Ơn Đời Biển Rộng |
Tác Giả: Nguyễn Sĩ Minh |
Thứ Hai, 06 Tháng 4 Năm 2009 23:07 |
Tôi choàng mình thức giấc. 5 giờ sáng, 19 tháng 10, 1979. Căn phòng nhỏ vẫn còn tối mịt. Như cái tối tăm mù mịt đã theo tôi suốt 4 năm dài đại học. Những sách vở nặng tính giáo điều đến ngô nghê. Những đêm nội trú ngủ trong lời nhồi sọ chính trị từ loa phóng thanh. Những hôm bị gọi lên phòng Tổ Chức vì bị tố "không vững lập trường giai cấp". Và còn nhiều nữa... Tôi đã đè nén bao căm hờn, để chuyển thành sinh lực. Học cho bằng được ngành cơ khí. Lắp đặt và sửa chữa bằng được máy tàu. Tôi đã nhìn vào biển rộng, và thề sẽ tạo dựng một cuộc đời mới. Tự do hay là chết. Đã mấy lần vượt biển không thành. Bị bắt, và bị kỷ luật tại trường. Hôm nay có lẽ là lần vượt biển cuối cùng, vì dấu tích đã quá nhiều trong sổ bìa đen. Nghĩ đến những điều xấu nhất có thể xảy ra, miên man nhớ đến những người thân yêu tôi sắp rời xa trong chuyến hải trình đơn độc, tôi trầm ngâm sắp xếp chuyện phải làm, rồi ứa nước mắt cương quyết đứng lên. Ngày đầu cho cuộc vượt biển đã điểm. Xếp vội một bộ quần áo, vài gói thuốc lá, vài viên thuốc cần thiết vào một ba lô rất nhỏ, tôi từ giã gia đình, ngồi ghế sau xe gắn máy của ba tôi, để trực chỉ về Hàng Xanh, Thị Nghè. Những xe lam, xe đò chở khách về miền duyên hải đã chờ sẵn. Tôi bước vào quán điểm tâm, gặp gia đình người chú, và một người hướng dẫn vượt biển. 10 giờ xe lam bắt đầu chuyển bánh đi Vũng Tầu, xa dần bàn tay vẫy vẫy của ba tôi, xa dần Thị Nghè nơi ấp ủ bao năm tháng mối tình thơ mộng của một thời sinh viên. Chuyện tình thủa nọ bắt đầu bằng tia mắt trao nhau trong chân lấm tay bùn một ngày Chủ Nhật "lao động Xã Hội Chủ Nghĩa", rời bao buổi tối đèn sách bên nhau, bao cuối tuần hẹn hò. Những dịu êm đến day dứt mở lại từ ký ức, theo cảnh bên đường hiện đến, rồi lùi vội về phía sau. Trùng trùng điệp điệp. Đến trưa, xe đi ngang một làng nhỏ trong tỉnh Bà Rịa. Người hướng dẫn vượt biên ra dấu xuống xe. Bẩy người bước theo, đi hàng một, giữ khoảng cách 5 m, cúi đầu để tránh tia nhìn của người địa phương, và không một lời nói chuyện. Ba bốn căn nhà lá đã sẵn sàng đón toán vượt biên. Tôi gia nhập vào một nhóm mười sáu người nằm ngồi la liệt trong một gian nhà. Mọi cửa được đóng kín. Trong bóng tối lờ mờ, người ta nhìn thoáng nhau trầm ngâm, yên lặng chờ đợi một bước ngoặt của cuộc đời. Thỉnh thoảng cơm nước được đem đến. Những miếng nuốt vội, và những giờ chờ đợi dài dằng dặc. Đến 10 giờ đêm, người hướng dẫn bước nhẹ vào nhà, gọi khẽ: - Đến giờ ra ghe rồi. Mọi người chạy hàng một. Đêm nay không trăng, tối lắm. Người sau nắm lưng áo người trước mà đi. Tuyệt đối im lặng nghe bà con. Công an đồn này dữ lắm đó. Chúng đã bắt nhiều người, và đôi khi bắn nữa. Bắt đầu đi thôi. Người sau nắm áo người trước, tạo thành ba con rắn dài ngoằng, quằn quại thoăn thoắt xuyên qua những đồng cỏ và bùn lầy mênh mông, tiến về bờ sông. Một thằng em họ 7 tuổi nắm chặt áo tôi để