Home Văn Học Tùy Bút Xuân Trong Tâm Hồn Người Việt

Xuân Trong Tâm Hồn Người Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: LM Trần Cao Tường   
Chúa Nhật, 18 Tháng 1 Năm 2009 14:15

17/01/2009

Trần Cao Tường, Lm.

Tết Kỷ Sửu

Tranh (Lê Phổ): Hoa Xuân.

 

Nhà tâm lý Leo Buscaglia đã kể lại một câu truyện thật về một chuyến đi du lịch của ông. Một hôm đứng chờ xe buýt, nhìn lên bảng chỉ dẫn những chuyến khác nhau, ông thấy có xe đề rõ: “Xet số 9 đi Vườn Địa Đàng” (Bus 9 to Paradise). Trời ơi, hấp dẫn chưa? Cứ tưởng tượng mà coi: mình đang ngồi trên xe đi tới vườn địa đàng, đầu óc nẩy sinh không biết bao mộng ước: vườn sẽ hấp dẫn tới cỡ nào?

Mỗi người chắc sẽ vẽ lên những hình ảnh rất khác nhau. Có thể có cảnh núi cao trùng điệp thật thơ mộng, hồ nước trong xanh ẩn hiện dưới sương mù mờ ảo buổi sáng như dẫn vào động thiên thai. Nhưng rồi đến thành phố có tên là Paradise chưa chắc mình đã hài lòng hoàn toàn. Khí hậu có thể lạnh quá, mưa bất tử, mà cảnh trí với bờ cỏ không xanh hơn chỗ mình ở!

Như vậy, có phải đi tìm vườn địa đàng ở mãi đâu đâu? Ông bà nguyên tổ đang ở ngay trong vườn địa đàng hạnh phúc mà lại ước ao phải ở chỗ khác hơn thế nữa, ăn thêm một vài “trái cấm” may ra khấm khá hơn chăng. Vì thế mà hạnh phúc đã buột ra khỏi tầm tay. Những gì đang được trao ban là hạnh phúc địa đàng, sao mình không biết hưởng nhận mà còn ham muốn đi tìm gì nữa đây?!

CHÀNG DŨNG SĨ VÀ CON NGỰA HỒNG

Mình đang ngồi trên xe hạnh phúc rồi mà. Chỉ có cách là tập cảm nhận và biết ơn về những cái đang có trước mắt mình, trong tầm tay của mình. Xe buýt đang chạy qua những con đường ngoằn ngoèo, cảnh bên đường hấp dẫn quá. Nhìn ngắm đi. Thưởng thức đi. Đừng cứ chờ phải tới đích rồi mới bắt đầu ngoạn cảnh. Vậy là phí của Trời! Và Leo Buscaglia kết luận: “Đời sống là thiên đàng đối với những ai biết hưởng được mọi sự”.

Riết rồi mình cũng giống như chàng dũng sĩ và con ngựa hồng. Chàng cỡi ngựa rong ruổi suốt cuộc đời đi tìm hạnh phúc, đi hết chỗ này tới chỗ kia cho đến xế chiều cuộc đời, áo đã sờn vai, phải dừng chân bên bờ suối vì mỏi mệt không qua nổi nữa. Bỗng chàng thấy con ngựa hồng hóa thân thành người yêu xinh đẹp tuyệt vời biến mất. Thì ra suốt quãng đường đời, chàng vẫn ngồi trên hạnh phúc mà không nhận ra.

Xe buýt hay con ngựa hồng là chính căn phòng hay ngôi nhà đang ở, cái ghế đang ngồi, cái bút đang viết, đôi giầy đang đi, con mắt đang đọc, đang nhìn được mầu sắc, tai đang nghe tiếng chim hồng y hót líu lo, mũi đang hít thở, tim đang đập, tay đang cử động, bao nhiêu cơ năng trên óc đang làm việc hơn máy điện toán xa, nháy mắt là hình ảnh “DVD” cách đây cả mấy chục năm hiện lên ngay… Tất cả là phép lạ đời sống.

