Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Chuyện tình

Chuyện tình PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Duy An   
Thứ Sáu, 13 Tháng 2 Năm 2009 05:01

Lạy Mẹ... Con Không Đi Mỹ
Đến gặp nàng? Không đến gặp nàng? Hai câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu tôi từ hai ngày nay, khi em trai của nàng gặp tôi ở vườn tiêu với lời nàng nhắn gởi: "Chị Thuỳ muốn gặp anh Long trước khi quyết định có nhận lời làm đám hỏi với anh Khoa Việt Kiều hay không?" Nhất định nàng có tình ý với tôi, nếu không thì cần gì phải gặp, cứ ừ một tiếng là lên máy bay đi Mỹ thôi. Làm thân con gái đẹp cũng sướng thật!

Nhà nàng không phải "ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn" nhưng vườn tiêu nhà tôi chỉ cách vườn tiêu nhà nàng có một hàng cây bông goòng. Chúng tôi quen nhau từ năm ngoái nhờ đứa em trai hơi "láu cá" của nàng. Thực vậy, tôi quen đứa em trai của nàng trước vì nó hay chạy qua, chạy lại hỏi han bài vở và đủ chuyện lỉnh kỉnh khác. Riêng nàng hình như chưa bao giờ bước chân qua khỏi hàng cây bông goòng làm ranh giới của hai mảnh vườn. Mùa tưới tiêu kéo dài mấy tháng mùa nắng, đủ cho chúng tôi thân nhau, nhưng tôi chưa dám mở miệng nói tiếng yêu nàng.

Từ sau lễ Giáng Sinh năm nay, tôi không thấy nàng ra rẫy nữa, chỉ có em trai và cha nàng thỉnh thoảng ra tưới tiêu. Bẵng đi vài tuần, tôi nghe tin đồn nàng có Việt Kiều tới hỏi cưới. Tôi chỉ biết âm thầm đau khổ chứ không dám than thở cùng ai! Giả như nàng có lấy Việt Kiều cũng không có gì đáng trách, vì giữa tôi và nàng chỉ có những "hiểu ngầm" chứ chưa chính thức bồ bịch gì. Tôi biết tôi thương nàng, nhưng chỉ là tình yêu một chiều. Nhưng tại sao nàng lại muốn gặp tôi trước khi quyết định việc hôn nhân của nàng, nếu không phải nàng cũng thương tôi? Tôi cứ tự hỏi rồi tự trả lời theo nhiều giả thuyết khác nhau, và mơ mộng...

Hồi trước tôi cũng hay xuống nhà nàng chơi, thường là đi chung với một vài người bạn trai cùng trang lứa, rủ nhau đi "cưa đêm". Tôi chỉ mới dám tới nhà nàng một mình từ vài tháng nay, nhưng phần lớn chỉ ngồi nói chuyện với bác Vinh, cha nàng, hoặc chỉ vẽ thêm cho mấy đứa em của nàng đang vật lộn với mấy bài toán hình học, đại số... Tôi biết nàng dễ thương và rất xinh vì đám bạn cùng trang lứa với tôi, đứa nào cũng biết nàng và cứ "rắp ranh bắn sẻ". Gần đây, trong những lần tới nhà nàng chơi với bạn bè, tôi nhận thấy nàng thường dành một chút gì đặc biệt cho riêng tôi, vì lúc nào nàng cũng chọn ngồi phía trước mặt tôi, và khi nói chuyện nàng hay liếc nhìn tôi lắm. Phần tôi thì không nói các bạn cũng hiểu là từ đầu chí cuối, tôi chỉ ngồi ngắm nàng, chứ chẳng nói năng chi nhiều.

Suốt mùa làm tiêu, thỉnh thoảng nàng sai đứa em mang qua cho tôi, khi thì ly chè, khi thì trái bắp nướng, lúc nắm xôi... với lời nhắn "chị Thuỳ gởi anh". Đứa em trai của nàng trở thành cái gạch nối thông tin liên lạc giữa tôi và nàng những lúc cả hai cùng có mặt tại vườn tiêu. Người ta vẫn thường nói "có qua có lại mới toại lòng nhau" nên tôi cũng tìm mua một vài món nàng thích để biếu lại. Nhà tôi ở trên Phi Lộc nên ngày nào tôi cũng phải đi ngang chợ Làng Hai, cứ dừng máy xới vào mua vài món lặt vặt mang theo ra rẫy làm quà cho "người ta". Mấy cô bán hàng cũng tinh mắt lắm, biết ngay là tôi mua cho người đẹp nên thỉnh thoảng cũng chọc ghẹo này nọ, nhưng được cái họ cũng tốt bụng, luôn luôn chọn cho tôi những thứ con gái thích, chứ tôi thì mù tịt. Thôi thì me chua, cóc, ổi, ô mai... toàn là những thứ tôi không thích, và đứa em trai nàng cũng chẳng ưa. Chắc nó cũng khó chịu vì những món quà "không hấp dẫn" của tôi nhờ nó trao lại cho nàng, nên một hôm nó bảo tôi:

- Anh Long mua toàn đồ con gái cho chị Thuỳ không à, Quốc nỏ ăn được.
- Thế Quốc thích chi, mai anh mua cho.
- Thôi, chị Thuỳ nạt Quốc chết.
- Cứ ở bên ni ăn xong rồi về, mần răng chị Thuỳ biết đuợc.
- Chị biết liền. Khi mô em qua bên ni, chị Thuỳ cũng lén coi theo tề.
- Thì mình vô trong lều ăn.
- Thôi, em nỏ dám mô. Em về đây... Chị Thuỳ kêu.

Không hiểu thằng Quốc nói dối tôi để chạy làng, hay tôi đang mơ mơ màng màng hoặc bị lãng tai vì tôi đâu có nghe tiếng nàng. Lấy cớ phải theo thằng Quốc để hỏi chuyện, tôi qua lều nàng ngồi chơi vì đang lúc nghỉ trưa. Hôm đó hai đứa ngồi nói chuyện trời trăng mây nước cả buổi trưa mà không đứa nào nhớ đã nói những gì. Tôi thấy tình hình có vẻ khả quan nên có lúc đã định liều mình ngỏ ý với nàng, nhưng tới lúc định nói thì văn chương chữ nghĩa tự nhiên không cánh mà bay, nên tôi lại ngồi im hay mỉm cười nhìn nàng chứ không dám tỏ thật lòng mình. Được mấy lần "tâm sự" riêng với nàng, tôi khẳng định là tôi yêu nàng, vì hôm nào không thấy nàng ra rẫy là tôi đứng ngồi không yên, chẳng làm nên việc gì cả. Mấy hôm gần lễ Giáng Sinh, nàng không ra rẫy được vì bận lo chợ búa, trang hoàng nhà cửa... Hôm nay Quốc cũng chỉ một mình ra rẫy. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn, đúng cái tâm trạng "tôi buồn, chẳng hiểu vì sao tôi buồn!" Thấy đứa em trai của nàng tưới tiêu một mình tội nghiệp quá, tôi sang giúp nó kéo ống nước. Tự nhiên nó buột miệng hỏi tôi:

- Anh Long thương chị Thuỳ phải không?
- Răng mà Quốc nói rứa?
- Quốc nghi nghi thôi, mà hình như chị Thuỳ cũng thương anh Long.
- Răng Quốc biết được?
- Mấy bữa ni có anh Khoa Việt Kiều đến chơi, mẹ ưng lắm, nhưng chị Thuỳ nỏ chịu. Mẹ nạt cho ả ta một trận nên thân, ả khóc quá trời. Bữa trước chị Thuỳ nói Quốc ra rẫy mà gặp anh Long thì nhắn đến nhà chị cần gặp. Mẹ không cho chị Thuỳ ra rẫy nữa, chỉ khổ Quốc mần một chắc, nhọc chết đi được. Cha thì bữa ni đau, bữa mai bệnh. May mà có anh Long giúp Quốc. Mà răng khi túi anh Long không đến?

- Quốc đừng nói lại với chị Thuỳ nha... Anh có đến nhưng ngó thấy trong nhà đang ăn uống đông người quá, nỏ dám vô.
- Cả tuần ni đều rứa cả. Cha cũng không ưng lắm, nhưng mẹ nói mãi nên cha im luôn.
- Mần răng anh gặp chị Thuỳ được?
- Để về em hỏi chị Thuỳ. Mà anh Long có thương chị Thuỳ thật không?
- Răng Quốc cứ hỏi tới hoài rứa? Bộ chị Thuỳ hối lộ cho cấy chi hả?
- Có mô. Anh Khoa thì có, nhưng Quốc không nhận.
- Dại rứa?
- Em phe chị Thuỳ mà. Chị Thuỳ cấm em không được nhận quà của anh Khoa.
- Của anh thì răng?
- Quân ta cả mà, cấy nớ không phải là hối lộ mà là tình huynh đệ chí binh chớ lậy.

