Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Lá Thư Tình Duy Nhất

Lá Thư Tình Duy Nhất PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan Vũ   
Thứ Ba, 14 Tháng 7 Năm 2009 04:37

Hai mẹ con ngồi trên cát vàng của bãi biễn Huntington Beach, Thủy và Aimée, bé gái 12 tuổi, mắt họ nhìn theo những con chim hải âu trắng và xám gần gói thức ăn của người tắm biển. Chim đang cố gắng mổ lấy thức ăn ra khỏi túi ni-lông.

"Nước biển lạnh quá, mẹ ạ," Aimée vừa mới rời khỏi biển nói với mẹ.

Bà mẹ ôn tồn bảo, "Con hãy thay quần áo đi. Chiều sắp tối. Mặt trời bắt đầu lặn."

"Tại sao mẹ thích nhìn mặt trời lặn, hở mẹ?" Aimée hỏi tiếp. "Mẹ lại đang nhớ. Phải không Mẹ?"

Ngần ngừ một lúc lâu, bà mẹ trả lời, "Có, con à. Cha của con."

"Cha con tên là gì và cha con như thế nào?"

"Cha con tên Long. Đối với mẹ, cha con là một người tuyệt vời, một anh hùng..."

"Chuyện gì đã xảy ra với cha con?"

"Nó đã xãy ra vào một buổi chiều rất muộn của lễ Phục Sinh năm 1972 khi mẹ đang đọc lá thư tình đầu tiên cha con viết cho mẹ..." Bà thở dài thay vì khóc như những năm trước đây. "Ngày ấy, mẹ không thấy mặt trời lặn xuống dưới chân trời như hôm nay, nhưng mặt trời đã lặn xuống sau rặng núi xanh thẳm Trường Sơn, biên giới thiên nhiên phía Tây Việt Nam."

Ngay lúc đó một vài bạn của Aimée gọi bé gái.

"Mẹ ơi, cho phép con gặp bạn con một lúc, được không mẹ?"

"Được, nhưng không quá lâu."

"Cám ơn mẹ."

Biển đã là một cái gì rất quen thuộc, rất thân thiết với Thủy từ nhiều năm trước. Cha mẹ Thủy, ông bà nội ngoại, tổ tiên đã sống tại Bãi biển Mỹ Á, một làng đánh cá và cũng là nơi nghỉ mát danh tiếng, nằm về phía bắc cách Thành phố Tuy Hòa độ 7 dặm, thuộc Tỉnh Phú Yên. Không một người dân làng biết ai đã trồng hằng ngàn cây dừa cao ngất. Màu xanh mượt của tàng lá dừa che rợp bóng mát khắp các làng dọc theo bờ biển, trãi dài tới Đèo Cù Mông Phú Yên là một tỉnh thung lủng giữa Đèo Cả phía Nam và Đèo Cù Mông phía Bắc. Thủy nhớ lại là đã sống, chơi vui, và đi đứng dưới bóng mát suốt ngày, đã hít vào thở ra không khí trong lành của biển bay từ biển khơi. Ngày xưa đó, Thủy cảm thấy hạnh phúc, so sánh màu xanh của biển và màu xanh lá cây của cây dừa.

Mỗi buổi sáng, Thủy và mẹ ra bờ biển, đón các ghe đánh cá cập bến. Mẹ Thủy thường chọn những con cá to, béo mập, bán chạy, rất được ưa chuộng như là cá thu, cá chim, cá hồng...trong khi Thủy thu mua cá xà bần cho con heo nái với heo con và bầy gà vịt của cô.

"Thủy, hãy lấy mớ cá xà bần này," một thanh niên nói, miệng tươi cười, khoẻ mạnh, cường tráng.

"Mớ cá này bao nhiêu tiền?" Thủy hỏi.

"Lấy đi, biếu đấy. Lần sau mới trả tiền."

"Cám ơn anh."

Sáng hôm sau và những buổi sáng kế tiếp, anh ta từ chối nhận tiền. Thủy thắc mắc lý do. Anh ấy nói giọng bắc. Anh làm việc trong toán đánh cá của cha anh. Sau đó, Thủy mới biết tên của anh ta là Long. Gia đình của Long và một số gia đình khác, quê từ Ba Làng, thuộc tỉnh Thanh Hóa, đã xuôi vào Nam tới Bãi biển Mỹ Á năm 1943, do nạn đói khủng khiếp ở các tỉnh phía bắc Việt Nam. Cha Đại, cha xứ họ Tuy Hòa định cư các gia đình đạo Công giáo tại Mỹ Á và giúp họ sinh sống bằnh nghề đánh cá.

"Thủy, con biết nhà của Long, phải không?" mẹ Thủy hỏi.

"Không, con không biết."

"Nhà của cậu ấy không xa nhà mình," bà mẹ nói tiếp. "Cha cậu ấy đã phá bỏ cái nhà tranh, để xây một cái nhà gạch to lớn vì dân làng mình trúng mùa cá năm ngoái."