Vào mùa xuân, những cây hoa đại lan (magnonia) tim tím nở rộ đầy ắp từ gốc lên đến ngọn, dù trước đó vài tuần thì chỉ là những cành trơ trụi tiêu điều. Hằng ngày đi đến nhà thờ, tôi thật may mắn được lái xe qua con đường quê thật đẹp vùng Avondale ngoại ô thành phố New Orleans. Nhưng đẹp nhất phải kể là những ngày đầu xuân. Bãi cỏ xơ xác hai bên đường mùa đông nay bỗng trải dài một thảm hoa vàng mênh mông. “Động hoa vàng” là đây rồi chứ sao phải mất công mơ tưởng mãi đâu đâu như Phạm Thiên Thư qua điệu nhạc Phạm Duy:

Rằng xưa có gã từ quan,
lên non tìm động hoa vàng ngủ say.

Mình như đang đi giữa vùng đất thần tiên thơ mộng quá chừng, mà cũng thật gần tầm tay với. Con đường này chắc cũng nhiều người qua lại mỗi ngày. Không biết được mấy lần mình lái xe chậm lại một chút để chiêm ngưỡng vẻ hút hồn của đất trời hòa nhập, nhất là vào những lúc mặt trời đang lăm le đòi đi ngủ, nhoẻn miệng cười toát ra một sắc đẹp quyến rũ vô cùng. Mình bỗng bật lên tâm tình với lời thơ Tô Thùy Yên:

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cảm ơn hoa đã vì ta nở,
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

THẤY ĐƯỢC CẢ THIÊN ĐÀNG TRONG MỘT BÔNG HOA DẠI

Chắc là Tô Thùy Yên đã bị đầy đọa vùi dập mười năm chứ gì?! Đời như đã bỏ. Lỡ vận. Lỡ thời. Nỗi buồn dài dệt bằng những tiếng thở dài, mênh mang, mênh mang. U uất thâm gan tím mật. Mười năm coi như mình đã chết dấp.

Vậy mà mình bỗng bắt lại được nhịp đời bật nụ non khi nhìn hoa nở. Nó nở thì nở chứ có mắc mớ gì mà dám bảo là đã vì ta nở? Nhưng mình thấy rõ là nó vì mình mà nở. Ai muốn nói sao, kệ. Nó nở để cho hoa mình nở. Mọi phiền muộn bỗng dưng thành hòa khúc dịu êm. Mặt trời đang rạng lên trong tâm ta. Một bình minh mới như bình minh đầu tiên thuở hoang sơ nổ ra từ tiếng “big bang”.

Thiên nhiên quả là người mẹ hiền có phép mầu hóa giải những oan khiên, những phiền muộn. Mẹ có điệu ru của mẹ, qua bốn mùa đong đưa nhịp đời trong nôi đại dương dòng sinh lực vẫn tuôn chảy. Nhìn nụ hoa vừa nở, mọi tàn lụi đời mình bỗng mở lối thênh thang. Một nhịp mới bắt đầu. Tự nhiên lắm. Tự nhiên như dòng nước chảy, như tia nắng vừa lên, như dòng hơi thở bơm sinh khí mỗi khoảnh khắc. Mỗi phút giây đều kỳ diệu quá, mỗi bông hoa là một phép lạ nhiệm mầu. Sức sống đang bung lên như những đọt lá non, sức sống tràn lan từ kẽ đá đến bờ đất hoang.

Cuộc sống lại chẳng phải là vườn địa đàng là gì?! Mẹ Maria đã nhìn như vậy bằng con mắt luôn kinh ngạc: “chụp ghi mọi chuyện xảy ra và suy niệm trong lòng”, và bỗng khám phá ra “Chúa đã làm cho tôi muôn điều kỳ diệu”.

