Sàigòn, ngày lạ mặt |
Tác Giả: Trần Vũ |
Thứ Hai, 01 Tháng 6 Năm 2009 08:31 |
Jun 1st, 2009 Nhà văn Trần Vũ sinh năm 1962 tại Sàigòn, theo học tiểu và trung học đệ nhất cấp tại tư thục Lasan Taberd. Sau giải thể 1976 chuyển sang Bùi Thị Xuân ( nữ trung học Nguyễn Bá Tòng cũ). Vượt biên đến Phi Luật Tân và định cư tại Pháp từ 1979 sau một năm ở trại tỵ nạn Palawan, Puerto Princesa City. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm truyện ngắn bằng Việt và Pháp ngữ, trong đó có Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu đã được tái bản nhiều lần. Tôi trở lại đường Trương Minh Giảng bây giờ mang tên Lê Văn Sỹ. Thận Nhiên chạy xe Dawoo phía trước, tôi lái chiếc Cub phía sau. Nắng loang loáng trên mái tóc Nhiên nhẵn thín. Nắng loá con đường giữa trưa sáng bóng các biển hiệu. Nhà may Thủy Tiên, hiệu sơn Tất Thành, Karaoké Thời Mới… Một giờ trưa, nắng toé lửa. Chúng tôi hứng trận nắng như hứng những mảnh mặt trời nguyên vẹn rớt ụp xuống mặt. Tôi muốn dừng xe uống nước, nhưng Nhiên vẫn lầm lũi chạy tiếp, thỉnh thoảng quay lại kêu: ‘‘Nhà anh Mậu khó kiếm lắm’’. Tôi nghĩ Nhiên lạc, vì chúng tôi quần tới quần lui khúc giữa Sư Vạn Hạnh và nhà thờ Ba Chuông. Trận nắng nhảy múa trước giỏ xe cub như một ảo ảnh. Tôi trông thấy lại cảnh gia đình hốt hoảng chạy ra phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi trông thấy lại cảnh chen lấn giữa tiếng súng Quân Cảnh cố vãn hồi trật tự. Thầy căng thẳng cực độ lái xe Toyota chở chúng tôi im thin thít tìm cách rời khỏi Sàigòn hỗn loạn. Cũng con đường này, qua khỏi đường rày xe lửa, nhà thờ Ba Chuông đâm lên Lăng Cha Cả, tôi bó gối sợ hãi trông thấy một thanh niên bê bết máu phóng xe Honda lao ngược chiều la lớn ‘‘tụi nó chiếm Tân Sơn Nhất rồi’’ và gương mặt Thầy nhăn nhúm tuyệt vọng. Thầy quành xe lao về hướng Khánh Hội tìm một đường sống khác. Vô ích, Thầy không biết Thầy sẽ chết 13 ngày sau đó khi lá cờ Quyết Chiến Quyêùt Thắng bay trên nóc hầm De Castrie tại Ðiện Biên Phủ một lần nữa phất lên ngạo nghễ ‘‘hãnh tiến’’ trên đường phố Sàigòn của tháng 5 im lặng. Thầy không biết, Thầy sẽ vĩnh viễn yên nghỉ tại đây, trên mảnh đất này, nơi Thầy di cư tìm đường sống tháng 9-1954. Bà gởi tôi đi vượt biên thực hiện một hoài bảo đã có từ những ngày Hà Nội sau tản cư. Bà gởi tôi đi, nhưng tôi trở về để chứng kiến lại một lần nữa, nỗi tuyệt vọng của gia đình buổi sáng 30 tháng 4 trên con đường này. Những tuyệt vọng hãy còn loang loáng ẩn hiện trên các mặt tiền những ngôi nhà đường Trương Minh Giảng. Những lớp cửa sắt im phắc. Những cánh cổng của những ngôi nhà ban trưa đóng kín, im ỉm. Tất cả giống câm điếc, giống những mặt người không thốt thành lời, chỉ có những dấu hỏi ngầm giữa tròng mắt: ‘‘Tìm gì? muộn rồi.’’ Tôi nhìn mặt đường. Tôi nhìn hai hàng cây. Tôi nhớ rõ, chỗ này bánh bao Ông Cả Cần, chỗ kia bò nhúng dấm, Thầy vẫn đưa gia đình đến ăn những tối thứ bảy. Tôi còn nhận ra hàng hiên lớp hội họa truyền thần bà ghi tên cho tôi học vẽ bây giờ là tiệm mát xa chân với đèn ông sao xanh đỏ. Vẫn con đường này, như không thể có con đường nào khác, vẫn là những thước nhựa tôi đã dẫm lên thời bé, nhưng đã là lớp nhựa tráng tên người khác. Lê Văn Sỹ, tôi không biết là ai, nhưng tôi biết Trương Minh Giảng đánh Trấn Tây Thành, chiếm