Đời vẫn vốn không nương người thất thế. Nguyễn Tất Nhiên
Người Việt sính thơ, và hay sáng tác những bài thơ (rất) … vụng. Ngoài cái tật hay làm thơ ra, dân Việt còn có một cái thói xấu (lớn) khác nữa là thích bắt người khác phải nghe hay đọc những thơ ngô nghê của mình. Nếu bạn không tin như vậy, cứ thử vào xem nhiều website sẽ thấy. Trên nhũng diễn đàn này, trong phần góp ý, bên dưới những bài chủ, bao giờ cũng xuất hiện năm bẩy bài thơ lảng xẹt.
Tôi cũng là người Việt, nên cũng thích làm thơ, cũng chuyên môn sản xuất ra loại thơ … (rất) vụng, và cũng không từ bỏ một cơ hội nào để gởi thơ lên net. Bài thơ đỡ dở nhất – tôi viết vào mùa Hè năm 1980, tên “Chiều Vọng Các,” sau khi leo rào từ một trại tị nạn ở Thái Lan ra Bankok chơi – có những đoạn (hơi) sến, như sau: Chiều về trên xứ lạ Cười nụ cười Anglais Buồn qua hơi thuốc Thái Thèm một phin cà phê (Chị ơi thôi đừng đợi Chiều nay em chưa về) Thơ thẩn cỡ đó, nếu đem dự thi chắc rớt (rớt chắc) nhưng mang gửi về Việt
Nam cho gia đình cho ông bà già chơi thì họ … phê hết biết luôn. Má tui đọc xong, khóc ròng cả tháng. Bả lu loa, mếu máo kể lể với mọi người: Coi: thằng út tui là dân nhậu. Trên tay nếu không cầm ly thì cũng cầm chai. Nó sinh ra để uống. Bỏ uống là... chết mẹ. Nó rất thích cảnh cơm hàng – cháo chợ, và thấy rượu thịt là vui mừng như lân thấy pháo. Vậy mà (Trời ơi) bây giờ thằng nhỏ bước vô quán như cái xác không hồn, thẫn thờ nhớ mẹ nhớ cha, nhớ bạn nhớ bè … tới đắng miệng, ruợu uống không vô! Sao mà khổ thân dữ vậy con ơi? Vì ai mà con tui phải lìa xa gia đình, quê hương và … lưu lạc nơi xứ lạ quê người như vậy, hả mấy ông cách mạng? Ở thời điểm này, không riêng chi má tui đâu nha, ít nhứt cũng nửa nước Việt Nam đã ngộ nhận về thiện chí của nhà cầm quyền như thế. Người dân tưởng rằng chế độ bao cấp, chính sách hộ khẩu, tem phiếu, kinh tế mới, cải tạo công thương nghiệp, đổi tiền … đều chỉ là những phương thức cào bằng, bần cùng hoá cả xã hội, và tha hoá con người nên hè nhau bỏ chạy. Còn về phiá nhà nước, khi thấy thiện chí xây dựng một xã hội công bằng, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc … bị người dân cương quyết khước từ – bằng cách liều mạng bỏ phiếu bằng chân – nên nổi giận, và đã (có) nặng lời chút đỉnh: “đồ cặn bã, ma cô, đĩ điếm …” Tất cả chỉ là những ngộ nhận nhất thời, và thời đó đã qua. Bây giờ là một thời khác hẳn. Những kẻ (lỡ) bỏ đi, vẫn thường được phép trở về. Và khi về, đều được Đảng và Nhà Nước hân hoan chào đón. Năm 2004, có 19 người Việt ở hải ngoại được vinh danh tại Văn Miếu, Hà Nội (1). Năm 2005, thêm 19 người khác tiếp tục được nhận lãnh cái vinh dự (to lớn) tương tự (2). “Nhận xét về tổ chức Lễ Vinh danh nước Việt, ông Nguyễn Chơn Trung – Chủ nhiệm Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đánh giá cao