Hồi đó... |
Tác Giả: Võ Thị Điềm Đạm |
Thứ Bảy, 08 Tháng 8 Năm 2009 22:08 |
Dùng con dao nhỏ cán đồng láng bóng, lần theo đường cuống lá, Thi rọc lá trầu lớn bằng bàn tay bà nội xòe rộng, ra làm hai. Tiếp tục lần theo đường cuống lá, Thi lại cẩn thận rọc để lấy cái cuống lá cứng ra khỏi phần nửa lá trầu còn lại. Mấy lá trầu nhỏ hơn, cỡ bàn tay mình thì Thi không phải xẻ hai, chỉ việc cắt bỏ cái cuống. Xếp ngay ngắn từng lá lên từng lá, Thi ngước mặt, hỏi: - Mười gói được không nội? Đang mãi nói chuyện với em gái, tức bà nội Tám của Thi, bà nội gật đầu, khen: - Ờ, đủ rồi con, giỏi. Tai ráng lắng nghe câu chuyện hình như từ đời xưa nào đó với những cái tên lạ quắt lạ quơ của hai bà nội đã trên bảy mươi, câu mất câu còn, lắng nghe nhưng lại không thiết tha tìm hiểu tường tận những mẫu chuyện xa mờ đó, Thi tiếp tục phần việc chẩn bị cho tối nay. Quệt đều lớp vôi mỏng lên toàn tấm lá, Thi đặt miếng cau tươi đã được cắt làm tư, miếng sác dài độ hai centimet màu nâu lợt đã được đập nhuyễn lên lá trầu xanh mướt đã được điểm tô bằng lớp vôi hồng. Dùng lá trầu, Thi cuốn, gói, gói chặt, gọn tất cả thành một gói nhỏ tròn, dài như ngón tay cái của ba mình. Mười gói trầu nằm ngay ngắn trong hộp thuốc tây đã dùng hết. Nhón ngón tay cái và tay trò vô hộp trà bắng thiếc có hình Hằng Nga múa dưới trăng, Thi kéo ra một ít thuốc lá, vo tròn, từng viên như viên bi. Cứ thế mà lần lượt vo, mười viên, xếp nằm kế mười gói trầu. Đẩy cái hộp trầu đã làm gần phía bà nội đang ngồi để chút bà bỏ vô túi áo bà ba, không chờ khen, Thi chạy tìm cái ghế đẩu vì chợt nhớ ra là hình như lâu lắm rồi mình không thấy nó. Không biết từ lúc nào, Thi rất thích công việc làm trầu cho bà nội mỗi lần bà xuống nhà Thi để chờ đi xem hát bội, làm trầu cho má mỗi lần má tuyên bố tối nay cho mấy đứa đi coi ciné. Đi coi hát bội với bà nội, chỉ mình Thi được đi theo để xách cái ghế đẩu cho bà nội. Đi ciné với má, cả bốn người con lớn được ngồi chung trên chiếc xe xích lô, má ngồi bắt chéo chân ở giữa, chị Thảo ngồi kế bên nhưng lọt sâu vô để có chỗ cho chị Thanh ngồi trên đùi mình, Thi và thằng em kế ngồi chồm hổm dưới sàn để chân, hai tay giữ chặt thành xe. Không ai chỉ vẻ kích thước cũng như cách làm, tự Thi nhận xét, xăm xoi cách ăn trầu của má, của bà nội, nhận ra được sự khác nhau trong cách thức ăn trầu của hai người đàn bà này. Gói trầu, viên thuốc xỉa, cái ống nhổ của bà nội nhỏ hơn gói trầu, viên thuốc xỉa và cái ống nhổ của má. Răng bà nội không còn nhiều nên bà phải dùng cái ống giã trầu bằng đồng cao độ sáu centimet, đường kính độ hai centimet và cái chày nhỏ nhọn đầu cũng bằng đồng. Nhét dồn lá trầu có quệt chút vôi hồng, miếng cau, miếng sác, dùng cái chày, vừa nói chuyện, bà nội vừa nghiền, giã, quậy đều thành một hỗn hợp mềm nhuyễn màu đỏ, nâng lên, lùa tất cả vào miệng, nhai nhóp nhép. Nhổ cẩn thận nước bả trầu đỏ tươi vô cái ống nhổ bằng đồng, nhai tiếp, nhổ cả nước lẫn bả trầu, bà nội vò một viên thuốc lá, xỉa