Tại nhà, Thủy cất mớ cá vụn và giúp mẹ sắp xếp cá đã mua vào hai cái thùng bằng thiếc có lớp mốp bên trong, gắn vào hai bên cái đèo hàng của xe máy Honda. Để giữ cá được tươi, Thủy để một khối nước đá bên trên cá trong mỗi thùng trước khi đóng nắp. Thủy và mẹ khởi động và lái xe Honda tới chợ Tuy Hòa, vừa chạy xe vừa cười với các bà bán cá khác. Cả hai mẹ con bán cá xong, về nhà nấu cơm và nấu cám heo.

Một buổi sáng, Long bạo dạn nắm tay và đặt vào tay Thủy một con cá thu nặng 3 kí lô. Cô gái mất bình tĩnh, không biết ứng xử như thế nào, tim đập mạnh hồi hộp trong khi cậu con trai nắm chặt tay cô gái.

"Cám ơn anh Long," cô gái nói lắp bắp.

"Anh hẹn gặp em chiều nay tại đây lúc 3:00 giờ chiều nghen?" Long hỏi ướm thử.

"Không được. Vào giờ ấy em rất bận."

"Như vậy, anh sẽ tới nhà em để giúp em, được không?" cậu ấy nói tiếp.

"Không. Không. Cha em khó lắm. Cha em sẽ mắng em." Cô gái bỏ đi.

"Chiều nay 3:00 tại đây, nhá," Long nói với theo. "Anh chờ em đó."

Sau đó trên con đường về nhà, cô gái giận mình tại sao để cậu con trai nắm tay lâu quá mà không rút tay ra. Nhưng lòng cô lại lâng lâng vui sướng.

Khi cái đồng hồ trên tường phòng khách gõ ba tiếng. Thủy nôn nóng, bước ra khỏi cửa, rồi lại bước vào. Anh ấy đang chờ mình, Thủy tự nhủ. Mình có nên đi không? Cha đang ở đâu? Cha có sẽ giận mình không? Người mình như nóng bừng bừng. Tim mình đập mạnh quá.

"Mẹ, con ra biển một lúc," Thủy vừa nói vừa chạy băng qua cổng. Mẹ cô gái nhìn theo, mỉm cười.

Tới bãi biển, Thủy đưa mắt tìm Long, sợ sệt mắc cỡ trốn sau các gốc dừa. Cô bé cảm nghĩ rằng người ta biết mình đang hẹn hò với trai. Một vài trẻ nhỏ tắm biển, đùa nghịch tát nước vào mặt nhau và hò hét inh ỏi. Một người đàn ông, mình trần, da lưng sạm nắng, đội nón lá, đang trét dầu rái cho cái ghe thúng mới đan bằng tre, để lật úp trên cát. Dưới bóng mát cây dừa, hai người đàn bà đang vá lưới. Bỗng Thuỷ nhìn thấy Long ngồi bên một gốc dừa to, mắt đảo qua đảo lại tìm người. Anh ấy đang kiếm mình, Thủy nghĩ. Chầm chậm cô men theo các gốc dừa, tránh sự chú ý của các người đàn bà, tới gần Long. Vừa thấy Thủy, Long bước mau, nắm tay cô và bảo ngồi xuống.

"Mời em ăn mẳng cầu Xiêm," Long đưa cho Thủy một ly. "Mẹ anh đã mua hôm qua."

Thủy cầm ly không nói một lời. "Ăn thử đi" anh ta nói. "Có ngọt đủ không? Anh có thêm đường đây."

"Ngọt rồi. Cám ơn anh." Cô gái nhìn mặt tươi cười của anh ta: dễ thương quá.

"Heo nái lớn bao nhiêu rồi?" Long hỏi.

"Hơn hai tuổi."

"Heo con nặng bao nhiêu?"

"Hơn một kí."

"Em có sẽ bán heo con không?

"Tháng sau. Tuy nhiên em giữ lại một con cái."

Ăn xong ly mãng cầu, Thủy đứng dậy, "Em phải về nhà. Giờ này, có lẽ cha em đã có nhà."

"Ở lại với anh một lúc nữa đi," anh ta cầu khẩn.

"Không. Không được."

"Hẹn gặp em chiều mai tại đây lúc 6:00. Tới đúng giờ nghen."

"Không. Em không dám." Cô chạy vội về nhà, vừa run vừa sung sướng.

Bước vào nhà, Thủy đụng đầu mẹ. "Con gặp cậu ấy rồi, phải không?" bà mẹ hỏi. Thủy không trả lời, chỉ gật đầu. "Cậu ấy là con của một gia đình tốt," bà nói tiếp.

