Trong Đó Có Tôi |
Tác Giả: Nguyễn Ngọc Ngạn | |
Thứ Ba, 23 Tháng 6 Năm 2009 21:36 | |
Hình ảnh của ba thằng con trai đó cứ lẩn quẩn trong trí nàng, rất khó quyết định, chọn lựa. Nhưng, điều làm cho tôi bực nhất là nàng quên hẳn một gã đàn ông thứ tư cũng yêu nàng tha thiết – có khi còn mãnh liệt hơn cả ba gã kia nữa – đó là tôi! Chính vì thế mà tôi thân với nàng nhất. Đúng ra, nàng coi tôi như một thằng anh trai. Có lẽ cũng không phải, vì rõ ràng nàng đã có một thằng anh là Định, nhưng có bao giờ nàng đem chuyện ái tình lẩm cẩm ra mà kể với Định đâu. Có lần nàng vừa gợi chuyện đã bị Định mắng át: - Mày cà chớn vừa vừa chứ ! Lớn rồi phải biết nghĩ. Mày nên nhớ rằng, dù mày có cặp với triệu thằng thì cuối cùng mày cũng chỉ lấy được một thằng mà thôi! Chính tôi cứ phải nghe ngày này qua ngày khác, những mẫu chuyện nàng kể về ba gã đàn ông kia, và bất đắc dĩ, tôi phải nói với nàng một câu rất rẻ tiền: - Anh coi Hà như em gái của anh! Kỳ thực làm sao có thể coi như thế được! Với tôi, Hà chẳng dấu diếm gì cả. Có khi còn tự nhiên quá đáng, làm như tôi cùng đồng phái nữ với Hà. Lâu dần, tôi trở thành cố vấn ái tình cho nàng mà trong lòng tức anh ách. Có lần Hà đến phòng tôi, nằm lăn ra giường. Chiếc váy ngắn co lên quá cao. Tôi cứ phải tảng lờ quay đi chỗ khác, làm như mình chẳng hề bận tâm gì đến cặp giò trường túc đang nhịp lên nhịp xuống trên tấm đệm trắng toát trước mặt. Giá không nhờ căn bản đạo đức Khổng Mạnh sẵn có trong người, cộng với công phu ngồi thiền mấy năm trời, thì hôm ấy tôi đã đi tù rồi! Tôi khổ sở kéo ghế lại gần giường, lắng nghe nàng kể lể về ba gã kia và chợt nhận thấy một cách rõ ràng là cả ba người yêu của nàng đều hơn tôi về mọi mặt. Nhưng tôi vẫn tự cho rằng mình là thằng dễ thương nhất! Dĩ nhiên tôi không bao giờ tỏ tình với Hà, vì làm như thế có thể vĩnh viễn đánh mất tình trạng mập mờ quý giá hiện tại. Tôi nhất định không khi nào nói xấu tình địch, trước hết vì tôi tự cho mình là người quân tử, đã thoát khỏi sự ganh ghét thường tình của thế gian. Hơn thế nữa, nói xấu kẻ thù một cách vụng về thì luôn luôn đem tới phản ứng ngược. Trong cách xử thế, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi một câu nói của cổ nhân: - Chửi bới là một hình thức lý luận nghèo nàn nhất, và chỉ biểu lộ một mặc cảm thua kém!” Tôi cứ phải nhịn nhục, dù chuyện của nàng nhiều lúc nghe rất chướng tai. Có đêm vừa thiu thiu ngủ, tôi bị điện thoại đánh thức dậy để nghe nàng kể về bức thư tình nàng vừa nhận được, do một trong ba gã gửi tới. Khổ nhất là nàng lại đọc nguyên văn lá thư gần mười trang cho tôi nghe, giọng văn Hà Triều Hoa Phượng mà có lẽ chính người viết cũng đã vội vàng bỏ vào phong bì không