chương trình mà Báo Điện tử Vietnamnet đã thực hiện và thành công như mong đợi. Ông Trung cho rằng, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị với nhiều chính sách đổi mới ngày càng thông thoáng hơn và tạo điều kiện cho bà con kiều bào ngày càng gần với quê hương, đất nước.” “Thật vô cùng xúc động khi những người con Việt ở xa Tổ quốc hội tụ về đây, cùng lắng nghe tiếng gọi của non sông hào hùng từ ngàn xưa vọng về. Họ đại diện cho gần 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, mang trong người dòng máu Lạc Hồng đã có những đóng góp trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Họ xứng đáng là ‘Những sứ giả Lạc Hồng’, là chiếc cầu nối giữa người Việt trong nước và ngoài nước, giữa Việt Nam và cộng đồng Quốc tế.” Nhà báo Nguyệt Quế đã viết những dòng chữ (vô cùng) thắm thiết như trên, trong bài báo có tựa là Khi Hồn Thiêng Sông Núi Gọi Về tại chuyên san Người Viễn Xứ, ngày 6 tháng 2 năm 2006 Tui in bài báo này, gửi dìa nhà cho ông bà già coi chơi. Ba má tui sẽ hãnh diện và sung sướng (muốn chết) khi biết rằng nhờ sự thông thoáng của NQ 36, thằng con đã được chuyển từ diện “cặn bã xã hội, chạy theo bơ thừa sữa cặn” qua thành … “những sứ giả Lạc Hồng” rồi! (Tui viết rõ ràng là “Lạc Hồng”, đừng có đánh máy hay đọc lộn thành “Lạc Hồn” nha, mấy cha). Hậu vận của tui, rõ ràng, quá tốt. Tui quả là người (cực kỳ) may mắn. Không phải ai tha phương cầu thực cũng đều có cái may mắn đó đâu. Bà Tạ Thị Giám là một người, không may, như thế. Trong một bài bào có tên Taiwan Shelter Helps Abused Vietnamese Workers,” đọc được trên nhật báo Mercury News – số ra ngày 12 tháng 12 năm 2006 – ký giả K. Oanh Ha đã mô tả hiện cảnh của bà Giám, như sau: “Tạ Thị Giám, một người phụ nữ Việt Nam, đã bị hấp dẫn bởi lời hứa hẹn về số tiền luơng 500 Mỹ Kim mỗi tháng. Bà rời nhà nơi làng quê nghèo nàn ở ngoại thành Hà Nội để lao động cật lực trong một viện dưỡng lão tại Đài Loan, với hi vọng có tiền cho con đi học.” “Ngược lại, bà Giám cho biết, bà đã bị biến thành nô lệ cho người chủ Đài Loan, bị chủ đánh đập, không cho ăn, và buộc phải làm việc cho đến khi gục ngã. ‘Họ đối xử với chúng tôi như một con vật, chứ không phải là một con người… vì biết rằng chúng tôi đã lâm đến bước đường cùng, không còn nương tựa vào ai được nữa’. Bà Giám, 36 tuổi, đã nói như thế” Tưởng “như thế” đã đủ nát lòng, vậy mà nhiều cảnh đời lưu lạc còn truân chuyên hơn thế nữa. Những nạn nhân trong cuộc – theo tường thuật của Tuần báo Viet Tide, qua bài phóng sự “Người Việt Trên Đất Đài: Lời Kêu Cứu Của Những Phận Người Bị Chà Đạp,” phát hành từ California ngày 20/05/2005 – đều xin được giấu tên: – N. nói: “Quê tôi ở Việt Trì... Làng tôi nghèo lắm khó kiếm được công ăn việc làm … Tôi sang Đài Loan ngày 18 tháng Giêng năm 2005. Theo hợp đồng với công