Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Khóc Lặng Thinh

Khóc Lặng Thinh PDF Print E-mail
Tác Giả: thụyvi   
Thứ Hai, 04 Tháng 5 Năm 2009 08:01

Trích trong tuyển tập truyện ngắn: CHUYỆN NGƯỜI VỢ TÙ CẢI TẠO

... Sống trong làng quê buồn nảo nuột này, cũng giống như ở khu kinh tế mới, không điện, không nước máy, không sách báo… Trời mưa ếch nhái kêu rên thãm thiết, lòng tôi hiu hắt rối bời - lớp nhớ chồng, lớp thương con, lớp mong ngóng âu lo cho những người bà con ruột thịt. Họ đâu rồi ? Đầu chân mây ? Cuối góc biển ? Tương lai mịt mùng… nhìn bên ngoài, một màu đen thăm thẵm.

Từ ngày ủy ban Quân Quản tịch thu ngôi nhà bé nhỏ của chúng tôi, nó là món quà của ông ngoại tặng cho đứa cháu gái duy nhất trong gia đình, mà họ nói đó là tài sản do chồng tôi hút máu của dân đem về. Tôi bị đẩy ra ngoài đường, ngơ ngác, bơ vơ. Tôi bị ném ra ngoài xã hội lạnh lùng tàn nhẫn. Tôi không biết phải cầu cứu với ai đây? Không biết phải bám víu nơi nào, tất cả quanh tôi chỉ là sự xa lạ, thê lương. Tôi kinh ngạc tê điếng đến nỗi không thể nào khóc, không còn hơi sức để thở than, tôi phải tự sống, tự xông ra …đối đầu với cuộc sống đầy nhiễu nhương... Bỗng dưng bây giờ chỉ còn lại mình tôi. Bỗng dưng bây giờ những người thân yêu biến hút bặt tăm. Cái tâm trạng thảng thốt, bồn chồn, tuyệt vọng, tôi cảm thấy tôi giờ như người bị chôn sống. Một mình. Bóng tối. Cô quạnh vây quanh.

Đời sống trôi qua một cách vật vã. Tôi tất tả chạy ngược chạy xuôi, thăm nuôi cha, thăm nuôi chồng, nuôi con và nuôi mình, khiến tôi tàn tạ không ngờ, nét bơ phờ cằn cỗi xuất hiện thật nhanh trên mặt tôi. Cô bé mà ngày nào chú Trình cứ gọi là “thục nữ yểu điệu” bây giờ tiều tụy mõng manh vật vờ như con ma đói.

Trong gần tám năm trời. Tôi và đứa con trai đầu lòng vừa bốn tuổi có rất nhiều kỷ niệm tủi cực trong những chuyến đi thăm nuôi. Trong những lần đó, mẹ con chúng tôi nhiều đêm phải ngủ ngoài lề đường, hoặc là ngồi bó gối suốt đêm ngoài bến xe, ngủ lăn lóc ngoài bến tàu, ngủ bờ, ngủ bụi… thậm chí tôi cũng thường xuyên phải tòn ten đeo cửa xe đò chỉ có một tay trên quảng đường đầy ổ gà dài vài chục cây số. Có một lần xe đò bể bánh, lật nhào, lăn nhiều vòng, tôi ôm chặt lấy con tôi mà tưởng cùng nhau đi vào cỏi chết. Khi chiếc xe nặng nề nằm im thôi không lăn nữa và biết mình còn sống, hai mẹ con lóp ngóp run rẩy chen chút bò ra, tôi vội vàng rờ rẩm khắp cùng mình mẩy con coi có bị gì, thương tích ở đâu, miệng mếu máo hỏi con có đau ở chổ nào không. Biết con không hề gì, tôi yên tâm rồi cố gắng dằn cơn thảng thốt đi như người mộng du bươi tìm trong đống ngổn ngang lôi ra bao thức ăn thăm nuôi bẹp rúm rồi kéo lê kéo lết lên bờ đường. Tai nạn tuy không có người chết nhưng chung quanh tôi mọi người kêu réo lao xao. Lúc này tôi mới cảm thấy thân thể tôi rã rời, vừa ôm dỗ đứa con bé bỏng xanh xao nằm thiêm thiếp mệt nhọc trên ngực mà tôi tê tái, buồn đến quặn thắt đau xót ruột gan. Tôi lặng lẽ ôm con mà khóc.