Cha của Thủy là một thợ hớt tóc. Tiệm hớt tóc của ông gần chợ Mỹ Á. Ông làm việc 10 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Ông biết rõ gia thế của mỗi người dân làng. Trong buổi cơm tối, ông thường hay đề cập đến gia đình Long. Vì thế, mẹ Thủy sẵn lòng chấp nhận con gái bà hẹn hò với Long.

Sáng hôm sau Thủy mạnh dạn hơn, nói chuyện và cười với Long khi anh đưa cá vụn cho Thủy.

"Em không thể gặp anh chiều nay vì em bận làm cơm cho cha mẹ em. Cho em xin lỗi anh," cô ta nói.

Sau cơm tối, cha Thủy thì thầm với vợ, "Sáng nay anh cắt tóc cho một người đàn ông mà anh chưa bao giờ gặp."

"Có phải  du kích trên núi  không?"

"Có thể. Anh không chắc."

"Đêm qua, em nghe nhiều tiếng chó sủa xa xa, gần hàng rào ấp chiến lược. Em sợ quá."

"Đứng sợ. Dân quân của mình đi kích hằng đêm."

Trời mưa lớn cả ngày hôm sau. Biển động, dân đánh cá ở nhà, nghỉ ngơi hoặc vá lưới. Cha Thủy có nhiều khách cắt tóc, bận rộn cả ngày. Nhân cơ hội này, Thủy mang một cái lò đất đầy than hồng, một vài cái bàn vuông và ghế đẩu gỗ, đặt gần tiệm hớt tóc của cha. Trên cái vỉ, mực và cá khô nướng kêu lèo xèo, mùi thơm tỏa khắp nơi, làm cho bao tử của khách hớt tóc cồn cào, thèm muốn vài hớp rượu nồng nhâm nhi với mực nướng, cá khô nướng trước khi cắt tóc.

"Này Thủy, cháu thuê người con trai phụ này bao nhiều tiền một ngày?" một người bạn của cha cô gái hỏi, tay chỉ vào Long.

"Cậu ta đang làm công việc mà cha cô Thủy khi xưa đã làm khi tán tỉnh người mẹ trẻ đẹp của cô ta," một người khách khác chêm thêm vào. Mặt Thủy đỏ như gấc, cúi đầu chịu trận trong khi đó Long lấy tay che mặt.

"Mưa như thế này thêm hai ngày nữa thì gia đình tôi hết gạo," một ngư phủ trạc độ trung tuần than thở. "Tôi phải nuôi 4 miệng ăn."

"Đừng lo. Sáng nay nha khí tượng báo rằng gió và mưa sẽ giảm cường độ vào ngày mai."

"Rất có thể. Giờ này bầu trời đã sáng hơn," một người có tuổi nói khi bước ra khỏi tiệm. Ông cũng là người khách cắt tóc cuối cùng. Thủy và Long mang vật dụng về nhà.

"Cám ơn Long. Mấy giờ sáng mai anh ra khơi đánh cá?"

"Vào khoảng 2:00 sáng. Hẹn gặp em khi thuyền anh cập bến."

"Dạ."

Một tuần sau cơn bão, ngư dân may mắn được mùa cá, gồm cá thu, cá hồng, cá nục, cá cơm...Cả làng nghỉ xả hơi, nhưng các bà vợ thì bận rộn, làm sạch cá thu rồi phơi khô, hoặc muối cá nục, cá cơm làm nước mắm. Long và Thủy đi kiếm củi trên dãy núi nối tiếp theo Rặng Trường Sơn kéo dài từ Bắc vào tận miền Trung.

Sau một giờ leo núi, cả hai người đi vào một nơi có nhiều cây.

"Thủy, một cây ngã đằng kia," Long la lên.

"Cây đó to quá," Thủy bác bỏ. "Chỗ này có một cây chết khô. Đường kính độ một tấc, dễ cưa."

"Được." Long chặt cây xuống và cưa thành khúc 3 tấc một. Cả hai cột các khúc củi vào đầu đòn gánh của Thủy.

"Thủy, em thử gánh củi xem có nặng lắm không?"

"Không nặng lắm. Bây giờ chúng ta tìm củi cho anh."

Một lúc sau, Long đã có đủ củi. Cả hai người bắt đầu xuống núi khi mặt trời đứng bóng. Họ dừng chân tại một ngôi nhà thờ Công giáo đã đổ nát, chỉ còn có cái mặt tiền nhìn thẳng ra biển đông. Một cha đạo người Pháp đã tìm thấy cái mặt bằng này có một cái suối nước trong vắt chảy quanh năm. Ông xây cất ngôi nhà nguyện làm nơi tĩnh tâm nghỉ ngơi. Đôi nam nữ niên thiếu rửa mặt và chân tay trước khi ăn bánh chưng.

"Ăn thêm đi Thủy," Long đề nghị.

"Cám ơn. Em no lắm rồi."

"Anh thích nhìn miệng em nhai, đặc biệt là đôi môi hồng của em," Long ghẹo.

