Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Ticket đầu năm

Ticket đầu năm PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Ba, 17 Tháng 2 Năm 2009 03:21

Truyen ngan

 
Tôi không bao giờ tin tử vi hay bói toán, nhất là bảng số mệnh mỗi tuần trên các tuần báo, vì đã có lần làm báo cách đây mấy chục năm, khi người phụ trách gởi bài trễ, tôi đã đảo lộn, đem bản in của mấy tuần trước, đổi chỗ của các tuổi để có những lời giải đoán mới, thế mà sau ngày báo ra, có người điện thoại khen là lời đoán hay, chính xác. Tôi thành tâm hối hận và xin cáo lỗi với quý bạn thích mê tướng số về chuyện này. Ðầu năm nay, vợ tôi đọc cho tôi nghe mấy lời giải đoán tuổi tôi trong bài Tử Vi Trọn Năm, trong tờ Hồn Việt của ông Ngọc Hoài Phương bảo năm nay tôi vướng sao La Hầu rất xấu; “Quý ông mạng Giản Hạ Thủy, tiểu hạn ở cung Mùi (Âm Thổ), bị khắc, rất xấu. Năm nay sao La Hầu rất hung với phái Nam, nhất là Tháng Giêng Âm lịch...”

 Hôm nay mới qua khỏi rằm, nghĩa là mới qua khỏi nửa Tháng Giêng, đưa cháu vào trường đi học, trên đường trở ra, tôi quẹo trái ngay chỗ cắm cái bảng cấm quẹo trái. Tôi thú nhận đây không phải lần đầu, mấy năm nay, tôi đã quẹo trái ở đó nhiều lần vì ỷ y không có ông cảnh sát nào ở đó mà phạt, nhưng sáng nay lại là ngày 16 Tháng Giêng Kỷ Sửu. Vừa quẹo trái xong tôi mới thấy mình hố vì đã không quan sát kỹ, trước mặt tôi là đèn xanh đỏ chớp liên hồi, và ông Sao La Hầu đứng ngay giữa đường ra dấu cho tôi tấp vô lề. Ông cảnh sát chớp đèn thì chắc chắn đó là sao Phục Binh, Ngộ Triệt, Thiên La, Ðịa Võng... chứ không thể nào là sao Hồng Loan, Ðào Hoa theo tử vi, mà theo sao chiếu mệnh thì không La Hầu cũng Kế Ðô. Thế là chết trong lòng không phải một ít, mà còn nửa hồn kia bỗng dại khờ rồi, mất toi hơn $300.00 và 8 tiếng đồng hồ phí phạm trong cái lớp xóa ticket. Một phần chắc, tại tôi chủ quan, nghĩ mình không lái chiếc Hummer và hiệu xe của tôi tìm mãi cũng không thấy tên trong 10 chiếc xe làm “gai mắt cảnh sát” nhất, một phần cũng có thói quen thường lái ẩu, nếu không có bà vợ ngồi bên nhắc liên hồi “- đèn đỏ kìa anh,- stop, stop,- chậm lại chỗ này tốc độ chỉ có 45, - stop đi, đèn vàng rồi, - xe cảnh sát sau lưng hay bên trái, bên phải kìa anh!”

 Ðó là sao Phục binh còn thấy được bằng xương bằng thịt, còn sao Phục Binh bằng camera điện tử nữa mới ghê! Cách đây hai năm, vào ngày giáp Tết Dương Lịch, trong mớ thư từ nhận được, xen lẫn trong những tấm thiệp Giáng Sinh của bạn bè và thư từ lặt vặt, là “món quà cuối năm” của Sở Cảnh Sát, đề đúng địa chỉ và gởi đúng tên của người nhận. Thay vì trên tấm thiếp có in hình ảnh của ông già Noel hay những cây thông phủ tuyết trắng, lại in hình ảnh một chiếc xe đang cô đơn quẹo ở đèn đỏ mà không chịu full stop tại ngã tư Bristol-Anton thuộc thành phố Tustin, cùng với chân dung một ông già sau tay lái. Trong một bức ảnh khác là bảng số xe. Nhìn kỹ lại thì từ hiệu xe, đời xe, bảng số và hình ảnh người lái xe đều là chính của mình, chắc hẳn chẳng có điều gì cần thanh minh hay chối cãi. Có một điều tôi muốn nói với những người bạn trẻ, được một điều, là ở Hoa Kỳ, mà Sở Cảnh Sát là một, rất tôn trọng đời sống riêng tư của công dân họ. Máy ảnh tự động ở ngã tư đường chỉ chụp đúng khuôn mặt người lái xe vi phạm luật giao thông, mà không chụp nguyên hàng ghế trước, với khuôn mặt của người quá giang ngồi bên cạnh, nếu không thì cái giấy phạt về nhà sẽ gây nhiều rắc rối gấp bội hơn là số tiền $346.00 mà chúng ta phải trả cho thành phố, chưa kể chi phí ghi danh lớp học xóa ticket.