qua xỉa lại để làm sạch răng, nhét viên thuốc lá giữa niếu răng và môi trên. Tiếp tục nói chuyện hay làm gì đó, một lát sau, bà nội lòn ngón tay lấy viên thuốc lá, xỉa qua xỉa lại lần nữa trước khi quăng vô ống nhổ. Xếp miếng cau, miếng sác lên lá trầu đã được cắt cuống và quyệt một lớp vôi hồng, má bỏ vô miệng nhai, nhai bên hàm này, đổi qua hàm kia, ngon lành. Dùng cái khăn lúc nào cũng nằm trong túi áo cánh phía trong, má lau nước bả trầu đỏ tươi thấm ra mép miệng. Cái ống nhổ của má cũng bằng đồng nhưng lớn hơn, rộng miệng hơn của bà nội nên khi má nhổ cái bẹt vô mà nước bả trầu không văng ra ngoài. Vò một viên thuốc lá lớn bằng ngón tay cái, má xỉa qua xỉa lại, hàm trên hàm dưới, quăng vô ống nhổ. Tự rót cho mình một ly trà nhỏ, xúc xục xục, nhổ cái bẹt vô ống nhổ, uống sạch phần nưóc trà còn lại trong ly. Xong! Tiếp tục công chuyện! Có lẽ tính tình mỗi người biểu lộ qua cách ăn trầu. Bà nội Thi ăn nói cũng như làm việc chậm chạp, từ tốn. Má Thi công việc làm ăn bề bộn, sai biểu người ăn kẻ làm, tay liền miệng. Bà nội già, đầm tính, ăn trầu là cách hưởng thụ. Má còn trẻ, còn nhiều phấn đấu trong trường đời, ăn trầu chỉ là thói quen đã bị ghiền từ thủa con gái tập ăn trầu để có làn môi đỏ thắm. Cái khay trầu của bà nội là một giỏ tròn được đan bằng những lát tre mỏng có quai để dể mang đi. Khay trầu của má Thi là cái hộp bánh tây bằng thiếc mất nắp nhưng hàng chữ trắng và hình mấy cái bánh bích-ki hình chữ nhật màu vàng làm tăng sự tương phản giữa cái hộp và bên trong của nó. Cả hai, cũng như những người đàn bà cùng thời, toàn diễn trình ăn trầu được diễn đi diễn lại nhiều lần trong ngày, năm này tháng kia, đã đi sâu vào từng cử chỉ mỗi điệu nhai. Không thể thiếu miếng trầu sau bữa ăn. Không thể vắng miếng trầu khi trò chuyện. Không bao giờ quên ghé hàng trầu cau mỗi lần đi chợ. Thi và chị Thanh đã từng lén ăn trầu theo cách của bà nội và của má, và đi đến kết luận: Cách ăn trầu của má vui hơn. Giai đoạn dùng ống giã và cái chày không hấp dẫn bằng tự nhai. Phải nhai ngốn, nhai lẹ, bịt mũi mà nhai! Hai hàm răng là cái máy nghiền, tạo ra đủ mùi vị trong miệng. Vị lá trầu hăng hăng, vị miếng cau cay cay, vị vôi hồng nồng nồng, hòa với chất nước nhờn nhờn đăng đắng tiết ra từ miếng sác nâu nâu, tất cả tạo thành một hỗn hợp có tác dụng làm cái đầu con nít ngây ngây, bước chân hơi lảo đảo. Mặc dù sắp ói vì hổn hợp nhạt-cay-nồng-đắng, Thi phải ráng nhai để có được nước bả trầu đỏ tươi. Mặc dù nước bả trầu muốn chảy ngược vô cuống họng, Thanh phải ráng nhai để nhổ được một ngụm nước trẩu đỏ tươi nhiều hơn em mình. Ngon thì chắc chắn không ngon, lợm giọng nữa là khác, nhưng vẫn kiên trì vì sau khi cố nhai cho lẹ để có được nước trầu đỏ trong miệng, sau khi nhổ nước bả trầu để tranh đua, cả hai vò cho mình một viên thuốc lá, xỉa qua xỉa lại. Viên thuốc lá không những có tác dụng hút khô chất bả trầu trong miệng, làm sạch răng mà còn làm cho cái đầu con nít càng thêm ngất ngư vì chất