“Lá rách đùm lá lành!” |
Tác Giả: Nguyễn Thị Lan Anh | ||||
Thứ Tư, 18 Tháng 2 Năm 2009 22:23 | ||||
Sau tết, khi các tổ chức từ thiện ngồi lại tổng kết, điều khiến họ vui nhất là đã kịp thời chia tết cho người nghèo cả nước. Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu các báo không thâm nhập thực tế, phát hiện một thực tế đáng buồn là đồng tiền không đến đúng đối tượng, hoặc đến, nhưng bị xà xẻo, trấn lột kha khá. Cụ Dương Long ở huyện Thăng Bình- Quảng Nam, 73 tuổi, nuôi vợ bị ung thư, con bị bệnh tâm thần kể “tui mừng lắm, chờ đợi khấp khởi nhưng mãi không thấy tên mình… chỉ thấy toàn mấy người khá giả, bà con với trưởng thôn”. Bà Trần thị Phúc – huyện Nghi Lộc – Nghệ An, chồng chết, bản thân ung thư máu giai đoạn cuối, có năm con đi làm thuê xa nhà nhưng không con nào nuôi được mẹ, nói ‘trước tết, nghe chính phủ trợ cấp 200.000 đồng thế nhưng tôi chỉ nhận được 150.000 đồng và không có cân gạo nào”. Bà Tống thị Truyền – huyện Nghĩa Hành – Quảng Ngãi than thở “Hai trăm ngàn với người giầu không là gì, nhưng với bọn tui nó rất lớn. Dân đã nghèo mà còn bị ăn chặn. Cán bộ ở với dân mà không thương thì dân còn biết sống với ai.” Dân kêu hàng loạt, có hình ảnh, có thu âm, có địa chỉ cụ thể. Thế là lòi mặt chuột các quan phụ mẫu. Như ông Huỳnh Cát, tổ trưởng tổ 3 thôn Tây Giang, xã Bình Sa-Quảng Nam. Sau khi 18 hộ nghèo nhận mỗi người 200,000 đồng về, ông này đến tận nhà thu lại hết rồi đem chia đều cả tổ ‘cho nó công bằng’. Ai kháng cự, vợ con ông Cát sẽ đòi bằng được, không ngại xô xát (!). Hay thôn Tân Lập – Quảng Ngãi, nơi có sáng kiến bố trí hai bàn – một bàn phát tiền hỗ trợ tết, một bàn thu nợ và các khoản nghĩa vụ phải ủng hộ như xây nhà văn hóa, quỹ tình nghĩa, quỹ giao thông nông thôn (tổng cộng các loại quỹ độ 200.000 đồng!). Người nào tới bàn nhận tiền mà không ghé bàn đóng góp thì không được lãnh thể bảo hiểm y tế. Khi bị báo chí hỏi, ông Bí Thư thôn một mực ‘khai’ thôn chỉ vận động, ai muốn nộp thì nộp, không thì thôi. Lập đoàn tự đi Để tránh tiền cứu trợ bị xà xẻo, nhiều người, trong đó có kẻ viết bài, hay chọn cách tự thân vận động, nghĩa là tìm đến địa chỉ người nghèo, tự tay cho họ tiền. Một kinh nghiệm xương máu xin tặng bạn đọc, để nếu có về Việt Nam làm từ thiện, thì biết đường. Đó là lòng tốt phải đi đôi với thủ tục. Nhớ đận đi Quảng Ninh- Quảng Bình, tặng tiền cho một gia đình có ba con mù bẩm sinh, kẻ viết bài chỉ có địa chỉ trong tay. Vừa đi vừa dò dẫm hỏi đường. Cuối cùng phải cầu cứu ông xe ôm. Ngoằn ngoèo luồn qua bao ngõ xóm dài hơn chục cây số mới tới được …La Mã. Ngồi chưa nóng chỗ, ông xe ôm đã giục về, chủ nhà cũng giục. Họ bảo ‘cô vô, cả làng cả xóm biết. Lát họ kéo tới đây đầy. Không chừng cán bộ tới nữa’. ‘Kéo tới thì kéo, mình làm chi sai mà sợ’. ‘Thì đành vậy, nhưng rầy rà. Dân tới vì tò mò, muốn coi mặt nhà hảo tâm. Còn cán bộ tới vì nghe nhà tôi có người lạ mặt. Họ sợ tuyên truyền sách động chi chi’. Kinh nghiệm ‘nhập gia tùy… xã’ ở Quảng Bình, khi theo đoàn thiện nguyện An Phước tới cứu trợ Cần Giờ, kẻ viết bài thấy chị Phước trưởng đoàn vận dụng thành thạo. Từng nghe nhiều gương ‘nghèo sặc máu’ của dân xã Đồng Hòa, kẻ viết bài hết sức bất ngờ khi mới qua phà Bình Khánh, thay vì về Đồng Hòa, đoàn cứu trợ quẹo ngay vào trụ sở xã Bình Khánh gần đó. Chị Phước giải thích ‘trước khi đi, đã gặp huyện, nêu mục đích chuyến đi, xin phép đàng hoàng. Huyện cám ơn nhưng phân cho đoàn về Bình Khánh’ ‘Nghĩa là không được tự ý muốn đi đâu đi?’