Tôi bơ vơ ôm con nơi vùng đất hoang vu lạ lẫm. Tôi bơ vơ nuôi con suốt đoạn đời lận đận chua cay, và, cứ vậy tôi lay lắt sống.

Đương quân hoài quy nhật
Thị thiếp đoạn trường thi

Cuộc đời dâu biển. Vậy mà đã đằng đẵng mấy chục năm dài. Bây giờ nhớ lại, không hiểu sao mà ba mẹ con tôi còn sống sót qua những ngày tháng đó. Khi viết những dòng này trên mảnh đất bình yên, tôi không làm sao quên được cái cảm giác về nỗi bi thương thống hận mà bọn CS đã giết chết những người bạn của chồng tôi.

Trong tập truyện ngắn, tôi muốn ghi lại những ngày kinh hoảng của những phiên tòa giết người tại Chương Thiện như nén nhang hồi tưởng, kính vọng, thương yêu, gửi đến những linh hồn - nếu có, trên cao. Cái chết, của các anh là những hình ảnh mà chúng tôi rất tự hào.

Trước tiên, tôi viết về ông Võ văn Đường, trung tá trưởng ty Cảnh Sát tỉnh Chương Thiện. Sau phiên xử tử hình ông đại tá tỉnh trưởng Hồ Ngọc Cẩn tại Cần Thơ thì mọi người trong tỉnh Chương Thiện lại một phen sống trong sự thấp thỏm đợi chờ một điều gì đó sẽ xãy ra, và ai nấy cũng hồi hộp lo sợ sự bất hạnh đến cho mình, người ta cũng đang thầm thì về những phiên tòa xử tử hình trong nay mai, người ta to nhỏ về những nạn nhân… Tôi cũng nín thở đợi chờ… Và ngày đó tới như cơn bão dữ.

Buổi sáng hôm đó, trước mặt nhà tôi, bên kia đường, một đám đông rộn ràng kẻ khiêng người vác những thanh cây to, những miếng ván lớn, mọi người xôn xao trong sự kinh hãi thầm lặng…hình như họ dựng khán đài…?! Tôi vừa kịp lờ mờ hiểu chuyện thì bỗng có vài người du kích xách súng tới xông vào nhà của tôi, họ khống chế và yêu cầu tôi không được ra khỏi nhà. Nghe xong, tôi biết tai họa tới rồi, hai đầu gối của tôi run lên, mấy ngày trước tôi nghe loáng thoáng tên chồng tôi trong danh sách những người bị tử hình? Vừa nghĩ tới đó thì dường như mặt đất dưới chân tôi vỡ toát ra, tôi chới với, hụt hẩng, một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng, chạy tuốt lên đỉnh đầu, tôi cơ hồ như qụy xuống, nhưng chợt nhớ tới sự an nguy sống chết của chồng tôi, và như có sức phản kháng nào đó thật mãnh liệt dựng tôi dậy, khiến tôi bừng tỉnh, mạnh mẽ cương quyết bế đứa con đi ra cửa, mặc kệ họ kè súng theo sau, tôi hối hả đi về phiá đám đông đang tụ tập trước khán đài .

Trong lúc chờ đợi xe chở tử tội đến, có vài người kín đáo an ủi tôi, có người cám cảnh và ái ngại nhìn tôi bụng mang dạ chửa, trên tay còn lắt lẻo đứa con nhỏ, họ muốn bế đứa con dùm tôi, nhưng tôi cám ơn lòng tốt của họ. Tôi muốn trong giây phút này, tôi ôm chặt đứa con của mình để nhìn chồng tôi lần cuối.

Trong tiếng xì xào, lao xao bàn tán, không hiểu sao tôi thấy tôi bình tĩnh lạ thường, tôi nhứt định không khóc, không để cặp mắt tôi nhoè nhoẹt, tôi phải ngẩn đầu nhìn cho rỏ cảnh này.