nicotine. Sau khi nhét viên thuốc lá giữa hàng niếu và môi trên, ngắm gương mặt xấu xí như hề của mình trong tấm kiếng lớn ở phòng khách, ôm bụng cười chọc nhau, cả hai lật đật chạy ra nhà sau xúc miệng và… rợn người vi mùi vị hăng nồng đã lên tới đỉnh đầu. Vẫn không chừa! Lâu lâu, nhà vắng người, không có trò để chơi, không có ai để bầu bạn, không có gì để nhâm nhi, miệng mồm trống trơn, Thi len lén lấy khay trầu của má, trốn vô kho lúa, làm một màn ăn trầu để rồi lật đật chạỵ ra mái nước xúc miệng trong khi cái đầu ngây ngây, chất nhạt-cay-nồng-đắng làm cổ họng nhờn nhợn muốn ói. Cơm chiều xong, trời tháng ba còn sáng rõ, thấy bà nội lấy cái áo bà ba màu nâu treo trên móc mặc vào, Thi ra đứng ngoài bực thềm, tay cầm cái ghế đẩu, chờ. Như một thỏa thuận không văn bản, Thi cứ việc lững thững theo bước chân bà nội. Từ nhà Thi, đi qua hai cây cột đèn là tới ngã ba Lương Ngọc Quyến. Ở đây; ngã ba nối liền thành phố Phan Thiết với Xuân Phong, Thiện Giáo, Đại Nẩm, Phú Hội nên xe ngựa, xe lam, xe nhà binh, xe đạp qua lại rất thường. Ngã ba nguy hiểm! Thi phải bám sát bà nội để băng qua đường, trực chỉ khu nhà Hiến Binh, qua khu gia binh, khu vực Cảnh sát Phòng Nhì, nhà cô Ba, nhà máy xay gạo, qua khỏi đường rày xe lữa rồi lại phải băng qua đường. Sở dĩ bà nội chọn tuyến đường rắc rối như thế này thay vì từ nhà Thi cứ việc băng qua đường rồi dọc theo bờ lề hàng rào bệnh viện Phan Thiết mà đi miết, là vì bà nội sợ vi trùng ho lao từ khu bệnh lao nằm không xa hàng rào mấy, bay vào mũi vào họng. Sân diễn hát bội là một bãi cỏ rộng, thuờng ngày thì trống vắng hoang vu, nằm về phiá phải đường xe lữa từ Phan Thiết chạy ra Mương Mán. Chung quanh bãi cỏ lưa thưa vài căn nhà tranh. Tiếng con nít chạy giỡn, tiếng kêu nhau văng vẳng vọng từ bãi cỏ nằm khuất xa đường lộ làm bước chân Thi hơi chần chừ. Tự nhiên, hai bàn tay nắm nhau, bàn tay nhăn khô và bàn tay mềm nhỏ. Bước chân bà nội già yếu tìm vịn nơi đứa cháu gái lên mười khi đi vào bãi đất khô lồi lõm, đứa cháu gái tìm chỗ chở che vì chợt thấy lạc lõng giữa rừng người xa lạ. Những lần đi xem hát bội với má, vừa qua đường rày xe lữa là chị Thanh, Thi và Thông, bỏ chạy như bay để hòa nhập vào đám trẻ thập thò quanh mấy tấm bạt che chú-kép, cô-đào đang vẽ mặt tô son. Xem chán chê, ba chị em ”phải” la cà hàng này quán nọ, tận dụng đầu óc để tính toán đồng tiền ”eo hẹp” má phát cho, ”phải” tìm mua những món ăn chơi nào cho vừa nhiều, vừa rẻ, vừa ngon. Bây giờ chỉ có mình ên, không phe không cánh. Thi trở nên rụt rè, bước chân chần chừ. Một chú trong đoàn hát bội giúp bà nội kê cái ghế đẩu ngay trước chỗ sẽ diễn. Chung quanh, người đem theo ghế đẩu ngồi xen lẩn những băng ghế dài của đoàn hát bội đã xếp sẵn theo hình móng ngựa. Những người không đem theo ghế và cũng không muốn ngồi băng ghế thì ngồi bệt xuống bãi cỏ hay đứng phía sau. Không văn bản, tùy theo túi tiền, tùy theo lòng yêu chuộng nghệ thuật, tùy theo vị trí ngồi, khán giả tự động