Home Văn Học Tùy Bút Mưa Xuân Trên Non Cao

Mưa Xuân Trên Non Cao PDF Print E-mail
Tác Giả: Vi Ký   
Chúa Nhật, 08 Tháng 2 Năm 2009 11:05

Anh thức giấc sau giấc ngủ trưa dài, đã gần bốn giờ chiều nhưng ánh nắng của một ngày cuối năm ở Sài Gòn vẫn vàng rực một sắc màu lung linh đẹp lạ lùng. Nhất là với anh, người đã ra đi từ con hẻm này hơn hai mươi năm về trước để định cư tại Hoa Kỳ. Trở lại sau giấc ngủ trưa yên ả, anh bâng khuâng thấy cuộc đời sao tựa như sắc màu của chiêm bao. Như kẻ ra đi từ thủa tóc còn xanh, nay tóc đã pha sương với màu sương nhiều hơn màu tóc và bây giờ với anh cũng vẫn chỉ hai bàn tay trắng, hành trang nặng trĩu anh mang vẫn chỉ là ký ức, nhưng tình yêu cuộc sống và khát vọng trong anh vẫn tràn trề như màu nắng lung linh ngoài kia... 

Con hẻm cũ sau hơn hai mươi năm không biết có thức giấc cùng anh, nhưng anh nhìn nó vẫn vậy, dù cho dòng thời gian trôi và phố sá ngoài kia có nhiều thay đổi. Vẫn những ngôi nhà màu cũ, những cánh cửa sơn vội những ngày cuối năm khép hờ như những con mắt ngái ngủ nằm trốn nắng. Và anh phát hiện ra sở dĩ nắng sáng chói hơn trong con hẻm vì cái cây bông giấy cổ thụ của bà cụ chủ nhà nơi anh đang thuê căn gác xép đã được chặt bỏ. Trong ký ức của anh thì con hẻm này lúc nào cũng tràn ngập những cánh hoa giấy màu hồng như xác pháo những ngày xuân, như thủa cô dâu bước lên xe hoa về nhà chồng... 

Chuyến bay những ngày cuối năm không đông những người gốc Việt như anh. Suy thoái kinh tế và thất nghiệp như trận bão lớn tràn qua những cánh đồng người và thổi bay tan tác những kẻ đã không biết cắm thật sâu gốc rễ của mình vào cánh đồng kinh tế-tài chánh như anh. Ngoài nỗi đau của kẻ vừa mất việc, anh lại cùng lúc mang thêm vết thương mới, vết thương của kẻ vừa mất...vợ. Khi cánh cửa nhà người vợ sau mười tám năm hôn phối lạnh lùng khép lại, anh đứng ở ngoài đường cảm giác bơ vơ như chú chim cánh cụt lạc bầy, nắng đã tắt và bão tuyết đang tới. Anh xuôi về trời Nam, cố gắng bình tĩnh để che dấu những vết thương chí mạng trong lòng , anh gắng gượng suy tính để có thể trở lại giấc mơ được như là một chú chim giang rộng đôi cánh trên bầu trời...