chạy đằng sau. Thỉnh thoảng tôi lại gọi: - Bình! Còn chạy nổi không em? Bỗng dưng, tôi không nghe nó trả lời nữa. Quay lại thì một người khác đang nắm áo tôi. Rời hàng, tôi tất tả chạy ngược lại tìm nó. Hàng vẫn tiếp tục chạy về phía trước. Tôi điếng người quờ quạng tìm trong im lặng, không dám gọi lớn. Hàng mỗi lúc một cách xa. May quá, tôi nhìn thấy Bình đang lồm cồm bò lên từ một cái hố. Trời tối như mực. Không nhìn thấy đoàn đâu nữa. Tôi kéo tay Bình cắm đầu chạy trối chết, đuổi theo tiếng thình thịch xa xa phía trước. Khi bắt kịp đoàn, thì đã đến bờ sông. Khoảng mười ghe nhỏ đang chờ sẵn. Người hướng dẫn hối: - Lên ghe nhanh lên. Hình như bị lộ rồi. Hồi nãy bà con chạy mạnh chân quá. Nhanh nhanh giùm bà con ơi. Chết hết cả đám bây giờ. Năm sáu người một ghe. Những ghe nhỏ tròng trành dữ dội, vì chở nặng và hành khách nhảy lên, hối hả rồ máy đuôi tôm, lao mình ra sông lớn. Văng vẳng từ bờ vọng đến tiếng quát tháo, như của công an tuần tra. Trong bóng tối dầy đặc, một ngọn đèn bão soi dật dờ con thuyền mẹ, đang chờ ở giữa dòng sông lớn. Đèn pin nhấp nháy tín hiệu nhận nhau giữa thuyền mẹ và 10 ghe con. Đến phiên ghe tôi cập, thuyền mẹ sừng sững hiện ra, cải biến từ thuyền đánh cá, độ 18x4m. Khoảng hơn 50 người lần lượt lên thuyền. Thuyền trưởng và phó, thợ máy đều còn rất trẻ. Biết chút ít về cơ khí, tôi bắt đầu phụ anh thợ máy chuẩn bị cho một cuộc hành trình dài trên biển. Gần 12 giờ khuya, khi dầu và lương thực đã chuyển lên đầy đủ, việc điểm danh hành khách đã xong, thuyền bắt đầu rẽ nước chạy nhẹ nhàng ra cửa biển. Dọc đường đi, thuyền lại nhấp nháy đèn ra hiệu để đón thêm ba tốp nữa. Tổng cộng số người là 81, sau này trở thành một cái tên nhắc nhở đến nhiều trong các tài liệu quốc tế. Một ghe khác, làm mồi, tiến ra, đi trước dò đường. Nếu bị công an chận, ghe chính đằng sau, sẽ lủi đường khác chạy trốn. Thuyền đang lướt nhẹ nhàng, bỗng "Rộp" thật lớn vang lên. Tài công chửi thề: - Thuyền mắc cạn rồi. Ghe nặng quá mà. Tầu tuần tra qua thì bỏ mạng cả đám. Từng đợt thanh niên nhảy xuống cho nhẹ ghe, và cố đẩy ra chỗ sâu. Hì hục cả nửa tiếng mới xong. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Ghe lại lướt sóng nhanh hơn, cố tiến gần hải phận quốc tế trước khi trời sáng. Mọi người phải chui rúc dưới khoang tầu để tránh tia mắt công an và các tầu bè qua lại. Khi ghe vào cửa biển, sóng bắt đầu nhồi mạnh. Hành khách bắt đầu ói mửa. Đủ thứ mùi cuộn lẫn với khói máy và dầu làm tôi cũng choáng váng. 8 giờ sáng ngày 20 tháng 10, tôi bước lên boong thuyền. Sóng biển cao và đen ngòm. Hải phận quốc tế đây rồi. Tôi hít thật sâu không khí tự do sau hơn bốn năm dài xa cách. Một phấn chấn tuyệt vời không thể nào quên. Đến tối thì một trận bão kéo đến. Gió giật mạnh và sóng cao như những tòa nhà cao tầng dồn dập đổ tới. Con thuyền mong manh lao đao giữa biển khơi điên cuồng. Sóng bắt đầu đổ ập vào khoang ghe, cuốn bay la bàn, và một số lớn thùng uống