Họp khóa mùa Xuân |
Tác Giả: Giao Chỉ San Jose | |||||||||||||||
Thứ Sáu, 06 Tháng 2 Năm 2009 23:17 | |||||||||||||||
Khóa Cương Quyết của anh em chúng tôi mới họp mặt tất niên vào thứ Bảy ngày 24 tháng 1 năm 2009. Còn phải dành ngày Chủ nhật cuối năm về cúng ông bà. Thứ Hai là mùng một TẾT.
Lúc họp mặt cuối năm vào buổi trưa ngay tại Viện Bảo Tàng San Jose, quân số cả khóa của miền Bắc tham dự chừng 60%. Phần còn lại khai bệnh hoặc không có phương tiện chuyển vận. GMC cũng không có mà trực thăng cũng chẳng còn chiếc nào. Cũng may có Ðoàn Thi từ Sacramento về được và Nguyễn Ðức Chung cũng về từ San Francisco. Anh em ngồi bàn chuyện thời sự địa phương. Recall or not recall. Obama, Obama. Việt Nam ,Việt Nam vân vân ... nhưng xem ra chuyện thế sự không đáng quan tâm. Phần nhiều chia sẻ nhau về kinh nghiệm y khoa. Anh nào cũng thương tích đầy người. Trình độ kiến thức về bệnh tật thuốc men phần lớn đều đã lên cấp ngang với sinh viên trường thuốc sắp tốt nghiệp. Mấy nhà thương ở San Jose chúng tôi đều có ra vào thực tập. Nhiều anh đã lên học lớp cao cấp tại nhà thương Stanford. Có anh vào nhà thương San Francisco nằm giảng bài cho sinh viên hàng tuần. Sau cùng điểm danh quân số, anh em ai cũng chắc chắn rằng sẽ vượt qua năm Mậu Tý. Hai hôm nữa là qua năm Kỷ Sửu. Chắc là sẽ bình yên. Vậy mà lời bình luận đúng như đinh đóng cột. Ðầu năm Kỷ Sửu anh bạn hiền lành nhất là ông tiểu đoàn trưởng công binh Phùng Văn Xuân mới ra đi. Khóa chúng tôi trong thời chiến tranh có mặt khắp quân khu và khắp các binh chủng. Sống và chết ở mọi nơi. Nhưng hiện nay vẫn còn hiện diện ngay tại Việt Nam và các nơi trên thế giới.
Cả khóa toàn Bắc kỳ vào Ðà Lạt học có 300 sinh viên. Lạc loài thêm vài anh miền Trung và miền Nam . Còn toàn là dân di cư đi sớm trước cả hiệp định Geneve. Ngày nay chúng tôi cũng lần lượt ra đi từ khắp nơi trên thế giới. Tại Bắc Cali, anh Ðỗ Hữu Bài ra đi sau 12 năm được hết đầm Mỹ rồi đầm Phi săn sóc trong nhà an dưỡng. Quân cảnh Trần Văn Tước ra đi bỏ lại cả đống máy hình và cây cảnh. Rồi đến anh Nguyễn văn Ðông và bây giờ và bạn Phùng Văn Xuân. Chị Phùng Văn Xuân tuy thương tiếc ông chồng hiền lành nhưng xem ra còn rất bình tĩnh đứng ra chỉ huy đơn vị toàn gia đâu ra đấy. Ðại gia đình con cháu đông đảo từ các nơi quy tụ về lo cho ông già nằm xuống yên giấc ngàn thu. Trong số anh em chúng tôi, Phùng Văn Xuân lãnh chức tiểu đoàn trưởng công binh rất sớm và hết sức thanh liêm, đôi khi bị coi là quá sạch sẽ. Ông giữ của cho quân đội từ thùng sơn đến lít dầu không cho dùng ở nhà, nên chắc chắn là không có tẩu tán bán ra ngoài. Và anh là người rất hiếu học. Trước khi mất nước Phùng Văn Xuân đã tốt nghiệp thẩm phán còn đang chờ bổ nhiệm.