"Anh chấm dứt nói xằng bậy. Nếu không em về trước đây," Thủy phản đối.

"Thôi được. Hãy nhìn tay em kìa. Có vết xước hay vết trầy, phải không?" Long cầm tay Thủy.

"Không phải," cô gái nói một cách bình thản. "Chỗ vấy bùn mà thôi."

"Lần đầu tiên anh đã nhìn bàn tay đẹp của em."

"Em không muốn anh nhìn tay em." Thủy đứng lên. "Về đi thôi."

Đôi trẻ tới bờ biển. Long đặt gánh củi trên cát và chạy ào xuống biển, bơi ra xa.

"Thủy ơi, tắm không? mát lắm!" Cô gái ném gánh củi xuống, chạy theo Long bơi ra xa, quên hẳn sự e thẹn. Đôi trai gái bơi, lặn trong nước biển trong xanh, la hét và tát nước vào nhau.

"Nào chúng ta lặn xem ai lâu nhất, chịu không?" Long thách đố.

"Cầm chắc là em thắng," Thủy kiêu hãnh và lặn. Long lặn theo. Bất thần, Long ôm chặt Thủy, môi anh tìm môi cô gái. Thủy cố đẫy Long ra, nhưng anh ta mạnh hơn giữ chặt lấy cô. Lần lần chịu thua, tay cô ôm siết lưng anh. Hai thân thể quện vào nhau, lăn tròn trong nước biển trong xanh mát rượi, mắt nhắm lại, toàn thân bị kích thích, và bốn chân xoắn chặt vào nhau. Sau cùng cả hai người trồi lên, thở mạnh ra. Tuy nhiên, Thủy bẻn lẻn bối rối, gánh củi về nhà, không nói lời nào. Long cảm thấy sung sướng tuyệt vời, mỉm cười bước theo chân của Thủy.

Đêm đó, Thủy không ngủ được, nôn nao nhớ vừa sợ hãi mà cũng vừa sung sướng. Cô tự hỏi, "Tình yêu đó sao?" Cô xua đuổi nó ngay. Cô mong trời mau sáng.

"Thủy, sao con dậy sớm thế?" mẹ cô nghi ngờ hỏi.

"Con ngủ ngon lắm, mẹ ạ."

"Này, mấy con heo con lớn rồi. Con có định bán chúng ngày hôm nay không?"

"Tùy mẹ."

"Được. Mẹ sẽ bán heo ngày hôm nay. Tuy nhiên mẹ muốn giữ lại một con cái. Con nghĩ thế nào?"

"Dạ đuợc. Chúng ta sẽ giữ lại con cái lớn nhất, mẹ ạ."

 Bé Aimée trở lại với Thủy,  trên cái khăn tắm rộng trải trên bãi biển Hungtingon Beach.

"Mẹ đang nghĩ gì vậy? Mẹ đang cười với ai?” Bé hỏi. Giật mình và bối rối, Thủy nói lắp bắp, "Không có gì cả. Không có ai hết, con à."

"Con đói rồi, mẹ. Hãy về nhà đi," cô bé nói. 

Cả hai mẹ con rời bãi biển tời bãi đậu xe. Ngoài xa kia trong tầm mắt của Thủy, những dãy cao ốc với mái ngói đỏ, tách rời bởi những lối đi, hai bên đuờng trồng cây cọ và thảm cỏ xanh tương phản với màu xanh của biển có vài chấm trắng, các cánh buồm du thuyền. Tình yêu của Thủy  với người chồng bạc mệnh hãy còn dằng dai lưu lại trong hồn cô.

"Mẹ. Con nghĩ là chú Lộc đang đứng chờ mẹ một chỗ nào đó trước của căn phố của chúng ta," Aimée nhắc mẹ. Bà không trả lời. Lộc, một cán sự điện tử, đem lòng yêu thương Thủy nhiều năm qua. Ông đã nhiều lần thiết tha cầu hôn, nhưng Thủy chưa trả lời.

"Aimée, con có muốn ăn tô phở nóng thay cơm tối không?" bà đề nghị.

"Hay lắm mẹ, con muốn," cô bé nói tiếp, "Như thế mẹ không phải nấu cơm tối."

Hai mẹ con bước tới xe. Thủy nghĩ những cây thông cao và các bụi cây kiểng được cắt tỉa gọn gàng trong khi những cây dừa ở quê nhà không trồng theo hàng lối, ngẫu nhiên và tùy hứng. Mặt trời rọi nghiêng những tia nắng vàng đỏ trên thảm cỏ xanh hay những bóng rợp của lá cây cọ in trên các thân xe hơi. Thủy khởi động xe và lái xe nhập vào dòng giao thông dày đặc của chiều Chủ nhật.

Cả hai mẹ con về nhà trễ.

"Aimée, con hãy xem lại các bài học và làm homework đi."