dám đọc lại. Nhưng quả thật tác giả bức thư tán tỉnh cũng cao tay lắm. Cuối thư gã viết: -”… Anh tầm thường lắm, chẳng có gì cho em kỳ vọng. Chỉ có tình yêu làm hành trang vĩnh cửu đến với em…” Thì dĩ nhiên là gã tầm thường thật! Nhưng gã nói ra điều đó, khiến Hà có cảm tưởng gã rất vĩ đại mà khiêm tốn. Và nàng run run cảm động, ngây ngất ôm lá thư, kẹp vào giữa hai đùi mà ngủ! Một buổi chiều cuối tuần, Hà rủ tôi đi shopping. Kể ra có Hà đi bên cạnh, cũng là một điều hãnh diện, vì nàng đẹp. Nhưng đàn bà ai cũng như ai, mua một cái áo thì mất nửa buổi để chọn lựa. Tôi cứ lêu bêu bên cạnh, trả lời những câu hỏi quen thuộc được lặp đi lặp lại hàng chục lần: - Cái này được không anh? Hà mặc có hợp không? Tôi chưa kịp lên tiếng thì nàng tự động đáp thay tôi: - Màu này trông già quá. Chỉ có màu này em ưng nhất, nhưng không có số nhỏ. Ngay từ cái áo đầu tiên nàng lôi ra và ướm thử, tôi đã vội vàng khen ngay, hy vọng có thể rút ngắn thời gian: - Đẹp đấy chứ! Em mặc cái này là nhất rồi ! Nhưng nàng lại cứ bình thản máng lên và quay đi. Được mấy bước, nàng quay trở lại, nghiêng đầu, nheo mắt ngắm nghía rất chăm chú, rồi lại đi tiếp. Sau khi khen cả mấy chục cái mà không có kết quả, tôi cảm thấy ngượng và đành bảo nàng: - Thôi tùy em. Về thời trang, anh kém lắm ! Hà hình như cũng nhận ra nét mặt rầu rầu của tôi, vội vàng níu cánh tay và bảo: - Chịu khó đi với em tí nữa. Tươi lên chứ, mặt như đưa đám thế kia. Em giận bây giờ ! Thôi, qua bên Eaton chắc có nhiều kiểu đẹp, tha hồ lựa! Tôi ú ớ mấy lời, nở nụ cười méo xệch và lẽo đẽo đi theo. Hà kể tiếp: - Anh biết không? Ngày mốt là sinh nhật của anh Phục. Anh ấy tổ chức party đông lắm. Tôi nói bâng quơ: - Thế à! Tôi muốn phì cười vì thâm tâm tôi rất chán những thằng đàn ông già gần xuống lỗ rồi còn bày đặt mừng sinh nhật hàng năm. Sinh nhật là trò vui của đàn bà và con nít. Đàn bà cần có dịp để chưng diện. Con nít cần cơ hội để nhận đồ chơi. Thằng Phục đã hơn ba mươi, xấp xỉ cùng với tuổi tôi mà còn giở chứng, nghe thật chướng tai. Hà lại nói: - Anh Phục bảo em là, nếu em mà không đến dự, thì anh ấy dẹp luôn party. Tôi nghĩ bụng: - Em ngu thấy mẹ! Mời ai nó không nói thế! Nhưng tôi chỉ thở dài. Biết nàng mua áo mới để diện với Phục, bước chân tôi càng nặng chĩu. Nhưng cũng còn may nàng nói cho tôi biết nàng sắm quần áo để ra mắt với Phục, chứ nếu không thì tôi đã tốn thêm trăm bạc một cách ngớ ngẩn. Bởi vì từ lúc được Hà rủ đi shopping, tôi vẫn định tâm là sẽ hiên ngang rút credit card ra trả tiền cho nàng. Giờ thì thôi. Đành rằng tôi chẳng tiếc tiền, nhưng tôi rất sợ sẽ có lúc lòng mang mặc cảm hối hận mình đã có thời dại gái. Shopping gần đóng cửa. Hà mới lôi