Về Huế |
Tác Giả: Nghiêm Văn Minh |
Thứ Bảy, 11 Tháng 7 Năm 2009 01:09 |
Mùa hè năm 2000, tôi có dịp về lại thành phố Huế. Chuyến đi này tôi dẫn theo đứa con trai, lúc đó Duy mới khoảng 12 tuổi: Cái tuổi bắt chước làm người lớn với tâm hồn của trẻ thơ , cái tuổi vô tư nhìn cái gì cũng thấy lạ- cũng hiếu kỳ, cái tuổi chân sáo nhún nhẩy vào đời, hái hoa mà sợ hoa tàn, bắt bướm nhưng sợ bướm đau. Tôi có hứa với Duy là sẽ dẫn Duy về Huế khi tôi có dịp về lại Việt Nam, nghĩa là sẽ dẫn Duy đến đất hoàng triều cương thổ ngày xưa của triều Nguyễn. Ở Paris đã từng gặp vua Bảo Đại với người vợ sau cùng của ông làngười Pháp, nên Duy rất muốn đến được nơi ngày xưa ông vua này đã sống và làm việc ở Việt Nam: Duy muốn so sánh những lâu đài cung điện của vua Việt Nam với lâu đài cung điện ở Pháp và ở Anh, những nơi mà Duy đã nhiều dịp xem qua... Còn tôi, từ lần ghé về mấy năm trước, Huế đã để lại trong tôi những hình ảnh thân tình, hiền hòa và đáng nhớ. Dạo đó, thời Việt Nam mới mở cửa, trong một dịp tôi dẫn theo một phái đoàn Pháp về VN : Khi chúng tôi đến Huế, trời đã tối. Xe đưa chúng tôi tới khách sạn, tôi đi vội vào quầy tiếp tân: - Cô làm ơn chỉ cho tôi cách đi đến địa chỉ này được không? Cô bé có chiếc răng khểnh khẽ liếc nhìn địa chỉ: - Muốn qua Kim Long, anh có thể lấy xe xích lô đạp ở trước thềm khách sạn đó... Mấy cô bên Kim Long đẹp lắm. Thật ngạc nhiên nhưng tôi cũng chẳng có thì giờ để hỏi là tại sao cô ta lại nói với tôi như vậy. Ra đến ngoài khách sạn thì nhiều xính lô đạp trờ tới chào đón, tôi đưa địa chỉ cho một anh và nhờ chở qua bên Kim Long. Trên đường đi, tôi hỏi dò xem tại sao cô ở quầy tiếp tân khách sạn lại nói những câu đó. Anh đạp xích lô chỉ ngâm khẽ hai câu thơ: Kim Long có gái mỹ miều, Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi Tôi chợt hiểu và phá ra cười. Nếu anh ta biết lý do tôi muốn đến Kim Long thì chắc anh ta sẽ té bổ ngửa( mà có lẽ tôi cũng chả nên tiết lộ ra đây làm gì cái ý muốn từ thiện ấy)... Tôi giữ im lặng suốt quãng đường, dành trọn thì giờ chú tâm để ngắm Huế về đêm.. Lúc tới Kim Long, trời đã tối mịt, đèn đường hầu như không có, chỉ leo lét chút ánh sáng hắt ra từ những con thuyền đậu cạnh bờ sông Hương. Đến một đoạn đường đầy những ổ voi thật là khó khăn, không thể đạp xe tiếp được nữa, anh xích lô nói với tôi: Tôi bảo anh ngồi chờ tôi ,khoảng 10 phút tôi sẽ quay ra và nhờ anh cho trở về. Về lại, lúc trả tiền, tôi nói đùa với anh xích lô đạp: - Ngày xưa trẫm mà liều đi vào buổi chiều tối như thế này thì làm sao trẫm biết được đẹp hay xấu? Anh ấy trả lời : -Biết chứ anh, bởi vì bất cứ ai ở đó cũng đẹp cả! Gái Kim Long nổi tiếng mà! Tôi về khách sạn cũng vừa đúng lúc mọi người trong phái đoàn sửa soạn đi ăn ở một tiệm gần đó. Trong lúc tất cả đang ăn uống, một bà có lẽ là chủ nhà hàng mang đến cho tôi một đĩa mắm tôm ăn với rau sống. Bà nhỏ nhẹ nói: - Tôi mời anh dùng thử món tôm chua này, nhà hàng làm. Tôi rất ngạc nhiên trước thái độ hiếu khách này :Bà ta chỉ mang ra cho có mỗi một mình tôi, trong khi tôi đến chung với khoảng 30 người, toàn là người Pháp; và từ lúc rời phi trường