Trong khi Aimée làm bài, Thủy chuẩn bị buổi ăn sáng và ăn trưa cho ngày mai. Thêm một tuần lễ mới lại bắt đầu.

"Mẹ, Mẹ và Ba đính hôn lúc bao nhiêu tuổi?" Aimée bất thần hỏi mẹ.

"Mẹ 17, ba con 18," bà trả lời. "Đám hỏi đơn sơ. Một bữa cơm thân mật giữa cha mẹ của ba con và cha mẹ của mẹ tại nhà của mẹ."

"Nhà của ông bà ngoại như thế nào?"

"Nhà không rộng, có ba gian, một phòng cho ông bà ngoại, một cho mẹ, còn gian nhà giữa là bàn thờ tổ tiên và cũng là phòng tiếp khách. Ngôi nhà nhìn ra biển khơi, đón gió biển mát. Tuy nhiên đôi khi gió bão thổi mạnh, đem nước mưa vào nhà." Bà nói tiếp, "Vào ngày đính hôn, tại đình làng diễn ra buổi hát bội tuồng cổ. Ông bà nội ngoại đều đi xem."

"Mẹ có đi xem không?"

"Không. Ba và mẹ con ra bờ biẻn và ngồi trên một hòn đá lớn nói chuyện. Mặt trăng từ từ mọc, có hình một nửa cái dĩa lớn trên chóp bằng phẵng đảo Chùa, cách đất liền 2 cây số.

"Ba con nói,  Ba con yêu mẹ lúc tuổi 18, như mặt trăng kia mọc lên hôm nay, ngày 18 âm lịch. "

"Và mẹ nói tiếp theo,  Mẹ yêu ba con mãi mãi như đường vòng của mặt trăng từ đông sang tây, từ lúc mọc cho tới lúc lặn. "

"Thật là tuyệt diệu, một lời thề dưới trăng làm chứng," Aimée thán phục.

"Kế đó, ba và mẹ đuổi bắt những con còng gió, chạy lẹ hơn ba mẹ.... Con có nghe mẹ nói không?" Không có câu trả lời. Nhìn thấy con ngủ say, bà kéo mềm đắp tới cổ. Mặt của con gái lờ mờ giống mặt của ba nó hình dạng cặp mắt, đôi lông mày dài, cái miệng...

Thủy nhớ lại cái hôn đầu tiên dưới nước biển, sư bẽn lẻn sau đó. Bà đang nằm trên giường nệm êm ấm trên đất Mỹ mà lòng tưởng nhớ tới cái chiếu tre trong tuần trăng mật của hai vợ chồng ở vùng biển quê xưa.

Trong một đêm mưa chó sửa liên hồi tiếp theo sau vài tiếng súng vang đội khắp thôn xóm, đánh thức ngư dân; sau đó im bặt. Sáng ra, vừa khi mẹ của Thủy bước tới cổng, bà nhặt lên một phong bì có vết bùn bẩn. Bà trao thơ cho chồng.

Cầm lá thơ, mặt tái xanh, tay run run, ông nói, "Việt cộng đòi đóng thuế." Đọc xong, ông cố nhớ, không nói lời nào.

"Tôi sẽ cho bà biết ngày đóng thuế và chỗ giao tiền," ông nói nhỏ vào tai của vợ. Ngày hôm đó ông không đi làm. Ông suy đi tính lại cái ý nghĩ "nên hay không nên báo tin cho an ninh xã."  Ông nghĩ cái tiệm hớt tóc của ông rất dễ bị tấn công, một du kích mặc thường phục, cỡi xe máy Honda có thể ném trái lựu đạn vào tiệm, rồi phóng xe biến mất trong một con hẻm. Không một ai có thể nhận dạng kẻ chạy trốn.

Tới ngày đã định, Thủy lái xe Honda chở mẹ phía sau đi chợ như thường lệ. Khi xe chạy tới chỗ giao nạp tiền thuế, bà mẹ bảo Thủy dừng xe lại. Bà xuống xe trước sự ngỡ ngàng của Thủy.

Bà nói, "Thủy, con tới chỗ quán nước bên đường chờ mẹ." Bà trèo lên sườn núi, đôi chân của bà run cầm cập không kềm chế được, đi tới chỗ có mật hiệu. Quẹo trái, bà thấy một phiến đá bằng. Bà trộm nhìn quanh mau lẹ, nâng phiến đá lên, rồi bỏ bì thơ tiền xuống, cái bì thơ bà đã nhận được cách hơn một tháng trước. Rồi bà để hòn đá trở lại. Bà vội vàng Xuống núi, chạy trốn giống người chạy trốn ma.

"Tại sao mẹ xuống xe chỗ đó?" Thủy hỏi.

"Ờ, không có gì cả. Mẹ đi tiểu," bà nói dối con gái.

Chiều đó, Thủy và mẹ đi chợ về muộn. Tại chỗ bỏ tiền, bà thấy nhiều lính và cảnh sát. Bà hiểu rằng một kẻ nào đó đã báo tin cho an ninh địa phương. Dân quân đã kích và bắt trọn ổ du kích kinh tài.

