Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Mãi Mãi Tuổi Ba Mươi

Mãi Mãi Tuổi Ba Mươi PDF Print E-mail
Tác Giả: Tưởng Năng Tiến   
Chúa Nhật, 19 Tháng 7 Năm 2009 22:14

Vào thời đại của Khổng Tử (551 - 479 B.C.) tuổi thọ của con người hẳn ngắn; bởi vậy, việc lập thân được đặt ra hơi (quá) sớm: tam thập nhi lập. Đến thời Apollinaire (1880 - 1918) nhân loại vẫn chết yểu đều đều; do đó, mới hai mươi bẩy tuổi đầu mà ông thi sĩ trẻ đã tỏ vẻ âu lo ra mặt:

Dieu! Je vais avoir vingt - huit ans,
Et mal vecus, à mon envie.

(Trời ơi! Tôi hăm tám mất rồi.
Mà đời thì vẫn rất lôi thôi. tnt)

Tới cuối thế kỷ hai mươi thì loài người lè phè thấy rõ: “Tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ” (Phạm Thế Mỹ). Thực phẩm dồi dào, tiêu chuẩn sống được nâng cao, cùng với những phát kiến của y khoa đã làm tăng tuổi thọ, và kéo dài tuổi trẻ.

Nỗi ám ảnh “gái ba mươi tuổi đã toan về già” và tiêu chuẩn “tam thập nhi lập” được (phần lớn) nhân loại triển hạn… vô thời hạn! Nói là “phần lớn,” chứ không phải là “tất cả” vì hương vị của tuổi trẻ - những năm tháng thanh xuân - không phải là món quà tặng (miễn phí) có thể mang chia sẻ đồng đều cho tất cả mọi người.

Có những người leo núi
Vượt qua dốc Cổng Trời
Là những cô con gái
Qua tuổi mình ba mươi…

*

Cơn sốt rét triền miên
Tóc mọc rồi lại rụng
Mùa xuân thành báo động
Đoá hoa nhầu trên tay…

*

Đi qua tuổi ba mươi
Nhọc nhằn và lặng lẽ
Bao ước mơ giản dị
Mà sâu thẳm không cùng

*

Hơn mọi sự anh hùng
Là điều này nhỏ bé
Làm vợ và làm mẹ
Tuổi ba mươi chối từ

 (Anh Ngọc)

Cuộc chiến rồi tàn nhưng cuộc sống “nhọc nhằn” vẫn tiếp tục với (rất) nhiều người, thuộc thế hệ kế tiếp, ở Việt Nam:

- Ông Lê Văn Hạnh, ba mươi tuổi, sống bằng nghề vá ruột xe. Vì làm ăn ế ẩm nên ông Hạnh đã “kiếm thêm khách hàng” bằng cách lấy căm xe đạp mang cắt khúc, đập dập hai đầu và bẻ cong thành hình chữ Z, rồi đem rải trên xa lộ cho xe cán. Ông Hạnh bị bắt quả tang khi đang rải đinh trên đoạn đường từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư RMK. Toà án nhân dân huyện Thủ Ðức đã kết án ông ta tám năm tù, về tội “phá hoại tài sản của nhân dân.”

- Ông Lê Sức, 32 tuổi, góa vợ, vì mùa màng thất bát nên bỏ thôn quê lần vào thành phố. Ông không đi ăn xin, không hành nghề cửu vạn, hay đi bán máu, để sống qua ngày, như những người Việt khác vẫn thường làm - khi lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông Sức mưu sinh bằng cách buôn bán vặt vãnh trên đường phố.

Ông ta bưng một cái khay nhỏ, chào mời du khách mua hàng, trước cửa một viện bảo tàng ở Khe Sanh - Quảng Trị. Ông bán những món hàng cũ kỹ - những thứ đã có lúc là vật dụng tùy thân quen thuộc của những chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam - đại loại như dao, nĩa, bật lửa, đồ cạo râu cũ, và độ hơn một chục cái thẻ bài. Giá ông ta rao bán thẻ bài là 5 Mỹ kim 3 cái.

And all of them are fakes. “Tất cả đều là đồ dởm” - theo như tường thuật của ký giả Mac Donald, từ Hà Nội - và cách “kinh doanh qua những xác người” của ông Lê Sức đã bị giới chức của cả chính phủ Hoa Kỳ lẫn Việt Nam… kết án nặng nề!

Ông Lê Sức, phen này, chắc chết, chết… chắc!