Charles de Gaulle tới giờ tôi chỉ nói toàn tiếng Pháp, ngay cả khi đến phi trường Nội Bài lẫn những ngày lưu lại Hànội, tôi cũng không nói một tiếng VN. - Cảm ơn chị.. Nhưng sao chị lại biết tôi người Việt? - Tôi đoán thế.. Tôi còn nghe được chút ít tiếng Pháp nên đoán anh là người từ bên đo về.. Tôi cũng có người chú qua bên ấy từ năm 54, hiện chú ấy đang sống và làm việc ở Paris. Mấy người trong phái đoàn thấy tôi có thức ăn riêng nên nhao nhao lên: - Không đúng đâu nha M. : Tại sao ‘mày’ được ăn món đặc biệt riêng như vậy. Cái này kỳ thị ạ.. - ‘Tao’ có biết gì đâu! Người ta mời riêng ‘tao’ dùng thử mà! .. Không phải kỳ thị đau, tình người đó. -Thế ‘tụi tao’ là gì? - Thì là tình đồng hương vậy mà. Chịu chưa? Tôi bất đắc dĩ phải chia sớt cho mấy người ngồi bên cạnh mỗi người chút mắm tôm chua cho ăn thử, họ đều tấm tắc khen ngon. Tôi hứa sẽ gọi món này vào bữa ăn ngày mai cho tất cả mọi người. Ở Paris, Duy đã được biết đến vua Bảo Đại: Thỉnh thoảng cu cậu vẫn được gặp ông ta ở gia đình bên ngoại.. Ông Bảo Đại lúc cuối đời sống với một người đàn bà Pháp, họ ở trong một khu chung cư thuộc quận 16, với tiền trợ cấp của chính phủ Pháp. Còn ông bà ngoại của Duy vẫn thường mời vua Bảo Đại và bà vợ người Pháp của ông đến nhà dùng cơm: Gia đình ngoại của Duy trước kia cũng đã có một thời sống ở Huế, bà ngoại lại vốn có khiếu bếp núc nên nấu ăn rất ngon, có tiếng ở cộng đồng người gốc Việt sinh sống lâu đời tại Paris. Thườn thì những bữa cơm nhà với vua Bảo Đại tham dự đều được bà ngoại Duy chế biến và bày biện theo kiểu Huế. Tôi nghĩ, chắc vua Bảo Đại vẫn thích dùng bữa với những món đặc biệt của thời cung đình xưa, và những món đó thì chắc chắn là bà vợ người Pháp của ông không dễ gì thực hiện nổi. Vua Bảo Đại là một nhân vật rất ít nói, hầu như rất ít khi chịu lên tiếng thì đúng hơn. Nhất là ông không bao giờ ông chịu trả lời những câu tôi hỏi về khoảng thời gian lịch sử mà ông là chứng nhân. Chẳng hạn có lần được ăn chung một bàn ở nhà ông bà ngoại Duy, tôi có lên tiếng hỏi ông về ông NĐD, lý do tại sao ông lại chọn ông NĐD làm thử tướng, và ông có hối hận về quyết định ấy không? Thủy chung ông chỉ tằng hắng, tảng lờ hay ậm ừ cho qua.. Những lần gặp gỡ vua Bảo Đại như trên chính là nguyên nhân thúc đẩy tính tò mò của tâm hồn đứa trẻ là Duy, nuôi mãi trong bụng ý muốn được về Huế, muốn tìm hiểu thế nào là một đời sống của một vị vua Việt Nam đã thực sự sống thời trước đây, mà Duy đã được nghe kể trong những lớp học tiếng Việt tại Paris. Lầm trước khi tôi đi Huế về cũng thế, Duy có hỏi tôi về chỗ ở của vua Bảo Đại bên Việt Nam có giống Chateau de Versailles của Louis 14 hay Buckingham Palace của nữ hoa`ng Anh không ? Thật tình tôi không có được câu trả lời chính xác , nhưng cũng phải nói lấy lệ: - Chỗ vua chúa ở mà con: ngày xưa thì chắc cũng đẹp lắm, nhưng nay thì hẳn phải đổ nát gần hết vì chiến tranh... Đến phi trường Đà Nẵng, chúng tôi thuê taxi về Huế. Đường đi hồi đó còn chưa được sửa sang gì nên rất khó đi, phần lớn trên được đều là ổ voi chứ không còn phải ổ gà nữa. Tới Huế vào chập tối. Từ bên này sông nhìn qua khu thành nội