bỏ tiền vào cái rổ nhỏ của một người trong đoàn hát bội chen chân trong đám đông người đang mãi mê xem. Đám con nít, không bao giờ chịu ngồi với người thân ở băng ghế, mất tự do! Nhưng nếu có lời ”bảo đảm” của người thân thì được sắp xếp thành một hàng gần nhất. Bà nội nói với chú sắp xếp: ”Cháu nội của tui đó! Chút chú cho nó ngồi ở hàng đầu.” Nói như thế có nghĩa là hứa khi có người thâu tiền đến thì bà nội sẽ trả thêm cho phần con cháu gái. Ai kiểm soát phần thêm tiền này? Tất cả chỉ dựa lòng yêu nghệ thuật của khán giả. Thế là ”vé” đã mua! An tâm, móc túi, đưa Thi tờ giấy bạc, bà nội biểu: - Cho con một ly nước mía. Uống cạn sạch ly nước mía, Thi lững thững dạo qua mấy hàng bán đồ chơi, mấy hàng bánh trái. Không có gì lớn lao cả! Chỉ là những hàng đồ chơi lưu động, đơn sơ. Trên thúng là cái sàng có vài nải chuối vàng tươi, mấy con heo đỏ chói có cái đuôi cong ngộ nghĩnh, mấy con chó trắng đốm nâu, năm ba loại trái cây… tất cả làm bằng bột, ti tí và được bàn tay nghệ nhân tần mẫn điểm tô từng chi tiết nên trông như thiệt. Người đàn ông đi tới đi lui, cầm cái cần cao treo lủng lẳng mấy con chim, tàu bay, trái cam… được xếp bằng giấy đủ màu sắc. Gánh chè, gánh cháo…, xe nước mía, nước đá… chia nhau đứng, ngồi quanh nơi diễn tuồng. Một mình, Thi không dám chạy nơi này chỗ nọ, không dám chen chân đám trẻ đang lấp ló phía ngoài tấm bạt coi đào coi kép vẽ mày vẽ mặt. Cũng như người lớn, Thi không hề thắc mắc tối nay sẽ diễn tuồng gì, lâu lâu được coi là vui rồi. Tiếng trống tùng tùng báo giờ diễn bắt đầu. Chen lấn trong đám con nít, Thi nói lớn: ”Bà nội của con ngồi đàng kia!”Thế là một chú dẫn Thi tới hàng đầu, nhét Thi ngồi giữa đám con nít có lời ”bảo đảm” của người thân đang ngồi trên băng ghế hay ghế đẩu phía sau. Sau nhiều năm được đi coi hát bội với nội, với má; được nghe ông ngoại kể những đêm ở chơi khuya nhà ngoại; dò dẫm đọc mấy quyển sách của ông ngoại, Thi rành nhiều tuồng tích. Nhưng rành là một chuyện, được coi diễn là chuyện khác. Coi hoài không chán! Coi hoài mà vẫn mê mang dõi theo từng chi tiết, từng cách chỉ tay, từng bước chân đi, từng cái nhíu mày, từng lời ca hòa theo điệu đờn nhịp trống… Bầu trời đầy sao lấp lánh, trăng cao vằng vặc đang ra sức phụ với ánh sáng từ cái đèn măng xông duy nhất treo lủng lẳng trên ”sân khấu”. Mọi tuồng tích được diễn trên một khoảng đất khô hoang có vài tấm bạt che làm ”hậu trường”. Khán giả đứng ngồi bao quanh ”sân khấu”. Trước hết là đám con nít ngồi xếp bằng. Tuồng càng hấp dẫn thì vòng tròn càng lúc càng thâu nhỏ lại đến nổi mỗi lần ”ngựa” chạy hay có những trận thư hùng là đám con nít phải mau mau thụt lui né tránh. Người lớn trả ít tiền thì ngồi phía sau đám con nít, kẻ sau người trước, nghiêng đầu nghễnh cổ mà theo dõi tuồng tích chứ không ai càm ràm ai. Năm bảy cái ghế đẩu của những người cẩn thận tự đem theo vì sợ không còn chỗ xen lẫn giữa hai hàng băng ghế của đoàn hát bội, đó là vé thượng hạng. Phía sau cùng, người