Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Con Khô Cá Kèo và Mùa Xuân đất Mỹ.

Con Khô Cá Kèo và Mùa Xuân đất Mỹ. PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Thứ Bảy, 14 Tháng 2 Năm 2009 22:20

Đến nhà ông Năm vào buổi chiều có chút nắng ấm, thấy ông Năm đang bắt chiếc ghế ngồi ở sân sau hong nắng cứ như mấy ông Mỹ già cô đơn. Trên tay ông điếu thuốc nhả khói, bên cạnh là ly café. Ông cười “Mấy chú đến chơi không gọi trước, chẳng có cái gì ăn.” Cả bọn ngồi xuống quanh ông “Ăn uống gì, đến chơi thôi.” Ông trợn mắt “Chơi không ai có hưỡn đâu mà chơi.” Biết ông nói giỡn chẳng ai lên tiếng trả treo gì cả. Sau vài hơi thuốc, ông phủi áo đứng dậy. “Ê! Vô đây, vô đây. Có cái này hay lắm.”

Bước vào nhà, trong nhà còn vương mùi khô nướng. Ngay lúc đó, cánh cửa trước bật mở, một đám con nít ồn ào kéo vào nhà, bà Năm đi sau. Một đứa nhỏ nhăn mũi nói với bà Năm “Ngoại lại nướng khô rồi.” hai đứa khác khịt lổ mũi “Hôi quá! Hôi quá.”

Ông Năm cười “Mẹ mầy, hôi gì mà hôi. Cái mùi đó nuôi mẹ bây lớn đó nghen. Tao huýnh cho mà tét đít.”

Đám nhỏ le lưỡi, rụt cổ chạy ào vô trong.

Bà Năm nói với chồng “Trưa nay ông ăn khô nướng sao ông không đem xuống ga-ra mà nướng.”

“Lại bà nữa, như vậy tụi nhỏ nó được mợi cứ chê tui hoài.”

Ông Năm quay sang mấy người khách. “Kệ bả, lại đây qua mời ăn món nầy.”

Ông dọn ra bàn một tô cháo trắng, một dĩa khô. Những con khô to bằng ngón tay cái đen thui được nướng chảy mỡ.

“Để hâm cháo cho nóng ăn mới ngon nha.”

Cháo trắng ăn với khô cá kèo nướng lạ miệng đối với một số người, kho cá nhân nhẩn, hơi béo.

“Ở đây chỉ có khô thôi. Qua ước mà có cá tươi, qua kho quẹt cho mà ăn với cháo trắng thì ngon dàn trời.” Ông nói. “Nói nào ngay thì nó hổng có bổ béo gì ở cái đất nầy. Nhưng qua ăn để nhớ quê hương. Ngày còn ở bển, qua thích cái món nầy nhứt hết thảy. Thế rồi ông kể nào là cá kèokho quẹt, kho tộ, lăn bột chiên bơ, lẫu lá giang, lẫu lá me…Ông kể toàn các món “nhà quê” nghe không thôi đã chảy nước miếng.

“Con cá còn tươi roi rói, bỏ vô rổ tro xóc vài ba cái, rửa sạch lăn bột đem chiên ăn ghém với rau đắng, rau nhút…thêm vài xị đế Gò Đen chính hiệu thì quên trời quên đất luôn.” Ông nói với ánh mắt mơ màng như sống lại cảnh cũ đường xưa.

“Nói nào ngay, hổng phải qua thiếu thốn gì; nhưng các chú hổng biết thôi, cá kèo ăn nên thuốc đó chú. Đang cảm lạnh mà nấu nồi cháo trắng ăn với cá kèo kho tiêu thiệt mặn, thiệt cay…ăn xong là đổ mồ hôi hột…cảm gì cũng bay tuốt luốt.”

“Bữa nay ông cảm ai mà ăn cháo trắng với khô cá kèo đây?”