tôi ra khỏi tiệm. Chui vào xe, Hà ra lệnh: - Bây giờ, anh đưa em đi uốn tóc. Tôi ngoan ngoãn chở nàng tới tiệm Hair design do một người đàn bà Việt Nam làm chủ. Tiệm rất đông khách. Đàn ông, đàn bà tíu tít nói chuyện như một cái chợ nhỏ. Mùi nước hoa, mùi shampoo, thuốc nhuộm… trộn lẫn với nhau, bốc lên ngạt ngào như chẹt lấy mũi tôi. Bà chủ nồng hậu mời tôi ngồi, quát người làm pha cà phê cho tôi rồi giắt Hà vào chỗ cắt tóc. Tôi nghe nói có thời bà là hoa khôi ở Sài Gòn, thế mà nay, mới có hơn mười năm, nhan sắc bà đã biến đổi một cách thảm hại, mặc dầu bà luôn luôn trang điểm rất kỹ lưỡng. Tôi nhìn khắp lượt cái đầu trong tiệm. Mái tóc thời trang năm nay trông chán quá. Cụt ngủn, khoe cái gáy ra. Phía trước thì xù lên một chùm như cái đuôi ngựa. Tôi vốn là một thằng bảo thủ, ghét đàn bà tóc ngắn. Tôi tưởng tượng nằm bên cạnh người đàn bà tóc ngắn thì cũng chẳng khác gì ôm một thằng đàn ông! Tôi biết mình vô lý. Bởi vì thời trang là cái người ta phải theo, chẳng nên cưỡng lại để trở thành kẻ lạc hậu, nhà quê. Bà chủ đưa cho tôi cuốn báo Văn nghệ và nói: - Ông ngồi chơi nhé. Để tôi cắt tóc cho bà nhanh lắm ! Bà chủ biết chắc tôi và Hà không phải vợ chồng, nhưng có lẽ bà cố ý hiểu lầm như vậy cho tôi vui. Hà quay lại, nhìn tôi mỉm cười, nhưng không lên tiếng cãi chính. Tôi nhấp ngụm cà phê, cúi xuống mở báo ra đọc. Nhưng không đọc nổi. Quanh tôi, những mẫu chuyện đủ loại ồn ào vang lên. Tiệm uốn tóc nào cũng là một phòng thông tin – hay đúng hơn là một hãng thông tấn – ở đó người ta có thể biết tất cả mọi chuyện đang diễn ra trong thành phố. Bà này bỏ chống, ông kia lấy vợ bé, anh nọ bị thất nghiệp v.v…Chuyện nào cũng hấp dẫn cả. Tôi chúi đầu xuống trang báo, cố ý làm ra vẻ mình không quan tâm đến thế giới đàn bà. Nhưng thật sự tai tôi chẳng bỏ sót một chi tiết nào cả. Bà chủ vừa gội đầu cho Hà xong, dìu nàng lại ngồi trên ghế và chuyển mục sang đề tài hột xoàn, khen hột của bà này to, chê hột của cô kia có sạn. Mới đó, bà lại lôi sang tới chuyện sửa sắc đẹp, ca ngợi ông bác sĩ này căng da bụng khéo, lên án ông bác sĩ kia cắt mắt vụng về. Bà nói huyên thuyên không ngừng một phút. Tôi biết chắc những đề tài của bà đều do khách hàng mang lại, bởi vì bà có bước chân ra khỏi tiệm đâu. Nhưng lối kể chuyện của bà rất sống động và minh bạch, y như chính bà là người trong cuộc hoặc ít là tận mắt chứng kiến. Tôi đứng dậy, ra hiên mua gói thuốc lá. Lúc quay vào thì nghe bà chủ đang nói chuyện kháng chiến. Ở Đông Nam Á hiện nay có bao nhiêu chiến khu, bà khai ra vanh vách, từng chi tiết về quân số, quân trang, quân dụng. Nói đến mỗi tổ chức, bà không quên kèm theo lời bình phẩm về thực lực và tác phong của từng lãnh