Con hẻm tưởng chừng như vẫn như xưa, nhưng nhiều người xưa nay không còn nữa. Như ông Đàm, bà Quý, bác Liên ... và bà ngoại anh, cùng mấy cô thiếu nữ theo chồng dời quê hương. Chỉ có bà cụ chủ nhà nơi anh đang ở trọ là cư dân lâu đời nhất của con hẻm này, đã ngoài chín mươi mà bà cụ vẫn minh mẫn, chỉ hay than nhiều về chứng đau lưng. Căn nhà nhỏ của bà cụ vẫn vậy chẳng sửa sang gì mấy, đó chính là lý do anh muốn thuê lại căn gác xép của bà cụ, để mỗi buổi trưa anh nằm nơi đây nhìn nắng ngoài kia thấy mình như được tắm lại trên dòng sông thời gian của những ngày thơ bé, những ngày xưa còn có ngoại...Mỗi buổi chiều khi trời chạng vạng, không mở đèn, bà cụ lại đến nơi bàn thờ nhỏ dưới nhà nhẹ nhàng đánh mấy tiếng chuông và thắp nhang cho người chồng và người con trai đã tử trận thời chiến tranh. Chồng bà cụ là một công chức đã chết vì chứng đau bao tử xuất huyết và con trai bà là một viên trung úy đã chết trận năm 1972, trước di ảnh của người sĩ quan ấy là một tấm thẻ bài và một viên đạn được đặt trên một dĩa nhỏ bằng sứ. Có lẽ với thời gian thì mọi thứ đều già nua hoặc cũ kỹ đi, trừ những người chết trẻ thì có lẽ họ mãi mãi ở tuổi thanh xuân.Từ thủa nhỏ anh đã nhìn thấy những hình ảnh này khi sang nhà bà chơi và có lẽ bao nhiêu năm qua bà cụ vẫn sống trong ký ức của những buổi chiều... Những khi đó anh thường ra trước hiên nhà ngồi, ôm cây đàn cũ nhưng anh không đàn, chỉ có trong tâm tưởng anh lại vang lên tiếng đàn của những ngày xưa. Những ngày khi anh ôm đàn và hát thì có một cô bé tóc cột đuôi gà hay ngồi bên anh và cười rúc rích. Kỳ lạ là ngày anh trở về Lụa vẫn chưa lấy chồng... 

Lụa ngày xưa bé lắm và chỉ là một cô bé gầy gò nhút nhát từ dưới quê lên giúp việc cho một người bà con ở trong hẻm. Những khi rảnh Lụa thường sang nhà anh chơi với anh và ngoại. Cùng cảnh côi cút, anh thương Lụa như một đứa em. Ngày đó anh là một thanh niên mới lớn, cao lớn vụng về nhưng về hai khoản đàn và đánh lộn thì anh đều “sếp sòng”. Dù gì, ngày xưa anh đã từng là “đầu lĩnh” của cả một khu này. Nhớ lại thời tuổi trẻ ngông nghênh của mình khuôn mặt anh giãn ra như dấu một nụ cười...

 Hồi đó, không hiểu sao mỗi lần đến gần anh khi nhà vắng, Lụa thường bẽn lẽn khép hờ đôi mắt đen láy rất đẹp của mình như chờ đón một điều gì, những lúc đó anh thường cúi xuống hôn lên trán Lụa. Cô bé khẽ cười một tiếng rồi chạy vù về nhà. Nắng ngoài kia như vẫn giữ nguyên vẹn ký ức ấy...

 Sang định cư tại Hoa Kỳ khi bà ngoại mất, không hiểu sao ký ức của con hẻm cũng mờ dần trong anh. Và hình ảnh của cô bé Lụa bẽn lẽn, rụt rè cũng không đủ sức theo anh về miền đất của những âm thanh cuồng nộ.

Anh lấy vợ, như một phiếm đàn lỗi nhịp. Vì muốn ổn định đời sống, hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ, anh đã quên Việt Nam. Người vợ anh đã có một đời chồng, có hai đứa con gái nhỏ sinh đôi, xinh xắn. Đó là tất cả gia tài anh có được trên đất Mỹ, vì anh là người tự nhiên thấy yêu một mái ấm gia đình.