“Cảm gì mà cảm. Hồi trưa nầy nằm đọc mấy chuyện của Sơn Nam bỗng nhớ nhà, thèm ăn.”

“Bây giờ ông khỏe ru rồi. Cứ mỗi năm về bển thì ăn đã đời chớ có gì khó.”

Ông Năm mơ màng: “Nói như chú nghe cũng dễ, nhưng mà thiệt ra đâu có dễ như vậy đâu chú. Qua cũng có về một lần rồi…nhưng quá ngán ngẫm nên thôi.”

Nhắc đến cá Kèo cũng nên biết thêm. Cá kèo là loại cá sống ở vùng đồng bằng Nam Bộ, và nhiều nhất là ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Vùng đất làm muối ở dọc bờ biển Bạc Liệu, Sóc Trăng của xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh ngày xưa nổi tiếng là vùng đất của cá kèo. Cá kèo sống ở cùng ruộng “nước lợ” nước “chè hai” và mặt ruộng lúc nào cũng nhão vì nước lên, nước ròng. Theo những nhà nông kinh nghiệm thì trứng cá kèo theo nước lên từ biển đổ vào sông và cá kèo vào sông, đầu mùa mưa cá kèo vào đất liền để sống. Đến khi lớn lên lại ra biển đẻ trứng. Cá kèo có chiều dài khoảng 20cm, to bằng ngón tay cái, giống con cá bống, cá chạch. Cá sống tự nhiên trên sông rạch, thức ăn là rong, các loại cá nhỏ, tép riu nên có hương vị rất riêng biệt. Thịt cá nạc trắng và thơm, có vị ngọt và nhân nhẩn, đắng đắng của mật cá, tạo nên món ăn đặc thù miền Nam mà không nơi nào có được. Nhất là món lẩu. Cá kèo có hai loại, cá sống tự nhiên thon nhỏ nhiều sọc trên lưng đầu mình bằng nhau, gọi là cá kèo “rừng”. Cá kèo nuôi gọi là cá kèo láng to mập hơn.

Ở nhiều vùng như Gò Công, Nhà Bè, Nhơn Trạch cá kèo ít hơn, chỉ sống ở sông và lên ruộng vào mùa nước nổi đào hang. Cá kèo không cắn mồi câu, người ta bắt cá kèo bằng một loại câu đặc biệt gọi là “vòng cá kèo”. Con cá kèo “bơi đứng” cái đầu nổi trên mặt nước. Cột một đầu lông ngựa vào dây cần câu và thắt một cái nút thòng lọng. Lông đuôi ngựa vừa mỏng vừa mềm vừa chắc, thả vòng nhẹ vào đầu cá rồi giật.

Riêng ở Cà Mau nổi tiếng có nhiều cá kèo; có một câu nói truyển tụng trong dân gian“Cá kèo nổi như mù u rụng” đủ biết cá nhiều thế nào. Tại Cà Mau lúc con nước ròng vào tháng 11 tháng Chạp gần Tết tại các kinh, rạch cá kèo đổ xuống và nổi lềnh mặt kinh, nhìn xuống nước thấy toàn đầu cá kèo. Vào khoảng tháng 9, 10, 11, tháng Chạp (âm lịch) thì tràn xuống kênh mương để tìm đường ra sông lớn, ra biển. Đó là thời gian bắt cá kèo bằng cách đóng đáy, đặt lợp, đặt nò, đặt lưới…Vào mùa cá những nơi đặt lợp, đặt nò trong vài giờ có thể bắt được hàng 100kg, hàng 1,000 kg cá kèo.

Một điễm đặc biệt khác: Cá kèo sống trong những hang đào trong ruộng đất sình, hoặc ở những bờ kinh, con sông có nước lớn, nước ròng. Trẻ con thường bắt cá kèo bằng cách đi thụt cá kèo. Thật ra đây cũng là trò chơi của lủ nhỏ nhà quê.