tụ. Nhưng cái khôn của bà là không chê trách nặng tiếng, có lẽ bà sợ đụng chạm và mất khách. Bất đắc dĩ lắm bà chỉ nói nước đôi: - Tôi biết ông ấy có lòng đối với đất nước lắm, nhưng thời cơ chưa đến. Bà bất ngờ quay sang hỏi tôi: - Phải không ông? Câu hỏi đột ngột quá, khiến tôi lúng túng, đành gật đầu nói đại: - Tôi cũng nghĩ thế. Ngồi nghe chuyện hơn ba tiếng đồng hồ, Hà mới uốn tóc xong. Nàng đến trước mặt tôi, quay bên này, nghiêng bên kia, dồn dập hỏi: - Được không anh? Nàng hỏi theo thói quen thôi, chứ không hề quan tâm tới ý kiến của tôi, vì đằng nào nàng cũng chọn kiểu tóc trước khi vào đây. Tôi biết thế nên chỉ khẽ gật đầu. Hà bảo: - Anh Phục thích kiểu tóc này lắm. Tôi thấy nghẹn trong cổ. Nàng cắt tóc theo ý của Phục thì còn hỏi tôi làm gì nữa. Nửa đêm vừa về tới nhà đã nghe tiếng phone reo. Phục mời tôi đến dự tiệc sinh nhật, mặc dầu chúng tôi chưa gặp nhau bao giờ. Tôi nhất định từ chối không đi. Nhưng ngay sau đó Hà điện thoại nằng nặc nói: - Em bắt anh Phục mời anh đó. Đi với em để em còn hỏi ý kiến anh nữa chứ! Hà cứ nài nỉ mãi, dứt khoát không chịu buông phone cho đến lúc tôi xiêu lòng nhận lời. Ngày sinh nhật của Phục, tôi để Phục đem xe đến đón Hà, còn mình lái xe theo sau. Quả thực đúng như lời Hà mô tả, Phục rất đẹp trai và thu hút đám đông. Nhưng anh chàng bận khách khứa, Hà luôn luôn ở bên tôi. Một gã thanh niên mời Hà nhảy một bản Boston. Hà từ chối. Lát sau nàng khiêu vũ với tôi, gã kia uất ức nói lớn, chắc muốn để tôi nghe luôn: - Thứ em, ở Việt Nam, nói xin lỗi, anh quay đi chỗ khác không thèm nhìn. Người ngồi bên cạnh gã cũng gào lên phụ họa: - Tao cực lực phản đối tình trạng tự lên giá bất hợp pháp của con gái bên này. Mới hơi thiếu một chút đã làm cao. Rồi gã quay sang hỏi tôi: - Đúng không, anh bạn? Tôi cười: - Lên giá tại vì bọn đàn ông mình làm cho nó lên giá đấy chứ ! Cả hai nhìn tôi gật gù cười: - Có lý. Rồi cùng chìa tay bảo tôi: - Rua ông bạn một cái. Mẫu đối thoại không làm tôi quên Hà. Mắt tôi vẫn đăm đăm theo dõi nàng đang gục đầu vào vai Phục trong nhạc điệu xì lô, thì thầm to nhỏ. Tôi thở dài buồn bã. Nhìn Phục, căn nhà thênh thang của Phục và cách ăn mặc rất trang trọng của Phục, tôi thấy mình bất lực và nên bỏ cuộc chạy đua thì hơn, trước khi chuốc lấy thất bại đắng cay. Tôi nghĩ đến bà chủ tiệm uốn tóc, và tự trấn an rằng: một người có thời lẫy lừng về nhan sắc như bà mới vài năm qua, thời gian đã xóa đi mọi dấu vết, chỉ còn lại những phai tàn đến tội nghiệp. Hà có lẽ cũng thế mà thôi. Chẳng có gì quý giá đến độ tôi phải khổ sở. Tự trấn an mình xong, tôi búng tay đứng dậy, lại quầy lấy cho mình ly rượu nhỏ, bước ra cửa vừa uống vừa ngó trời đất. Bản nhạc