Thi hào William Blake trong cảm nhận hút hồn với một cái thấy hết sức sửng sốt trong giản đơn tột cùng:

Thấy được cả đất trời trong một hạt cát nhỏ
Và thấy cả thiên đàng trong một bông hoa dại.
Hãy chứa đựng cõi vô biên trong lòng bàn tay
Và giữ được vĩnh cửu trong một tiếng đồng hồ.
 

XUÂN NHƯ Ý

Thi sĩ Hàn Mặc Tử, sau những quằn quại khốn cùng, bỗng bừng mở con mắt của tâm thấy được mọi sự và mọi chuyện vui buồn đều là dòng nước thánh ân tuôn chảy từ Nguồn. Đó chính là Thần Lực Chúa, sức sống mùa xuân muôn thuở ra đời, có sức biến đổi tất cả. Lời Thánh Kinh đang vang vọng quanh đây, chứng nghiệm một cuộc đột biến lạ kỳ nhưng cũng rất tự nhiên.

Lời chàng văng vẳng bên rào
Em ơi tỉnh dậy ra chào Chúa xuân.
Mưa ngớt tạnh đông tàn băng giá,
Hoa đồng nhà muôn đóa khoe tươi
Nhạc xuân rộn rã nơi nơi
Ngàn chim đua hót vang trời líu lo.
(Thánh Kinh, Diệu Ca 2:10-12, bản dịch của Đào Mộng Nam)

“Ôi! Trời hạo nhiên đây không phải là công trình châu báu của Người sao?

Lòng vô lượng đây không phải là do phép tắc mầu nhiệm của Đấng Vô Thỉ Vô Chung?

Đưa ra, nào nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm…

Đưa ra, nào là gió chia biệt, trăng đoàn viên, chim tứ chiến, mây giang hồ, và nào là trời tahnh sắc, lòng nhũ hương, niềm mộc dược.

Vẫn là chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao.

Phải mời cho được Xuân Thiên ra đời…

Bình an cả và thiên hạ…

Vì xuân là phong vị thái hòa của năm muôn năm, trời muôn trời, châu lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật…”

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió
Hãng dâng cho một tràng chuỗi trăng sao…
Ôi, cao sang khôn ví trọng ai bì.
Trên nước cả có vô vàn châu báu
Trí rất ngớp bởi chưng xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai…
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác,
Rất phương phi, trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời.

TỨ THỜI XUÂN

Để cho dòng lực Xuân thấm nhập thì mọi sự đều trở thành ơn ban, mọi xung khắc bổng trầm kết lại thành hòa khúc dịu êm, mọi mùa đều là mùa xuân cả. Và bỗng dưng đất trời trở thành vườn địa đàng nở hoa sung mãn, cuộc sống chan hòa những phép lạ lớn lao kỳ diệu.

Tứ thời xuân, tứ thời xuân non nước
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang.
Thiên hạ bình và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.
(Nguồn Thơm)

Mai ngày thiên hạ mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời
Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết,
Hoa lá hồ nghi sự lạ đời.
(Xuân Đầu Tiên)

Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi
Cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc…
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giầu sang hơn Thượng Đế.
(Đêm Xuân Cầu Nguyện)

MẸ LÀ MÙA XUÂN

Truyền thống đạo Chúa vẫn ca tụng Đức Maria: Mẹ là Mùa Xuân. Bởi một lý do đơn giản: Đức Mẹ đã mở rộng cõi lòng trinh trong nên nhận được trọn vẹn dòng sức sống mùa Xuân từ Nguồn Ơn Thánh là chính Chúa, mọi nơi mọi lúc, trong cuộc sống đời thường.

Cây đào mùa xuân không tự mình nở hoa kết trái được. Tất cả đều do sức sống đất trời. Không ai trông thấy được Thánh Thần, nhưng tất cả ơn thánh đã hiển hiện nơi Đức Mẹ, nên có thể nói thấy Đức Mẹ là thấy được Thánh Thần. Chính trong cảm nghiệm này mà vị thánh thời đại là Maximilian Kolbe đã quả quyết: “Đức Mẹ dường như là Chúa Thánh Thần” (quasi-Spirit) .