Cá kèo rất dể nấu, dễ ăn. Những bữa cơm của người dân ruộng nhà nghèo thường chỉ có cá kèo kho tiêu, kho lạt, kho quẹt. Cá kèo còn có thể nấu cháo, lẫu, chiên bột, trộn rau đắng… Khô cá kèo nướng chấm nước mắm me là món nhậu. Khô cá kèo nướng, cá kèo kho tiêu ăn với cháo trắng…ăn hoài không biết chán.

Ông Năm thở ra “Đó là qua nói chuyện cũ ngày xưa, chớ bây giờ tìm đâu ra cá kèo ngoài sông, ngoài ruộng.” Ông cho biết cá kèo bán ở Sài Gòn với các món lẫu nổi tiếng ở đường Sư Thiện Chiếu (Gần trường Gia Long và Chùa Xá Lợi-Đường Bà Huyện Thanh Quan). Mỗi chiều tấp nập người đi kẻ đến ăn lẫu cá Kèo. Những nồi lẫu sôi sùng sục trên lò, cá kèo còn sống đựng trong tô khi ăn thì đổ ụp tô cá sống vào…Lẫu cá kèo ăn với rau nhút, rau đắng.

Cá kèo Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bây giờ không còn nữa vì sau 1975 đất bị đắp đê ngăn mặn để trồng lúa, cá không còn đất sống, nghe nói bây giờ người Bạc Liêu đã nuôi cá kèo trong “vuông” để bán lên Sài Gòn cung cấp cho các quán nhậu, và làm khô, “kho tộ” xuất cảng. Đến các chợ Việt Nam có thể mua được. Nhưng với ông Năm thì “Ăn sao được mà ăn, nó tanh rình muốn ói.”

Nhắc đến chuyện đời sống ở Việt Nam, ông Năm cho coi một lá thư trao đổi giữa hai người bạn của con gái ông. Nội dung như vầy:

Thư cho Cò

Ngàỵ.. Tháng... Năm

Cò Thương,

Mùa Xuân đang bắt đầu, những cánh hoa anh đào với muôn sắc màu đang đua nhau nở rộ. Những cánh hoa hình tròn trái tim nhỏ li ti đùa giởn trên những nhành cây, chúng như những cô gái ở độ xuân thì cùng đua nhau khoe áo mới. Những chiếc áo lộng lẫy, tươi thắm trong những đôi hia lướt đi trong gió nhẹ nhàng uyển chuyển. Có những cơn gió vô tình như những chàng trai bất chợt khám phá ra điều bí ẩn lạ kỳ của tình yêu với những cánh tay vạm vỡ, họ ôm choàng lấy những cô bé diễm kiều của mùa xuân

dìu nhau ra sàn nhảỵ Họ xoay tròn xoay tròn trên không trong vũ điệu Rhumba nhuần nhuyển. Những cô gái anh đào và những chàng gió cứ thế tay trong tay quên hết thời gian, họ chỉ biết sống bên nhau hạnh phúc và không nghĩ đến ngày mai.

Cò ơi, ta ngồi đây trong khu vườn đầy những cánh hoa anh đào cùng tách trà nghi ngút khói với những chiếc bánh ngọt nhưng sao ta thấy có gì mằn mặn thấm đầu môị. Ta lại nghĩ đến mi. Giờ này bên quê hương xa xôi ấy, có lẽ ngươi đang mệt mỏi sau những gánh rau nặng nhọc của ngàỵ Cái chợ Hòa Bình ngày nào chắc giờ cũng đã yên giấc trong những tiếng bước chân lạch bạch của những gã gác chợ đêm. Những con đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng và cả thành phố Sài Gòn giờ chắc chỉ còn rãi rác những phu quét đường. Con hẽm nhỏ của mình ngày xưa giờ này có còn vang tiếng gõ lẻng kẻng của những chú bé bán mì dạo?