 Hai năm đầu mới sang, anh làm ở một công ty điện tử, công việc không nặng nhọc gì nhưng nhàm chán với bản tính hay bay nhảy của anh, mà ngày ngày phải ngồi hàn mấy con chíp điện tử... Đủ thời gian sau khi lấy bằng lái xe tải nặng, anh xin vào làm cho công ty xe tải xuyên liên bang để thỏa mãn thú vui giang hồ xê dịch của mình, nhưng không được nhận. Anh rất ấm ức nhưng nhìn những gã giang hồ xe tải xuyên bang, mỗi tên đều bặm trợn và lực lưỡng như các võ sĩ giác đấu thời La Mã. Anh thấy thèm cuộc sống giang hồ đó, dù đó là một nghề khácực nhọc và đôi khi cũng rất nguy hiểm khi phải thường xuyên dong ruổi trên những con đường thiên lý. Khi lấy vợ thì anh đang làm cho một công ty xe tải tại tiểu bang California. Nhưng mỗi khi có dịp nghỉ là anh lại lái xe tới những vùng còn hoang vu của nước Mỹ, để được có những thú vui như ngắm hoàng hôn trong hoang mạc, hay một mình nhìn mặt trời lên từ phía bên kia một ngọn núi . Có lần vào một ngày giữa thu anh đã tình cờ leo lên một ngọn núi ở miền Tây nước Mỹ, để chợt thấy như Từ Thức lạc vào cõi thiên thai khi suốt một dọc triền núi là rợn ngợp không gian của những bông cúc dại màu vàng. Nằm trên một phiến đá trắng, giữa một thảm hoa vàng anh nhìn ngắm bầu trời của miền Tây nước Mỹ. Bầu trời xanh ngắt với mây trắng bay, chợt nghe nỗi nhớ quê ngoại trở về như một sợi khói huyền bay lan man qua miền ký ức...

 Thị trường tài chánh suy sụp, đồng đô-la Mỹ xuống thấp hơn cả đồng đô Canada, công việc trở nên khó khăn. Tự nhiên vợ anh ngày ngày cứ ca cẩm, nào là có biết bao nhiêu là tấm gương thành đạt của người Việt. Người thì làm ở cơ quan không gian NASA, người thì là giáo sư đại học, người thì kinh doanh thành đạt, người thì đi đóng phim...vô số cái tên lạ hoắc lạ huơ được vợ anh kể ra để so sánh với anh. Anh thấy buồn, vì sao ngày đầu lấy nhau bả không nói? Để bây giờ sau mười tám năm, nhè lúc công việc của anh đang khó khăn, bả lại phun ra những lời khó nghe như thể anh là một tội đồ. Cuối cùng anh cũng biết được sự thật phũ phàng, và cũng như trong những cuốn phim chuyện tình tay ba, tay tư thì gã chồng ngốc nghếch bao giờ cũng là người cuối cùng được biết sư thật. Từ lâu vợ anh đã lọt vào mắt xanh của gã chủ nơi sở làm, và gã này thì vợ mới chết cách đây không lâu. Ngày ký vào đơn ly hôn, anh thấy chợt ghét nước Mỹ, vì nước Mỹ mọi thủ tục đều nhanh chóng gọn gàng tới nỗi người ta không còn kịp có thời gian ngồi kại bên nhau ôn lại những kỉ niệm cũ, với anh đã có tới mười tám năm chung sống dưới một mái nhà chứ ít sao? Nhưng dường như điều đó cũng chẳng ý nghĩa gì, ngày anh ra khỏi nhà, muốn nói một đôi lời lịch sự với người vợ cũ cũng không xong, nàng chẳng thèm dòm tới anh. Chỉ có hai cô con gái nhỏ ngày nào nay đã lớn lên, xinh đẹp và đều đang chuẩn bị lấy bằng Master là thương dượng, đưa anh ra tận cổng, hôn anh chào từ biệt và còn nhắc anh đừng quên gởi Postcard vào những dịp cuối năm. Trong mắt hai cô bé ngày nào thì người cha dượng của chúng luôn là một gã đàn ông “cowboy”, nhưng chúng thường đùa gọi anh là “cao-bồi ruộng”. Anh tự hào là đã cùng vợ nuôi được hai cô con gái trưởng thành – thế hệ tuổi trẻ này đã là niềm tự hào của người Việt trên đất Mỹ. Nhưng có lẽ hai cô con gái nhỏ của ngày nào không biết rằng người cha dượng của chúng không cứng rắn như chúng tưởng, lúc chia tay anh đã thèm được khóc, nhưng nước mắt của anh đã chảy ngược vào trong, trong cuộc đới này anh đã là người đàn ông thấm mệt.

