Chuyện Bất Ngờ. |
Tác Giả: Hướng Dương txđ |
Thứ Hai, 02 Tháng 3 Năm 2009 00:45 |
Anh đang mở hôp thịt nguội thì chẳng may bị đứt tay. Miếng sắt của nắp hộp quá sắc, anh vô ý để nó kẹp vào ngón tay cái khi quay chiếc kìm mở. Bực bội, anh đặt chiếc hộp, với cây kìm còn dính chung, xuống mặt bàn, càu nhàu trong đầu: “Tiên sư nhà nó! Sao sáng nay mình làm cái gì cũng không xong thế này?” Anh đưa đầu ngón tay lên miệng, mút mút và chạy tới ngăn kéo tủ tìm kiếm mảnh bandaid để băng vết thương. Cái vị mằn mặn của máu làm cho anh tỉnh người. Anh đưa hai ngón tay bên phải nắm chặt chỗ máu chảy để tạm rịt vết thương. Cong lưng, anh đưa cả hai tay dính nhau cố kéo chiếc ngăn tủ, rồi loay hoay thế nào làm rớt tấm gương nhỏ để ngay kế bên. Một tiếng xoảng, thế là nó tan tành thành trăm miểng. Cáu kỉnh anh buột miệng: “Sao khốn nạn thế này? Xui quá đi! vỡ gương! Điềm gì đây?” Anh bỏ tay ra khỏi vết thương kéo chiếc hộc tủ, tay trái nhấc chiếc hộp sắt con con đưa lên ngang tầm mắt, vừa bật cái nắp của nó lên bằng tay mặt thì thấy máu rỉ ra làm thành một vết đo đỏ trên vỏ hộp. Có lẽ chưa bao giờ anh thấy tức mình bằng buổi sáng hôm nay. Sao tự nhiên anh cảm thấy mình vô dụng, đụng vào cái gì là hỏng cái đó. Anh vội rút một miếng bandaid, nhanh xé tấm bao ngoài, dựt một trong hai đầu mẩu plastic che phần nhựa dính bên phía dưới, đặt miếng băng lên trên ngón tay trái ngay nơi vết thương, nhấn mạnh cho dính, rồi đẩy tấm bandaid quanh ngón tay. Làm xong được công việc nhỏ nhoi này anh thấy nhẹ nhõm một phần. Vừa ngay lúc tưởng đã yên, anh khịt khịt lỗ mũi khi ngửi thấy một mùi khen khét từ dưới nhà bếp. Óc anh bỗng thúc anh phát ra câu chửi thề: “Chết mẹ! Để quên cha nó miếng bánh mì trong oven! Thế là cháy rồi!” Anh vội vã bước xuống nhà bếp thì thấy một làn khói nhẹ toả ra khỏi chiếc lò nướng điện. Vừa mở cái nắp đậy ra thì một mùi khét lẹt xộc vào mũi anh, làm anh khó thở. Anh đưa tay lên kẹp hai cánh mũi, miệng ho sặc khẽ, tay kia đưa qua đưa lại để quạt bớt lớp khói mịt mù. Vừa đúng lúc anh tính kéo mẩu bánh mì ra thì có tiếng chuông điện thoại réo inh ỏi trên nhà. Anh lật đật trở lên nhà trên, tiến tới chiếc điện thoại, nhấc ông nghe để lên tai, miệng nói với giọng hơi hơi khó chịu: - A lô?.... Alô? Xin lỗi ai ở đầu giây? Im lặng. Không có ai trả lời! Thế có bực mình không? Anh cáu kỉnh đặt ống nghe xuống, và vừa khi anh tính bước trở xuống bếp để nhìn miếng bánh mì cháy thì điện thoại lại reo. Lần này anh nhấc ống nghe, đưa lên tai, nhưng nhất định không mở miệng. Trong óc anh nghĩ: “Mình thử không nói xem có ai bên kia mở họng trước hay không?” Trái với suy đoán của anh cho rằng có ai muốn phá anh chơi, sau chừng một khoảng ngắn im lặng, anh nghe một giọng nói quen quen bên kia đầu giây: - Alô! Alô! Thằng Hoàng đâu? Thằng Hoàng đâu? - Trường đấy à? Sao mày gọi, tao nhắc máy lên “Alô… Alô!” mà mày lại im là thế nào? Mày tính phá tao hay sao đây? - Phá gì? Tao có chuyện cần muốn nói với mày đây này! Có rảnh vài ba phút không? Nói được không? - Nói đi! Tao vừa gập chuyện bực mình đây! Đừng rào trước đón sau nữa! - Ơ cái thằng này hay nhỉ? Chắc lại bị em nào không cho sờ đêm qua phải không? Em không cho thì cáu với em, sao lại đi cáu với tao? Thằng chó! - Thôi, cho tao xin lỗi! Tao đang bị đứt tay, máu chảy đầm đìa đây này! - Ồ, mày lại giết cầy hả? Ai cho mày giết cầy bên Mỹ? Bộ mày quen thân thằng Obama nên nó cho phép mày đặc biệt hay sao đây? Đừng làm cho tao chẩy nước rãi