Sáng hôm qua, vợ tôi đi đưa đám tang cô giáo cũ. Tôi có thể cùng đưa tiễn cô giáo cũ của vợ tới nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng tôi lại không thể. Bởi lẽ, từ lúc gặp cô giáo ấy, tôi đã nhận ra mình gặp một khuôn mặt của nỗi chết. Cô giáo cũ ở căn nhà đầu hẻm vào nhà gia đình vợ tôi, ở đường Bến Vân Đồn, phường 2 quận 4. Cô giáo từng dạy kèm một thời gian những học trò trong phường khóm, khi vợ tôi học ở bậc trung học. Hôm nay là ngày khởi đầu mùa đông. Còn đúng 3 tháng nữa là mùa xuân lại tới. Tôi chắc rằng, cũng như tôi, rất nhiều người đang thấy mùa xuân phảng phất trong tâm tưởng. Ai mà chẳng thấy mùa xuân là mùa của sinh sôi nảy nở, mùa của những cánh đồng cỏ-non-xanh-rợn-chân-trời. Mùa xuân, nghĩa là mùa của sự sống sinh động nhất, ai mà chẳng nhớ cho được. Vậy mà có một mùa xuân tôi rất muốn quên, và chắc hẳn rất nhiều người cũng như tôi, không muốn nhớ lại mùa xuân ấy. Xuân Mậu Thân-1968. Ấy vậy mà tôi muốn quên lại phải nhớ, bởi sáng hôm qua, vợ tôi đi đưa đám tang cô giáo cũ. Cô giáo cũ ấy nhắc tôi nhớ lại một khuôn mặt của nỗi chết: Tết Mậu Thân-1968. Tôi cần nói ngay, trước khi kể câu chuyện dưới đây, cô giáo cũ ấy là một người hoạt động cho Việt Cộng tại Sài Gòn, trước 30-4-1975. Một nữ cán bộ Việt Cộng nằm vùng, đích danh như vậy. Những ngày sắp Tết Mậu Thân 1968, tôi đang ở Đà Lạt, nghĩa là tôi sắp tạm biệt xứ hoa đào để gặp gỡ hoa mai ngày Tết Sài Gòn. Tạm biệt Đà Lạt, biết làm sao khác được, tôi ghi danh tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, để làm chàng sinh viên đi hoang đã cả năm trời trên vùng cao nguyên Lang-bian. Cuộc chia tay bùi ngùi, trong tình cảnh cảm động ấy tôi phải dành giây phút biệt ly người bạn gái tôi thương. Không phải là cô gái má hồng nào ở xứ hoa đào, mà là một cô gái xứ Huế mộng mơ. Rất lạ, cô gái sống một mình, thuê trọ căn nhà gỗ nhỏ xíu trên đồi, liền kề dãy nhà của những người làm vườn, nhìn xuống thung lũng trồng bắp sú, xa phía sau chùa Linh Sơn. Cô không giống những cô gái Huế khác mà tôi từng quen biết, nghĩa là không lãng mạn kiểu cách Người em sầu mộng của muôn đời (thơ Lưu Trọng Lư.) Cô gái có gì đấy mãnh liệt, đơn độc và bí ẩn. Tôi liều lĩnh xông đại vào nhà cô gái mà làm quen. May mắn cho tôi, cô bảo “em chỉ là cô giáo dạy kèm mấy đứa nhỏ học ở Petit lycée Yersin”. Thế thì anh và em là đồng nghiệp, anh dạy kèm mấy đứa con ông chủ quán cà phê Tùng, để chúng thi vào học trường Tây ấy. Trong căn nhà cô trọ chẳng có mấy đồ đạc, cô lại dùng ba-lô của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đựng những gì trong đó tôi làm sao biết được. Vì cô là cô giáo dạy kèm tiếng Pháp, tôi từng mua tặng cô những tác phẩm văn học Pháp như Thérèse Desqueroux, Le grand Meaulnes... Cái nhìn của cô trước mấy quyển truyện này hệt cái nhìn của người khách sớm mai trước chén trà nhạt thếch và nguội lạnh. Một lần