"Ba Thủy, ông có nghĩ rằng an ninh xã biết nhà mình đóng thuế cho Việt cộng không?" bà hỏi.

"Tôi không biết. Nhưng không có dấu hay vết tích gì trên phong bì," ông khuyên giải vợ. Bà bớt lo sợ.

Hai tháng trôi qua mà không có biến cố quan trọng. Thủy và Long gặp nhau mỗi buổi chiều, cùng nhau nuôi heo gà vịt, chuẩn bị cho đám cưới tương lai. Tuy nhiên một đêm một loạt súng nổ rất gần nhà của Thủy. Một người đàn ông bị bắn hạ ngay lúc ông này băng qua hàng rào gai xương rồng.

"Ông ta có thể là một du kích, chồng cô gái của nhà đó," cha Thủy nói thầm với vợ. "Cô ấy là một trong số các cô gái đã mang thai mà không có chồng hoặc chồng mất tích, khi chính phủ Cộng Hòa tiếp thu tỉnh này sau Hiệp định Genève.

"Có lẽ người đàn ông về thăm vợ nhiều lần," mẹ Thủy nói tiếp, "lần này ông ấy bị bắt tại trận."

"Bà nói đúng," cha Thủy nói. "An ninh về đêm sẽ siết chặt hơn."

Buổi chiều khi Long gặp Thủy, anh ta cho cô gái biết anh sẽ gia nhập địa phương quân. Anh sẽ theo khóa huấn luyện quân sự ba tháng.

"Thủy, em đừng lo," Long an ủi, "anh sẽ phục vụ tại quận nhà. Anh sẽ thi hành công vụ tại các làng ven biển." Nhưng cô gái vẫn lo lắng.

Khoá huấn luyện quân sự của Long chấm dứt. Về nhà trông anh khoẻ mạnh hơn hoạt động hơn. Anh được giao nhiệm vụ tại xã nhà. Cả hai gia đình chuẩn bị đám cưới cho đôi trẻ.

Hai tháng trước lễ Phục Sinh năm 1972, Long dìu cô dâu yêu quí của anh về nhà trai trong đám rước dâu đồng quê cha mẹ chú rể, cha mẹ cô dâu, bạn bè của họ, bạn cùng quân ngũ, và hàng xóm láng giềng, làm thành hai hàng dài song song, được đám trẻ con hiếu kỳ vây quanh, vỗ tay reo mừng. Một ban nhạc mở đường, khách dự tiệc cưới, vui cười, trong các bộ quần áo mới, trắng, xanh, hồng, đỏ lượn quanh xuyên qua các cây dừa, giống như con rồng giấy nhiều màu sắc sặc sỡ đang uốn mình di chuyển, dưới bóng mát của tàng lá dừa và trong gió biển trong lành.

Nhà chú rể ồn ào tiếng cười, tiếng nói chuyện và sặc mùi nồng của ruợu và khói thuốc lá. Sau hai giờ, nhà yên tĩnh hơn khi thực khách đã no say lần lần ra về. Cô dâu và chú rể cảm thấy dễ chịu, nắm tay nhau chay ra bờ biển để hưởng đêm tân hôn trên biển khơi. Cả hai đẩy chiếc thuyền thúng đan bằng tre ra biển và chèo thuyền đi ra đảo Chùa như họ đã đự tính trước khi cưới.

Biển đen như mực. Bầu trời xanh có trăng lưỡi liềm và hằng vạn tinh tú. Nhìn vào làng, đôi trai gái chỉ thấy đốm sáng vàng nổi bật trên bức màng đen. Yên lặng và không bóng người quanh đôi vợ chồng mới cưới. Nhìn nhau, họ thấy lờ mờ đường nét trên hai gương mặt.

"Thủy, mắt em ở chỗ nào? Anh không thấy rõ."

"Long, đây có phải là tai của anh không? Em rờ thử." Đôi tân hôn cười. Chuyện không đâu. Long ôm Thủy, hôn đôi môi lâu dài.

"Anh yêu em, Thủy."

"Em yêu anh nhiều lắm. Em sẽ sống cùng anh suốt đời."

"Anh sẽ là người chồng tốt của em."

"Em sẽ là người vợ hiền của anh."

"Trời cao, biển rộng, mặt trăng, và ngôi sao sẽ làm chứng lời thề của vợ chồngta," Long nói. "Em nhìn biển đi. Vợ chồng mình sẽ hạnh phúc ở đây. Anh là một ngư dân. Anh thích sống với cá, sóng biển, và thuyền bè."

"Biển thật tuyệt vời!" Thủy thốt ra. "Long, biển êm quá."

"Đúng. Chúng ta cảm thấy hơi nóng. Em thích cà phê hay chè đậu xanh?"

"Cho em chè đậu."