lúc lên đèn rất là đẹp, có chút yên ả nhẹ nhàng của dòng sông Hương lặng lờ với thành quách cổ xưa... Sáng hôm sau, tôi dẫn Duy vào hoàng cung xưa kia của nhà Nguyễn, sân Đại Triều, điện Cần Chánh, Dưỡng Tâm điện, cầu Trung Đạo, hồ Thái Dịch...những dấu vết cổ xưa đang được UNESCO tài trợ để trùng tu lại... Tuy nhiên, tôi không biết ngân khoản tái thiết có nhiều lắm không nhưng cụ thể kết quả trước mắt nhìn thấy thì có vẻ không mấy lạc quan và rất chậm. Sáng ngày thứ nhì, hai cha con chúng tôi thuê một chiếc taxi đi thăm lăng tẩm của những vị vua triều Nguyễn, như Tự Đức, Thành Thái, Khải Định. Đến trưa, tôi dẫn Duy tạt vào một tiệm ăn dân dã của Huế. Ở đây, Duy chứng kiến tận mắt cách làm những bánh bột lọc, bánh nậm, bánh lá..., là những món ăn đặc sản của Huế. Sau này Duy thổ lộ với tôi rằng đó là bữa ăn Duy thích nhất trong những ngày du lịch Việt Nam. Ăn trưa xong, điểm đến kế tiếp là chùa Thiên Mụ: Trên ngọn đồi có tên là Hà Khê, thuộc tả ngạn sông Hương, Thiên Mụ là ngôi chùa cổ bậc nhất ở Miền Nam VN, nghe nói được xây từ thời chúa Nguyễn Hoàng. Tục truyền rằng khi vào đến Huế, chúa Nguyễn nghe người dân đồn với nhau là có một người đàn bà mặc quần lục áo đỏ đêm đêm từ trên trời hiện xuống và báo rằng sẽ có một vị Chúa đến lập chùa ở đây. Chúa Nguyễn đã cho lệnh xây ngôi chùa này vào đúng chỗ dân làng báo mộng. Xe ngừng trước cửa chùa, chúng tôi bước lên được mấy bậc thang là đã thấy ngay nơi để chiếc đại hồng chung. Chính nơi này truyền thống phát xuất ra tiếng chuông vang vọng từ mấy trăm năm trước mà những người con xứ Huế dù sau này có lưu lạc đến tận nơi đâu đi nữa cũng không thể quên được câu: “ Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương. Ai về cho nhắn sông Hương Muốn thăm thôn Vĩ , ngại đường quá xa” Tôi rất thích tên những địa danh ở Huế. Như Vĩ Dạ, Nam Giao, Ngự Bình, Đông Ba, Trường Tiền...Người Huế có cách đặt tên những danh từ riêng thật hay, mà tôi thường cảm nhận như có chút buồn buồn man mác nào đó vương trong ánh mắt của con người sống ở vùng đất của vua chúa nhưng lắm chuyện tai ương này. Như nghe câu hát: “..Ngày xưa mưa rơi thì sao? Bây chừ nghe mưa lại buồn...” Tôi nghe người ta nói đến Huế mà vào mùa mưa thì sẽ hết thích mưa, nhưng nếu người có chút đồng cảm với đất trời thì sẽ sáng tác ra được những áng thơ nhạc như những bản tình ca để đời này. Tôi kể sơ cho Duy nghe về sự tích tại sao có cái tên Thiên Mụ này. Có lẽ lối tôi kể chuyện không mấy hấp dẫn, vì tôi liếc thấy chú bé con mình đang có vẻ lơ đãng nhìn vào tháp Phước Duyên ở bên cạnh... Cũng may, lúc đó thoáng thấy bóng dáng của vị tri khách tăng của chùa, tôi tiến đến gặp thầy: - Con đang giảng cho cháu nó nghe về sự tích của chùa đây. Nhưng vì không biết rõ nên mong thầy chỉ dạy thêm cho. Thầy chỉ tay vào một vị sư khác: - Anh có thể đến nhờ thầy trụ trì, thấy đang đứng nói chuyện với khách kia kìa. Tôi rủ Duy tiến tới gặp thầy trụ trì. Sau khi được biết hai cha con chúng tôi từ Paris về thăm Huế và thấy Duy nói được tiếng Việt sõi, thầy hoan hỷ giảng giải cho nghe những sự tích, huyền thoại về việc xây chùa, cũng như một