Chú Út |
Tác Giả: Nguyên Xưa |
Chúa Nhật, 18 Tháng 1 Năm 2009 11:10 |
Bà nội tôi có 3 người con traị À! Đúng ra là chỉ có 2, chú Út là con ngoại hôn cuả ông nội tôi. Bà nội tôi mang về nuôi, coi như con ruột mình. Trong thời kỳ nhiễu nhương Quốc, Cộng trước di cư, tôi không biết rõ năm nào, ông Nội tôi và bác Cả bị Việt Minh bắt và thủ tiêu mất xác. Năm 54, bà Nội dắt diú đám con cháu chạy vào Nam. Và có lẽ vì mặc cảm thân thế như vậy nên tính tình chú Út rất mực ngang bướng và cứng đầu. Mẹ tôi thỉnh thoảng kể chuyện này để chứng minh cái tính ngang ngược của Chú. Hồi chú khoảng 17, 18 tuổi gì đó, chú đi làm trên một con tàu hàng hải nên kiếm được nhiều tiền, những ngày nghỉ chú thường hay bê tha bạn bè chơi bời nên ít khi ở nhà. Một bữa, chú về nhà giặt quần áo, phơi lên giây, rồi bỏ đi chơi, buổi chiều trời đổ mưa, Mẹ tôi thấy quần áo chú còn ở ngoài, tội nghiệp, nên gom vào trong nhà, rồi bà quên khuấy đi. Sáng hôm sau chú về, kiếm quần aó thấy còn ướt, chú mới chửi đổng: - Mẹ kiếp nó chứ, chị đ... gì mà chị, quần áo cuả ông phơi lên thì cứ để mặc ông, nó lại đi thu vào để lấy chỗ phơi quần áo cuả nó. Ông lại mang lựu đạn về nổ cho banh nhà bây giờ. Cả nhà đã biết tính chú nóng giận nông nổi nên không ai lên tiếng. Mẹ tôi biết là chú đang chửi bóng gió Mẹ, nhưng bà cũng im, không muốn giây dưa phiền phức. Nhưng từ đó không ai dám đụng tới bất cứ thứ gì cuả Chú, có khi quần áo chú phơi cả tuần cũng không ai lấy vào. Khi chú Út tới tuổi đi quân dịch, Ba tôi nhờ tháo vát và được sự quí mến cuả các ông Hội Đồng Xã nên được mời vào làm ban an ninh xã, không phải đi lính. Ba tôi mới nói với chú là để ba tôi lo liệu cho chú vào lính Điạ Phương Quân. Nhưng chú nằng nặc không chiụ, đòi đi lính nhảy dù. Đi vào quân trường độ 2 tuần lễ thì viết thư về năn nỉ ba tôi vào thăm và ngỏ ý muốn về làm lính điạ phương, nhưng lúc đó đã quá trễ. Ra chiến trường khoảng chừng 6 tháng, chú lò dò về nhà vào một buổi tối. Ba Mẹ tôi sửng sốt. Chú kể lể: - Đánh nhau ghê qúa anh ạ, em sợ qúa, em đào ngũ về. Ba tôi gắt nhẹ: - Sao chú không ở lại rồi viết thư cho anh để anh tính xem sao. Bây giờ chú đào ngũ như vậy, quân cảnh mà bắt được thì cứ là ốm xác, lại còn bị đi lao cộng chiến trường nữa, cứ gọi là nhừ tử. Mấy ngày sau đó, Ba tôi xông xaó hết nhà này ông nọ để có thể kiếm cách giúp chú. Còn chú thì lại tới bạn bè nhậu nhẹt chi đó. Ngày thứ 3, chú về nhà mặt hầm hầm hỏi Mẹ tôi: - Có phải cái Nga sắp lấy chồng không? Mẹ tôi vô tư: - Ừ! Nó tháng sau đám cưới với chú Kỉnh. Chú hừ một tiếng rồi quay phắt ra ngoài hiên trước ngồi. Mẹ tôi lúc đó mới hiểu ra. Số là chú thương dì Nga, là em ruột mẹ tôi. Dì Nga dáng người cao dong dỏng, nước da trắng hồng, khuôn mắt hiền hậu dễ thương, nổi tiếng