Bỗng mọi người chạy dạt ra rồi nối đuôi theo chiếc xe bít bùng tiến vào, tôi cũng vội xốch nách đứa con đi theo họ, có tiếng người du kích gọi ơi ới sau lưng:

- Chị kia, đứng lại !

Hoàn cảnh này mà tôi còn sợ gì nữa, tôi mặc kệ họ chạy theo kêu réo, chặn lại, tôi cứ chen vào dòng người, len lỏi chen tuốt đứng gần sát cạnh chiếc xe chở tử tội. Qua cánh cửa nhỏ lờ mờ của chiếc xe, tôi nhận ra được mặt ông Đường, chú Thiên, ai nữa ? Hình như ông Bé. Cùng lúc đó tôi nghe tiếng khóc ồ bên tai, tiếng khóc càng lúc càng lớn, tôi quay lại, chị Bé lã người rũ rượi, mấy đứa con của anh Bé thì kêu ba ơi ba hỡi thật thãm thiết vô cùng. Trong hoàn cảnh này tôi còn bụng dạ nào mà an ủi người khác, đầu óc tôi rối bời, nước mắt tôi ràn rụa. Có lẽ, không có cảnh nào thê lương và tàn nhẩn bằng cảnh phải chứng kiến người ta giết người thân yêu nhất của mình. Tôi chong mắt tìm kiếm, vẫn không thấy mặt chồng tôi, ruột gan tôi nóng như lửa đốt, tôi sốt ruột, không dằn được, tôi kêu to lên:

- Chú Trình! Chú Trình ơi ?

Bỗng có một toán mặc đồ bộ đội, dáng vẽ dữ dằn đến mở cửa xe. Tôi hồi hộp, cổ họng tôi nghẹt cứng, tôi chong mắt đợi. Từng người bị lôi ra, trước tiên là ông Đường, ông Bé, chú Thiên, và… tôi nín thở… cửa xe toang hoát, trống trơn, tôi như không tin vào mắt của mình, hả, hết rồi? không có chú Trình? Thoát rồi! Vậy là chồng tôi thoát rồi, tôi mừng đến ngẩn ngơ… Tôi cơ hồ như không nhấc nổi bàn chân, đứng im sửng giữa đám đông cho đến lúc nghe tiếng ồm ồm của công tố viên trên loa phóng thanh, tôi mới lủi nhủi bế con đi về nhà, vô tới trong tôi lập cập khoá cửa lại, đặt con lên giường, cháu bé ngoan ngoản nằm im. Qua những giờ phút căng thẳng rợn người, tôi mệt mỏi rủ rượi, tôi vùi mặt xuống gối, tôi muốn thiếp đi, tôi muốn ngủ một giấc thật say, để không nghe, không thấy, không nghĩ tới chuyện đang xảy ra ngoài kia…nhưng mí mắt tôi cứng ngắt, cay xè…

Loạt súng oan nghiệt lúc ban chiều, làm tôi bàng hoàng ám ảnh suốt đêm. Đầu óc tôi mịt mờ, tôi không ngồi yên được, không nằm yên được, tôi thất thần đi tới đi lui. Ngôi nhà thật vắng vẻ, tôi nhìn quanh chới với hốt hoảng - Chú Trình đâu rồi? Chú Trình đâu rồi? Tôi ngở ngàng rồi bật khóc rưng rức, bây giờ thì nước mắt tôi tuôn dầm dề, nước mắt mà tôi chất chứa bấy lâu được thỏa thuê tuôn trào, nước mắt trôi kéo tuột hết những u uất, nước mắt trôi, để tiếng khóc của tôi không bằn bặt tức tửi, cho tôi vơi bớt những cay đắng trong lòng …..để tôi có thêm sức mạnh cùng với người chồng đứng đầu sóng ngọn gió chịu đựng những tai ương phủ phàng trong hoàn cảnh nước mất nhà tan này. Tôi ngồi đó một mình, lẽ loi, lòng chông chênh, khóc lặng thinh. Lặng thinh.