Ôi! những khu phố ta đã đi qua, những con người ta đã để lại, những nụ cười giòn vang trên môi những mái đầu xanh của thời xa xưa ấy giờ biết có còn gì hay không? Cái tuổi ngày xưa chúng mình, khổ cực có, buồn cũng có, nhưng bù đắp lại mình vẫn có nhau vai kề vai sát cánh vượt qua những khó khăn hằng ngày phải không Cò? Sao ta nhớ những lúc ấy quá! Nhớ da diết đó mi à.

Ta chợt nhớ đến bài ca mà hồi nhỏ mi tập tành hát, "Ngày ấy khi xuân ra đời có trời bình minh có lũ chim vui có lứa đôi yêu nhau rồi hẹn rằng còn mãi không nguôi.." Tiếng hát của mi dập dìu trong điệu Valse ngọt ngào vẫn còn đọng trong ta và giờ nghĩ đến đôi chân ta không ngớt nhịp theọ. Ta mường tượng nếu như lúc đó mình biết dập dìu trong tiếng nhạc thì có lẽ mi cũng sẽ như những cánh hoa anh đào ngoài vườn kia xoay đềy xoay đều trong chiếc váy màu hồng nhạt mà mi yêu thích.

Cò ơi, mi có nghe những nhịp tim ta đang rộn rã gọi tên mi. Mi có hay bên khung trời gió lành lạnh này có nguòi đang nhớ đến mi - một nguòi bạn cho ta tròn kỷ niệm ấu thơ.

Tách trà của ta đã không còn khói bay, một giọt nước mắt chợt lay động mặt nước. Ta thấy ánh mắt mi đang nhìn ta cười, mi vổ vai ta nhè nhẹ, "Này này cô bé mít ướt của tôi ơi chớ có khóc mà xấu xí đi nhé!" Cò ơi! Ta muốn ôm chấm lấy mi trong phút nầy, ôm thật chặt và ta sẽ không buông mi ra, sẽ không đâu Cò ơi!

Bước ra sân, cúi nhặt một cánh hoa rơi để vào lòng bàn tay, nhắm mắt ta gởi điều ước của ta vào đó và rồi thổi nhẹ cánh hoa lên không. Mi hãy giữ cho ta nụ cười giòn, giữ luôn tiếng hát ngọt ngào trong điệu Valse trên môi, giữ cả cho ta ánh mắt ấm áp ngày nào mi nhé! Rồi sẽ đến một ngày ta mang theo chúng

mà về với mi, về với nhũng kỷ niệm của tuổi ấu thơ, tuổi xuân thì của chúng mình...

Bạn Cò: Phượng Linh

Sàigòn Ngày...tháng...Năm.

Linh thương,

Sáng hôm nay thứ Bảy, Cò mới có thì giờ ra thùng thơ ở bưu điện lấy thơ. L biết sao không? Trong thùng thơ nằm trơ trọi bơ vơ một cánh thư của L. Lá thư trơ trọi cô đơn như chính cuộc đời của Cò vậy L ơi, nói như thế không phải để than vản, hoặc có ý muốn cầu xin một ân huệ nào đó từ người khác-dù cho người đó là bạn rất thân của mình-như L chẳng hạn. Đó là một sự thật, một sự thật trần truồng không son phấn hào nhoáng của tòa nhà cao tầng nằm trên góc phố che lấp tuổi thơ của chúng ta.