dứt, Phục dìu Hà đến trả lại cho tôi. Tôi bảo hai người: - Anh có chút chuyện phải đi gấp, Hà ở lại đây, lát nữa nhờ anh Phục đưa về. Nàng vờ vịt dãy nảy. Còn Phục thì cảm động ra mặt, nghiêng mình bắt tay tôi rất lịch sự, đồng thời tiễn tôi ra tận lề đường, hai ba lần dặn tôi thỉnh thoảng ghé chơi. Tôi lên xe phóng đi, lòng nặng chĩu. Dọc đường tôi ghé coi dăm cuốn phim 3X cho đỡ sầu đời. Nửa đêm về đến nhà, cởi xong đôi giầy đã nghe điện thoại réo gọi, Hà kể: - Anh Phục bảo em là, anh ấy đi chơi rất nhiều, giao thiệp rất rộng, nhưng chưa bao giờ gặp một người con gái nào gây cho anh ấy nhiều xúc động như em! Tôi muốn gào lên trong điện thoại: - Em ngu thấy mẹ! Gặp ai nó không nói thế ! Chính anh đây là thằng khờ nhất nước Mỹ, mà cũng đã từng nói câu ấy với hàng chục đứa con gái rồi ! Nhưng tôi chỉ đành vuốt theo một cách vô thưởng vô phạt: - Thế à! Hà tiếp tục tán dương Phục, tạo cho gã một hình tượng cao vời vợi. Thậm chí Hà còn bảo trông Phục giống như tài tử Châu Nhuận Phát trong bộ phim “Máu nhuộm bãi Thượng Hải”. Tôi kẹp ống nghe vào tai, uể oải lắng nghe, ừ hử cho qua chuyện. Sau cùng, Hà hỏi tôi: - Anh thấy anh Phục thế nào? Tôi hỏi lại: - Em thấy thế nào? Hà đáp không lưỡng lự: - Tuyệt vời ! - Em thấy sao anh thấy vậy. Hà cười khúc khích: - Thế thì em còn hỏi anh làm gì nữa. Nhưng lạ thay, những ngày kế tiếp, Hà không nhắc nhở gì tới Phục nữa mà chỉ thường nói chuyện với tôi về Huy. Đối với tôi, Huy là anh chàng dễ thương nhất. Nhưng Huy hiền lành và thật thà quá, có lẽ Hà không thích loại người đó, vì nàng còn nhiều mộng mơ. Tôi biết Huy rất lu mờ trong trí Hà mặc dù Huy được sự ủng hộ tối đa của Định, anh nàng. Định tán giùm bạn mãi không ăn thua gì, đâm ra bực. Nhưng Định tức Hà thì ít mà giận Huy thì nhiều. Một lần Huy đến nhà than thở, Định mắng ngay: - Mày ngu thấy mẹ! Con gái nó thích những thằng nói phét. Mày thật thà quá làm sao nó mê được. Huy trố mắt ngạc nhiên, chưa kịp nói gì thì Định nhấn mạnh thêm: - Con gái là loại trời sinh ra để bị dụ dỗ. Mày phải lưu manh một chút mới được. Huy chống chế: - Tại nó là em mày, làm sao tao lưu manh được? Định quát lên: - Phải như thế mới được. Rồi một hôm, Định rủ Hà và Huy đi chơi xa, tới một thành phố rất nhỏ. Ở đó, Định chạy theo mấy cô gái giang hồ, bỏ lại mình Hà với Huy trong khách sạn. Nghe Hà kể đến đây, tôi giật mình hỏi: - Rồi đêm đó nó có làm gì em không? Hà tròn mắt nhìn tôi: - Làm gì là làm gì? Tôi giật mình vì không biết nàng ngây thơ vờ vịt: - Là tỏ tình, cầm chân cầm tay… Hà cười: - À, không! Tưởng gì chứ cầm tay thì lúc nào chả được. Em có cấm đâu! Tôi chán nản nhìn nàng. Nàng vui vẻ nói tiếp: - Suốt đêm em nằm trên giường, Huy