- Bà Tạ Thị Giám, ba mươi sáu tuổi, rời quê hương để đến làm việc tại một nhà an dưỡng tại Đài Loan - với ước mơ kiếm được tiền cho con cái có cơ hội đến trường. Ước mơ nhỏ nhoi này, rồi ra, cũng tan thành mây khói. Nơi xứ lạ, bà bị “đối xử như… một con vật, chứ không phải con người. Họ làm thế vì biết tôi không có chỗ nào khác để dung thân, không có ai để cậy nhờ giúp đỡ” - theo như nguyên văn lời bà Giám.

Những thanh niên Việt Nam hôm nay - tất nhiên - không phải chỉ toàn những lao động “tay chân” và kém may mắn như bà Tạ Thị Giám, ông Lê Sức, hay ông Lê Văn Hạnh… Cùng thế hệ với họ, nhiều người khác có cơ may được học hành, và không ít kẻ trở nên thành đạt. Tuy nhiên, thành đạt trong thời nhiễu nhương là  chuyện (cũng) lôi thôi lắm; đôi khi, còn lôi thôi lớn.  Xin đơn cử vài tên tuổi vài nhân vật, thuộc loại “lôi thôi” như thế, theo thứ tự năm sinh:

- Phạm Thị Thanh Nghiên, 31 tuổi, nhà báo tự do

- Lê Thị Công Nhân, 30 tuổi, luật sư

- Lê Trí Tuệ, 30 tuổi, doanh nhân

- Đoàn Huy Chương (a.k.a Nguyễn Tấn Hoành) 29 tuổi, công nhân

- Nguyễn Thị Bích Hạnh, 28 tuổi, giáo viên

- Nguyễn Tiến Trung, 26 tuổi, kỹ sư.

Trong bài viết (”Các bạn ơi, tôi yêu các bạn”) xuất hiện trên talawas vào ngày 18 tháng 6 năm 2009, thi sĩ Hoàng Hưng đã đề cập đến những nhân vật thượng dẫn với tất cả tình cảm trân trọng và quí mến. Theo ông, đây là những tinh hoa của dân tộc - thuộc thế hệ hậu chiến - và họ đã cải chính cho những thế hệ trước:

“… trước nhân dân Việt Nam, và cộng đồng quốc tế rằng: người trí thức Việt Nam không ngu, không ‘ngủ’, không hèn, không bất lực… không chỉ là những kẻ làm thuê cao cấp với mục tiêu sống chỉ là lương tháng ‘nghìn đô’, xe hơi, biệt thự, thậm chí tiền trong nhà băng và đất đai ở nước ngoài, nhắm mắt bịt tai trước quốc nạn cường quyền, tham nhũng đang hủy diệt môi trường sinh thái và tinh thần của dân tộc.”

Trước đó, không lâu, qua một bài viết khác (”Tôi chịu ơn họ“), ông Hà Sĩ Phu cũng đã bầy tỏ mối hảo cảm nồng nhiệt (tương tự) đối với lớp người này - sau khi chứng kiến họ cùng loạt xuống đường biểu tình, chống sự xâm phạm lãnh thổ của nhà nước Trung Hoa:

“Lòng yêu nước tự phát rất hồn nhiên của tuổi trẻ không chút hận thù, họ gần nhau rất dễ dàng, tha thứ cho nhau rất dễ dàng, hợp sức với nhau rất dễ dàng, chẳng những mở lối ra cho một chủ nghĩa yêu nước rất tự nhiên, phi đấu tranh giai cấp, mà có thể còn mở ra khả năng hoà giải dân tộc đang là nan đề rất bế tắc đối với các thế hệ cha anh đã quá nặng nợ quá khứ… “

“Nhà nước phải cảm ơn, rằng họ đã tự nguyện tiếp tay cho mình, tạo áp lực để mình có thêm sức mạnh mà làm tròn sứ mệnh với đất nước!”

Nhà nước, tiếc thay, không “dễ cảm” (ơn) như ông Hà Sĩ Phu kỳ vọng! Theo cách nhìn của nhà đương cuộc Hà Nội thì những nhân vật có tên kể trên tuy đều sinh trưởng “trong lòng xã hội chủ nghĩa” nhưng đã không trở thành những “con người chủ nghĩa xã hội,” như mong đợi. Họ bị coi như những phần tử bất hảo và nguy hiểm, cần phải được cải tạo (hay loại trừ, nếu tiện) vì đã tạo ra tình trạng bất ổn cho xã hội.