L thương nhớ,

Đọc những giòng chữ hằn học nầy của Cò chắc L ngạc nhiên nhiều lắm. Con nhỏ Cò ngày nào hiền ngoan dễ bảo và hay mắc cở đâu rồi. Nó đây L. ơi. Nhưng L có biết không? Những so sánh về hình ảnh một cánh hoa đào trước sân nhà L đã cho Cò hình ảnh khác trước sân nhà Cò. Hai hình ảnh của một cuộc đời nhưng bây giờ đã đi vào hai ngã rẻ khác nhau. L ơi, hai đường thẳng song song khi chúng mình còn cùng chung lớp tuy nó sẽ không bao giờ gặp nhau nhưng chắc chắn nó cùng tồn tại bên nhau, cùng đi trên một hướng và nó sẽ cùng chia nhau ngọt bùi đau khổ hoặc hạnh phúc hoặc hạnh phúc của đời sống. Nhưng bây giờ, hai lối rẽ hai hướng đi. Có cải lương quá không L? L nhắc đến khu chợ Hòa Bình, con đường Cống Quỳnh, ngôi trường Hưng Đạo đầy dấu ấn kỷ niệm của một thời tuổi nhỏ? Tất cả đã không còn trong vòng tay của chúng ta. Ngã ba chúng ta theo xe buýt đi dọc con đường Phạm Ngũ Lảo đến coi hát rạp Huỳnh Long, qua Trần Hưng Đạo, đến Nancy, đi qua Phan Chu Trinh...những con đường không còn nữa nó đã mất tên. L về L khắc biết nha L.

Mùa Xuân đã về trên vùng trời sương mù của L, và bây gìờ mùa Hạ nắng cháy và những cơn mưa bất chợt lê thê ẩm ướt cũng đã đến với Sài Gòn. L bên đó có được nghe nhạc bên Sài Gòn không? Nghe đâu bên đó có những nhạc phẩm của Sài Gòn mang qua bên đó. L có nghe bản Bạn Tôi do Quang Linh ca chưa? "Chiều nay nghe tin bão phương xa con chưa về con chưa về lòng nhói cơn đau, Miền Tây nước lớn đứng ngồi không yên...Bạn tôi đứa làm tiếp thị, đứa đi dạy thêm tối về một gói mì tôm..." Nếu không có cuộc thay đời thì giờ đây chúng ta (không chỉ mình Cò thôi, L đã thoát củi sổ lồng rồi) đã là những sinh viên tốt nghiệp? L đã tốt nghiệp chưa? Phần Cò đã rời ghế nhà trường từ dạo ấy, trên hai vai Cò giờ đây gánh nặng của những đứa em, một người mẹ ngày càng yếu. Hai vai Cò giờ đây đôi lúc muốn gảy gục vẫn ráng gượng đứng lên. Bây giờ những kỷ niệm xưa chỉ còn là kỷ niệm mà thôi, đôi khi-như hôm nay, nhận được thư L, kỷ niệm chợt sống dậy òa vỡ trong tim Cò.
 
Nhìn lá thư có hình cái hoa Lan nở rộ vàng rực rỡ Cò mừng cho L vẫn còn sống được những phút giây rung động, những phút giây thật quý giá- vẫn còn óc lãng mạn của tuổi học trò để nhảy điệu Rumba, điệu Valve trử tình và thơ mộng. Lá thư của L đến với Cò không phải là điệu Valve mà nó là cái valve mở ngỏ cho những xuống cấp tinh thần, những mệt mõi trong cuộc sống đời thường, nó mở ra cho Cò những hy vọng một mùa Xuân mới trong những cuộc sống có nhiều khốn khó như Cò, như những bạn bè trong lớp của chúng mình ngày xưa.

Cảm ơn L. Cảm ơn những giòng nước mát đổ tràn về cánh đồng tuổi thơ sớm cháy rụi trong cái nắng đời nghiệt ngã.

Gửi về L những thân thương và nỗi nhớ hôm qua.

"Thời gian ơi, đâu rồi. Kêu thắt họn “

Cho tôi vay chút ít tuổi niên thời

Để góp vốn thử một lần liều mạng

Trái tim lì còn có đuọc lần vui?"

Ông Năm tiếp tục hút thuốc ngồi phơi nắng sau bữa ăn cháo trắng khô cá kèo. Khi mọi người từ giả ra về, ông nhắn. “Bữa nào muốn ăn cá kèo lại đây.”