đứng bao quanh, vai kề vai, đầu nghiêng tránh, chân nhón cao… Đa số đàn ông đều đứng. Tuồng hát được một nửa, nghỉ giải lao. Một dì của đoàn hát bội cầm cái rổ nhỏ đưa trước mặt, đi len lõi vào giữa khán giả, ”xin” tiền. Ai muốn cho bao nhiêu thì cho. Tự mình đánh giá vị trí đứng ngồi, tự mình đánh giá tài nghệ diễn tuồng kể tích, tự tấm lòng yêu chuộng nghệ thuật, tự túi áo nặng nhẹ… ai cũng cho. Đây cũng là lúc đám con nít chạy ra bãi cỏ nhảy lộn cho dãn chân dãn cẳng hay chen nhau lén ngắm nhìn đào kép thay đổi xiêm y, kẻ nét mắt thêm xanh, tô làn môi thêm đỏ thắm. Và đây cũng là lúc hàng bánh được chiếu cố. Chén chè đậu xanh nguyên hột ngọt đậm, tô cháo lỏng leo teo vài miếng cá, gói xôi có mấy hột đậu đen bùi bùi lẫn trong nếp dẻo, cái bánh tráng mè đen nướng thơm có quyệt thêm một muỗng mắm ruốc cay chảy nước mắt, bịch kẹo gừng ngọt ngọt cay cay… tất cả được các em con của mấy người bán hàng đem đến tận tay những khán giả không muốn rời hàng ghế ”thượng hạng” của mình. Tấm lòng bình dân của những người mê hát bội được biểu lộ một cách bộc trực giản dị. Tiếng cười khoái trá vì điệu hề lời chọc, tiếng ồ to ngạc nhiên, tiếng chưởi ”quân” gian ác, giọng hô háo hức theo bước chân ”ngựa” đánh đuổi ”quân xâm lăng”, gương mặt lặng yên theo lời ca não ruột, nét miệng cười thỏa mãn vì điệu diễn quá hay, ánh mắt long chờ đợi một biến cố sẽ xẩy đến… tất cả là cách tán thưởng đoàn hát bội. Không nghe tiếng vỗ tay rào rào. Không thấy người người đứng dậy tỏ lòng tán thưởng và cám ơn khi vở tuồng chấm dứt. Nhưng dư âm một đêm được thưởng thức điệu diễn lời ca đầy nghệ thuật còn vươn dài qua lời bàn, tiếng cười rộn rã của đoàn người trên đường về giữa đêm khuya. Đêm đã khuya, lời ca tiếng đàn văng vẳng bên tai. Tích tuồng tới đâu Thi không hề nhớ. Vị trí ngồi ưu tiên của Thi bị tụi nhỏ đẩy lui dần dần. Mơ mơ màng màng, Thi dựa người vào ai đó, biết là người lạ nhưng vẫn dựa. Cựa mình thức giấc vì tiếng tùng phèng, tiếng cười ồ… Thi nhìn quanh. Ai đó kéo đầu Thi vào hông mình, cho đứa con gái dựa ngủ tiếp. Sau đó là Thi không nhớ gì hết, không nhớ ai xách cái ghế đấu. Theo bước chân bà nội, về nhà, Thi lăn ra bộ ván gõ, ngủ mê tới sáng, chắc chắn là không rửa mặt, cũng chẳng rửa tay chân. Ai đó cho Thi biết là đa số đào kép của đoàn hát bội thường diễn ở xóm Phan Thiết cư ngụ trong vài căn nhà lá xóm Tỉnh. Chỉ cư ngụ tạm thời khi có diễn tuồng hay cố định, điều này Thi không rõ lắm. Xóm Tỉnh là những căn nhà nằm dọc con đường nối liền đường Hải Thượng Lãn Ông và làng quê Đại Tài, Đại Nẩm. Xóm này nửa quê nửa thành, trước mỗi nhà thường có khoảng vườn nhỏ trồng cà trồng ớt, ít cây trái… chỉ đủ ăn chứ không để bán lấy lợi vì không ai sống bằng nghề trồng trọt. Mỗi lần về nội, về ngoại, dầu đi xe đạp hay đi bộ, Thi đều để tâm quan sát đời sống của những đào kép đã từng làm Thi há hốc miệng say mê theo từng lời ca điệu diễn. Và rồi… Lữ Bố liếc mắt đưa tình lại là người đàn ông gương mặt tai