Vào lúc sang xuân, mùa xuân không phải của một năm, mà là thời điểm cựa mình sang xuân của một thế kỷ mới, một thiên kỷ mới, con người ngắc ngoải đi tìm con đường nào có thể làm tươi tắn lại cuộc sống. Chả lẽ mọi vật đều chuyển mình vào dòng sinh lực đất trời mà tươi nở, nhưng con người vẫn cứ ghì lại khiến trở nên héo rũ tàn tạ qua những bon chen giành giật!

Thì đây, cả một vườn hoa mùa xuân đang nở rộ rồi. Nơi Mẹ Maria, và qua con đường nở hoa của Mẹ. Con đường mở lại vào vườn địa đàng hạnh phúc đây rồi, còn phải tìm đâu xa như Buscaglia, như chàng dũng sĩ cỡi con ngựa hồng hay như Phạm Thiên Thư.

Đây chính là thời điểm con người mệt mỏi chán chường cần tìm ra phương cách lấy lại sinh khí cuộc sống. Một con én cũng như một bông hoa không làm nên mùa xuân. Nhưng một con én bắt đầu lượn, một bông hoa bắt đầu đầu nở, thì mùa xuân cũng bắt đầu.

Mắt của Hàn Mặc Tử bỗng khám phá ra một mùa xuân mới, với một phương thức hết sức giản đơn, đó là lời kinh chào kính Đức Mẹ, như tâm tình hướng nguyện của Kinh Thánh: “Tôi trông thấy trời mới và đất mới, vì trời cũ và đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa” (Khải Huyền 21: 1). Một kinh đọc đơn sơ nhưng là “bửu bối” bí truyền tại Fatima, luyện được con mắt niềm tin có sức làm phép lạ cho Chúa hiện ra bước vào cuộc sống của mình.

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay lên tới cõi thiên đàng,
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể…
Người có nghe mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh.

PHÚT CẢM NHẬN MÙA XUÂN RA ĐỜI

Mẹ là mùa xuân, vì Mẹ đã mở tâm mà đón nhận được cả sinh lực Thần Khí. Giờ đây, mình cũng muốn mở rộng cõi lòng, cho hơi thở Thần Khí và lời kinh của Đức Mẹ làm thành nhịp thở của chính mình với tràng chuỗi trong tay:

“Thần Khí và Tân Nương nói: “Xin Ngài ngự đến! Ai nghe hãy nói: “Xin Ngài ngự đến!” Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền.” (Khải Huyền 22:17).

Mình hòa vào một nhịp thở, hòa nhập vào cả một dòng thác sức sống đang tuôn đổ xuống lòng mình qua mọi sự, qua từng nhịp thở, qua từng cây cỏ vạn vật. Và sức sống mùa xuân đang bật lên nụ mới từ bên trong:

“Cùng một dòng sinh lực tuôn chảy ngày đêm trong mạch máu tôi, cũng đang chảy tuôn qua thế giới, nhảy múa theo tiết điệu nhịp nhàng.

Cũng chính một sinh lực đang hân hoan phóng lên khỏi mặt đất nẩy mầm thành muôn vàn ngọn cỏ, vươn lên thành những lớp sóng cuồn cuộn hoa lá xum xuê.

Cùng một sinh lực đu đưa ru nhịp sinh tử trong nôi đại dương như nhịp thủy triều lên xuống.

Tôi cảm thấy cơ thể mình tươi tắn lại khi được cả sinh lực đất trời tuôn nhập. Và thấy thật thỏa thuê cảm nhận được lực bơm sinh khí qua bao thời đại đang đánh nhịp nhảy múa trong huyết quản tôi lúc này” (Tagore, Lời Dâng #69)