Tiếng gà trưa |
Tác Giả: Nguyễn Khắc Nhượng |
Thứ Bảy, 27 Tháng 12 Năm 2008 08:33 |
Những ngày cuối năm, giữa giấc ngủ trưa chập chờn ở một khu phố lao động náo nhiệt của Sài gòn, tôi chợt nghe rộ lên tiếng gà gáy. Tiếng gà trưa! Tiếng gáy nửa thật nửa hư, len vào giấc ngủ trưa nửa tỉnh nửa mê như vọng về từ thế giới của quá khứ ở một làng quê miền Trung nghèo khó. Cả tuổi ấu thơ hiện rõ mồn một với ngôi nhà tranh ba gian hai chái cùng khoảng vườn rộng có hoa mướp vàng và luống cải xanh. Ở đó những con gà mái thơ thẩn dưới bóng cây với đám gà con líu ríu giữa buổi trưa thôn quê tĩnh lặng. Rồi đột ngột vang lên tiếng gà gáy, thoạt đầu ở ngay trong vườn nhà, kế đó lan sang các vườn bên. Thật tài tình mấy câu thơ của Lưu Trọng Lư: "Mỗi lần nắng mới hắt bên song. Ôi, "những ngày không" của tôi, của kẻ đã xa rời thôn ổ hơn 50 năm qua và từ lâu đã hoá thành người phố thị. Cái "ngày không" đó đột nhiên sống lại qua tiếng gà gáy trong một con hẻm nhỏ ở quận 3, giữa giấc ngủ trưa bất an của một gã đàn ông sắp vào tuổi lục tuần. Và nó buồn rười rượi...chẳng vì lý do nào cả. Những ngày sau đó lang thang trong hẻm, cố ý quan sát xem hộ nào trong khu phố có nuôi gà trống nhưng vẫn không phát hiện ra. Lẽ nào tiếng gà trưa đó không có thật? Lẽ nào đó chỉ là tiếng gáy vọng lại từ trong tâm thức của chính mình? Nhiều buổi trưa cố tỉnh táo để rình bắt tiếng gà gáy nhưng nó không hề cất tiếng, và rồi vào lúc bất ngờ nhất trong một giấc ngủ chập chờn mỏi mệt nó lại đột nhiên xuất hiện. Tôi rình bắt tiếng gáy hay tiếng gáy rình bắt tôi? Tỉnh dậy băn khoăn mãi, cứ như Trang Tử chiêm bao thấy mình hóa bướm. Tôi đã hóa thành tiếng gà gáy đó chăng? Tôi có thể sẽ tin như vậy, rằng tiếng gà gáy trưa mà tôi nghe chỉ là sản phẩm tưởng tượng của chính mình nếu tôi không gặp chị Hai Đức Phổ. Chị vốn người Quảng Ngãi. Cả gia đình chị đang sống ở một ngôi làng nhỏ bé nào đó của huyện Đức Phổ. Chị Hai lớn lên, lấy chồng và sinh được bốn con ở một trong những ngôi làng của cái huyện Đức Phổ nghèo khó xa xôi ấy. Cơn lốc thị trường và sự phân hóa kinh tế ngày càng sâu giữa nông thôn - thành thị đã xô đẩy chị Hai trôi dạt một mình vào tận Sài gòn từ vài năm nay. Chị thuê một góc không gian bé tẹo trong căn hộ cấp 4 của một bà cụ độc thân tại khu phố tôi ở để làm chỗ ngủ. Ngày ngày chị mòn chân trên các đường phố náo nhiệt của Sài gòn để bán vé số và quà rong. Rất nhiều phụ nữ miền Trung đang hành nghề như vậy ở thành phố này để nuôi sống bản thân, để giành dụm mỗi tháng vài trăm ngàn đồng gởi về quê phụ giúp chồng nuôi con cái. Chị Hai xem tôi là người đồng hương dù tôi không là người Quảng Ngãi. Ở nơi đất khách quê người, đối với chị Hai, một người có gốc gác miền Trung như tôi là người đồng hương đứt đuôi rồi còn gì. Một tối chị Hai tạt qua nhà tôi để tặng lon kẹo mạch nha, sản phẩm trứ danh của quê hương chị. Chị bảo: Biếu bác