Để rộng đường dư luận, tưởng cũng nên viết thêm đôi dòng (lý lịch trích ngang) về vài nhân dẫn thượng:

- Lê Trí Tuệ, 29 tuổi, thành viên của Khối 8406, vào ngày 20 tháng 10 năm 2006, ông tuyên bố thành lập Công đoàn Độc lập Việt Nam. Ông bị bắt vào ngày 29 tháng 03 năm 2007, bị ép buộc phải lên tiếng công khai giải tán công đoàn này. Lê Trí Tuệ từ chối và bỏ trốn sang Cambodia, sau khi bị đánh đập tàn tệ nhiều lần ngoài đường phố. Ông đột ngột “biến mất” khỏi cõi đời này, kể từ hôm 16 tháng 5 năm 2007 đến nay!

- Ông Nguyễn Tấn Hoành, 28 tuổi, vào ngày 18 tháng 2 năm 2006, với tư cách là một thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công nông, ông đã gửi đến những cơ quan công quyền Việt Nam “Tám điểm đề nghị“. Đề nghị cuối có đoạn như sau:

“Chúng tôi có quyền hội họp riêng tư, có quyền lập hội, gây quỹ, có quyền đấu tranh, có quyền đình công đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, phù hợp mức lương, tương xứng với công sức lao động…”

Ông bị bắt giam sau đó, và được phóng thích vào ngày 13 tháng 5 năm 08 sau khi cơ thể đã… te tua và bầm dập! Hiện ông đang sống với vợ con ở Sài Gòn, trong tình trạng bệnh tật vì sức khoẻ hoàn toàn suy kiệt.

- Nguyễn Thị Bích Hạnh, 28 tuổi, giáo viên trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam, bị buộc thôi việc vì “đã sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước.”

Ba người còn lại thì đang bị cầm tù vì vi phạm điều 88 của Bộ Luật Hình sự (”tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”).  Điều luật  này,  theo luật sư Lê Trần Luật - qua một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Trần Văn của RFA, vào ngày  14 tháng 7 vừa qua -  “rõ ràng vi hiến.”  Kẻ trẻ tuổi nhất, và cũng là kẻ bị bắt cuối cùng (vào ngày 7 tháng 7 năm 2009) tên Nguyễn Tiến Trung được báo Công an Nhân dân (số ra cùng ngày) mô tả như là “nhân vật đã có những hành vi rất nguy hiểm, chống phá đất nước.”

Thái độ bạo ngược và ngôn ngữ ngạo ngược của những người đang cầm quyền ở Việt Nam hiện nay, khiến người ta liên tưởng đến tình trạng của đất nước này - vào hồi đầu thế kỷ XX. Ở thời điểm đó “chính sách khai hoá” của chế độ thực dân, với chủ đích duy nhất là đào tạo ra một tầng lớp trung gian để tiện việc cai trị - những thầy Thông, thầy Phán - cũng đã giúp cho một tầng lớp tinh hoa của dân tộc Việt có cơ hội phát sinh, ngoài sự dự liệu của kẻ thống trị.

Chính lớp người này đã vùng lên đòi độc lập, dân chủ, tự do cho dân tộc Việt. Người Pháp đã giải quyết dứt điểm vấn đề vào ngày 17 tháng 6 năm 1930. Sáng sớm hôm đó, mười ba vị anh hùng - những con dân ưu tú của nòi giống Việt - đã bước lên đoạn đầu đài để trả nợ núi sông. Tất cả đều ở tuổi ba mươi! Cùng lúc, cũng có “khoảng 320 người là các chiến sĩ Yên Bái, được đưa đến giam ở một trong những nhà lao tại Cayenne có tên là Nhà lao An Nam.”

Chính sách của người Pháp dã man và… hiệu quả! Nó giúp cho chế độ thuộc địa kéo dài được thêm một phần tư thế kỷ, ở Việt Nam. Tuy ở mức độ ít sắt máu hơn nhưng nhà đương cuộc Hà Nội cũng đang áp dụng đường lối cứng rắn và … dã man tương tự, với hy vọng níu kéo được quyền lực thêm được lúc nào hay lúc đó. Chế độ hiện hành còn có thể kéo dài được bao lâu nữa còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến thái độ của lớp người đang ở tuổi ba mươi - trước hiện tình đất nước. Đây là yếu tố mà  có lẽ những ai quan tâm đến thời cuộc đều cảm thấy lạc quan, nếu chưa muốn nói là hãnh diện.