Hoài cổ PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Hai, 12 Tháng 1 Năm 2009 09:56

 Mỗi dân tộc quả là có một đặc tính. Nếu người Mỹ thích cái mới thì ngược lại ở Anh, người ta chuộng cái cũ. Hai bên đều có cái lý của họ, nhưng khi đi đến thái cực thì quả là nực cười.

 Tuần này ở Anh đang có phong trào đi mua tích trữ bóng đèn 100-Watt kiểu cổ điển. Các phương tiện truyền thông đầy những tường thuật về cảnh người ta sắp hàng, kéo nhau đi mua nhiều thùng bóng 100-Watt. Người ta mua vài trăm cái chứ không phải một hai chục cái bình thường. Các tiệm tạp hóa, các siêu thị và các cửa hàng bán đồ vật dụng nhà cửa đang không đủ hàng để cung cấp vì từ mấy tháng nay, theo một thỏa thuận tự nguyện với chính phủ, họ bắt đầu không đặt mua bóng thường nữa. Chính phủ Anh dự trù sẽ hoàn toàn không cho sử dụng bóng đèn thường nữa vào năm 2012. Tin đồn loan ra là chính phủ bắt đầu cấm trước bóng 100-Watt. Thế là thiên hạ đổ đi mua bóng đèn.

 Rồi người ta bắt đầu đưa ra đủ khuyến cáo về loại bóng đèn huỳnh quang thâu gọn này. Có người bảo là bóng đèn sẽ làm cho những người bị migraine nặng hơn. Có người còn bảo bóng đèn này tạo ra động kinh và làm cho người ta bị ngứa. Một tờ báo còn ra giọng khoa học giải thích “Những nguồn ánh sáng không đều có thể tạo ra nhức đầu kiểu migraine ở những người sẵn có mầm bệnh.” Tuy nhiên, nghiên cứu của chính phủ Úc cho biết là đèn neon kiểu mới nhấp nhánh rất nhanh, bộ óc chúng ta không nhận thức được nên không ảnh hưởng đến những người bị nhức đầu migraines.

 Thật ra, tất cả những điều này chỉ là cái cớ. Vấn đề là dân Anh không “thích” phải bỏ bóng đèn kiểu cũ để thay thế bằng các loại bóng đèn neon thâu nhỏ. Và trong những cuộc phỏng vấn nhiều người đã thành thật nói “Tôi không thích vì nó là đồ mới”. Hoa Kỳ cũng đang bắt đầu giảm bớt việc sử dụng đèn thường và cũng đến năm 2012 thì Hoa Kỳ không còn sử dụng bóng đèn thường nữa nhưng đâu có thấy ai hốt hoảng mua tích trữ đâu.

 Mà nào phải chỉ có chuyện bóng đèn. Tuần này người dân Anh đang lo lắng về công ty làm đồ sứ cổ nhất của nước Anh, công ty Wedgwood đã phải tuyên bố phá sản và đang tìm kiếm người mua. Wedgwood, công ty được thành lập ở tỉnh Staffordshire của Anh cách đây 250 năm, nổi tiếng về những món đồ sứ độc nhất vô nhị. Ðây là công ty chuyên cung cấp đồ sứ cho Hoàng Gia Anh. Ðây cũng là công ty chuyên cung cấp chén đĩa cho Tòa Bạch Ốc.

 Nhưng câu chuyện 250 năm của Wedgwood đã là cái cớ để dân Anh hoài niệm về quá khứ huy hoàng. Họ nhớ đến thời xưa khi bà mẹ trân trọng bộ chén trà Wedgwood, cất kỹ trong tủ kính, chỉ đem dùng khi có khách quí. Họ nhớ bố mẹ dành dụm để mua từng cái chén, từng cái đĩa, để có thể có được một bộ đồ ăn của Wedgwood hay Royal Doulton. Và họ nhớ lại là đối với thế hệ của bố mẹ họ, có được một bộ đồ trà của Wedgwood là biểu tượng đã vào được giới trung lưu, một điều rất đáng quí trong xã hội phân biệt giai cấp của nước Anh thời xưa.

 Dĩ nhiên sở dĩ Wedgwood lâm vào hoàn cảnh hiện nay cũng là vì Wedgwood là di sản của một thời xa xưa. Ngày nay, đa số không ai nghĩ cần phải có một bộ đồ ăn đủ thứ chén dĩa, một bộ đồ trà đủ bộ lệ. Ðây là thời đại của take-away. Giới trẻ thường ăn ngay trong hộp mua ở tiệm về. Tử tế lắm thì họ đi mua một bộ bốn chén đĩa rẻ tiền làm ở Trung Quốc. Với sự ra đời của những công ty như Ikea, Wal-Mart, sống bằng nghề bán đồ rẻ tiền, Wedgwood có thể là đồ tốt, đồ cổ, nhưng cũng là đồ cũ, không còn hợp thời nữa.