nghe mày! Lâu lắm không có miếng thịt cầy nào nhậu với đế đó nhe! Cứ mỗi lần có dịp là Trường, bạn thân của anh, hiện sống ở Melbourne, lại chọc phá anh về vụ anh giết chó để có thịt ăn nhậu, khi đó, vào những năm đói khát sau 75 ở bên nhà. Hình ảnh những con chó đã được gây mê để cho sinh viên thực tập giải phẫu lại hiện lên trong đầu anh. Cứ lâu lâu, nhờ quen biết một anh bác sĩ dạy bên Phân Khoa Giải Phẫu - tiếng thời đó gọi là Bộ Môn Giải Phẫu – Trường lại xin được một con, sách về nhà. Vì anh ta là con nhà tông, quí phái, anh đâu biết làm lông và thui chó? Anh ta đã nói đùa với Hoàng, “cái việc tầm thường này tao dành cho mày! Chỉ mày mới biết nghệ thuật làm thịt chó!” Thế là Trường và mấy người bạn kéo nhau đi tới mấy bến xích lô để tìm anh về. Thời đó anh chạy xích lô kiếm tiền để ăn nhậu. Trước 75 anh chưa đụng vào một miếng thịt chó bao giờ. Bọn VC vào miền Nam, dân chúng đói khổ mới biết ăn bo bo, mới biết nấu canh rau với muối thay vì nước mắm, mới biết xài bếp mạt cưa. Và một số người có học thức, như Trường và anh, mới biết ăn thịt chó. Chẳng phải bởi vì thịt chó ngon, như những kẻ phảm tục thường cho, mà chỉ vì họ thèm thịt. Không có thịt gà, thịt bò, thịt lợn mà ăn thì ăn thịt chó đỡ, có thế thôi, không phải vì khoái thứ này. Mà thịt chó cũng là tiền, đâu ai cho không, nên khi xin được một con về là cả bọn kéo nhau xúm vào thịt rồi ngồi với nhau cười đùa ăn nhậu cho quên đời. - Đừng có nói bậy! Con hàng xóm tao nó mà nghe được nó đi báo hội bảo vệ súc vật là tao đi tù đó nghe! Mà mày nói chuyện cần là chuyện gì vậy? Đối với mày, làm gì còn chuyện nào cần nữa đâu? - Tao nói cần là vì nó quan trọng đối với mày. Nghe tao hỏi này rồi nhớ moi óc ra mà trả lời! Cả đời mày, mày có quen em nào tên Quỳnh Hương không? - Mẹ kiếp cái gì thì tao quên chứ tên các em đi qua đời tao thì tao nhớ mồn một. Tao có quen một hai em Quỳnh nhưng không có em nào là Quỳnh Hương cả! - Mày nói thế mà nghe được à? Hôm qua em gọi điện thoại cho tao từ Sydney. Em nói chuyện với tao cả tiếng đồng hồ. Em hỏi thăm tao thì ít, mà nói về mày thì nhiều. Em biết cả những chuyện về mày mà chính tao cũng không biết nữa… - Thôi đi cha, đừng phịa chuyện để dọa tao. Tao đã qua cái tuổi để sợ rồi! Ngày xửa ngày xưa tao có làm bậy, nhưng từ hơn chục năm nay tao đã đi tu… - Mày mà tu? Mày thì chỉ có tu chai, chuyện đó ai không biết? Nhưng thôi, tao không muốn nói lằng nhằng. Chuyện này sérieux (nghiêm trọng), không đùa đâu… - Mày lại hù nữa sao Trường? Mày có thể nói mà không dọa tao được không? Tao tim yếu, tao ngã lăn ra chết bi giờ, ai cứu tao? - Quỳnh Hương hỏi tao có còn thường liên lạc với mày không. Tao nói còn. Em bảo “Em cần nhờ anh tí việc.” Giọng em ngọt như miá lùi. Tao hỏi, “Việc gì, em cứ nói, cái gì anh làm được là anh làm liền cho em?” - Em lại đòi ngủ với mày chứ gì? - Ngủ với tao thì tao đã sướng. Khốn nỗi em đòi đến ngủ nhà mày! - Mày nói cái gì? - Ngày mốt 12 giờ, máy bay chở em sẽ đến phi trường San Francisco. Em muốn mày ra đón em, đưa em về nhà mày. Em sẽ ở chơi 1 tuần, mày sẽ đưa hai mẹ con em đi thăm thành phố. Con gái em mới học xong Trung Học. Nó đậu thủ khoa nên em thưởng, cho con đi nghỉ hè ở San Francisco! Mày có nghe không vậy? - Ơ, tao có quen nàng đâu mà bảo tao rước nàng về nhà? Lỡ có chuyện gì ai chịu? Mày có chịu không? - Nếu mày không muốn thì thôi, tao sẽ phôn báo cho Quỳnh Hương hay liền để em lo liệu chỗ ở nơi khác. - Ê Trường, cho tao nói đã! Tao có