tái trong cái áo bà ba trắng cũ ngã vàng, ngồi trước nhà lặng yên nhìn ra đường? Lữ Bố, gương mặt phấn trắng, hai đường chân mày xếch cao giao nhau đầy quyền uy, mỗi lời nói làm trăm ngàn quân lính cúi đầu tuân lệnh là người đàn ông dáng như thâu nhỏ lại trong cái quần vải nâu hơi rộng. Ô… niềm thất vọng làm Thi ra sức đạp nhanh về ngoại, đầu mang dấu hỏi to tướng. Có đúng là Lữ Bố đó không? Người đàn ông đang đứng hút thuốc trước nhà, dáng vẻ thờ ơ mà đã từng là tướng Trần Khắc Chân hiên ngang gạt bỏ từng tên lính Chàm nhảy vào cung liều mình cứu công chúa Huyền Trân. Tướng Trần Khắc Chân oai phong lẫm liệt mà lại bận cái quần bạc màu và cánh áo thun không trắng không vàng. Sao lại thế! Trong số ba người ngồi trên bộ ván hẹp trước sân nhà vào một buổi chiều chạng vạng, với dáng diệu thật bình dân lại có chú Hai, người đàn ông đã từng đóng vai Từ Hải phong lưu hào kiệt chỉ cần một phất tay là sơn hào ngủ vị bày la liệt trên bàn ăn. Người đàn ông ngồi co cao một chân, tay gát lên đầu gối, tay cầm đôi đũa gắp miếng mồi nhậu đưa vào miệng nhai ngốn nhai nghiến lại là Từ Hải uất ức khi biết mình bị mắc lừa chết đứng giữa trận mạc, một cái chết ngang tàng của người đàn ông bất khuất. Không hiểu nổi! Nàng Đắc Kỷ mặt phấn trắng môi đỏ thắm, khi giỡn đùa lơi lả, khi ngửa mặt cất giọng cười chấn động cả vương cung, đã làm say đắm Trụ Vương, làm nát tan cơ đồ Thành Thang. Nàng Đắc Kỷ trong tấm lụa đào màu xanh lá cây có hai đường viền kim tuyến, tóc cài ngọc xanh xanh đỏ đỏ lấp lánh dưới ánh đèn măng xông, tay phất cánh áo rộng che gương mặt giả đò ho, chân mang hài cườm bước từng bước nhịp nhàng theo điệu nhạc, cất lời ca giết chết quần thần. Nàng Đắc Kỷ có nhan sắc huê ghen nguyệt thẹn, cất giọng oanh ca đòi mổ bụng kẻ thù Tỷ Can lấy gan làm thuốc trị chứng ho gà của mình. Nàng Đắc Kỷ có hàng chục nữ tỳ đứng hầu quạt lại là người đàn bà tóc búi đang đứng bên hông nhà rải lúa, miệng túc túc kêu đàn gà như dì Năm. Lạ lùng quá! Lữ Bố, một tay tướng ngang tàng mà ngay cả ba anh em Lưu Quan Trương dầy công truy bắt bao nhiêu năm cũng đành bó tay. Cha nuôi Lữ Bố, Đổng Trác, tướng hùng xảo quyệt, triều đinh nhà treo bao giải thưởng vẫn không ai lùng bắt được. Vậy mà, chỉ vì cái liếc mắt đưa tình của nàng Điêu Thuyền có nét đẹp khiến trăng phải e thẹn núp mình sau đám mây đã làm cả hai cha con điêu đứng. Vậy mà, chỉ vì nụ cười làm chim đang bay phải ngẩn ngơ đậu lại, cá đang tung tăng bỗng mang nặng tự ti mà lặn sâu của nàng Điêu Thuyền đã khiến được tay kiếm Lữ Bố giết chết người cha nuôi, Đổng Trác. Nàng Điêu Thuyền mặt trắng má hồng au, đường mắt kẻ nét chì xanh sắc sảo, đôi môi đỏ thắm nét cười duyên, thướt tha yểu điệu trong bộ xiêm y màu xanh viền chỉ vàng sang trọng với giọng hát mê hoặc lại là người đàn bà đội cái nón lá, mặc cánh áo bà ba và quần sa-ten đen, xách cái giỏ đi chợ như má, như cô Ba. Sao lại như thế được! Những năm 66, 67, Việt Cộng pháo kích vào thành phố hầu như mỗi