là có sắc trong cái xứ đạo nhỏ này. Bao nhiêu gia đình đã đánh tiếng cưới hỏi với ông Ngoại tôi. Còn chú thì tính ngang bướng và cộc cằn nên dì không thích. Lúc Ba tôi vừa về đến nhà, chú chặn liền: - Việc cuả em anh đã lo được chưa? Ba tôi đành thở dài vì biết có nói thêm cũng không thay đổi được ý định cuả chú. Và thế là 6 tháng sau đó, Ba tôi cứ tháng tháng là phải cơm ruốc, thuốc lá đi thăm chú nơi cái vùng xa xôi nào đó vì chú đang bị phạt lao công và cấm túc. Sau thời hạn lao công, chú được nghỉ phép một tuần lễ về thăm gia đình trước khi ra trình diện quân chủng mới. Trông chú thật lạ, chú đã đen sẵn nay lại đen thêm, gầy nhưng khoẻ. Lạ nhất là tính chú thay đổi hẳn, chú về lần này vui vẻ chứ không càu nhàu khó chiụ như trước kia. Chú thăm hỏi Mẹ tôi, rồi giúp Ba tôi sửa nhà. Tôi thì thích nhất là chú móc ngay một nắm tiền cắc để ở cạnh bàn ngoài phòng khách nói: - Đấy, tiền này các cháu muốn ăn kẹo hay cà rem thì cứ lấy mà mua, chú cho đấỵ Tôi sướng nhất vì nhà chỉ có tôi và thằng em kế là lớn đủ để đi mua quà, những lúc không có chú ở nhà, tôi cứ đếm đi đếm lại đống tiền cắc rồi tính nhẩm xem mình sẽ ăn những gì. Hôm trước ngày chú đi, buổi chiều tới giờ cơm, Mẹ sai tôi đi gọi chú về ăn cơm, trước khi đi chơi, chú đã dặn Mẹ tôi là chú đi chơi ở đâu, và còn dặn là phải gọi chú về ăn chung bữa cuối trước khi chú đi. Không may là khi tôi gặp chú thì trời đổ mưa tầm tã. Chú phải cõng tôi trên lưng rồi khoác cái poncho phủ bên ngoài. Vừa đi, hai chú cháu tôi vừa thầm thì nói chuyện, vì thế nên tôi cứ nhớ mãi cái buổi hôm ấỵ Chú dặn tôi nhiều thứ lắm, nào là phải vâng lời cha mẹ, nào là phải ngoan ngoãn chứ đừng hư như chú, còn nhiều thứ lắm nhưng tôi còn bé quá làm sao nhớ hết. Tối hôm đó chú ngồi lại nói chuyện với Ba Mẹ tôi tới thật khuya mới đi ngủ. - Anh này, sao em linh cảm có điều chẳng lành sẽ xảy ra cho chú Út. Anh thấy lần này chú về có lạ lắm không? Ba tôi gạt đi: - Em đàn bà cứ nghĩ vớ vẩn. Chắc là 6 tháng bị đầy nên giờ mới thấm chứ gì. Thôi thì cũng mừng. Khoảng hai tháng sau, Ba Mẹ tôi nhận được tin báo tử. Chú chết vì chạy lên đỉnh đồi lấy lá cờ Việt Cộng xuống để cắm lá cờ Quốc Gia lên thay thế, ai ngờ Việt Cộng gài mìn lại dưới chân cây cờ. Khi Ba tôi đi nhận xác chú, người ta khuyên Ba tôi không nên nhìn vì không còn mặt muĩ hình hài chi cả. Khi quan tài chú về giữa nhà, và khi tiếng khóc cuả các Cô tôi cất lên rầu rĩ, tôi nào có hiểu đâu sự chết là gì, Cô tôi nói với tôi là từ nay chú sẽ không bao giờ về nữa. Và thế là tôi hiểu rằng từ nay tôi sẽ không bao giờ được nghe tiếng tiền cắc kêu lách cách trong tuí quần chú, và sẽ không bao giờ tôi còn đươc. đeo trên lưng cuả chú như tối trời mưa hôm nào. Tôi bỏ ra ngoài đầu hè ngồi khóc thút thít. |