ôm mền ngủ dưới đất. Thỉnh thoảng em nghe anh ấy thở dài. Rồi em ngủ một giấc bình yên cho tới sáng. Tôi buộc miệng: - Thằng ngố đó, bỏ là phải! Nói xong, tôi hối hận ngay. Dù sao tôi cũng thương Huy nhất trong ba gã tình địch. Tôi nghĩ nếu Hà không lấy tôi thì chỉ nên lấy Huy thôi. Dĩ nhiên tôi vẫn tin rằng lấy tôi là nhất. Hà nói có vẻ suy nghĩ về câu phát biểu vừa rồi của tôi. Nàng nghiêm trang: - Có lẽ anh nói đúng. Ngố thật! Nên loại khỏi vòng chiến là vừa! Chả hiểu sao, tôi lại bênh Huy: - Thường thường những thằng kép lý tưởng thì không bao giờ là người chồng tốt. Có những loại đàn ông trời sinh ra chỉ để làm bồ thôi, lấy về là vứt đi ngay. Huy không thuộc loại người đó. - Như vậy là anh khuyên em nên lấy Huy? Tôi không trả lời. Khuyên nàng lấy chồng thì tôi chỉ khuyên nên lấy tôi mà thôi! Một đêm mưa nhỏ, tôi bỗng nhớ Hà kinh khủng mà không muốn nói chuyện qua phone. Tôi khoác chiếc áo mưa cũ mèm, màu vàng nhạt, lặn lội sang tìm nàng, nhất quyết phải nói cho nàng biết rằng tôi đang yêu, rồi muốn ra sao thì ra. Đã đến lúc tôi không thể đóng kịch để làm cố vấn ái tình mãi được, để nghe nàng cứ tỉ tê mãi về ba gã đàn ông kia mà trong lòng ôm mối sầu thổn thức nhiều khi mất ăn mất ngủ. Ngày xưa mê đọc tiểu thuyết, tôi yêu cái hình ảnh người con trai lầm lũi đi trong mưa, hứng trọn cái lạnh lẽo của thời tiết và nỗi cô đơn của mưa rơi. Đêm nay, tôi chính là một nhân vật tiểu thuyết, nhưng tôi chả thấy hình ảnh của tôi đáng yêu một chút nào cả. Tôi gõ cửa, nàng ra đón, vui mừng reo lên như người cô phụ đoàn tụ với với anh chồng viễn chinh đã lâu mới trở về. Hà mặc áo ngủ màu hồng nhạt, thấp thoáng mờ ảo dưới ánh đèn hắt ra từ phía trong. Tôi theo nàng vào phòng, mặt nghiêm và buồn, chuẩn bị nhập đề ngay. Nhưng Hà chẳng để tôi có thì giờ bày tỏ, nàng hân hoan bảo: - Em đang cần nói chuyện với anh, may quá anh lại sang. Sao không phone cho em? Tội nghiệp! Mưa gió thế này mà cũng chịu khó lặn lội. Tôi run run cảm động. Nàng cũng biết tôi lầm lũi đi dưới mưa vì nàng. Nhưng tôi chưa kịp lên tiếng thì Hà đã vội lôi ra từ dưới gối, một bức thư màu xanh. Lại thư của thằng rẻ tiền nào đây! Tôi nén tiếng thở dài chờ đợi. Hà kể: - Anh Cường viết thư cho em. Tội nghiệp anh ấy yêu em quá! Tôi nản chí cúi đầu. Hà bình thản tiếp: - Anh ấy bảo: nếu em không đáp lại tình yêu của anh ấy, thì anh ấy sẽ bỏ học, đi Alaska bắt cua! Tôi muốn gào lên và vả cho nàng mấy cái liền. Em ngu thấy mẹ ! Thách cả nhà nó cũng không dám bỏ thành phố lên Alaska mò cua. Nó đang học hành và du hí kỹ như thế mà đòi lên Bắc cực làm quen với nghêu, sò, ốc, hến ! Nhưng tôi biết nói gì bây giờ ! Đã bảo là tôi không có thói quen nói xấu tình