cô bảo: “Thời buổi chiến tranh lửa đạn mà anh còn mơ mộng vu vơ được à?” Tôi hết sức ngạc nhiên, và thật ngu si, tôi lại càng thấy cô có một sức quyến rũ bí ẩn. Và bởi vì trước hết, cô khá xinh đẹp, đơn sơ giản dị, và sau cùng, cô không hề giống một triệu cô-gái-Huế-xinh-đẹp-như-một-vẻ-sầu -mộng-của-muôn-đời. Tôi thì lúc nào cũng như lúc nào, và tất nhiên tôi không nói ra, tôi không nói, rằng chiến tranh không còn là chuyện bất thường từ khuya rồi, chiến tranh có mặt song song với những quan điểm dị biệt, song song với những tham vọng đen tối của con người. Ấy tuy nhiên cô nói, như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, rằng có quá nhiều bất công trong xã hội này, có quá nhiều cá lớn đớp cá bé, vân vân. Sau đó tôi không tặng cô sách truyện gì nữa, tôi bưng tới cái máy quay đĩa của tôi và chồng đĩa nhạc cổ điển tặng cô. Tôi nghĩ, có thể cô thích nghe nhạc Beethoven chẳng hạn, người nhạc sĩ vĩ đại này ắt nhiên từng công phẫn trước những gì giống như cá lớn nuốt cá bé mà cô bất bình. Và sau đó tôi trở-về-mái-nhà-xưa ăn Tết cổ truyền. Tạm biệt Đà Lạt, tái ngộ Sài Gòn. Mái nhà xưa của tôi ở đường Bình Thới, quận 11, từ đường Lê Đại Hành quẹo trái. Nếu đi thẳng đường Lê Đại Hành (trước mặt Trường đua ngựa Phú Thọ) thẳng tới đường Âu Cơ, tới nữa để quẹo trái sẽ gặp nghĩa địa Phú Thọ, khu vực ấy gọi là Phú Bình. Nghĩa địa Phú Thọ đối với tôi là một trong vài nơi chốn hành hương, có mộ em gái tôi, và mộ nhà thơ Quách Thoại. Phải lâu lắm tôi mới phân biệt được tiếng pháo với tiếng súng nổ. Rồi nghe tiếng kêu thương bên nhà lối xóm: ông cảnh sát trực đêm ba mươi, sáng sớm mùng một Tết về nhà, bị Việt Cộng bắn chết ở đầu đường Bình Thới. Rồi nhiều thứ tiếng súng lác đác, rồi tôi cũng nhận ra một thứ tiếng súng đặc biệt, giống tiếng gà mổ thóc trên sân gạch: tiếng súng AK. Rồi lửa bốc lên ở một khu vực khá gần nhà tôi. Cả nhà cuống cuồng thu dọn các thứ đồ đạc cho là cần thiết nhất khỏi bị lửa cháy tới thiêu rụi, dồn vào mấy thùng phuy đã đổ bỏ nước chứa trong đó. Và chạy ra đường phố xem xét tình hình. Tôi đi tới đầu đường Bình Thới. Người ta xì xào về một tên Việt Cộng, vốn quen mặt lắm, tên này bị thương, đang trốn trong một tiệm may. Sáng mùng hai Tết, tôi đi ra tận đường Thuận Kiều, khu vực có nhiều người Hoa. Rải rác những xác chết đắp chiếu, có xác hở mặt ruồi bu đen đặc. Vòng trở lại, vào khu vực Phú Thọ Thăng Long, một người lính Biệt Động Quân cầm súng Carbine M2 ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, đứng gác ở một ngã ba, kêu tôi, xét hỏi giấy tờ. Bởi tôi đi trong giờ giới nghiêm ở khu vực này. Tất nhiên tôi bị giữ lại, vì không giấy tờ. Đi ra đường xem tình hình, tôi đâu nghĩ tới chuyện mang giấy tờ. Tôi buộc phải đi theo người lính Biệt Động Quân về chỗ tập trung, đặt tại văn phòng của trường mẫu giáo trên đường Tuệ Tĩnh. Tại đây có những người lính Biệt