nói hẳn là không đâu? Tao chỉ xin mày cho tao biết sơ qua em là ai mà lại biết tao, mà lại muốn tao đón em về nhà? Tao không có vấn đề gì mời em ở đây một tuần. Một tháng, một năm tao còn không ngán. Nhưng em là ai, em thế nào, lý lịch của em ra sao, mày phải cho tao biết sơ qua chứ! Rổi Trường cho biết thêm vài chi tiết về Quỳnh Hương. Em năm nay tuổi cũng đã gần năm mươi, vẻ đẹp còn mặn mà lắm, rất thể thao nên “co” còn đẹp, “mày thấy là phải mê”, tính tình rất dễ thương, hoạt bát, có công ăn việc làm tốt, em hiện làm phụ tá giám đốc cho một cơ sở tài chính và đầu tư khá lớn ở Úc. Em là em họ của một thằng bạn cũ mà anh ta đã may mắn gặp lại nhân một dịp đi chơi Sydney. Hỏi về gia cảnh của em, Trường nóí chẳng hiểu chồng em đâu, anh ta không gặp bao giờ, cũng không bao giờ em nói tới, anh ta chưa bao giờ dám hỏi, sợ em bảo đàn ông gì mà tò mò tọc mạch chẳng khác gì đàn bà, tại sao lại cứ thích đi “săng đan” vào đời tư em. Nhưng em có con, một đứa con gái duy nhất, chắc là phải sinh ở Việt Nam, trước ngày em vượt biển trốn đi, bởi vì theo anh ta tính toán thì em mới sang Úc được chưa quá 15 năm, mà con em đã gần 18 tuổi. - Thế làm sao em lại biết tao vậy mày? - Cái đó thì mày phải hỏi em. Em kể vanh vách về mày, tao tưởng em là một trong những em gái cũ của mày chứ! - Thế thì tại sao em không gọi điện trực tiếp nói chuyện với tao, cho tao hay mọi chuyện? - Em nói cận ngày đi quá, em vừa phải lo công việc vừa phải chuẩn bị chuyến đi, không có thì giờ. Em nói với tao với cái giọng tao chỉ muốn cắn em một cái, “Anh Trường giúp em được hơ...ơ..ôm?” Nói chơi vậy thôi chứ em ở tuốt xa, cắn thế nào được? - Thế còn vụ đòi đến ở nhà tao? - Cái đó thì em có nói lý do. Em nói lúc đầu em tính ở Hyatt Regency ở downtown, nhưng sau nghĩ lại, em muốn ở gần mày cho con gái em được làm quen từ từ với mày, thân thiện với mày, gần gũi với mày… - Làm quen từ từ với tao? Thân thiện với tao? Gần gũi với tao? Sao toàn là những chuyện lạ đời! Bộ em muốn bắt tao làm bố nuôi con bé đó hay sao? Hay là em tính cho con bé sang đây học và nhờ tao nuôi trong một thời gian? - Cái đó tao cũng lại không hỏi. Mày biết tính tao. Nói gì tao nghe, bảo tao làm gì tao làm, còn théch méc thì không có tao! Tao là một con người dản dị, je vois les choses très simples (tao nhỉn mọi sự việc thật đơn giản), tao không thích gây rắc rối, không thích hỏi này nọ… Chuyện đó trước sau gì thì mày cũng biết. Nếu em không giải thích, thì mày hỏi em. Mày có một tuần với em, tha hồ mà làm gì thì làm. Một câu hỏi có là gì mà mày phải bận tâm từ bây giờ? Nhớ sáng mốt 12 giờ trưa, phi trường San Francisco của mày, chuyến bay Qantas 719. Em sẽ bận một chiếc váy đen và một áo đỏ để cho mày thấy mày biết đó là em…. Tao chắc mày còn nhớ phim Vacances Romaines (Roman Holiday) trong đó Gregory Peck tình cờ bắt được em Audrey Hepburn rồi đưa em đi chơi khắp thủ đô Rome của nước Ý thơ mộng. Tao mong mày cũng có một Vacances San Franciscaines giống vậy. Nghe nói nơi mày ở cũng thơ mộng lắm thì phải? Nói một hơi xong, Trường kết thúc cuộc nói chuyện: - Nói đủ cho mày nghe rồi, nói thêm nữa chỉ càng làm cho mày điên đầu. Hai tuần nữa tao sẽ gọi lại hỏi thăm mày xem mọi chuyện ra sao, có đẹp như tao đang hình dung trong đầu hay không. Còn bây giờ thì, allez, au revoir! (thôi, chào mày, hẹn gặp lại sau) Mời các anh chị vào đọc tiếp trên trang web http://huongduongtxd.com You are welcome to visit my web site: http://huongduongtxd.com |