địch, vì như vậy mình sẽ trở nên tầm thường quá. Tôi thấy buồn cười cho thằng đàn ông doạ dẫm sẽ đi mò cua bắt ốc. Tôi lại càng buồn cười hơn vì cô em gái của tôi cứ xuýt xoa thương hại mãi cái thằng con trai bạo mồm kia. Mà tại sao nó phải viết thư? Thời buổi này gặp nhau nói thẳng, hoặc tiện nhất là dùng điện thoại, bày đặt thư từ làm gì. Tôi có thằng bạn ăn nói vấp váp, nhưng rất tự tin vào tài văn chương của mình, một hôm gửi bức thư tình dài thăm thẳm cho con bé học năm cuối bậc Trung học. Xui cho thằng bạn tôi, con nhỏ không biết đọc tiếng Việt mà Anh văn thì thằng bạn tôi không kham nổi. Tôi nghĩ đến lá thư của Cường vừa gửi cho Hà và tự dưng muốn đọc xem gã viết gì trong đó. Tôi chưa kịp ngỏ lời thì Hà thúc giục: - Bây giờ em trả lời ra sao đây anh? Anh ấy hẹn em một tuần mà không thấy hồi âm thì an ấy sẽ đi ngay! Tôi đủng đỉnh: - Để từ từ anh tính coi ! Hà gạt: - Anh có yêu đâu mà biết được tâm trạng người đang yêu. Anh Cường đang nóng lòng mà anh bảo để từ từ sao được ! Tôi nhìn Hà một lúc, ngập ngừng toan nói cho nàng hiểu nỗi lòng tôi. Nhưng biết Hà đang tràn ngập hình ảnh của Cường trong tâm trí, tôi tự cảm thấy không đúng lúc. Tôi đứng dậy, bâng khuâng đi ra cửa. Cơn mưa vẫn chưa dứt. Gió thổi vù vù từng cơn hắt bụi nước vào mặt tôi. Một lúc tôi quay vào, thấy Hà ngồi trên giường tựa lưng vào vách, hai tay nâng lá thư xanh của Cường đọc lại. Mặt nàng nghiêm trang, đôi mắt xúc động. Nàng ngẩng lên nhìn tôi và lại giục giã tiếp: - Làm thế nào bây giờ hả anh? Tôi ngồi xuống bên nàng và nói: - Trong ba thằng mê em. Huy lấy làm chồng được. Phục làm kép rất tốt. Còn Cường thì anh không có ý kiến. Tôi thấy Hà buông rơi những tờ thư trên giường, trố mắt nhìn tôi một lúc lâu rồi đột ngột hỏi: - Còn anh, anh thuộc loại đàn ông nào? Tôi giật mình xúc động. Hai năm nay từ ngày quen Hà, có lẽ đây là lần đầu tiên nàng để ý đến tôi. Cơ hội tốt nhất để tôi nói thật lòng mình. Nhưng thay vì nghiêm trang tỏ tình, tôi lại nửa đùa nửa thật bảo nàng: - Anh thì khác hẳn. Anh là người tình tuyệt vời mà cũng là người chồng lý tưởng. Tôi tưởng nàng sẽ phá lên cười và sỉ vả tôi về cái tội đại ngôn. Nhưng không, nàng nhìn tôi nghiêm trọng, đôi mắt mở to khác thường. Có lẽ bấy lâu nay nàng quá vô tình, quên hẳn một người thật gần gũi. Chao ôi ! Thần tượng ngay trước mắt, ngay trong tầm tay mà nàng không thấy. Nàng gật đầu dịu dàng bảo tôi: - Thế mà từ trước đến nay em không để ý. Tôi vừa kinh ngạc vừa lâng lâng sung sướng. Hà tiếp: - Thôi, để em giới thiệu cho anh con bạn thân của em. Nó vừa bị thằng kép đá, còn đang bơ vơ ! Tôi méo miệng cười giã từ ra về và chợt nảy ra ý định đi Alaska mò cua, thay cho Cường. |