đêm. Tiếng là Việt Cộng nhắm pháo kích vào các đồn lính, Tiểu Khu, Tòa Tỉnh, khu Cảnh Sát Phòng Nhì… Nhưng những nơi này nằm cách xa nhà dân mà sao nhà dân bị trúng pháo kích thường hơn là các khu quân sự. Nhà Thi ở gần nhà thương, nơi đương nhiên theo cái tình tự nhiên giữa người và người là nơi an toàn nhất. Vậy mà xóm Ba Mươi Căn bị trúng pháo kích đều đều. Đường Hải Thượng Lãn Ông cũng thường bị pháo kích làm chết một anh học trường Phan Bội Châu, làm bị thương nay người này mai người kia. Ba má Thi phải mua bao cát để xây hầm trong phòng giữa. Hai cái chiếu trên nền xi măng là nơi ngủ của cả gia đình trong thời kỳ đó. Đêm chưa khuya lắm, đèn đường vẫn còn sáng trưng trưng. Theo thói quen, mọi người trong gia đình Thi quây quần nơi phòng giữa. Người ngồi ở một góc giường đọc truyện hình, người nằm đu đưa hát vu vơ trên chiếc võng bắt ngang bộ ván gõ nâu, vài người chơi cờ cá ngựa. Và ba Thi, như thường ngày, ngồi trên ghế xếp đọc báo. Đêm nay, ông có vẻ nóng lòng lật tới lật lui tờ nhật trình đã đọc nát vì sao đến giờ này mà má đi thâu tiền gạo chưa về. Chị Hai Cao vừa bưng cái rá có nồi chè từ nhà bếp lên. Mùi đường tán ngọt đậm, mùi gừng thơm theo hơi nóng cố thoát ra khỏi cái nấp đậy không kỹ bốc lên từ cái nồi chè, chè đậu đen nước. Một tiếng nổ ầm. Ngơ ngác nhìn nhau, an tâm vì nghe có vẻ hơi xa. Ba đứng dậy, định đi ra nhà trước. Tiếp liền theo đó, tiếng nổ ầm thứ hai, cũng hơi xa, nhưng không xa lắm. Lủ con bắt đầu nhốn nháo và ba Thi bước nhanh ra phòng khách. Quên mất nồi chè, chị em Thi cũng lật đật theo ba ra trước nhà. Gia đình bỗng dưng như rắn mất đầu. Má chưa về! Sao pháo kích sớm quá vậy? Thường là pháo kích giữa khuya đang ngủ mà. Trúng đâu vậy? Má có sao không? Người dân khu phố Ba Mươi Căn được có cái ”lợi điểm” là biết hết những tai nạn xẩy ra ở Phan Thiết đưa về bệnh viện Bình Thuận nằm ngay bên kia đường, đối diện khu phố. Nạn nhân của những trận đánh nhau, pháo kích nhằm nhà dân, tai nạn xe cộ, ghe thuyền chìm mất, tự tử, đánh lộn, đánh ghen… đều được chở về nhà thương. Chỉ cần ra đường ngóng chuyện một lát là hiểu sơ sơ nguyên nhân cũng như tầm mức quan trọng của từng tai nạn. Muốn biết tường tận hơn thì phải chạy vô nhà thương để xem và để nghe ngóng thêm chi tiết. Ba Thi cấm tiệt mấy chị em Thi, không được vô nhà thương coi. Cấm thì cấm nhưng làm sao ba biết được! Ba đi làm ngày hai buổi, con học một buổi. Ba thường ở trên gát nhà sau đọc sách, con chơi lẩn quẩn ở sân trước. Có tai nạn gì xốn xáo là con chạy theo vô nhà thương xem rồi về liền. Làm sao ba biết! Đêm nay, nóng lòng vì má chưa về, chính ba ra đường ngóng chuyện. Chỉ năm phút sau, số người chạy từ con đường Lương Ngọc Quyến đổ dồn về ngã ba càng lúc càng nhiều. Người kể một câu cũng đủ hiểu là Việt Cộng pháo kích vô bãi cỏ đang có hát bội ở gần đường rày xe lữa, nhiều người bị thương. Khu phố Ba Mươi Căn nhốn nháo hẳn lên khi vài chiếc xích lô chở người bị thương chạy về hướng bệnh viện