 Nhưng vấn đề của Wedgwood cũng không hẳn là sản phẩm của công ty không bán được. Ở Hoa Kỳ, ở Nhật Bản và ngày nay ở Trung Quốc, sản phẩm của Wedgwood vẫn được chuộng. Cái khổ chính là vì cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Trong cố gắng để tạo được một sản xuất hàng loạt để giảm chi phí, Wedgwood đã phải vay tiền để mua nhiều công ty khác. Nay số tiền vay nợ đó không làm sao có thể gia hạn được. Ngân hàng Bank of America, chủ nợ của Wedgwood quyết định không cho gia hạn nữa.

 Dân chúng Anh dĩ nhiên vẫn hy vọng là công ty sẽ được cứu. Trước những tên tuổi cả trên một trăm năm như công ty chuyên bán hàng rẻ tiền Woolsworth, công ty bán trà nổi tiếng Whittard of Chelsea, bị phá sản hay chỉ được cứu vào phút chót, người Anh nay cảm thấy là họ đang mất mát đi những di sản lịch sử.

 Mà phải nói sự tôn quí lịch sử của dân Anh nằm trong máu của họ. Ở Anh có hai tổ chức tư nhân được chính phủ giao cho nhiệm vụ giữ gìn di sản quốc gia, đó là National Trust và English Heritage. Và họ rất coi trọng nhiệm vụ này. Mà không phải là những gì đồ sộ. Dĩ nhiên họ bảo vệ các dinh thự, đền đài, nhưng họ cũng bảo vệ cả những bức tường còn sót lại của một khu thánh đường bị đốt vào thời Phục Hưng. Chỉ vài hòn đá được xếp thành vòng tròn, nay ngổn ngang chỉ còn vài hòn đứng vững, di sản của thời đại đồ đá cách đây 5000 năm đã được English Heritage cẩn thận rào lại, dựng bảng giải thích để bảo vệ cho đời sau.

 Mà không phải tại nước Anh thiếu di tích lịch sử. Hòn đảo cổ xưa này đầy dẫy lịch sử. Trẻ con Anh lớn lên với những bài hát ca tụng mảnh đất xanh tươi, lâu đài, vườn ruộng đầy dẫy, cũng đã thấm cái tinh thần đó. Họ có thể vẽ graffiti ở chân cầu, ở bức tường, trên xe lửa, nhưng họ không đụng đến những đền đài đổ vỡ.

 Tôi còn nhớ một lần, trong một chuyến du lịch, cùng một nhóm người Anh đứng ngắm một trong những villa nổi tiếng của nước Ý. Những thác nước quả là rất công phu của một villa nhìn xuống thành phố Roma rất đẹp. Nhưng một ông người Anh đi chung đứng cạnh lắc đầu “Họ để hoang tàn quá. Họ không chịu bảo trì thế này thì vài năm nữa là hư hỏng hết.” Những người Anh đứng cạnh đều đồng ý, không những có vẻ chê trách người Ý là không biết bảo vệ di sản quốc gia, mà còn tỏ ra luyến tiếc một di sản như vậy không được bảo vệ cho đến nơi đến chốn. Người hướng dẫn viên Ý, có lẽ cũng hơi chạm tự ái, biện bạch “Chúng tôi có quá nhiều di tích lịch sử, làm sao bảo vệ cho hết.” Có lẽ ông ta nói đúng, nhưng nếu là người Anh thì có lẽ họ sẽ cố bảo vệ, dầu cho ở góc đường, hay sau vườn của họ đều có di sản lịch sử.

 Thái độ hoài cổ đó có thể nhiều khi quá mức nhưng nếu so với thái độ coi thường quá khứ của các quốc gia Á Châu ngày nay như Việt Nam chẳng hạn thì có lẽ một chút hoài cổ cũng nên lắm. Nếu ở Anh thì di tích cổ thành Thăng Long đâu có đến nỗi suýt bị phá tan để xây nhà mới, dầu đó là tòa nhà Quốc Hội. Dân Anh sẽ nổi loạn nếu người ta dám nghĩ đến một việc không thể chấp nhận được như vậy.