Động Quân, một viên cảnh sát, và vài người có lẽ cũng bị bắt giữ như tôi. Viên cảnh sát hỏi lý lịch tôi, hình như ông ta có cảm tình với tôi, nhắc đi nhắc lại một cách thiện cảm anh là sinh viên văn khoa hả?... Nhưng viên cảnh sát không có quyền cho tôi về nhà, ở đường Bình Thới, cũng không xa chỗ bắt giữ tôi. Tôi ngồi miết ở góc băng ghế dài, thỉnh thoảng có thêm người bị bắt, dẫn vào đây. Họ ngồi bó gối trên nền căn phòng, y hệt những tên Việt Cộng bị bắt, chờ điều tra. Tôi lo lắng, phân trần trước một người lính Biệt Động Quân mang lon trung sĩ. Tôi thấy anh ta có cấp bậc cao nhất tại đây. Anh ta chẳng nói gì hết, còn nhìn tôi y hệt nhìn một tên Việt Cộng. Tôi tự trách mình, trong lúc loạn lạc, lại ra đường với chiếc ống vố. Tôi nghĩ, người lính Biệt Động Quân xét hỏi giấy tờ tôi, sẵn sàng tin tôi là sinh viên nếu tôi không ngậm ống vố. Chắc chắn anh ta, nhìn tôi “thấy ghét”, bắt giữ cho bõ ghét. Lại thêm một người bị dẫn vào, hai tay bị trói quặt sau lưng. Tôi đâm hoảng, nhìn cầu cứu vô vọng khắp phía. Một người đi vào, miệng ngậm ống vố, anh ta là trung úy Biệt Động Quân. Tôi nhìn anh ta thấy quen quen, anh ta cũng chợt nhìn tôi, rồi nói oang oang: “Ủa mày hả Đạt?... Mày vào đây làm gì vậy?...” Hóa ra anh ta là bạn học cũ ở trường trung học Chu Văn An. Tôi hú hồn, thở phào nhẹ nhõm, trạng thái của người vừa thoát hiểm. Chúng tôi chuyện trò rôm rả. Bạn học cũ của tôi đang là đại đội phó một đại đội của tiểu đoàn 33 Biệt Động Quân, đóng chốt chỗ này, chờ tiêu diệt mấy tên Việt Cộng cố thủ trong cao ốc bên cạnh cây xăng Phú Thọ. Buổi trưa mùng ba Tết, tôi nhìn hàng chục chiếc xe tăng đi về phía Phú Bình, những chàng lính Mỹ trẻ măng. Buổi chiều tôi ra nghĩa địa Phú Thọ, nhiều xác lính Việt Cộng, vài chiếc xe tăng cháy xạm, vài xác lính Mỹ cháy đen. Khi tôi lên lại Đà Lạt, việc đầu tiên là tôi tới tìm cô bạn gái người xứ Huế. Căn nhà gỗ nhỏ xíu khép cửa, nhưng không có cô ở trong. Tôi chờ cô gái cả buổi không gặp. Máy quay đĩa và chồng đĩa nhạc cổ điển tôi tặng cô còn để tại chỗ, có vẻ như cô gái chưa hề lấy một đĩa nhạc nào đặt vào máy để nghe. Tôi trở lại vài lần sau đó, vẫn vậy. Về lại Sài Gòn, tôi tới nhà một người bạn ở cư xá Vĩnh Hội, quận 4. Tôi được người bạn cho biết, cô nữ sinh viên đại học văn khoa (vợ tôi bây giờ,) lúc chạy loạn Tết Mậu Thân-1968, mang gửi tại nhà bạn hai rương sách quý, bị một người quen ở lối xóm, cũng chạy loạn tới nhà bạn tôi, “cầm nhầm” theo hai rương sách ấy khi về. Cô nữ sinh đại học văn khoa vừa xin lại hai rương sách vừa khóc, người lối xóm kia nhất định không trả. Người lối xóm ấy, sau 30-4-1975, kết hôn với một chàng (mới theo đuôi) Việt Cộng, hiện tại chàng này giữ chức phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố mang tên “bác”. Sau vụ việc dân chúng bị mất đất kêu gào, tố cáo bọn cán bộ cướp đất, trong đó có chàng phó chủ tịch, chàng (bị) rời chức bên chính quyền, nhưng lại (được) giữ vai trò quan trọng trong lãnh đạo đảng bộ thành phố. Câu chuyện đặc biệt ở chỗ này: người bạn đời của tôi, cô lối xóm “cầm nhầm” hai rương sách, và anh chàng đang giữ vai trò quan trọng trong lãnh đạo đảng bộ thành phố, đều từng là học trò của cô giáo vừa qua đời. Vợ tôi từng có lần cho tôi biết, cô giáo là người Thừa Thiên-Huế, thông thạo tiếng Pháp, khiến tôi mơ hồ cảm nhận một mối dây liên hệ, giữa cô giáo cũ của vợ tôi và cô bạn xứ Huế của tôi ở Đà Lạt. Và tôi được biết, bởi tôi linh cảm điều bí ẩn đó, trước ngày nhóm họ bên nhà gái -đám cưới của chúng tôi, là cô giáo và cô bạn xứ Huế của tôi ở Đà Lạt, cùng ở trong một tổ chức của Việt Cộng. Tôi nhìn thấy khuôn mặt nỗi chết trong hai người phụ nữ xứ Huế mộng mơ. Tôi không hỏi thêm gì khác nữa, chẳng hạn bây giờ cô gái xứ Huế bí ẩn lạ lùng đó ở đâu, giữ chức vụ gì, trong đất nước Việt Nam hiện tại đã giải-phóng-hoàn-toàn, không còn một con cá lớn nào nuốt một con cá bé nào... Bây giờ tôi đã biết rõ ràng, giữa thanh thiên bạch nhật, cô bạn xứ Huế của tôi không có gì bí ẩn lạ lùng, ngoài khuôn mặt đã được nỗi chết đánh dấu trên vầng trán, như cô giáo cũ của vợ tôi. Người bạn đời của tôi đưa tiễn cô giáo cũ tới nơi an nghỉ cuối cùng, thì cũng xem như một hành vi đạo lý Á đông, “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nếu tôi có nghĩ ngợi gì hơn, thì đó là tôi mường tượng nơi chốn tụ hội của những kẻ đồng hội đồng thuyền. Tôi mường tượng, cô bạn xứ Huế mà tôi từng bị quyến rũ, nay nếu không còn ở trần gian đã hết tiệt bất công, thì ắt cũng đã tới nơi an nghỉ cuối cùng. Và ở nơi ấy, cô giáo dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn gặp cô giáo kèm tiếng Pháp ở Đà Lạt, thông báo với nhau: anh chàng sinh viên văn khoa lang bạt, bạn của cô giáo này, đã thành hôn với cô nữ sinh văn khoa, từng là học trò của cô giáo kia. Họ đang sống hạnh phúc trong thiên đường cộng sản, ấy cũng là do sự tích cực đóng góp công lao tâm huyết của hai cô giáo, trong cuộc “tranh đấu giành độc lập tự do cho xứ sở”! Người ra đi mang theo khuôn mặt của nỗi chết, và chết có thể là hết. Nhưng biết bao nhiêu người ở lại trần gian, ở trong nước hoặc ở nước ngoài, cũng như tôi hôm nay, đã không thể quên mùa xuân Mậu Thân 1968. Mùa xuân và mồ chôn tập thể hàng ngàn người tại Huế. Trong năm đó tôi nhập ngũ, và một đơn vị quân đội tôi chọn khi mãn khóa quân trường cũng lại là vùng 1 chiến thuật, sư đoàn hỏa tuyến tại Thừa Thiên-Huế. Năm 1970, khi hành quân qua khu vực có Khe Đá Mài, tôi và các bạn đồng đội còn rùng mình. Dưới hố sâu của Khe Đá Mài, từng có 421 nạn nhân bị Việt Cộng xô xuống, trong vụ tàn sát tập thể Tết Mậu Thân. Hãy hình dung, để tiết kiệm đạn dược, Việt Cộng đã dùng báng súng gậy gộc đập vào đầu nạn nhân, hẳn phải hơn một lần mới chết. Có khi nạn nhân còn thoi thóp dưới Khe Đá Mài. |