Mùa Xuân Trên Đảo Galang |
Tác Giả: Đoan Phương |
Thứ Tư, 28 Tháng 1 Năm 2009 01:24 |
Con thuyền tỵ nạn nhỏ bé của chúng tôi cặp bến một hòn đảo nhỏ ở Nam Dương vào lúc chạng vạng tối một buổi chiều cuối năm. Tôi còn nhớ rõ, khi dời tầu để lội bộ vào bờ, 2 đầu gối tôi run rẩy, hai chân châp choạng, lảo đảo muốn té, có lẽ do năm ngày bốn đêm nằm dài trên chiếc ghe chật chội không đủ khoảng trống để co duỗi. Bước chân xuống nước, các vỏ sò, vỏ hến cứa vào hai bàn chân tôi rát buốt. Tuy nhiên, lúc đó tinh thần tôi bay bổng, trái tim tôi ca khúc khải hoàn, reo mừng vì sau một cuộc hành trình đầy gian nguy tôi đã tới miền đất hứa mà tôi hằng mong đợi. Sau những thủ tục đơn giản, chúng tôi được chuyển qua các đảo Sedanau, Kuku, rồi về trung tâm Tỵ nạn Galang. Tai đây, cuộc sống được tạm ổn định. Chúng tôi được Cao Ủy Tỵ Nạn nuôi ăn, ở, và đi học các lớp Anh ngữ để chờ ngày đi định cư. Tâm lý con người thực dễ dàng thay đổi. Sau những dồn dập mừng vui, tôi bắt đầu nhớ nhà. Mỗi buổi sáng khi tỉnh dậy, nghe tiếng sóng biển đều đều vỗ vào bờ, tôi lại tha thiết nhớ quê nhà, nhiều khi đến không cầm được nước mắt. Rồi cảm giác nhớ nhà cũng qua đi, tôi bắt đầu lo lắng cho tương lai mịt mù nơi xứ lạ khi đã định cư. Galang là một hòn đảo nhỏ, hoang vu của Nam Dương được Cao Uy Tỵ Nạn xây dựng thành Trung Tâm chuyển tiếp cho người VN chạy trốn chế độ CS trước khi được nhận định cư tại một nước thứ ba. Khi tôi lên làm việc tại Bệnh Viện Galang I thì nhân viên người Việt không được hưởng thù lao mà mỗi tháng chỉ được lãnh các nhu yếu phẩm như kem đánh răng, khăn rửa mặt, xà bông, bột giặt v.v.… Phụ cấp tuy không nhiều nhưng cũng phần nào giúp đỡ cho cuộc sống khó khăn trên đảo. Bác sĩ Giam Đốc Bệnh viện, Ông Ivan Jusuff, là một người lịch lãm nên đối xử với nhân viên người Việt hết sức tế nhị. Một ngày, khi tôi đang làm việc thì được BS Evan mời vào văn phòng nói chuyện. Ông Evan cho tôi biết: "Bà Soeur, trưởng phòng Xã Hội của Cao Ủy Tỵ Nạn nhờ ông tìm một người phụ nữ VN để làm "Hội Trưởng hội Phụ Nữ" ở Galang, và ông muốn đề cử tôi". Thực là khó nghĩ, vì trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở lại đảo, không ai có nhiều thời gian rảnh rỗi. Những việc nấu ăn, giặt dũ, đi học Anh Văn hầu như đã chiếm hết thời giờ trong ngày. Ngoài ra, còn thêm nhiều việc không tên không tuổi khác như xách nước, lãnh đồ ăn, nghe thông cáo, nhận thư từ .… Tuy nhiên, nếu từ chối thì không tiện vì người ngoại quốc đã làm quá nhiều cho dân tỵ nạn, không lý, là người tỵ nạn lại từ chối làm việc cho cộng đồng tỵ nạn. Tôi được đưa vào Galang II để tiếp xúc với Soeur Marie của Cao Uỷ Tỵ Nạn vào buổi sáng hôm sau. Soeur Marie cho tôi biết nếp sống của các phụ nữ trên đảo cần được cải tiến. Bà đã nhận được báo cáo về một số phụ nữ túm năm, tụm ba đánh bài tứ sắc suốt ngày trong Barrack thay vì đi học Anh ngữ. Một số khác, sau giờ giới nghiêm còn bị nhân viên an ninh bắt gặp trong các lùm cây, bụi cỏ với bạn trai. Một vài phụ nữ trẻ đã có những liên hệ tình cảm bất chính với các nhân viên Nam Dương trên đảo để kiếm tiền. Sau cùng bà cũng nói rõ, bà muốn tôi đứng lên tổ chức các lớp dạy làm bánh, đan, may để các phụ nữ học được chút nghề trước khi đi định cư. Soeur Marie còn thúc dục tôi phải bắt tay làm việc ngay và nhấn mạnh là: Chương trình phải phù hợp với hoàn cảnh eo hẹp của ngân quỹ tỵ nạn. Tôi trở về, nhờ ban đại diện thông báo trên loa phóng thanh về việc muốn tìm các chị em có tay nghề về "làm bánh, thêu may, đan" để dậy các lớp nữ công gia chánh. Có lẽ không nghe nói tới thù lao, nên qua 1 tuần mà chẳng