Mẹ ơi! |
Tác Giả: Nguyễn Bá Dĩnh |
Thứ Bảy, 07 Tháng 3 Năm 2009 06:27 |
Mẹ ơi, chiều nay trời mưa. Nhiều khi con không biết ở đây, tháng 5 này là mùa gì mẹ ạ. Hồi cuối tháng 4 thì có ngày ngoài trời nắng chói chang, nhiệt độ lên cao, chỉ cần mặc một chiếc áo sơ mi là đã nghe khó chịu. Qua đầu tháng 5 thì trời lại có những hạt bụi tuyết mỏng manh bay chập chờn và hôm nay thì mưa suốt ngày. Mẹ ơi, trời mưa hay trời nắng gì thì con cũng nhớ mẹ thôi. Nhớ nhiều lắm mẹ ơi! Chiều nay, con đi lang thang trên lề đường, nhìn những cái “bong bóng phập phồng” mà nghe nhớ quá. Con khỏi phải nói là nhớ ai mẹ nhỉ! Bây giờ con phải đi bộ nhiều lắm đó mẹ. Để chữa bệnh. Con thầm trách ông Trời là tại sao không cho con ra đời sớm, trưởng thành sớm và bị bệnh sớm để thay vì đi lang thang một cách vô tích sự như chiều nay, con lại gánh giùm mẹ những gánh vải ra chợ cho mẹ bán. Con nhớ khi đó, con còn nhỏ dại lắm, còn chẳng biết là mẹ nhọc nhằn như thế nào để thức đêm dệt vải rồi bốn, năm giờ sáng lại phải gánh gồng, băng ngang qua những cánh đồng đầy mồ mả, đơn độc một mình, mang ra chợ bán, kiếm chút tiền lời để nuôi ba bệnh và đàn con khờ dại. Bây giờ, khi đời về chiều, mẹ lại sống đơn chiết một mình, chồng khuất bóng và đàn con đã trưởng thành thì đứa chân trời, đứa góc bi’n! Bây giờ thì mỗi ngày con phải đi bộ hàng 5, 6 cây số, đi bộ khơi khơi, để chẳng làm gì cả, đi bộ vòng vòng, để chẳng đi đến đâu cả! Như cuộc đời của mỗi con người chúng mình.Cuộc đời quanh quẩn vòng quanh.Để chẳng về đâu ngoài một nơi chốn cố định. Còn vài tháng nữa là đến mùa Vu Lan rồi mẹ ạ. Bên này, đã là ngày Mother Day rồi. Trung tâm thương mại nào cũng trưng bày tươm tất, treo đầy bi’u ngữ ca tụng người mẹ, bày bán đầy quà tặng cho những người mẹ. Rồi vào đúng ngày Mother Day, tiệm ăn nào cũng đông nghẹt. Những đứa con đặt những bữa ăn thịnh soạn để thết đãi những người mẹ. Bên nầy, con người chú trọng đến hình thức nhiều hơn. Xã hội Bắc Mỹ mà mẹ! Xã hội Bắc Mỹ không như xã hội mình. Người Việt mình không có thói lợi dụng ngày vinh danh người mẹ để buôn bán, để kiếm lời. Mùa Vu Lan của mình được nhận biết nhiều nhất trong các đền, chùa phải không mẹ? Lâu rồi, từ khi con xa mẹ đến giờ, con không có can đảm để tâm thức tỉnh táo trong ngày Vu Lan mỗi năm. Con sợ. Con sợ lòng con sẽ chùng hẳn lại, nước mắt con sẽ trào ra, tim con sẽ mệt nhoài và như thế thì cả tuần con sẽ không làm gì được. Ngày ấy, lẽ ra con phải ở bên mẹ, ngồi bệt xuống đất, ôm đôi chân khô gầy của mẹ mà nhỏ những giọt nước mắt hạnh phúc, thương yêu. Ngày ấy, lẽ ra con phải ở bên cạnh mẹ, nấu cho mẹ một nồi canh rau dền mà mẹ thích, đun cho mẹ một tách trà tươi mà mẹ ưa. Ngày ấy…, lẽ ra…, con phải… Và, mẹ ạ, chưa bao giờ con có được cái hạnh phúc như thế cả. Trong suốt cuộc đời của con. Mẹ ạ, vài tháng nữa thì Nhã-Thi, con gái của con sẽ đi học xa. Con nhìn được trong ánh mắt, qua những hẹn hò cùng bè bạn, nỗi háo hức của một loài chim non mới lớn, muốn tự mình cất cao đôi cánh bay lên trên vùng trời xanh lơ, để nhìn thử ở những chân trời xa lạ kia còn có những gì ngoài đôi cánh ấm