"Anh uống cà phê."

Họ hôn nhau. Nhẹ nhàng  rồi sôi nổi.  Nằm trên chiếc thuyền tự do trôi theo sóng nước, họ đếm sao, phá lên cười nói khi thấy sao băng lướt nhanh trên bầu trời.

Các vì tinh tú lặn dần từng cái một. Bầu trời trở nên sáng hơn. Ngày mới bắt đầu khi con thuyền đôi tân hôn cập bến.

Bảy ngày phép để thành hôn  chấm dứt. Long trở về đơn vị. Đôi vợ chồng mới cưới sống với gia đình vợ. Hàng ngày Thủy đi bán cá với mẹ ở chợ Tuy hòa. Long không có một thời biểu công việc nhất định: đôi khi đi công vụ hai ba ngày liên tiếp, đôi khi nghỉ ở nhà 24 giờ. Khi ở nhà họ quấn quít bên nhau, ngày đêm không rời một bước. Họ chuẩn bị các bữa ăn, dùng cơm với nhau, và tắm biển với nhau.

Một buổi chiều Long cùng vợ thong thả đi bộ về nhà sau khi rời bãi biển. Thình lình, anh thấy như có hình bóng gì phất qua phất lại trước mắt mình. Thì ra trong bóng chiều sắp tàn, một bà già mặc bộ bà ba đen đang phất qua phất lại chiếc chiếu trên đống trấu bốc khói, làm cho làn khói bay lên bị ngắt quãng từng đoạn ngắn dài. Long nghĩ điều này có một ý nghĩa giống như đánh  morse  cùa Hướng đạo. Đây không phải là việc rũ chiếu bình thường, Long nghĩ. Ban an ninh xã nghiên cứu, theo dõi hành động của bà già đó so sánh với các hoạt động quân sự địa phương đã giúp khám phá những hầm vũ khí và bắt các cán bộ nằm vùng trong làng. Do đó Long được giao nhiệm vụ an ninh đặc trách tình báo cho các xã duyên hải. Trong một thời gian ngắn anh đã phá vỡ nhiều tổ cơ sở Việt Cộng nằm vùng và cắt đứt nhiều đường giây giao liên gián điệp.

Thành tích của Long được cấp trên khen thưởng và bà con tin tưởng. Đôi vợ chồng trẻ và cha mẹ nội ngoại có một tin vui là Thủy đã có thai. Cả hai gia đình mở tiệc ăn mừng.

"Thủy, con của chúng ta sẽ giống em, đôi mắt đẹp, mũi thẳng, môi đỏ mọng, và một thân hình thon thả," Long vừa nói vừa vuốt đôi má của người vợ trẻ xinh đẹp.

"Em muốn con chúng ta là con trai, thông minh, cường tráng, và đẹp trai như anh," Thủy vừa nói vừa vuốt lưng của anh.

"Anh muốn để dành tiền để cất một ngôi nhà mới riêng của chúng ta."

"Em cũng muốn như vậy," Thủy nhìn chồng, hạnh phúc.

Nhưng rồi lễ Phục Sinh năm 1972 đến với dân Miền Nam không còn an lành nữa khi Việt Cộng xua 200 ngàn bộ đội có xe tăng yểm trợ băng qua Sông Bến Hải, chiếm Cổ thành Quảng Trị. Tại các thung lũng gần Rặng Trường Sơn, nhiều cánh quân của cộng sản miền bắc yểm trợ du kích địa phương tấn công các vị trí quân sự.  Long và toán an ninh của anh lãnh nhiệm vụ đặc biệt tại quận Đồng Xuân, một thung lũng cách biển Mỹ Á 40 cây số.

"Thủy, anh đi công tác xa nhà ít ngày," Long đang xếp vài bộ quần áo vào túi đeo lưng, nói với vợ, "Đừng lo lắng. Anh sẽ về sớm." Anh hôn vợ và vuốt bụng vợ chào thai nhi.

"Cẩn thận nghe anh." Thủy vẫn lo lắng, vẫy tay chào Long khi anh bước lên xe Jeep.

Sự âu lo vẫn lờ mờ theo đuổi Thủy trong khi theo mẹ ra bờ biển mua cá để bán ở chợ và cá xà bần để nuôi heo.

"Thủy, hãy ngoan và bình tĩnh," mẹ Thủy an ủi. "Mẹ thương con và con là con duy nhất của mẹ. Mặt buồn rầu của con làm mẹ sợ. Chồng con sẽ về sớm."

"Thủy,”" cha Thủy nói với con gái vào buổi tối, "Con đừng lo sợ thái quá. Tình hình vùng mình không đến nỗi nào đâu. Long sẽ về sớm." Thủy cảm thấy yên lòng hơn.

Cả tuần lễ đã trôi qua mà không có tin gì của Long. Một buổi chiều,  người phát thơ đi qua nhà và nói, "Cô Thủy có thơ."