 Anh cũng không trách gì vợ, vì là một người đàn ông khá vô tâm nên bây giờ nhìn lại anh thấy mình cũng có lỗi. Ngoài số tiền hàng tháng anh đưa vợ, anh chẳng bao giờ quan tâm tới cái gì gọi là gia đình, vì anh cứ yên tâm là hiển nhiên nó có và nó cứ sẽ mãi tồn tại như vậy. Những ngày nghỉ cuối tuần anh dành đam mê cho những chuyến dong ruổi đường xa, buổi tối anh thường ngồi trong vườn một mình với cây đàn guitar thả tâm hồn mình theo sóng âm đi đâu đâu, cũng có khi hai cô con gái nhỏ ra hát cho anh đàn. Và thường khi anh trở về giường thì vợ anh đã ngủ từ lâu. Không hiểu sao, bản tánh anh dường như là một kẻ vừa cô độc, vừa lãng tử. Anh còn nhớ, lần anh đưa một người bạn cũ ( đã sang Mỹ trước anh), nay đã là nhà thơ “thứ thiệt” của nước Mỹ về nhà chơi. Tình cờ gặp lại nhau, trong khi người bạn thủa nhỏ của anh đang trong tình trạng “không nơi cư trú” anh mời về nhà chơi (vì cũng đang mùa nghỉ) chứ trước đó thì anh hoàn toàn không quan tâm tới chuyện thơ thẩn. Người bạn cũ ăn rất nhiều, uống cũng nhiều nhưng nói chuyện thì rất hay ( mặc dù trong mắt vợ anh thì gã kia chỉ là một gã chết tiệt và điên khùng). Hèn chi sau này trở thành một nhà thơ khá tiếng tăm về chuyện chuyên “giác hơi” nước Mỹ, đó là theo ý kiến của mấy nhà phê bình vì bạn anh chuyên phê phán những thói tật trưởng giả trong xã hội thương lưu Mỹ. Một gã da vàng nhập cư dám phê bình nước Mỹ là một chuyện khá hiếm dù rất khó được chấp nhận ( thay vì một gã da trắng ). Nhưng ngày xưa bạn anh đã nói :” Giá trị của mỗi chúng ta là ở nơi con tim và khối óc chứ không phải ở trong sắc tộc hay màu da!”. Và kết quả của một tuần “giáo huấn” thơ ca Anh-Mỹ cho hai cô con gái nhỏ của vợ anh, cuối cùng Bé Út (người sau này theo đuổi quyết tâm lấy bằng tiến sĩ văn chương Anh-Mỹ, trước khi bước hẳn vào thơ ca), đã gởi cho chú nhà thơ bạn anh, một bài thơ ngắn trong đó có những câu mà anh còn nhớ tới bây giờ :” Em hãy đặt nỗi buồn lên đầu những ngón tay, thở ra nụ cười với hàm răng colgate, để cho những nỗi buồn về trong nắng lung linh !”. Bạn anh rất khen cô bé, thế rồi ngày gã đi, Bé Út lúc đó mới học trung học ( High School ) đã toan bỏ nhà đi theo chú nhà thơ. May mà vợ anh đã cảnh giác và kịp ngăn chặn, nhưng chiến tranh cũng đã bùng nổ và tưởng chừng như anh cũng đã phải cuốn gói theo gã nhà thơ kia. Nhưng vì hai cô thiên thần nhỏ mà hoà bình đã tạm thời được tái thiết lập. 