áp và đùm bọc của gia đình. Nhã-Thi chưa đi mà con đã nghe nhớ nó lắm rồi. Mai mốt nó chỉ đi học xa chừng vài trăm cây số, hàng tuần, thậm chí có thể hàng ngày liên lạc nhau bằng điện thoại, vậy mà con đã nghe như mất nó. Huống hồ gì khi con rời bỏ mẹ để ra đi, để đến một nơi mà mẹ không hề mường tượng ra được, và cũng không hề hẹn được một ngày về với mẹ! Mẹ ơi, bây giờ con mới hi’u được nỗi nhớ, nỗi khổ đau của mẹ. Trời ơi, tại sao con phải đợi khi con xa mẹ vạn dặm đường, khi con cách mẹ cả một đại dương, khi đứa con của con chuẩn bị rời xa nhà thì con mới biết được rằng sự khổ đau của đấng sinh thành ở lại còn to tát gấp triệu triệu lần nỗi khắc khoải của đứa con ra đi! Tự dưng ký ức con như một màn ảnh nhỏ trên đó từng kỷ niệm hiện về. Mẹ ơi, mẹ có còn nhớ lúc con còn nhỏ học lớp hai hay ba gì đó không? Trường làng cách nhà mình hai, ba cây số. Sáng nào cũng vậy, mới tờ mờ sáng là con đã thay đồ ra ngồi sau hàng dậu chờ anh Đào hàng xóm để cùng anh ấy đi học. Mẹ hay cằn nhằn con sao đi sớm quá vì ngày nào cũng vậy, cả giờ đồng hồ sau anh Đào mới đi ngang. Thế mà ngày nào cũng như ngày nào, không bao giờ con nghe lời mẹ vì cứ sợ trễ. Con như thế mà mẹ cũng có hơn gì. Sáng nào mẹ cũng thập thò nơi cửa sau hàng giờ, chờ khi anh Đào đi ngang dẫn con đi học rồi mẹ mới vô nhà. Những buổi sáng như thế, nhất là mùa đông, trời lạnh quá, mẹ có nhớ không? Mẹ ơi, khi ấy nhà mình nghèo quá mẹ nhỉ! Con nhớ là ba bị bệnh nặng, không đi đứng được một mình. Mẹ tay gánh tay gồng, tảo tần tơi tả, nuôi chồng bệnh con thơ. Tại sao lúc ấy con vẫn sống vô tư trong cái tuổi thơ của con mà không hề nghe đau niềm đau của mẹ! Mẹ ơi, con không hiểu là mẹ có nhớ rõ cái cảm giác của mẹ khi đưa đôi bàn tay xoa đầu lũ chúng con như thế nào khi xưa hay không, khi mà mẹ có đến 8 đứa con để chăm sóc. Hồi đó, con hình như chưa nhận thức được niềm hạnh phúc được vỗ về chiều chuộng. Hồi đó, con chưa biết trân quí những đụng chạm thiêng liêng ấy. Bây giờ, khi trên đầu con đã pha trộn những sợi tóc màu thì con mới nhớ tiếc cái cảm giác êm ả đầm ấm ấy. Nhớ rõ lắm mẹ ạ. Tiếc nhiều lắm mẹ ơi. Nhiều khi con đi trên đường, nhìn thấy cảnh một người mẹ dắt tay một đứa con băng qua ngã tư đường, với tất cả sự che chở bao bọc thì tim con muốn ngất ngư. Con đã từng dừng xe lại bên một góc đường, chiêm ngưỡng cái cảnh đầy thương yêu đó, để rồi nhắm đôi mắt trần lại, tưởng tượng cậu bé hạnh phúc kia là chính con. Con nghe từng luồng máu nóng chạy râm ran trong người, từ mạch máu nầy sang mạch máu khác, trong một điệu nhạc lung linh huyền nhiệm để rồi chạy ập về tim. Trái tim con lúc ấy hình như muốn nở phồng lên, đập mạnh theo những âm hưởng lạ kỳ, như muốn vượt thoát lên cao, lên cao. Để rồi, khi con mở mắt ra, thấy xung quanh mình là cảnh trí xa lạ, là quê hương tạm bợ, là xa lắc xa lơ nơi chốn thân yêu thì con muốn bật khóc. Cuộc đời, khi ấy, với con, chính là lưu đày. Vĩnh viễn lưu đày. Con muốn kêu to lên. Một tiếng kêu tha thiết. Mẹ. Như tiếng kêu của một loài chim bị trúng tên. Ôi những mũi tên của chia xa, của ngăn cách, của cuộc đời! Mẹ ơi! |