Tôi đang rầu thúi ruột nhưng thật sự cảm động và bật cười vì câu nói thật đơn sơ của Quốc.

- Quốc nghĩ chị Thuỳ có thích anh không?
- Chắc đành đạch... Chớ không mà lại mang hết thứ ni, thứ tê ra rẫy, bắt Quốc mang qua cho anh Long mãi rứa à. Thôi để em về trước nha. Túi ni anh Long xuống được không? Đứng gần chỗ cổng nhà thờ Làng Ba đi, Quốc hỏi chị Thuỳ xong ra cho anh Long biết. Gần xịt à.
- Ừ. Anh chờ Quốc ở cổng nhà thờ. Chừng 7 giờ được không?
- Được chớ. Mà thôi, em giúp anh Long một kế ni nha.
- Răng?
- Chừ Quốc theo anh Long về nhà anh, tắm rửa xong anh chở Quốc về, mình nói là máy xới không nổ, Quốc phải đi nhờ anh Long về.
- Thôi. Chị Thuỳ hay hai bác biết được thì chết. Để anh chờ ở cổng nhà thờ cũng được.
- Nhưng làm rứa coi bộ phe ta yếu quá.
- Yếu chi?
- Không dám chạm địch.
- Anh có địch với ai mô nà.
- Thì anh Khoa Việt Kiều đó. Đêm qua anh Long có dám vô nhà mô. Túi ni lại phải phục kích ngoài cổng nhà thờ, nghe yếu xìu.
- Chứ chẳng lẽ khi không lại vô ăn ké à.
- Nỏ răng mô! Còn cha với em nữa mà chi. À nầy, mà anh có nói lại Việt Kiều không? Anh nớ nói nhiều lắm.
- Được. Quốc làm anh "dũng cảm" lên rồi. Nói thì chắc không lại, nhưng mình chỉ cần nói đúng thôi. Cha ông đã từng dạy là "nghe nhiều thêm khôn ngoan, nói nhiều thêm hối hận." Chi bằng ta cứ nghe cho giỏi.
- Số "dzách"... Rứa mới đúng là anh Long mà Quốc vẫn nể phục lâu ni. Mấy ngày ni thấy anh yếu như sên, Quốc nản quá.
- Vậy không phải chị Thuỳ muốn gặp anh à? Quốc bày ra phải không? Đừng đùa dỡn với tình yêu chứ cậu bé.
- Có mô. Chị Thuỳ nhắn thật. Quốc chỉ bực mình vì thấy anh Long yếu quá thôi. Gặp Quốc là chơi liền chớ không âm thầm bỏ cuộc như anh Long mô.
- Anh bỏ cuộc khi mô mà nói. Quốc chỉ được cái lanh chanh thôi.
- Chớ không có Quốc chắc anh Long ngồi dòm chị Thuỳ đi Mỹ với Việt Kiều rồi "khóc bù lu bù loa" như con nít nhà em chớ có biết làm chi mô.
- Làm chi cũng phải từ từ và suy nghĩ cho chín chắn đã chứ. Mai mốt lớn hơn Quốc sẽ hiểu, nhưng dù sao anh cũng cám ơn Quốc. Không có Quốc chắc anh Long chưa nhận ra được chân giá trị của tình yêu giữa anh và chị Thuỳ, vì cả hai cùng trầm lặng quá.
- Chớ không à. Cứ me chua qua, bắp nướng lại, rồi ô mai với xôi nắm... chỉ khổ thằng Quốc ni thôi! Quốc thấy anh chị ngồi trong lều cả buổi cũng có nói chi mô. Cần chi lại sai thằng ni chạy vắt cẳng lên cổ. Đúng là con loi choi của hai người, thật là "đẹp anh, đẹp ả, đẹp cả bà đôi!"
- Mai mốt anh trả công cho Quốc nhiều gấp bội .
- Nỏ răng mô, công với lênh cấy chi, anh chỉ cần giúp Quốc làm quen "em Mai", cháu anh Long là được rồi.
- Mới mấy tuổi đui đã rứa rồi. Cũng đa mưu thật.
- Thời đại vi tính mà anh. Ta phải chạy theo kiểu "me-ga-hợt" (MHz) mới đuổi kịp Việt Kiều chớ lậy.
- Thôi về đi. Anh cũng phải về sửa soạn cho đường được một tý.
- OK. "See you" lai rai...
***
Tôi rất ngạc nhiên lúc đến cổng nhà nàng, vì không thấy ồn ào náo nhiệt như tối hôm trước. Tôi mạnh dạn bước vào, gặp bác Vinh đang ngồi xem TV ở nhà ngang một mình, bác cho biết là chiều nay "chàng Việt Kiều" đi Suối Nghệ thăm bà con, chắc ăn tiệc ngoài đó nên không về được, còn bác gái cũng đi hốt hụi chưa về. Đúng là "thánh nhân đãi kẻ khù khờ!" Bác Vinh gọi Thuỳ rồi bảo tôi lên nhà trên ngồi chơi tự nhiên. Thuỳ bước ra mỉm cười với tôi, nhưng ánh mắt nàng mang nặng một nỗi buồn man mác. Nhờ Quốc mách nước nên tôi cũng cảm thấy tự tin, lên tiếng:

- Mấy bữa ni không thấy Thuỳ ra rẫy, anh cũng thấy nhơ nhớ.
- Dạ.
- Trông Thuỳ có vẻ không được khỏe?
- Dạ.
- Tối qua anh có xuống, nhưng ngại quá nên không vô.
- Dạ.
- Quốc nói với anh là Thuỳ muốn gặp.
- Dạ.
- Thuỳ muốn hỏi anh chi đó phải không?
- Dạ.
- Răng Thuỳ cứ "dạ" mãi rứa?
- Thuỳ biết nói răng chừ.
Tôi thu hết can đảm, ngó trước ngó sau không thấy ai, nói nho nhỏ:
- Anh thương Thuỳ cả năm ni rồi mà không dám nói.
- Dạ.
- Thuỳ... Thuỳ có để ý đến anh không?
- Dạ.
- Anh Khoa Việt Kiều định xin cưới Thuỳ?
- Dạ.
- Thuỳ muốn hỏi anh về chuyện nớ?
- Dạ.
- Thuỳ định răng? Anh chỉ muốn Thuỳ vui vẻ và hạnh phúc.
- Dạ... Thuỳ không ưng, và cũng không muốn xa... anh.
- Thuỳ định răng?
- Em trả lời anh Khoa rồi, nhưng mẹ la Thuỳ. Mấy bữa trước cha còn bàn qua bàn lại, nhưng mẹ nói quá, làm cha cũng ưng luôn, Thuỳ không biết...
- Thuỳ biết đó. Gia đình anh mần răng mà bì với Việt Kiều được, nhưng anh không thể ngồi im để Thuỳ phải khổ. Nếu Thuỳ ưng anh Khoa thì anh rút lui.

Nàng bật khóc nho nhỏ làm tôi hoảng quá. Trong lúc luống cuống, tôi nắm vội tay nàng, nhỏ nhẹ:

- Thuỳ biết anh thương Thuỳ nhiều lắm không?
- Dạ.
- Nếu mình lấy nhau Thuỳ sẽ khổ hơn là qua Mỹ với anh Khoa.
- Dạ.
- Có lẽ hai bác sẽ buồn lắm.
- Dạ.
- Thuỳ có dám chấp nhận thương anh không?
- Dạ.
- Anh sẽ thưa chuyện với hai bác rồi xin phép cho cha mẹ tới nhà.

Thuỳ chưa kịp "dạ", tôi đã nghe giọng bác gái lanh lảnh, vừa từ nhà dưới bước lên, vừa gay gắt:

- Thôi khỏi. Hai đứa bây ngồi đây đỏng đa, đỏng đảnh rứa, coi ngứa mắt không nạ.

Tôi tái mặt, buông vội tay Thuỳ, đứng lên chào bác gái. Bác ấy gật đầu, nguýt một cái rồi mới lên giọng:

- Lâu ni nhà tui cũng quý mến anh lắm, nhưng có thấy chi mô. Chừ có người đến hỏi con gái tui, anh lại muốn chia duyên rẽ thuý à?

