Home Văn Học Tùy Bút Cho Kỷ Niệm Muà Đông

Cho Kỷ Niệm Muà Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngô Đồng   
Thứ Bảy, 10 Tháng 1 Năm 2009 14:16

Đây mùa Đông thứ mấy kỷ niệm mình cách xa
Em từ nơi xứ lạ nhớ Noel năm nào
Xưa nửa đêm đi lễ mình quỳ gần với nhau
Những lời hứa ban đầu còn nhớ gì không anh?

Từ ngày xa lìa nhau lòng em vẫn yêu tình em vẫn sâu
Vẫn ôm theo mộng ước trải khắp đường đi hẹn với ngày về
Từ mùa Đông gần đây lòng anh đã thay tình anh đã phai
Tiếng chuông ngân ngày nào giờ đã  nghẹn ngào hồn em xót đau.

Đêm mùa Đông băng giá ngoài trời đầy tuyết sa
Em ngồi trong quán trọ nhớ thương anh vô bờ
Thôi còn đâu thánh lễ mình quỳ gần với nhau
Những lời hứa ban đầu giờ cũng thành thương đau!”

Bài nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng được sáng tác khoảng sau năm 1975 chăng, mà nhạc sầu nức nở, kẻ ở người đi tan tác mối tình đầu . Nhạc Giáng Sinh của phương tây rộn rã tiếng chuông nhà thờ ngân, tiếng leng keng của lục lạc trên cổ các con hươu kéo xe tuyết, tiếng nhẹ nhàng của khánh âm nhạc cao vút đưa lòng người bay bổng thoát hẳn ưu phiền. Nhạc Giáng Sinh của Việt Nam ngoài các nhạc khúc được hát trong nhà thờ là đỡ buồn một chút, còn phần đông là chia cách nhớ nhung – thuở chinh chiến chia cách kiểu chinh chiến, thuở vượt biên chia cách bởi vượt biên, đến bây giờ còn chia cách nhiều hơn nữa khi ý thức hệ thay đổi, mở bung mở hết chẳng có gì để gìn giữ.

Khoảng năm 1971, thuở ấy đi lễ nửa đêm rất háo hức, vì nhà thờ trang trí ngôi sao rất đẹp, các hang đá làm bằng bao xi măng có đặt các tượng thánh  trang nghiêm, trong xóm nhỏ nhà nào có đạo đều treo một ngôi sao trước cửa, có bánh khúc cây, có cháo gà để sau khi dự lễ về, sẽ quây quần bên nhau hát thánh ca.  Tuổi đôi tám, gia đình có thể dễ dãi cho ghé nhà bạn dự tiệc réveillon, gia đình giàu có thuở ấy đã có nhẩy đầm tại gia, tuổi trẻ theo thời hippy đã biết nhạc trẻ, biết phản kháng chiến tranh bằng dấu hiệu hòa bình, đã có Nguyễn Tất Nhiên lo sợ đi lính:

". . người từ trăm năm về qua trường Luật
ta hỏng tú tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
đau lòng ta muốn khóc . . ."

Các cô học trò nghêu ngao Bình Ca của Phạm Duy:

"Này em đã đến giờ mẹ đưa em đi chợ,
Từ sáng mãi đến trưa còn lưa .
Rồi khi đưa nhau về gặp anh hippy trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ - trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ!” 

Ngẫm nghĩ những điều trong quá khứ, nghe đi nghe lại bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng để mang máng nghĩ đến cuộc tình tan của người đã đi tị nạn, kẻ còn ở lại ngóng chờ, lâu ngày chày tháng xứ lạnh tuyết cóng, chàng hay nàng cũng đành đổi thay, một mình mãi làm sao sống nổi.

Hôm nay, còn đúng hai mươi bốn tiếng nữa thôi sẽ là đêm Giáng Sinh, tuổi trẻ của thuở so sánh anh hippy trẻ giống Thiên Chúa trên thánh giá đã không còn trẻ, để có thể ngồi xe suốt đêm đến nơi giăng đèn lấp lánh hơn sao, không thể quên hết bao người đang gặp cảnh khó nghèo để phung phí vô lý cho những món quà, người nhận không biết sẽ dùng để làm gì .

Ý nghĩa của đêm Giáng Sinh, là hạnh phúc trong khó nghèo, nhưng càng ngày nhân loại càng quên đi điều ấy, tình cảm gia đình đang mỏng manh hơn.  Sự tin tưởng màu nhiệm Giáng Sinh ngày bị phai mờ, tín ngưỡng không lôi kéo được những người vừa bị mất việc làm ra khỏi nỗi lo lắng mất nhà, nhiều tiếng than thở trách hờn Thượng Đế bất công được nghe loáng thoáng. Những kỷ niệm mùa đông trong lòng các ông bà cụ, đã một thời than thở nào là:

"Mối tình đầu trót bọt bèo
vì người ta đã chạy theo bạc tiền.
Âm thầm ôm mối tình điên.
Cầm bằng Chúa định nhân duyên bẽ bàng."

Hay:

"Kỷ niệm đầu ai hứa dài lâu, rồi một chiều áo trắng thay mầu, em qua cầu xác pháo bay theo, lời nguyện mình Chúa có nghe không , sao bây giờ mình hoài xa vắng, bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian, bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu . . . .Tiếng thánh ca buồn vang trong đêm vắng, nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn – đêm thánh vô cùng buốt giá hồn tôi."

Dù trời Sài Gòn đêm Giáng Sinh, chen nhau đi lễ nóng đổ mồ hôi có lẽ đã phôi phai, nên lo lắng nhìn thanh niên thiếu nữ sóng đôi, với ánh nhìn thay vì thông cảm, lại thành soi mói nghiêm trang. Tình yêu có khác theo thời đại sống hay không nhỉ? Từ lúc nam nữ không được nhìn nhau, không được nắm tay, không được tự nhiên âu yếm dù đã thành niên, đến nay chỉ cần lên bậc trung học đã được phép tự do quen nhau, tự do đi chơi, tự do âu yếm ngoài công cộng, thì tình yêu mặn ngọt ra sao các cụ ắt hẳn đành chịu, không sao giải thích được.

Có nhiều khi tự do nhiều quá, nên sau khi thành gia thất chẳng còn gì để thèm thuồng nữa, mà sinh nhàm chán hay chăng?

Dùng mối tình tầm thường trai gái, trong ngày vọng tình yêu của Thượng Đế dành cho con người: “Yêu là chết đi là biết hy sinh cho người mình yêu!” quả là không xứng đáng, nhưng từ một điểm bắt đầu đến một chấm kết thúc cần sự bền vững, các thanh niên thiếu nữ bây  giờ khó khăn lắm mới tìm được một nửa của mình, bao giằng co so sánh, bao tính toán so đo, ngay cả đã tìm xong đã kết hợp nên vợ nên chồng, vẫn dễ gẫy đổ vì vài vấn đề rất đơn giản, nhưng không sao chịu đựng được. Thà nghèo khó, người vợ bị chi phối hoàn toàn bởi đồng lương ba cọc ba đồng của chồng không sao, bây giờ xã hội mới vợ đi làm lương cao hơn hay ngang ngửa cùng chồng, thì chẳng có lý do gì mà chịu đựng cho mệt.

Thôi thì chỉ còn “cho kỷ niệm mùa đông” - đâu phải cứ yêu ai là sẽ được suốt đời bên họ, thà là kỷ niệm mà có lúc còn nhớ lại cũng đủ vui.