Lúc anh gặp lại Lụa tưởng rằng sẽ rất mừng vui, ai dè Lụa tỏ ra xa cách và lạnh nhạt. Nhưng nhan sắc của người con gái đang bước vào tuổi mặn mà nhất làm anh...nghẹt thở. Mái tóc đuôi gà ngắn ngủn ngày xưa của Lụa bây giờ đã là một mái tóc dài đen huyền óng ả, thân hình gầy còm ngày nào biến mất thay bằng dáng vẻ của người thiếu nữ mà tuổi xuân như mới vừa chớm đi qua nhưng nhựa sống vẫn căng tràn trong những khát khao. Duy có đôi mắt đem láy thì vẫn như ngày nào, vẫn như một câu hỏi cho người trực diện , vẫn như một sự đợi chờ đến nao lòng. Mãi cho tới mấy hôm sau anh mới làm thân lại được với Lụa, khi anh đang thật tình kể cho Lụa nghe hoàn cảnh khó khăn hiện tại của anh, chợt nghe Lụa nói :” Ôi ! Anh vẫn giản dị như ngày nào ! “. Anh rất ngạc nhiên, anh đáp lại, hơi bực :” Thì anh lúc nào chẳng vậy!”. Khi đó Lụa mới kể cho anh nghe ấn tượng không tốt của cô về một người Việt Kiều màcô đã gặp. Cô còn nói :” Nếu anh cũng giống người đó thì em sẽ “bái-bai” anh luôn! “. Thì ra, người bà con của cô có giới thiệu cho cô một chàng về nước để quen nhau, khi cô rủ anh chàng này ăn bún riêu đầu hẻm, thì anh chàng kia đã trả lời :” Việt kiều không ăn bún riêu, không uống rượu đế vì những thứ đó rất dễ bị...đau bụng!”. Câu trả lời thật lòng của anh chàng kia làm Lụa sợ, vì Lụa nghĩ như vậy Việt kiều là người nước ngoài rồi, mà với người nước ngoài thì Lụa bối rối không biết nên mời họ ăn gì và uống gì. Nghe Lụa kể, anh bật cười. Và anh cũng đã từng được nghe một câu chuyện “tiếu lâm” về trường hợp của một cô gái ở Việt Nam đi xuất cảnh theo diện kết hôn (thật sự) nhưng lần nào đi phỏng vấn cũng bị phía Mỹ từ chối. Mãi sau mới phát hiện ra có một “zích-zắc” nhỏ trong câu chuyện là anh chàng kia ở Mỹ thì chỉ là một công nhân (cũng bình thường như anh), nhưng chắc là để tiện lấy vợ, hay là biết tính người Việt ưa “nổ”, nên anh ta “nổ” đại là kỹ sư, vì sự “khai man lý lịch” khi đi phỏng vấn không khớp nên cô vợ bị phía Mỹ từ chối cho nhập cư vì nghĩ đây là cuộc hôn nhân giả mạo. Thật hư của câu chuyện là bao nhiêu phần trăm thì anh không rõ, nhưng những khoảng cách xa xăm về không gian, thời gian thường hay tạo tình đời lắm nỗi éo le.  

Như một người bạn vong niên của anh, năm nay ông đã hơn bảy mươi ngoài. Ngày ông rời làng quê ra đi, năm đó ông mới có mười sáu tuổi, ông hẹn cô bạn gái thầm thương ra ra giếng làng để nói lời từ biệt. Năm đó cô kia mới có mười bốn tuổi, dưới ánh trăng non đầu tuần ông xin người bạn gái cho phép ông được cầm tay, vì thời chiến tranh, người đi không biết có ngày gặp lại. Chỉ một cái nắm tay cho mối tình đầu, rồi hơn năm mươi năm biền biệt không có tin tức. Rồi tình cờ trên đất Mỹ, người bạn vong niên của anh gặp lại người chị của cô gái năm xưa, ông xin được số điện thoại và gọi về Việt Nam hỏi thăm người xưa. Run rẩy qua điện thoại, ông hỏi :” Tóc em bây giờ có còn xanh không ?!”. Người xưa cười, trả lời :” Nếu tóc anh còn xanh, thì tóc em cũng còn xanh...!!!”.

 Với Lụa thì tóc nàng vẫn còn rất xanh, chỉ có tóc anh là đã rất nhiều sợi bạc. 