Tôi nghe người ta kể lại thái độ can đảm của ông Võ văn Đường trong phiên tòa hôm đó. Ông biết bọn họ sẽ giết ông. Ông không sợ. Bọn họ kết tội ông có nợ máu với nhân dân, ông trả lời khẳng khái từng câu một, ông không nợ máu ai cả - ông bảo vệ đất nước, bảo vệ miền nam Việt Nam. Bọn chúng hỏi, ông trả lời. Ông trả lời bình tĩnh rõ ràng cho đến nỗi bọn chúng tức tối nhào lại đánh ông, bịt miệng ông, tắt micro để dân chúng không nghe được tiếng của ông. Nhiều người sợ hãi mà ông thì ung dung lạ lùng. Ông nhìn quanh như chào vĩnh biệt. Có rất nhiều dòng nước mắt âm thầm tiễn ông đi .

http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/05-2009/Tuan%203/ThuyVi-02.jpg

Ông trung tá Võ văn Đường là mẫu người xuề xòa, tốt bụng. Ngày đầu tiên, ông một mình lái chiếc xe con cóc vô nhận chức trưởng ty Cảnh Sát tỉnh Chương Thiện, ông lại rất đơn giản, sống một mình trong cái lô cốt kế bên ty cho đến ngày mất nước. Mặc dù không thấy vợ con ông đâu, nhưng vì tôn trọng, cho nên chúng tôi thật tình không hỏi đến chuyện gia đạo của ông, có điều ở tại tỉnh này, ông có đứa con rơi với người đàn bà tên Tơ, chủ tiệm ăn Như Ý, cháu bé là con gái tên Điều, khuôn mặt cháu giống ông như đúc.

Bị xử tử hình chung với ông Đường là ông Phạm văn Bé, ông là đại úy thám sát, tánh tình và tướng tá của ông y như Lý Quì được tả trong Thủy Hử. Ông chết để lại vợ và tám con.

Những phiên xử tiếp theo có chú thiếu úy Cảnh Sát tên Phạm Đình Thoại, chú hiền như con gái, lại nghèo, khi chết, thiếu úy Thoại để lại vợ và hai con còn nhỏ lắm.

Trong thời gian này, tôi được tin người bạn cùng khóa với chồng tôi là anh Lê Phó bị xử tử hình ở Cà Mau. Chúng giết anh rất là man rợ. Không biết vợ con anh sống ra sao? Tôi vẫn nhớ hoài khuôn mặt với cặp kiến cận dầy cộm rất dễ mến của anh.

Cái tổ uyên ương bé nhỏ của chúng tôi, ở tại một tỉnh lỵ nhiều bất trắc -rất may mắn được nhiều người bạn như anh chị Lý Lạc Long Quân, anh Lê Xuân Tảo, anh La Thanh Nhàn, anh Lê Phó ghé thăm .

Tôi nhớ anh Tiêu Vinh Hiển là nhân chứng cho cuộc tình của chú Trình và tôi. Tôi nhớ anh Khưu Ngọc Đa, anh Lê Huy Bình trong ngày chúng tôi cưới nhau. Tôi nhớ anh chị Nguyễn Đăng Công trong những ngày biến động. Tôi nhớ gương mặt thất thần đến tuyệt vọng của anh Trần Văn Tấn khi anh cho chúng tôi biết tin con anh bị bịnh nan y. Tôi nhớ những ngày chúng tôi “rách nát” được anh Nguyễn Văn Lương cưu mang giúp đở. Tôi nhớ anh Ngô Thới Lập với chủ đề Bonsai và Mai chiếu thủy. Và, với cặp anh chị Hà Như Quí & Kim Phượng với chúng tôi như người tri kỷ, tôi hết lòng ngưỡng mộ anh chị, cảm ơn anh chị chịu khó ngắm phòng tranh vụng về của tôi như một khích lệ - để tôi tiếp tục cầm cọ cho đến ngày hôm nay.

Trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi chứa rất nhiều kỷ niệm. Dù vui hay buồn. Kỷ niệm nào cũng đẹp…

thụyvi
Hầm Nắng, tháng 2, năm 2000