 Số tiền phạt là một món tiền quá lớn đã cho một lỗi sơ suất quá nhỏ, rẽ gấp chỗ đèn đỏ chỉ vì về cho kịp giờ đón cháu tan trường. Mấy hôm trước đi mua quà Giáng sinh, phải chờ sale, phải chọn món rẻ vừa túi tiền. Trước đó một tháng, tại Las Vegas, muốn đi kiếm một vài món hàng sale “After Thanksgiving Sale” phải xếp hàng từ 12 giờ đêm dưới bầu trời lạnh như cắt, về lại khách sạn thì đồng hồ đã chỉ 4:00 sáng. Mỗi lần đi chợ, theo lệnh bà, có khi vì một món sườn bò sale hay một chai nước mắm, phải chạy xe từ ngôi chợ này sang chợ khác, kiếm ra chỗ đậu xe cũng khá vất vả. Ra đường, hết xăng phải chọn cây xăng nào giá rẻ nhất. Giấy copy cho máy in, chọn thứ hơi đen, hơi mỏng một tí cho đỡ vài chục cents. Tháng rồi, hai bánh trước của chiếc xe đã khá mòn, một hiệu bán vỏ xe đề nghị phải thay cả bốn, nhưng tôi đã hoán đổi hai vỏ trước với hai vỏ sau để tiết kiệm được một số tiền. Những sự vất vả, tính toán đó nếu để lên bàn cân, nói “saving” theo kiểu Mỹ, dù dành dụm suốt một năm dài cũng không đủ số tiền nộp phạt cho “ba tòa quan lớn”.

 Ở Mỹ này ai cũng sợ ông cảnh sát và chắc chắn là không ai thương cảnh sát, chữ “cop” thì gọi ra chữ “cớm”. Không phải sợ vì ông oai phong lẫm liệt, súng ống, giày bốt, mô tô kềnh càng hay thỉnh thoảng bắn bậy, phần đông sợ khi ông rút cây viết hơn là rút cây súng. Viết xong, ông lễ phép đứng phía ngoài, thò tay vào xin “sir” chữ ký là thấy gần một tuần lương đi đứt, cho nên không ít “young lady” vừa được trình ký vừa sụt sùi nước mắt, còn lịch sự nghẹn ngào nói mấy chữ “Thank you, Officer”.

 Tôi nói xin các chiến hữu của tôi đừng buồn, chứ ngày xưa ở Việt Nam ông bác họ bảo thủ của tôi nhất định không gả con gái cho ông anh cảnh sát, phải thuyết phục cả năm ông mới xiêu lòng. Mà cảnh sát có ác nghiệt gì cho cam, vào thời Việt Nam chưa phát minh ra cái đèn xanh đèn đỏ, mấy ông cảnh sát đứng ở ngã tư đường cầm cái dùi cui, làm “chim bay cò bay” cho xe cộ qua lại. Ngày xưa ở xứ mình hai chữ công an- cảnh sát lại hay đi kèm với nhau. Con người ta thật mâu thuẫn, ngày thường không ai ưa cảnh sát, nhưng gặp lúc hoạn nạn, bể bánh xe dọc đường, bị trộm cướp, trấn lột hay đêm hôm hữu sự, bấm 911 hay gọi tiếng “Help” mà thấy ánh đèn chớp của xe cảnh sát đến gần là thấy cứu tinh.

 Tôi nghĩ bản chất con người là lạc quan, khi gặp chuyện không may đều tự nhắc nhở mình là vì xui rủi, thiếu may mắn chứ không hề oán trời trách đất, căm giận ai. Thói đời, ra đường bị đụng xe hay bị cảnh sát chớp đèn chạy theo sau lưng thì bảo hôm đó xui hay giờ xui, năm xui. Nếu có bị tốn mấy trăm bạc (con tem 42cents chưa đóng dấu, nhiều khi còn lột ra dán lại) thì an ủi “của đi thay người” hay “Hán(g) rộng” thì gọi là “hữu phước tản tài, vô phước tản mạn”(có phước mất tiền, vô phước bỏ mạng).

 Nói chuyện tiền bạc thì bạn cũng biết, kinh tế nước Mỹ đang suy kiệt, nghèo hơn bao giờ hết, hàng triệu người thất nghiệp, đã có người mất việc làm, bắn vợ con rồi tự tử theo. Trường học đuổi cô giáo, bưu điện bớt ngày làm việc, công chức cho nghỉ ở nhà không lương, mình như con cái trong nhà, thấy cha mẹ, gia đình nghèo mà xót xa. Con tem bưu điện rón rén lắm chỉ mới dám tăng có hai xu, làm sao mà giúp nước được, chỉ còn mấy ông cảnh sát chạy rong ngoài đường đem về cho ngân sách tiểu bang được vài ba triệu đồng, con cháu mình đến trường cũng được hưởng thêm viên phấn, cái sân chơi.

 Nghĩ như vậy, thấy “đời bỗng dưng vui”. Theo lời khuyên của các hiền triết, thì mỗi ngày phải làm cho hai người mỉm cười. Hôm nay ông cảnh sát không thấy mỉm cười nhưng về nhà kể chuyện thì vợ “cười mỉm” là một người, thêm đứa cháu ngoại cũng mỉm cười là người thứ hai, tố cáo “ông ngoại thường hay quẹo trái ở chỗ đó”. Nghiệm ra, mấy chục năm nay, những lần bị ticket là những lần lái xe một mình, không có người “lái tài xế” ngồi bên cạnh.

 Tôi yêu nước Mỹ biết bao nhiêu, luôn luôn khuyến khích quý bà, quý cô nên đi “shopping” cho nhiều, kinh tế nước Mỹ phồn thịnh thì mình cũng vui lây, nên người ta mới có khẩu hiệu “shopping là yêu nước”. Sáng nay tôi cũng vừa thể hiện tấm lòng yêu nước, bằng cách đóng góp cho ngân sách tiểu bang một số tiền để phục dậy nền kinh tế đang muốn nằm xuống. Một điều chắc chắn khác, là chính phủ sẽ thả bớt tù cho đỡ tốn cơm, đuổi cô giáo cho học trò đỡ giỏi, nhưng chưa nghe ai nói giảm bớt cảnh sát cho dân đỡ lãnh ticket. Vậy thì nhờ số xui cho ai có sao La Hầu, Kế Ðô chiếu mệnh thì còn cơ hội yêu nước, vì nhận ticket là thể hiện lòng yêu nước cũng như đi shopping vậy!