ty môi giới tại Việt Nam, tôi sẽ chăm sóc một ông già bị liệt toàn thân. Khi đi tôi đã vay gần 20 triệu tiền Việt Nam để giao cho công ty môi giới… Tôi bị cưỡng hiếp nhiều lần trong suốt thời gian bị cầm giữ trong nhà tay chủ môi giới này”. – M. nói: “Làng quê của em ở Tây Ninh, nghèo lắm. Bọn em chưa hề biết Sài Gòn là gì, vậy mà bay giờ luân lạc sang tận Đài Loan. Lúc ra đi, bọn em chỉ mong lấy được tấm chồng, rồi kiếm việc làm để gửi tiền về giúp cha mẹ cất mái nhà ở. Không ngờ thân bọn em bị ô nhục đến thế.” – T. khóc: “Vừa đặt chân đến phi trường Đài Bắc, tên môi giới hôn nhân cùng đồng bọn giữ hết giấy tờ hộ chiếu rồi đưa chị em em lên xe chở thẳng đến một căn nhà 16 tầng. Ở đó, bọn em bị canh giữ ngày đêm. Bọn em bị cưỡng bức phải tiếp khách. Suốt 21 ngày, thân xác bọn em bị khách chơi hành hạ ... Tương lai ra sao, về nước hay ở lại, bọn em cũng không biết, mà cũng không dám nghĩ tới … Cứu bọn em các anh chị ơi.” Không hiểu con đường khổ nạn của những người lưu lạc (như bà Giám, bà M., bà N., bà T…) ở Đài Loan còn bao xa nữa nhưng đối với một số phụ nữ Việt Nam khác – vừa có mặt ở Mã Lai – thì họ mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình (không may) tương tự. Theo nhật báo International Herald Tribune – số ra ngày 19 tháng 12 năm 2006 – hiện có hàng chục thiếu nữ VN đang được trưng bầy tại các quán cà phê ở Mã Lai, để chờ được mua về làm vợ. Sự kiện này khiến cho người dân bản xứ cảm thấy bất an. Họ mô tả đó là một việc làm “bệnh hoạn và vô luân” (The pratice has been described as “sickening and immoral”…) Những người phụ nữ đã sa chân lỡ bước này, nếu (cũng) được “hồn thiêng sông núi” gọi về thì thiệt là đỡ khổ cho họ (và cũng đỡ tủi cho toàn dân Việt Nam) biết mấy. Những đưá bé thơ tên Xuân, tên Yến – đang bán thân nuôi miệng – ở Cao Miên cũng vậy. Hoàn cảnh của các em khiến mọi người đều phải xót xa, mà sao “hồn thiêng sông núi” (cứ) tỉnh queo như vậy cà? Cách gọi của “hồn thiêng sông núi”, dường như, có cái gì không ổn. Tui “rà xoát” lại chuyện này chút đỉnh và biết thêm rằng chuyện “vinh danh” hàng năm là do báo điện tử Vietnamnet tổ chức, còn gọi ai về để vinh danh lại là chuyện (riêng) của … Mặt Trận Tổ Quốc! Nói cách khác, giản dị và dễ hiểu hơn, là thông qua Mặt Trận Tổ Quốc, Đảng đang lãnh đạo và chỉ đạo luôn cả … “hồn thiêng sông núi” nữa. Thiệt là quá đã (và quá đáng)! Mà Đảng (ta) thì làm gì mà không có tính toán. Và toàn là những toan tính bẩn thỉu, ti tiện, và đểu cáng. Chỗ nào thấy không có lợi, và ai không có tiền thì Đảng làm lơ, chớ gọi (về) làm chi – cho chật chỗ? Toàn thể nhân loại đều biết chuyện phụ nữ VN bị bầy bán trong những quán cà phê ở Mã Lai nhưng cả toà đại sứ VN ở Mã Lai thì không một ai biết là có chuyện (đáng tiếc) này – theo như tường thuật của phái viên AP, vào