"Cám ơn chú," Thủy nói. Nhìn địa chỉ người gởi, Thủy thấy nhẹ lòng, ôm mẹ, và nói, "Thơ của anh Long, mẹ ạ."

Lẹ làng, cô mở thơ đọc lớn cho cha mẹ cùng nghe.

"Em Thủy thân yêu,

"Sau sáu ngày làm việc cực nhọc, hôm nay anh mới có giờ rảnh rổi viết thơ cho em biết ngày đêm anh nhớ tới em luôn.Trong thơ anh gởi về cho em một ít hoa tím mằng lăng khi anh đi ngang qua rừng cây mằng lăng. Hoa có mùi thơm ngọt lịm, theo anh nghĩ, vì đám ong mật bu quanh, rù rì, và hút nhụy hoa. Khi nào anh về, anh sẽ mang về cho em một trái mít thật to, loại mít nghệ mà em ưa thích nhất. Anh hy vọng sẽ gặp em sớm. Anh rất tiếc chữ viết của anh cong queo vì tay anh cứng: lâu rồi anh không viết, chỉ biết kéo lưới mà thôi..."

Thủy nhìn cha mẹ cười. Cả nhà vui vẻ, huyên thuyên...Bỗng, đúng vào lúc ấy, họ ngạc nhiên thấy một cái xe nhà binh chở một cái hòm có phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ dừng lại trước cổng nhà Thủy.

Một trung sĩ ăn mặc chỉnh tề bước vào nhà và Thủy chỉ nghe, "...chia buồn sâu xa..."

Cha cô hỏi ngưòi trung sĩ chuyện gì đã xãy đến cho con rể của ông.

"Sáng hôm qua," viên trung sĩ kể lại, "khi trận chiến dành quyền kiểm soát Làng Đồng Tre chất dứt, Long và toán an ninh của anh đứng gần một cái hồ sen hoạch định kế sách nhổ tận gốc các tổ du kích Việt cộng. Bất thần một du kích núp ven nước, ẩn mình trong lá sen, ném trái lựu đạn vào toán an ninh. Long chết và những người khác bị thương."

Sau đó Thủy được đưa vào nhà thương nằm điều trị suốt một tuần. Cha mẹ cô rất lo lắng cho đứa bé trong bụng.

Trước mắt Thủy một bức màn đen, sầu thảm,  ma quái che phủ ngôi nhà của cô và những cây dừa của làng cô. Mặt trời đen chìm xuống sau rặng Trướng Sơn ở phía tây. Thủy bất tỉnh té nhào xuống nằm trên cái hòm. Lá thơ rời khỏi tay cô, bay theo chiều gió lượn qua lượn lại, và sau cùng rơi nằm trên phía đầu kia của chiếc hòm. Tiếng khóc, tiếng kêu than não ruột, tiếng thở dài...

Mẹ Thủy và các bà hàng xóm đã khiêng Thủy vào phòng nghỉ.

Cha Thủy an ủi, "Thủy à, mẹ con và cha yêu thương con vô vàn. Cha mẹ Long cũng thương con và em bé, cháu nội của họ. Con hãy ăn uống tịnh dưỡng, và hãy nghĩ tới tương lai của con và con của con, cháu ngoại của cha." Thủy giữ yên lặng.

Một đêm Thủy chạy ra bãi biển và mẹ cô lo sợ chạy theo. Cô gái điên cuồng trèo lên ghe thúng bằng tre nan, và mẹ cô cũng trèo lên theo. Cô chèo chiếc thuyền ra khơi và thả thuyền trôi theo sóng biển. Thủy la hét gọi tên Long trách móc, "Long, anh nói với em anh yêu em một trăm năm và bây giờ anh bỏ em lại một mình...” Cứ thế Thuỷ la khóc cho tới khi bất tỉnh. Mẹ cô chèo thuyền vào bờ. Cha cô ẳm cô về nhà.

Số phận của các goá phụ trẻ của Miền Nam rất đáng thương, thật xót xa, cha Thủy nghĩ. Ông thở dài buồn bã. Năm sau một bé gái xinh xắn ra đời. Mọi người của hai gia đình nội ngoại rất mãn nguyện.

Nhiều tin xấu bay đến cho Miền Nam Việt Nam vào các năm 1974 và 1975. Cha mẹ Long, cháu nội và Thủy trốn vào Saigon tháng 4 năm 1975 bằng thuyền đánh cá của gia đình. Họ tới được Hông Kông và sau đó được vào Mỹ. Tuy nhiên cha mẹ của Thủy không muốn rời khỏi Bãi biển Mỹ Á.

Thủy thức dậy sớm và chuẩn bị đi làm.

"Aimée, dậy đi con, 7:00 giờ rồi. Sửa soạn để đi học."

"Vâng ạ."

Hai mươi phút sau, Thủy đưa con tới trường và cô lái xe tới sở làm việc.