nước. Tài công bắt đầu đánh hiệu SOS cầu cứ tầu bè ngoại quốc qua lại. Nhưng họ đều làm ngơ. Thuyền mấy lần xuýt lật úp. Biết tiến tới là dấn thân vào cõi chết, tài công quay hướng thuyền trở lại Việt Nam. Khi thuyền gần đến, gặp tàu sắt đi tuần tra. Công an bắt loa nói gì không rõ. Khi thuyền đến gần, có thể nhầm với thuyền ngoại quốc đến đánh cá lậu, họ bắt đầu bắn vào chúng tôi. Thuyền lại một lần nữa quay nhanh ra ngoài khơi. Máy được rồ hết ga để chạy khỏi đường đạn. Không thể tiến vào trận bão đêm qua, thuyền hướng về Nam chạy qua Thái Lan. Chạy được một lúc thì bỏ xa tầu công an. Máy nóng quá, anh thợ máy tắt đi cho nguội bớt và sửa chữa những hư hại trong cuộc chạy quá ga vừa rồi. Hai giờ sau, tài công đề máy để tiếp tục cuộc hành trình. Hỡi ơi, cả hai bình điện bị sóng bão ngập hôm qua, không làm việc nữa. Thế là thuyền lênh đênh trên biển. Những chiếc áo được cởi ra để làm buồm. La bàn đã bị sóng cuốn, phải dùng mặt trời để định hướng. Buồm quá thô sơ, không điều khiển được. Thuyền tiếp tục lênh đênh, không phương hướng. Thỉnh thoảng có vài tầu bè qua lại xa xa. Họ vẫn làm ngơ trước tín hiệu cầu cứu. Nước uống đã gần cạn, mỗi người chỉ được thấm môi. Một số người đã phải uống nước tiểu của chính mình, rồi bắt đầu mê sảng la liệt trên thuyền. Những thanh niên còn sức thì luân phiên tát nước 24 giờ một ngày. Đã 20 ngày lênh đênh trên biển. Hy vọng sống tắt dần. Tiếng cầu kinh cứ rỗi bắt đầu vang lên. Mọi người ứa nước mắt tìm chỗ nằm thanh thản trên con thuyền, mong thuyền sẽ trở thành mộ phần cho cả nhóm. Tờ mờ sáng ngày 10 tháng 11, khi mọi người đang chờ chết, thì một tầu đánh cá từ từ tiến đến. Nhiều gười mừng quá đến khóc ròng. Tầu đánh cá Thái Lan. Sống rồi. Sống thật rồi. Thoát Cộng Sản rồi. Thoát thật rồi. Tàu Thái tiếp tế nước uống, thức ăn, và cho mượn bình điện để đề máy. Máy lại nổ đều. Mọi người tháo nhẫn vàng, đồng hồ, dây chuyền tặng cho những người Thái đã cứu mình. Thuyền rẽ sóng nhắm hướng mặt trời lặn trực chỉ Thái Lan. Ba bốn tàu nữa cặp vào ghe. Bây giờ không phải những người Thái nhân hậu nữa, mà là hải tặc. Chúng tra khảo tiền bạc, và dúng kèm bẻ cả răng vàng của các cụ già. Những tiếng thét thất thanh và máu bắt đầu nhỏ xuống khoang thuyền. Nhiều người muốn chống cự, nhưng sợ bọn Thái sẽ húc tầu chết cả đoàn, như những chuyện đã từng xẩy ra. Đến hoàng hôn thì nước biển bắt đầu có rác, ghe đang tiến vào bờ. Cuộc vui chưa chọn vẹn, thì một tàu Thái không tìm được gì quí giá còn lại, kéo ghe vào đảo hoang xa xôi Koh Kra ở vùng đông nam Thái Lan, gần Mã Lai. Chúng đuổi đoàn lên đảo, để lấy máy và bánh lái của ghe. Ngày hôm sau, tàu hải quân và những đất nước tự do đã rộng vòng tay chào đón thuyền nhân, Cao Ủy Tị Nạn, Hội Y Sĩ Không Biên Giới, Hội Cứu Nguy Giúp Người Vượt Biển, những người hùng như ông Schweitzer, bà Thanh Thủy, vv... Xin tạ ơn người, ơn đời, ơn thuyền và biển rộng. San Jose, 14 tháng 2, 2003 :::Nguyễn Sĩ Minh ::: |