ngày 19 tháng 12 năm 2006: “Vietnam’s ambassador to Malaysia, Nguyen Quoc Dung, said officials were not aware of such incidents…Đại sứ Việt Nam ở Mã Lai, Nguyễn Quốc Dũng, nói rằng giới chức có thẩm quyền không hề biết có những sự cố như vậy … ” Và như vậy – trong những đợt vinh danh tới – những người như bà Tạ Thị Giám, cũng như những cô gái Việt đang ngồi phơi mặt trong những quán cà phê ở Mã Lai (chắc chắn) sẽ không được “hồn thiêng sông núi gọi về” đâu. Ủa, sao kỳ vậy, cùng là “Việt Kiều” hết trơn mà? Coi: ông đại sứ Việt Nam ở Mã Lai mà còn không biết là họ có mặt bên xứ đó thì “hồn thiêng sông núi” làm sao có danh sách (để) gọi về chớ. Hơn nữa Văn Miếu – Quốc Tử Giám (ở Hà Nội) là chỗ linh thiêng, chỉ có loại ma cô đĩ điếm đã được chuyển diện thành “sứ giả Lạc Hồng” mới xứng đáng được mời về để vinh danh thôi. Chớ còn cái thứ đang bán thân nuôi miệng, và bán với cái rất bèo, ở mấy xứ Á Châu thì … khỏi! Đời vẫn vốn không nương người thất thế. Đảng cũng vậy thôi à. Nhưng nói vậy, e chưa hết lẽ. Cũng có lúc Đảng nương (vào) người thất thế đó chớ. Nếu không, lấy đâu ra lý do để làm cách mạng và cướp chính quyền.
Chiều về trên xứ lạ Execuse me I’m sorry nói mãi Thương một câu chửi thề
Chiều về trên xứ lạ Ngỡ ngàng Chinatown. Ðây rượu nồng thịt béo Mà bạn bè nơi nao
Dừng chân nơi quán lạ Thèm cơm chiều hương quê Mẹ cha ơi đừng đợi Chiều nay con không về
Ghi chú: (1) Ông Vũ Gỉan, Thụy Sĩ ; tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Vương quốc Bỉ; tiến sĩ Lương Văn Hy, Canada; tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Việt Nam; viện sĩ Trần Văn Khê, Paris; tiến sĩ Đặng Lương Mô , Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt Nam; tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn, Hoa Kỳ; ông Lê Phi Phi, Việt Nam; tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong, Hoa Kỳ; tiến sĩ Nguyễn Công Phú, Pháp; tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, Pháp; nghệ sĩ Đăng Thái Sơn, Canada; ông Bùi Kiến Thành, Hoa Kỳ; tiến sĩ Trần Văn Thọ, Nhật; tiến sĩ Trịnh Xuân Thuận, Hoa Kỳ ; tiến sĩ Võ Văn Tới, Hoa Kỳ; kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Pháp; tiến sĩ Trần Thanh Vân, Pháp Nguồn: Người Viễn Xứ.
(2) TS. Nguyễn Quốc Bình (VK Canada); TS. Nguyễn Trọng Bình (VK Mỹ); PGS, TS. Nguyễn Lương Dũng (VK Đức); TS. Nguyễn Trí Dũng (VK Nhật); Họa sĩ Lê Bá Đảng (VK Pháp); GS,TS. Nguyễn Quý Đạo (VK Pháp); Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (VK Pháp); Bác sĩ Bùi Minh Đức (VK Mỹ); TS. Lê Phước Hùng (VK Mỹ); ThS. Phạm Đức Trung Kiên (VK Mỹ); GS,TS. Đoàn Kim Sơn (VK Pháp); GS Toán học Lê Tự Quốc Thắng (VK Mỹ); Ông Phan Thành – Chủ tịch HĐQT HHNVNONN TPHCM (VK Canada); GS,TS Nguyễn Văn Tuấn (VK Úc) và GS,TS Nguyễn Lân Tuất, VK Nga Nguồn: Người Viễn Xứ |