kéo theo một đoàn người nửa đi nửa chạy, nửa mếu máo nửa kể lể không đầu không đuôi. Tiếng xe cứu thương hú còi inh ỏi, tiếng la hét dẹp đường từ xe cảnh sát, tiếng gọi tìm nhau… lấn át tiếng xích lô thắng cái kịch ngay trước nhà. Đến chừng tiếng má hỏi to với giọng đầy lo âu: ”Có đứa nào đi coi hát bội không?”, chừng đó lủ con cũng như ba mới nhận ra là má vừa về tới nhà, tất cả đều thở nhẹ. Từ bên phố, nghe tiếng pháo kích phía nhà mình, má bắt xích lô chạy nhanh về. Sau khi ăn vội húp vàng chén chè, Thi và người em trai kế, hai chị em hiếu động dễ gì bỏ qua một sự kiện đầy kích động và hấp dẫn như thế này, đứng trên bực thềm xi măng trước nhà, nhón chân, quay qua ngó lại, mắt quan sát, tai ngóng chuyện, miệng bàn tán: - May mà bữa nay má không dẫn mình đi coi hát bội. Từ đó không một đoàn hát bội nào về Phan Thiết diễn nữa. Một đoàn hát bội ở lại Phan Thiết. Họ giải tán, ở đâu, làm gì, Thi không bận tâm tới. Nhưng một điểm đặt biệt là chú Hai kép chính và dì Năm đào chính sống luôn ở xóm Tỉnh. Chú Hai xoay ra hành nghề hớt tóc trước một căn nhà mái lá đơn sơ lụp xụp. Mỗi lần về nội ngoại, Thi luôn dõi mắt tìm hình dáng người đàn ông chậm chạp thiểu não, khi ngồi buồn bả bâng quơ ngắm người qua lại, khi lui cui tưới cây ớt cây cà trước nhà. Thỉnh thoảng bắt gặp dì Năm cắp rổ đi chợ ngang nhà mình, Thi kín đáo quan sát người đàn bà áo quần cũ kỹ, dáng điệu nhẫn nhục chịu đựng, gương mặt như muốn dấu dưới vành nón lá. Trong đầu óc không bao giờ nằm yên, Thi hình dung hình ảnh hai vợ chồng Phạm Công, Cúc Hoa và hai đứa con Nghi Xuân, Tấn Lực sống âm thầm trong căn nhà mái tole bốn bề vách gạch loang lổ nơi xóm Tĩnh nghèo buồn, để rồi xót xa thương cảm. Và cũng từ đó, cảm giác bùi ngùi luôn chỗi dậy trong tâm khi Thi xem một tuồng tích xưa trên TV. Đời người, đời sân khấu sao mà xa vời! Cơn gió mát rợi đêm trăng sáng. Hàng quán chập chờn dưới ánh đèn dầu trên bãi cỏ hoang đông người. Tiếng trẻ con chạy đùa quanh ”căn nhà” không nóc, bốn bề căng vải bố, trong đó lố nhố những nhân vật lịch sử. Cảm giác hồi hộp nín thở khi chen được chỗ đứng có cái lỗ vừa đủ cho đôi mắt tò mò ngắm nhìn người đàn bà đang ngồi tô xanh vành mắt xếch. Cảm giác mõi mệt dựa vào đùi một người, biết là lạ nhưng vẫn dựa vào vì cơn mê ngủ đè nặng mí mắt… Tất cả, vẫn thỉnh thoàng hiện về trong giắc ngủ bình an trong chăn thơm nệm ấm nơi xứ người. Ba mươi năm sau! Bốn mươi năm sau! Đôi lúc Thi ước ao một lần trong quảng đời còn lại, được xem một tuồng hát bội trên bãi cỏ thênh thang giữa bầu trời đầy sao. Thi sẽ đi rảo quanh các hàng quà bánh, ghé ngồi ăn chén chè đậu xanh ngọt bùi có mấy cọng lá rong sừng sực, dừng chân uống ly nước mía không đá lạnh nên ngọt lịm, mua cái bánh rế không còn dòn lắm nhưng vẫn có nhiều mè thơm trên lớp đường dầy… Thi sẽ ngồi bệt xuống đất, ở hàng đầu, sẽ nương thật nhẹ cho con bé con nhà ai dựa vào đùi mình tiếp tục giấc ngủ mê mang giữa tiếng trống nhịp theo lời nói điệu ca. |