.’Thì vậy!’. ‘Huyện giải thích huyện Cần Giờ nghèo nhất Sài Gòn, Xã nào ở Cần Giờ cũng ‘nghèo bình đẳng’. Mấy xã kia có nhiều đoàn tới trước tặng quà rồi. Còn Bình Khánh chưa được bao nhiêu. Do vậy huyện yêu cầu mình về Bình Khánh’. Ngồi trong nhà văn hóa xã Bình Khánh, sắp xếp hai trăm phần quà, mỗi phần 10 ký gạo, một chai dầu ăn một lít, một gói bột ngọt nửa ký, một chiếc áo thun và một phong bao lì xì bên trong có tờ 50.000 đồng mới tinh, một cô gái trẻ cằn nhằn ‘sao cho bột ngọt có hại sức khoẻ mà không cho đường. Còn dầu ăn nữa, cho làm chi. Không nhớ lần trước, ở Đ, mình đã cho dầu ăn, bị mấy bà đem thẳng vô chợ bán lại sao’. Chị Phước lại nhẫn nại giải thích ‘cho dầu ăn, bột ngọt là tại trước khi đi, điện thoại hỏi mấy anh ở huyện coi mua gì hợp với dân đây nhất. Họ biểu mua hai thứ đó. Dân nghèo, đâu có tiền đi chợ hàng ngày. Quơ quào trong vườn ngoài rạch, được gì ăn nấy. Cho bột ngọt, dầu ăn thích hợp nhứt. Xài nhín cũng được nửa năm (!).
Anh Đặng Minh Cảnh, Phó Chủ tịch xã Bình Khánh chỉ tay về hướng mấy bà mấy chị ngồi túm tụm ngoài thềm, nói ‘họ ở ấp xa nhất của xã này. Để có mặt lúc 9 giờ sáng lãnh quà, hầu hết phải dậy từ hồi 4 giờ sáng, quá giang ghe. Nhiều người kiếm sống bằng nghề bắt ba khía, chỉ được 10.000 đồng một ngày, bằng nửa tô hủ tiếu bình dân 20.000 đồng’. Làm sao xã biết họ nghèo mà cho quà? Cô Trinh, cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo đỡ lời ‘trên này có đoàn cứu trợ nào tới, báo liền về các ấp. Trưởng ấp họp dân bình xét, chọn ra đối tượng nghèo cần giúp đỡ (mỗi hộ chỉ được một lần, tránh hộ không được, hộ lại được tới 2, 3 lần) rồi gửi danh sách lên xã. Xã căn theo đó phát phiếu ghi rõ tên, ngày giờ đi lãnh’. Nghe cô gái nói, kẻ viết bài không khỏi liên tưởng tới các cán bộ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh từng được báo chí ‘khen ngợi’ gay gắt vì chận tiền của người nghèo, phát cho người giầu, phe cánh, dòng họ... Đi với tôn giáo Không muốn đơn thương độc mã, không thích đi theo nhóm, không tin cậy trung gian (báo chí, hội đoàn, chính quyền) mà vẫn muốn tới với người nghèo thì có thể ‘núp dưới chiêu bài các tổ chức tôn giáo’. Đây là cách của chị Như Hường ở Houston – Texas. Chỉ tính từ năm 2004, 2005 tới nay, chị đã không dưới bốn lần bay về Việt Nam, đem thuốc men, tiền bạc quyên góp được, phối hợp với dòng tu Đa Minh – Lạng Sơn chăm sóc người khuyết tật. Đến thăm cơ sở từ thiện mang tên Hoa Hồng ở Củ Chi, nơi đang cưu mang gần 30 mảnh đời bất hạnh, do các nữ tu dòng Đa Minh – Lạng Sơn quản lý, kẻ viết bài chứng kiến tận mắt tình cảm chị Hường dành cho các bé bại não, câm điếc khi chuẩn bị bữa ăn cho các em. Còn chuyện về bản thân chị, là do các dì trong dòng tu kể lại. Rằng bao giờ về Việt Nam, chị Hường cũng tìm thăm ngay người bệnh thiểu số ở vùng rừng núi heo hút nhất Lạng Sơn, Cao Bằng. Toàn người có tay chân cong