Chuyện tang gia, chung sự mà tôi kể lại như thế xem ra không thích nghi với hoàn cảnh. Chưa thực sự đau thương buồn tủi. Nhưng quả thực khi mà khóa của chúng tôi tuổi trung bình trên 75 thì cuộc sống đang over time. Mỗi ngày qua là một ngày bonus. Biệt ly, sinh tử không phải là chuyện vui nhưng cũng không còn thê thảm như thời chiến tranh. Khi tiễn đưa ông Phùng Văn Xuân vào buổi sáng thứ Bảy, sương mù bao phủ ngọn đồi Oak Hill. Trên sườn đồi dốc của khu nghĩa trang Á châu nhìn xuống, phía tay trái là chỗ của Trần Văn Tước, trung đội 24 đại đội 6 và bây giờ bên phải là Phùng Văn Xuân, trung đội 20 đại đội 5.Hop mat khoa Ðại tá công binh Nguyễn Thiện Nghị đọc một bài ai điếu kể rõ tiểu sử của người sỹ quan công binh ra đi. Phần tôi đại diện anh em cùng khóa gọi tên các bạn hiện diện . Tưởng như 55 năm về trước, sinh viên sỹ quan Vũ Văn Lộc tại sân trường võ bị Ðà Lạt, trong trách nhiệm trực nhật gọi tên anh em, Vũ Thượng Tôn, có mặt; Ngô Sỹ Hùng, có mặt; Nguyễn Xuân Hòa, Nghiêm Kế, Lê Văn Bang, Phạm Ngọc Thụy, Ðinh Trọng Ất ... Nguyễn Ðình Tạo ... có mặt có mặt ... Nằm trong áo quan, dưới mộ phủ đầy hoa, Phùng Văn Xuân vẫn còn nghe từng tên gọi. Rồi những người con trai gái của một gia đình đông đảo với các cháu chít khăn tang trắng bắt đầu cất tiếng khóc, khi quan tài từ từ hạ thấp. Nhìn những người con đã trưởng thành từ 40 đến 50 tuổi đồng loạt quỳ xuống đất lạy bố, chúng tôi thấy rõ ràng sự khác biệt văn hóa với tang lễ tây phương. Có một vẻ gì hết sức Việt Nam đã thể hiện trong một khoảng khắc đặc thù. Những người đàn ông Hoa Kỳ gốc Việt áo đen khăn trắng, quỳ xuống đồng loạt, nước mắt chảy dài, lạy bố ra đi. Trong khi chờ lấp đất và chia tay, bạn bè hỏi nhau về lý lịch y khoa của anh Phùng Văn Xuân. Thì ra Xuân đã bị ung thư và chạy điện cả năm. Xem ra còn có thể cầm cự được thời gian nữa. Nhưng bất ngờ chính trái tim đột quỵ đã hạ anh trong một thời gian thật ngắn. 911 cũng không cứu kịp. Chuẩn bị một đằng lại bị địch đánh chỗ khác. Nhưng gia đình cũng như chính anh đều chấp nhận để tránh khỏi những ngày tháng sau cùng đối diện với bệnh ung thư vô cùng đau đớn. Dừng chân trên ngọn đồi Oak Hill của San Jose miền Bắc California , chúng tôi lại nhắc đến những người bạn cùng khóa đã ra đi trong chiến tranh. Một anh chợt hỏi, khóa Cương Quyết 54 chúng ta có ai chết ở ngoài Bắc không? Có đấy chứ, một anh bạn rất nổi tiếng và là người duy nhất của khóa chết trong tù cải tạo. Chết sớm nhất là Trung tá Vũ Văn Sâm tức là nhà thơ Thục Vũ. Anh chết ngày 17 tháng 11 năm 1976. Anh Sâm thuộc về trung đội 19 đại đội 5. Ðể tiễn đưa Phùng Văn Xuân cũng của đại đội 5 ra đi 32 năm sau, tôi xin nhắc lại sự ra đi của nhà thơ Vũ Văn Sâm. Anh Sâm ra đi sau khi chiến tranh đã chấm dứt, mới bước chân vào tù trong niềm cay đắng của một đất nước thống nhất và hòa bình.
Trung Uy Sam cung gia dinh Dai Uy Sam cung gia dinh Nhân điện đàm qua Úc, chúng tôi nói chuyện với bác Phan Lạc Phúc, năm nay 82 tuổi, người đã viết về chuyện sống chết của Thục Vũ. Ông bạn tù đã làm thợ vịn cho thầy Thích Thanh Long khắc tên người ra đi trên bia đá. Bác Phan Lạc Phúc khi viết về Thục Vũ có nhắc đến các bạn tù Suối Máu như Vũ Ðức Nghiêm, Phạm Xuân Ninh hiện còn ở San Jose, và các bạn cùng khóa với chúng tôi là Nguyễn Hữu Luyện, Vũ Thế Quang ở miền Ðông
Kèm theo bài này là những tấm hình chị Thục Vũ hiện ở Canada gởi cho chúng tôi lưu giữ trong các di vật của anh em cùng khóa.Chính cũng nhờ mộ bia có tên trên đá góp phần kiến tạo của bác Phạm Lạc Phúc mà sau này chị Thục Vũ đã tìm được nơi yên nghỉ của Vũ Văn Sâm. Gia đình đã tảo mộ và đem di hài qua hũ tro tàn đặt trong chùa tại Saigon . |