Tôi nghẹn ngào, chưa biết trả lời ra sao thì Thuỳ đã quỳ xuống. Tôi cũng đành quỳ xuống xa xa, mặc dầu chưa biết phải làm gì, nói gì. Lúc nãy hai đứa ngồi tâm sự, Thuỳ chỉ biết "dạ" thôi, nhưng bây giờ nàng có vẻ hoạt bát hơn tôi... Nàng lên tiếng, giọng nghẹn ngào trong nước mắt:

- Mẹ... Con lạy mẹ. Con với anh Long thương nhau lâu rồi, mẹ nỡ lòng nào!
- Cả năm ni có thấy chi mô. Đến chừ có người đi hỏi mi cho con người ta ở Mỹ về, mi lại lên mặt chống đối à?
- Lạy mẹ... Con không đi Mỹ. Chúng con thương nhau...
- Hừ. Thương rồi ghét mấy hồi. Ông mô rồi, lên mà coi con gái rượu của ông tề. Nuôi lớn, cho ăn học rồi chừ hắn cãi lại tui đó.

Bác Vinh đã lên nhà trên từ lúc nãy, nhưng chỉ đứng nhìn, giờ mới lên tiếng:

- Bà bớt nóng lại "cấy đạ" mồ. Hai đứa ngồi lên rồi nói, nỏ có chuyện chi mà phải quỳ.

Mặc dầu bác trai nói thế, cả tôi và Thuỳ vẫn quỳ dưới đất. Tôi lễ phép:

- Thưa hai bác, chúng con không hề có ý cãi lời cha mẹ. Con xin thưa hai bác là nếu em Thuỳ ưng thuận lấy người khác, không những con không "chia duyên rẽ thuý" mà còn mừng cho Thuỳ nữa là khác. Con chỉ muốn Thuỳ được hạnh phúc...

Tôi chưa nói hết ý của mình, Thuỳ đã lên tiếng, giọng vẫn nghẹn ngào đầy nước mắt:

- Con lạy mẹ. Con biết cha mẹ rất thương con. Con chưa bao giờ dám làm một việc chi trái ý cha mẹ, nhưng con đã suy nghĩ và cầu nguyện cả hai tuần ni rồi. Con không thể... Con cũng đã trả lời với anh Khoa rồi. Hai chúng con đang quỳ đây trước mặt cha mẹ. Con lạy mẹ... Con không muốn đi Mỹ!

Nói rồi nàng sụp lạy, gục trán xuống sàn nhà khóc nức nở. Tôi vội vàng sụp xuống theo, trong lòng ngổn ngang lo sợ. Tôi không hiểu làm sao Thuỳ nói giỏi thế, tôi bẩm sinh đã ít nói, nhưng lúc nói chuyện với Thuỳ cứ phải nói huyên thuyên vì trên môi nàng hầu như lúc nào cũng chỉ có tiếng "dạ". Tôi nghe hai tiếng thở dài não ruột. Rồi tiếng kéo ghế hai ba lần. Tôi cứ theo Thuỳ sụp lạy như thế một hồi lâu, cho tới lúc có bàn tay đụng khẽ vào vai kéo tôi lên, rồi một giọng nói trầm trầm:

- Cháu xin chào hai bác. Anh với Thuỳ ngồi lên đi.

Thuỳ đứng lên ra nhà sau rửa mặt. Tôi ngẩng lên thấy anh chàng Việt Kiều trắng trẻo, đẹp trai, mắt đeo cặp kiếng trắng trông rất trí thức. Lúc bấy giờ tôi mới để ý thấy bác gái cũng nước mắt lưng tròng, ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Tôi lấy khăn tay lau mặt, định lên tiếng chào thì Khoa đã lên tiếng trước:

- Cháu xin phép hai bác... Lúc đứng ngoài cửa nhìn vào, chứng kiến cảnh tượng vừa rồi, cháu mới hiểu được thế nào là tình yêu đích thực. Anh Long, chắc anh nhiều tuổi hơn Khoa, anh cho em được gọi bằng anh nhé. Em xin lỗi anh và Thuỳ. Vì vô tình, suýt tý nữa em đập bể viên ngọc quý tình yêu của hai người. Mới chân ướt chân ráo từ Mỹ về tới Bình Giả, nghe bạn bè khen Thuỳ duyên dáng, xinh đẹp, em nhờ cha mẹ mai mối đến hỏi cưới nàng mà quên đi một điều quan trọng là hôn nhân phải được xây dựng trên nền tảng tình yêu đích thực, chứ đâu phải vì những hào nhoáng bên ngoài. Nếu như em không chứng kiến cảnh tượng anh và Thuỳ quỳ lạy trước mặt hai bác đây, em không bao giờ hiểu được ý nghĩa đích thực của tình yêu nam nữ. Đi khắp năm châu bốn bể, trở về lại quê mình, em mới học được bài học vỡ lòng về tình yêu... Nhưng dù trễ còn hơn không. Một lần nữa, em xin lỗi hai người, và cho em được làm người bạn trẻ của anh.