Kampuchea. Sao Trương Minh Giảng cũng thi hành nghĩa vụ quân sự quốc tế, giải phóng nhân dân Khmer mà tên ông bị bại đi trên các cột đèn này? Còn sống chắc ông nổi cơn thịnh nộ. Còn sống, tôi với Nhiên không dám nổi cơn thịnh nộ. Thế hệ tôi thiếu dũng, kiên, cường. Thế hệ tôi sợ hãi ở mỗi ngã tư đèn xanh đèn đỏ bị công an kêu lại xử lý. Nhiên đỗ xe. Chúng tôi đi tìm một nhà văn miền Nam. Miền Nam? Một quốc gia biến mất. Văn chương miền Nam? cũng biến mất. Còn Dương Nghiễm Mậu? một gương mặt bí hiểm. Thế hệ tôi chưa kịp đọc ông. Chúng tôi hãy còn quá nhỏ, dù miền Nam tràn ngập sách báo, dù chúng tôi đi thuê truyện mỗi chiều, ngốn ngấu Duyên Anh, Nguyễn Thanh Trịnh, Ðinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường, Nguyễn Ðình Toàn… Chúng tôi chưa ai đọc Gào Thét, Buồn Vàng, Ngày Lạ Mặt, Cũng Ðành,… Dương Nghiễm Mậu ở một thế giới nào đó vô cùng xa xôi mà chúng tôi không thể mường tượng. Tháng 4-75 đến quá sớm để tuổi trẻ kịp tận hưởng. Dương Nghiễm Mậu tiếp tôi với Nhiên trong ngôi nhà lát đá mát lạnh. Không khác mấy khí hậu trong truyện ông, khô, lạnh lẽo. Mỗi tiếng động đều hàm chứa một nội dung rõ rệt, tựa như những điều muốn nói phải qua một phiến lọc khác dành riêng cho những ai có khả năng hiểu ra. Dăm bức sơn mài Dương Nghiễm Mậu làm lấy treo trên vách. Một gói thuốc Con Mèo gần cạn. Tủ sách để tượng trưng trống rỗng. Tủ sách của một nhà văn miền Nam sau ngày “giải phóng” trống rỗng. Tôi nhìn tủ sách kỳ lạ. Thầy cũng có một tủ sách và tủ sách ấy ăn vào tuổi thơ tôi không hề biến mất. Tôi không thể nhớ tủ sách đem về khi nào, chỉ biết, từ lúc có trí khôn, tủ sách đã ở đó, chễm chệ và sừng sững. Thầy buôn bán theo truyền thống Trung Hoa, nhưng tủ sách chiếm nửa bức tường. Chiếc bóng của chúng tôi, của kẻ ăn người ở trong nhà luôn chao lượn lên khung kính phản chiếu những hình ảnh lặng lờ. Những khi tôi ngủ quên trên ghế đệm, tủ sách ngả chiếc bóng đen đè lên mình. Khi tôi thức giấc, chiếc bóng hoá trở lại thành tên khổng lồ mặt gỗ chứa thật nhiều sách rình rập canh chừng. Nhưng tôi lớn lên và nỗi sợ hãi biến mất, chỉ còn những tò mò thấp thoáng trên các tựa sách ở tầng cao khóa kín. Chính trong những năm đầu trung học đệ nhất cấp, khi chiều cao cho phép với lên phần có ổ khoá, tôi khám phá Dương Nghiễm Mậu. Sách của ông xếp cạnh sách Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng. Tuổi Nước Ðộc, Con Sâu, Trong Hoang Vu, xếp cạnh Mười Ðêm Ngà Ngọc, Sống Chỉ Một Lần, Viên Ðạn Ðồng Chữ Nổi, Hạnh Phúc Ðến Về Ðêm, Vòng Tay Học Trò, Dưới Vừng Hoa Trắng, Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về… Tôi không bao giờ được phép xem. Với tôi là một khiêu khích. Tôi vẫn đi thuê truyện, say mê với Hitler và Những Tên Ác Qủy Y Khoa, Hitler và Mặt Trận Miền Ðông, Moshe Dayan Bức Tường Thành Do Thái, Tora Tora Tora Bay Về Trân Châu Cảng, Kamikaze Những Trận Không Chiến Dữ Dội Nhất Lịch Sử Thái Bình Dương, Về Miền Ðất Hứa …nhưng Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng, Mai Thảo vẫn là một kích thích. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao mình đã ngoan ngoãn nghe lời Thầy đến như vậy, tôi thuê truyện, nhưng chỉ thuê những cuốn sách Thầy cho phép đọc. Những cuốn sách nhà cấm, tôi nhìn tò mò, nhưng không cầm đến. Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng, Mai Thảo, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Thế Uyên, Mặc Ðỗ, Thế Phong, Nguyễn Thụy Long,… xếp ngay ngắn sau lớp kính có ổ khoá. Buổi trưa ngồi với Nhiên, Dương Nghiễm Mậu không nói điều gì. Ông chỉ lẳng lặng pha trà cười nhẹ nhàng, nghe Nhiên nói, nghe Nhiên kể về nỗi sôi sục huyết quản của một thi sĩ, của Nhiên và bạn bè Nhiên. Tôi khác Nhiên, tôi chỉ muốn hiểu thế giới bí mật của văn xuôi. Dương Nghiễm Mậu cười nhẹ như tàu dừa lay, gần như ông không động đậy. Ở Dương Nghiễm Mậu nụ cười diễn ra ở chuôi mắt, ở ngón tay đập cán thuốc mà nhịp nhanh chậm thay cho tiếng cười luôn luôn kín đáo. Dương Nghiễm Mậu rót trà. Ông hiểu thế hệ tôi và Nhiên không còn ai uống trà nữa, nhưng ông vẫn rót. Váng nước vàng màu mỡ gà, giữa buổi trưa nóng hực sủi tăm như số lượng dấu hỏi chất chứa trong đầu tôi từ buổi trưa tháng 5-75 Bà mở khoá cho chúng tôi đọc tất cả sách người lớn của tủ sách đồ sộ, trong vòng 48 giờ rồi Bà đem bán ký vì Công an phường đã ra lệnh tịch thu văn hoá phẩm đồi trụy của Ngụy. Tôi còn nhớ Bà bán cân ký 150 đồng ông Thiệu mỗi ký. Bà bán sạch tủ sách, kể cả sách thiếu nhi Lữ Hân Phi Lục, Phan Tân Sĩ Phú, Tintin, Lucky Luke, Astérix Obélix, chở đi mấy xe ba gác. Bà bán sạch tuổi thơ tôi trong chớp mắt. Làm sao tôi đọc hết hai mươi năm văn học miền Nam trong 48 giờ? Làm sao tôi trưởng thành kịp trong 48 tiếng để hiểu những chiếu bài mạt chược, trong phòng khách sạn rì rầm, hai người đàn ông đàn bà làm gì trên mặt nệm trong tiểu thuyết Mai Thảo. Tôi chưa đến 13 tuổi nhai ngốn ngấu Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng trên sân thượng giữa trưa nắng ngun ngút, cố mường tượng ra cô giáo Hoàng với đồi thông Ðà Lạt trong ngôi nhà gỗ thông thơm phức với tên nam sinh tên Minh sớm biết hút thuốc, có bật lửa zippo và gan dạ tán tỉnh cô giáo. Tôi ngốn ngấu Tháng Giêng Ðưa Ðám của Nhã Ca, kinh ngạc khám phá tiểu thuyết có sức chở mang gấp mười lần tivi số lượng hình ảnh Tết Mậu Thân ngoài Huế. Trưa nắng thiêu đốt. Tiếng động chiến xa T-54 ầm ĩ từ Gò Vấp đổ xuống Phú Nhuận băng lên đại lộ Hai Bà Trưng không át nổi âm thanh của 16 vỏ chai bia mỗi ngày Túy Hồng quắp rổ đi đổi cho Thanh Nam lúc còn sống trong building Cửu Long và diễn ra trong tiểu thuyết Tôi Nhìn Tôi Trên Vách. Không át nổi tiếng nhạc xập xình mỗi buổi tối cô ca ve đi làm luôn có một người đàn ông chờ sẵn, đem đến một gói Salem xanh biếc trong Thủy và T6 của Thế Phong… Tôi khám phá xã hội miền Nam ngay trong ngày xã hội đó bị xích sắt T-54 nghiến nát dưới lòng đường. Tôi chưa kịp đọc Dương Nghiễm Mậu. Tôi chỉ kịp trông thấy ông bị vất lên xe ba gác chở ra lề đường. Nhưng cũng chỉ một hai tháng sau lề đường bị truy quét tàn dư Mỹ Ngụy và ông biến mất. Dương Nghiễm Mậu hiện ra trở lại buổi trưa Lê Văn Sỹ. Ông yên lặng quan sát tôi với Nhiên. Chúng tôi, những độc giả thiếu nhi của miền Nam cũ, cũng đột ngột hiện ra trước mắt ông. Cũng đành… dường như ông muốn nói vậy. Tôi cũng quan sát ông, quan sát cái tủ sách trống trơn của một nhà văn miền Nam. Tôi ngắm ông với cảm giác kỳ quặc là ông hãy còn trong tủ kính bị khóa, giống như ông đang là cuốn sách câm chưa được phép mở ra cho tôi xem. Nhưng Dương Nghiễm Mậu vẫn ở đó, trong sâu thẳm của một miền Nam ngã đạn. |