queo, dị dạng ngồi xó nhà, không thì nằm trên giường có khoét lỗ, thịt lưng, mông, ống chân nát ruỗng, hay trẻ em ngơ ngẩn ngồi trên đất, tay bốc đất cát, bốc cả phân cho vào miệng nhai…”Nhiều phụ nữ Mèo, Giáy, Dao …”ngoài ba mươi tuổi đã hom hem đen xạm, suốt ngày khuân vác hàng lậu, cuốc đất làm nương, đi chợ bán chác. Con cái thả chung với gia súc. Chết sống đói no mặc kệ. Chồng chỉ chơi, ngủ, uống rượu, hút thuốc phiện. Việc con cái, nhà cửa, kiếm tiền … không thích động tay. Dì Điểm ‘chê’ chị Hường là doanh nhân, có trong tay nhà hàng Rosemary’s Garden nổi tiếng ở Houston, nhưng hà tiện khủng khiếp, chưa bao giờ dám phung phí … 50 xu cho bản thân, chỉ giỏi ‘ném tiền’ – hàng ngàn, hàng chục ngàn đô la – cho việc thiện. Có lần ‘sa vào tay’ công an Lạng Sơn, bị tra hỏi ‘đi vào vùng không được phép để làm gì’ suốt từ 5 giờ chiều tới gần nửa đêm, dù được nhiều người gợi ý nên lo lót nhưng ‘người hà tiện kinh khủng’ nọ vẫn không nghe. (Tin mới nhất: mùng 6 tết vừa qua, dòng tu Đa Minh ‘của chị’ đã khánh thành nhà nuôi người tàn tật với sức chứa100 người tại Lạng Sơn. Dù chưa có giấy phép hoạt động nhưng số đơn xin vào đây đã vượt hơn 100 đơn). Ngoài chuyện không để thất thoát một xu tiền cứu trợ vào các bàn tay nhám nhúa, chị Hường còn đề cập kinh nghiệm khác, mới nghe thấy lạ, nhưng nghĩ lại, thấy đúng. Đó là ‘phải để tiền ngoài tầm với của những người cần cứu trợ- người hôn mê, mất khả năng ngôn ngữ, phán đoán, cử động… Vì đưa tiền, thân nhân họ sẽ lấy hết, có khi dùng uống rượu, hút thuốc phiện, chơi nhởi, mua sắm linh tinh, bản thân người bệnh không được hưởng, không thể phản kháng, mà cũng không có sức để phản kháng. Như trường hợp cô Sáu bị loét thịt, nằm bất động trên chiếc giường đục lỗ nói trên, mỗi tháng tiền thuốc hết gần 200 đôla, đều do các maxơ mua đem đến, thay vì đưa trực tiếp cho cô’. Càng nghe kể càng thấy chị Như Hường ‘kinh nghiệm đầy mình’. Chị tâm sự ‘Đi từ thiện không phải đi chơi. Không phải được chăng hay chớ, không phải mưu cầu danh tiếng. Phải hết sức tiết kiệm, giản dị. Gần người bệnh, người nghèo không ghê sợ, xa cách. Đừng nói không thể, không dám, không quen’ Không chuyên nghiệp như chị Như Hường, nhiều bạn trẻ cũng mê làm việc thiện, nhưng nghèo, không quen lớn (để xin tài trợ), tính lại nhút nhát, rụt rè. Với đối tượng này, cách dễ nhất là lên internet tìm ‘đồng bọn’. Huyền, Lộc, Hiếu, Hạnh, bốn sinh viên, không quen nhau, nhưng lang thang trên net, gặp nhau trong trang web drukpa.org của dòng Thiên Long – một dòng tu Tây Tạng. Từ chỗ tò mò, đến chỗ đi nghe Pháp vương Drukpa từ Tây Tạng quang lâm Việt Nam, giảng pháp tại chùa Phổ Quang, chùa Hoằng Pháp (Sài Gòn), Đại Tùng Lâm (Bà Rịa Vũng Tàu) cuối năm 2008 qua, họ nhanh chóng đến với nhau, lập nhóm Niêm Hoa, sôi nổi
Đầu năm, nhân chuyện một số cán bộ xã ấp ‘vận dụng linh hoạt’ chính sách phát tiền ăn tết cho dân nghèo, làm sứt mẻ uy tín nhà nước, kẻ viết bài mạo muội sao chép vài kinh nghiệm ‘chống vận dụng’ của những người làm từ thiện tại Việt Nam, cung cấp cho bạn đọc. Tuy ít ỏi, sơ sài nhưng biết đâu lại chẳng được việc cho các bạn vào lúc nào đó, như lúc…đi nhận tiền cứu trợ, chẳng hạn. (NTLA) |