Buổi trưa, Lụa mang lên căn gác xép cho anh tô bún riêu bán ở đầu hẻm còn bốc khói, nóng hổi. Màu váng riêu cua vàng ngậy, những cọng bún trắng ngà, lát chả lụa xắt mỏng, huyết heo, đậu hũ chiên vàng, trộn đều cùng những cọng rau muống tươi xanh chẻ nhỏ, thêm những cọng rau thơm có mùi hăng hăng mà anh không rõ tên, vắt thêm chanh và cho thêm vào tương ớt, lại còn thêm một muỗng mắm tôm... anh ăn ngon lành trong sự quan sát khá “chăm chăm” của Lụa, thấy vậy anh cười :” Cho anh thêm ly rượu đế để khỏi đau bụng !” . Lụa đấm lưng anh và cười, tiếng cười ròn tan. Anh nắm lấy bàn tay của cô, tiếng cười chợt ngưng, và đôi mắt đen láy của cô lại khép hờ chờ đợi như ngày xưa cô còn bé. Anh cúi xuống tìm đôi môi của cô, đôi môi của người con gái mềm mại, ngọt ngào...trong vòng tay anh, mùi hương con gái ngây ngất, dù trong căn gác xép này còn có sự hiện diện của mùi chanh, ớt, mắm tôm từ tô bún riêu anh vừa ăn, nhưng phải định nghĩa hương quê là như thế nào thì chắc là anh không rõ, hỏi đùa Lụa thì nàng chỉ đỏ mặt, mắc cỡ... 

Lụa đã hẹn với anh sáng ngày 22 Tết sẽ đưa anh về miền Tây thăm quê của cô. Đồng thời cũng là để ra mắt Ba Má cô. Cô kêu anh đừng mua quà cáp làm gì, vì cô đã chuẩn bị mọi thứ. Cô chỉ không muốn anh nói ra tình trạng thất nghiệp của mình, mọi việc cứ để cô lo. Nói vậy nhưng anh cũng đã mua một cặp rượu quý, dù gì anh cũng muốn coi cho được. Về công việc thì anh thấy cũng không đáng lo lắm vì anh cũng đã có mấy cái hẹn của mấy chỗ quen để làm việc, anh chỉ đang suy tính để chọn công việc cho thích hợp để có thể làm việc lâu dài, dù gì để có được Lụa anh sẵn sàng làm việc gấp bốn, gấp năm lần ngày trước. Anh mừng vì Lụa đã lớn lên, đã trưởng thành, từ một cô gái giúp việc cô đã được đi học, ngoài chữ nghĩa cô còn có được nghề thêu tranh khá đắc dụng. Lụa đã quá quen với đời sống tự lập, anh không ao ước một ai hơn Lụa. Là một người không theo tôn giáo nào, như bà ngoại anh thờ ông bà cũng chỉ là một thói quen nhưng anh vẫn thầm cám ơn Cao Xanh (tức là một đấng vô hình ở tận trên trời cao, như bà ngoại anh giải thích) đã ban cho anh một bến bờ mơ ước đầy an lành vào giây phút cuộc đời anh như con tàu bị đánh đắm...

 Anh nhìn ra ngoài hàng hiên, nắng chiều vẫn chưa tắt. Ngay chỗ cây hoa giấy cổ thụ năm nào, đã bị chặt, bà cụ chủ nhà đã trồng vào đó một cây mai còn tơ non, trong nắng những lá mai non ánh lên một màu xanh mướt. Sáng nào bà cụ già cũng tưới và chăm chút cho cây mai. Bà còn nói :” Cái gì mình thường xuyên chăm sóc, thì đáp lại tấm lòng của mình cây mới cho hoa, cho trái tốt chú à !!!”. Vâng, cám ơn bà, cám ơn bà cụ già phúc hậu, có lẽ cây mai tơ cũng nghe được tâm tình của người già để rồi Tết này nó sẽ nở bung những cánh hoa vàng sắc nắng đón xuân về...

 Sài Gòn ngày 20 tháng 10 năm 2008.