ăn chơi cho đỡ nhớ quê. Đột nhiên giọng chị chùng xuống, bùi ngùi: Mấy bữa ni thỉnh thoảng nghe tiếng gà gáy trưa cháu thấy nhớ nhà quá bác ơi!. Nghe chị nói tôi bỗng nhẹ cả người. Tôi hỏi lại cho thật chắc chắn: Có thiệt chị nghe tiếng gà gáy trưa không? Mà gà của nhà ai nuôi vậy?. Chị đáp: Nhà bà Sáu bán cháo lòng. Bả nuôi cả tháng nay để tuần tới cúng giỗ. Hóa ra tôi đã không nghe lầm. Tiếng gà gáy trưa hoàn toàn có thật. Tiếng gáy khiến tôi "sống lại những ngày không", khiến chị Hai Đức Phổ phải dậy lên nỗi sầu hoài hương tê tái té ra xuất phát từ nhà bà Sáu, cách nhà tôi chỉ mươi căn hộ. Con gà trống này hẳn đã đến từ một vùng thôn dã. Làm sao nó lại có thể gáy đúng vào giữa trưa trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, khác hẳn không gian với những tiếng động mà nó từng quen thuộc? Trong bóng tối một góc nhà ẩm thấp của bà Sáu cháo lòng, chung quanh là tiếng động ầm ĩ điếc tai ở một khu phố lao động, con gà trống ấy đã "sống lại", đã thấy những hình ảnh gì khi vươn cổ lên gáy? Một khoảng vườn rộng râm mát bóng cây với màu trời xanh biếc trên cao giữa trưa yên tĩnh? Những em mái tơ và những chàng trống tình địch? Ôi, "những ngày không" của chú gà tội nghiệp! Mà không chỉ đáng thương với mỗi chú gà ở nhà bà Sáu. Dịch cúm gà với vi rút H5N1 đang ngày đêm đe dọa cả họ hàng nhà gà. Thỉnh thoảng lại nghe các cơ quan truyền thông đại chúng khuyến cáo về nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gà cùng lệnh cấm dân nuôi gà theo kiểu thả rông không thể kiểm dịch. Nhưng nếu đại dịch chẳng may bùng phát thật thì ngay cả những ai có điều kiện nuôi gà tập trung theo kiểu công nghiệp chắc gì đã dám đầu tư vào việc nuôi gà? Nếu chẳng còn ai nuôi gà nữa ắt hẳn sẽ chẳng còn tiếng gà trưa gáy não nùng. Lúc đó các thế hệ sau sẽ mất đi một thứ "văn hóa phi vật thể" đã từng kích hoạt gã đàn ông ở tuổi lục tuần, một kẻ lưu dân, sống lại "những ngày không" trong ngôi vườn thơ ấu của mình. Và tiếng gà trưa xao xác trong thơ Lưu Trọng Lư hoặc trong ca khúc "Em còn nhớ hay em đã quên" của Trịnh Công Sơn: "...vườn xưa có tiếng me ru, có tiếng em thơ, có chút nắng trong tiếng gà trưa..." sẽ chẳng còn làm ai rung cảm nữa. Không còn tiếng gà trưa, những khách tha phương cầu thực như chị Sáu Đức Phổ làm sao có thể thổn thức như Lý Bạch lúc ngẩng đầu nhìn trăng sáng để rồi "đê đầu tư cố hương"? "Mấy bữa ni nghe tiếng gà gáy trưa cháu thấy nhớ nhà quá bác ơi!". Chị Hai thổn thức "cúi đầu nhớ quê xưa" khi nghe tiếng gà gáy trưa khác chi tâm tình của Lý Bạch lúc "cử đầu vọng minh nguyệt". Chị Hai nói: Đã sắp hết năm rồi, khoảng hơn tháng nữa thôi là cháu về quê ăn Tết. Than ôi, chị Hai còn có một làng quê Đức Phổ để trở về cứ sau một năm phiêu bạt quê người, còn kẻ thị dân bất đắc dĩ này chẳng còn một quê nhà để quay về lại. Hắn đã vĩnh viễn mất đi tuổi ấu thơ với tiếng gà trưa nơi thôn ổ! |