vài biến cố đã xảy ra nơi đây. Vừa nói thầy vừa hướng dẫn chúng tôi sang bên cánh trái chùa và chỉ cho xem chiếc xe mà hòa thượng Thích Quảng Đức đã sử dụng lần cuối cùng trước khi ngài tự thiêu. Sau đó thầy lại dẫn chúng tôi vào bên trong, đến một cái am do học trò của thấy làm cho thầy. Lúc ấy tôi mới được biết pháp danh của thầy, và biết thêm là thầy mới ở tù ra cùng thời gian với linh mục Nguyễn Văn Lý. Thầy tiếp chúng tôi khá lâu qua những câu hỏi đáp về đời sống ở Pháp, ở Việt Nam, và ở trong tù của thầy. Tôi cũng có hỏi về Phật pháp, và nhất là về thơ văn. Thầy có một trí nhớ tuyệt vời về những bài thơ của thầy Tuệ Sĩ, Bùi Giáng, ni sư Trí Hải và của chính thầy làm trong từ nữa... Mê mẩn nghe thầy ứng khẩu trích đọc, khiến chúng tôi quên cả giờ giấc.. Mãi đến khi một thầy tới mời chúng tôi ra nhà khách dùng cơm tối, lúc ấy cũng đã hơn 6 giờ chiều rồi. Hôm đó, chúng tôi được dùng bánh canh chay ở chùa. Ngồi bên cạnh chúng tôi, thầy trụ trì bảo Duy: - Con để ý mà xem, ở đây không có ruồi. Ruồi nó không thích ăn chay. Duy trả lời: - Con biết mà. Ở bên Pháp cũng thế, con cũng không thấy có ruồi trong thiền đường. Ăn xong, thầy trụ trì mời chúng tôi ra xem tập võ ngoài trời: Lớp học được dạy ngay trên sân sau của chùa, do những học trò của thầy trụ trì đứng ra đảm trách và những võ sinh là trẻ của những gia đình sống ở chung quanh chùa. Thấy có khách lạ, những võ sinh xem ra cố trổ tài : Nào đá, nào lăn rồi lộn mèo mà thân mình không hề chạm xuống mặt đất. Nhìn những đứa bé tập võ trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, chẳng găng tay, chẳng dụng cụ để bảo vệ chân và chỗ kín. Duy tỏ ra hết sức thích thú kích động, không ngớt vỗ tay tán thưởng. Thầy trụ trì hỏi Duy: - Con có muốn học võ không? - Dạ, thưa thầy có. - Con có muốn về đây học không?.. Vào lúc con nghỉ hè đó. Xin ba con cho con về đây ba tháng hè, thầy sẽ chỉ cho con. Duy quay qua tôi nói bằng tiếng Pháp: - Je veux bien.., mais je veux rester à l’hotel. Tôi cười và dịch lại cho thầy trụ trì nghe ( dĩ nhiên là dịch hơi khác đi một chút): - Duy nó muốn về học với các em ở đây, nhưng mà phải có papa đi theo. Gầm 8 giờ tối chúng tôi mới ra khỏi chùa. Một buổi chiều thật là đáng nhớ cho cả hai cha con chúng tôi. Rời khỏi chùa Thiên Mụ, Duy vẫn tung tăng nhẩy chân sáo theo tôi ra chỗ xe taxi chờsẵn. Tôi không biết trong tâm tư Duy đang chuyển biến ra sao? Chú bé đang nhớ lại những đứa bé trong lớp tập võ sân chùa vừa qua, hay hồi tưởng đến lớp học Yoseiken Budo mà chú đã tham dự ở bên Pháp? Riêng tôi, những hình ảnh trong tù mà thầy trụ trì lúc nãy kể lại hiện ra.. nhưng trong suốt thời gian từ lúc được gặp cho đến lúc giã từ, tôi chỉ thấy trong ánh mắt của thầy tràn trề vẻ bao dung và đầy ắp thương yêu, không một pháp đối đãi. Ở ánh mắt ấy, tôi biết, những cơn bão của oán hờn, của khổ đau, của mưa nắng cuộc đời đã và sẽ đi qua mà chưa hề lưu lại một thoáng dấu vết nào. Tôi thầm nghĩ, tại sao ánh mắt ấy lại chẳng thể để trụ lại những nhục nhằn của cuộc sống người đời thường?.. Có lẽ là nhờ vào trí tuệ, nhờ vào công phu tu tập và tính từ bi của thầy? |