhà người em vợ của anh thay vì nhà tôi, và những gì tôi chuẩn bị cho gia đình bạn tôi là những thứ trừ bị để phòng xa. Thì ra bạn tôi không tin là ông em vợ sẽ ra đón ở phi trường, cũng như không tin thằng bạn cũ sẽ là người bảo trợ chu đáo, thôi thì cứ “bắt cá hai tay” cho nó chắc. Sang Mỹ sau tôi có ba năm, coi bạn tôi đã thay đổi khá nhiều, đâm ra nghi ngờ mọi việc, chẳng còn tin tưởng ở ai, chỉ tội cho tôi hôm ấy được đóng vai “cơm nguội để khi đói lòng”, trong trường hợp cậu em vợ không mang xe ra đón tại phi trường, thì tôi sẽ được lên đóng vai chính.

Sau khi cám ơn người lái xe thiện nguyện của Hội Tương Trợ, tôi thẫn thờ ra xe. Cả hai chúng tôi chắc cũng đồng ý nghĩ là thà mất thời giờ vất vả mà giúp ích cho người khác còn hơn lái xe không về nhà. Phần gia đình tôi phải ăn phở trừ cơm mấy ngày, và chiếc bánh ngọt không dùng hết, phần còn lại phải ra thùng rác và tôi được biết thêm một điều: nhiều người đã mất hết lòng tin, dù là với bà con, bạn bè.

 Chuyện gì chứ việc mất lòng tin, nghi ngờ tuốt luốt thì ở trong nhà tù Cộng Sản, chúng tôi đã được học hỏi nhiều, đó là thứ “triết lý “chưa chắc”! Ngày lễ, thấy trại mổ trâu, chớ vội mừng. Chưa chắc. Thấy đem da lòng trâu vào bếp tù. Chưa chắc. Ðem chén đi lấy phần ăn. Chưa chắc. Ăn thức ăn vào miệng. Chưa chắc. Chưa chắc, vì bị ai đó đánh vào mồm thì thức ăn phải văng ra. Do đó, xong việc sớm chưa chắc đã được nghỉ sớm, còn phải lãnh làm thêm việc khác; “học tập tốt”, “lao động tốt” chưa chắc đã được về sớm. Cai tù nói, đừng vội tin, chưa chắc, vì “nói vậy mà không phải vậy”! Tù di chuyển đến một nơi “tiện nghi, thuận lợi cho việc học tập cải tạo” thì y như là được đưa tới một nơi khốn cùng hơn. Ba năm, sáu năm hay chín năm, đến ngày được thả ra tù vẫn còn chưa tin, cầm tờ giấy phóng thích cũng chưa chắc, chờ cho đến ngày ra tù, thoát khỏi cổng vừa đi vừa chạy, sợ bọn cai tù chạy theo đòi lại.

 Ở ngoài nhà tù lớn, thì niềm tin lại càng héo úa, khô quắt. Làm thủy lợi phường khóm chia ra từng toán, tuyên bố toán nào làm xong thì được về sớm, nhưng làm xong lại được đều động sang làm thêm chỗ khác. Vợ tù được khuyến dụ đi kinh tế mới cho chồng mau về. Nhà cửa chia cho cán bộ nhà nước ở, nếu không sẽ bị sung công. Mới đêm hôm trước “nhà nước” bắc loa đi kêu gọi đồng bào đừng nghe tin đồn của “bọn xấu” sẽ có việc đổi tiền, nhưng sáng hôm sau thì việc đổi tiền xẩy ra thật. Ngay cả ngày sinh, ngày chết, sách vở ca tụng “Bác”, gương anh hùng liệt sĩ đều láo khoét. Con cái đấu tố, rình mò báo cáo cha mẹ, vậy thì dân còn tin gì vào đảng, tin gì vào chính phủ, tin gì vào hàng xóm láng giềng, tin vào tình nghĩa con người. Vì dân mất lòng tin nên cán bộ cao cấp qua đời phải đăng cáo phó thanh minh là đã được các tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ... tận tình cứu chữa nhưng chẳng may, cuối cùng đã “chuyển sang từ trần”. Dù ông Thiệu có làm gì đi nữa, ông chết đi cũng còn để lại một danh ngôn là “đừng nghe những gì Cộng Sản nói...”

Tuy vậy ở Mỹ bây giờ, tôi nghe nói nhiều người cũng hết niềm tin đối với đồng hương, đồng bào, vì chúng ta thường khinh rẻ nhau hơn là đối với người bản xứ nên sẵn sàng lừa dối nhau. Các bạn thử bình tâm nhìn lại xem mình đã bị lừa bao nhiêu lần vì những người cùng hoàn cảnh trôi giạt đến đây. Từ những ngày bỏ nước ra đi bị bọn tổ chức, chủ tàu lừa đảo bao nhiêu lần làm cho nhiều gia đình khánh kiệt, rồi đến đây, trong cùng cảnh khổ tha hương, con cọp chẳng ăn thịt đồng loại, mà người vẫn lừa bịp, xâu xé, chẳng hề tha nhau chỉ vì đồng tiền làm cho họ mất hết lương tri. Sau một lần là nạn nhân, liệu chúng ta còn có được niềm tin về con người và cuộc đời này không?

 Tội nghiệp cho ai mà cũng tội nghiệp cho tôi. Ở trong tù, nếu không có lòng tin thì nhiều người đã treo cổ mà chết. Trong nghèo đói tận cùng, nếu không có lòng tin thì làm sao mà sống cho đến ngày mai. Trong nô lệ, bất công con người vẫn có hy vọng.

 Và giữa con người với nhau, không còn niềm tin thì ta sống bằng gì, và sống với ai?