Anh chàng Việt Kiều này đúng là giỏi nói, như lời Quốc đã "đe" tôi. Tôi ngồi như phỗng đá, không biết đáp lại thế nào. May quá, bác gái vốn tính nhanh nhẹn nên đỡ lời dùm tôi:

- Thuỳ mô rồi con? Bác xin lỗi Long và Khoa nha. Bác không biết nghĩ xa, chỉ thấy mẹ Khoa ngỏ ý muốn hỏi cưới Thuỳ, bác ưng liền, có nghĩ chi đến yêu với thương. Thấy con gái được Việt Kiều hỏi là mừng rồi. Cũng may cháu Khoa là người hiểu biết...

Thuỳ đã mang nước ra ngồi cạnh mẹ. Nàng nhìn Khoa với ánh mắt trìu mến, biết ơn:

- Thuỳ cám ơn anh Khoa nhiều lắm. Nếu anh không bày kế, chắc Thuỳ không biết năn nỉ với mẹ ra răng.

Nghe Thuỳ nói, tôi gần như té bật ngửa xuống sàn nhà. Tôi ngạc nhiên quá. Tôi không hiểu tại sao anh chàng Việt Kiều này lại tốt thế! Khi biết Thuỳ không thương mình, không những không buồn, không giận, chàng ta lại hiến kế cho Thuỳ để giãi bày với cha mẹ. Con người có ăn, có học cũng có hơn. Cứ như tôi thì chỉ biết hậm hực bỏ đi chớ hơi mô mà giúp đứa con gái không thương mình. Chuyện đã lỡ rồi, tôi đành làm thân với Khoa:

- Khoa. Bắt tay cấy mồ.

Khoa đưa tay cho tôi bắt, trong lúc bác trai lên tiếng:

- Tau đã cù lần, chừ thấy thằng Long coi bộ còn tệ hơn tau. Không biết nói chi cả à?

Khoa nhanh nhẹn lên tiếng:

- Không cần phải nói anh Long à. Em hiểu anh qua ánh mắt, cử chỉ... Em đứng ngoài cửa sổ nhìn vào từ trước khi bác gái về nên đã hiểu tất cả. Tình yêu của anh và Thuỳ mới đúng thực là tình yêu. Thôi, anh Long ở chơi nha. Cháu xin phép hai bác cháu về để mai đi Suối Nghệ sớm.

Bác trai hỏi ngược lại:

- Tưởng Khoa mới ở Suối Nghệ về?
- Cháu xin lỗi đã nói dối hai bác. Mai sớm cháu mới đi. Cháu nói tránh thế để giúp anh Long tý mà.
- Cái thằng cao mưu thật. Việt Kiều có khác. Mà bác nói rứa không phải chê Long cù lần mô, đừng buồn nha. Hiền hiền như mi choa đỡ lo, chớ không thì con Thuỳ lại thêm khổ vì ghen thôi. Đúng là "ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn." Phải không bà?

Cả nhà cười xòa, đứng lên tiễn Khoa ra cửa. Thằng Quốc, em trai Thuỳ không biết từ nãy giờ nấp ở đâu, bây giờ mới thò đầu ra nói lớn:

- Lêu, lêu chị Thuỳ. "Lạy Mẹ... Con không đi Mỹ!" May mà quân địch rút lui, phe ta toàn thắng. Từ rày trở đi anh em ta là huynh đệ chí binh phải không anh Long?

Cái thằng Quốc này láu cá hết sức tưởng tượng! Nhưng tôi cũng phải biết ơn nó đã tận tình giúp tôi yêu Thuỳ. Thuỳ nhẹ nhàng bước đến bên tôi. Hai đứa tôi nắm tay nhau đi sau hai bác tiễn Khoa ra cửa. Bốn mắt liếc nhìn nhau không nói nên lời...