nghe ai trả lời. Trong khi đó Soeur Marie cứ đôn đốc thúc dục mỗi ngày. Sau cùng, tôi phải tự thăm dò và tìm tới tận Barrack để năn nỉ các chị em bỏ thời gian cộng tác với hội để "trước mua vui, sau làm nghĩa". Tôi thành lập được một staff khoảng 8 người cho đầy đủ các bộ môn làm bánh, đan, và may. Buổi học đầu tiên là lớp dậy làm bánh "lỗ tai heo", nhiên liệu chỉ có bột, mè, đường, và dầu chiên. Buổi khai trương có 20 học viên ghi tên, nhưng có diễn văn khai mạc của Soeur Marie cùng với sự hiện diện của BS Evan và vài nhân viên của Cao Uỷ Tỵ Nạn. Theo sự thỏa thuận, khi lớp học bế mạc, giáo viên có thể chia bánh cho các học viên, và lấy về nhà thưởng thức. Thấm thoát đã tới ngày rằm tháng Chạp, Tết nhất đã gần kề, các chị em trong Hội Phụ Nữ, ai cũng bùi ngùi vì trong hoàn cảnh khó khăn này, làm sao có thể "đón ông bà", rồi làm sao để "đón mừng Năm Mới". Tuy nhiên, trong lúc khó khăn, cũng nảy sanh ra nhiều ý kiến kỳ diệu. Một chị đề nghị, kỳ lãnh đồ ăn sắp tới, mọi người góp đậu xanh và đường, nấu chung một nồi chè để ăn đêm liên hoan. Một chị khác đề nghị, kỳ lãnh đồ ăn tới, mỗi người hùn vào 1 hộp đồ ăn, đem bán, mua 1 bao nhang chia cho mỗi người 3 nén để thắp cúng ông bà đêm giao thừa. Tiền còn lại, mua ít đậu phộng để nhâm nhi đêm văn nghệ. Một chị khác có ý kiến, tuần lễ trước đêm liên hoan, cho lớp làm bánh thực tập "bánh trứng nhện" vì rẻ, dễ làm, lại được nhiều. Sau khi làm, bánh sẽ được gom lại, để dành cho đêm liên hoan. Có chị xung phong trang trí không tốn kém cho hội trường bằng những bông hoa dại mọc đầy 2 ven đường ở Galang. Tôi vô cùng thán phục những phụ nữ VN đảm đang và thao vát này. Chúng tôi đồng ý, đêm liên hoan sẽ là ngày 28 Tết, lúc 6 giờ chiều, địa điểm là một lớp học tôi mượn được. Số người tham dự khoảng 25 người gồm gia dình các chị em trong ban chấp hành của hội phụ nữ. Gần ngày Tết, tôi cần phải hoàn tất một việc trước khi bước sang năm mới. Danh sách các cô thiếu nữ trẻ được soeur Marie nêu tên, tôi đã gặp được hết, duy chỉ có 1 cô tên Như Tâm khoảng 23 tuổi vẫn cố tình né tránh nên tôi chưa gặp được. Nhiều khi tôi nhắn mời cô tới Barrack của tôi, nhưng cô nhận lời, rồi lại không tới. Nhiều khi tôi lại Barrack của cô thì cô lại vắng mặt. Nhiều người nói nhỏ với tôi rằng, khi thấy tôi tới đầu Barrack thì cô theo cuối barrack lỉnh ra ngoài để tránh mặt tôi. Tôi rất cần nói chuyện với cô này, vì theo Soeur Marie, đêm nào cô cũng gửi đứa con khoảng 6 tháng cho người bạn cùng phòng để đi chơi với các nhân viên Nam Dương cho tới sáng. Soeur Marie còn nhấn mạnh: Qua Tết, nếu hội Phụ Nữ VN không giải quyết được thì Cao Uy sẽ làm việc thẳng với ban an ninh của chính quyền Nam Dương trên đảo. Thời giờ chẳng còn xa nữa, tôi suy nghĩ nát óc mới ra một cách. Tôi nhờ một chị bạn, sáng sớm tới chờ cô Như Tâm ở cửa Barrack, khi cô về thì lại mời cô tới tham dự buổi liên hoan của chúng tôi, rồi ráng tìm cách cầm chân cô cho đến khi tôi tới. Buổi sáng hôm ấy, tôi cũng phải dậy sớm. Chỗ tôi ở khá xa với chỗ của cô, lại thêm đường xá ở Galang toàn là đường đất mấp mô, dốc lên dốc xuống nên khi tôi tới nơi thì mệt bở hơi tai. Cô đứng quay lưng về phía tôi nên khi tôi tới gần thì cô sửng sốt, rồi bất chợt bưng mặt khóc. Đây là lần đầu tiên tôi gặp cô, quả là môt người đẹp tuyệt vời như tin đồn, mặc dầu không trang điểm và có nhiều nét mệt mỏi. Thấy mọi người trong Barrack chú ý, tôi nhờ chị bạn bồng đứa con cho cô, rồi rủ cô ra ngoài nói chuyện. Cô bảo tôi: "Chị ơi, em xin lỗi chị bởi vì em đã nhiều lần thất hứa với chị. Em không dám tới gặp chị vì em quá xấu hổ nhưng em thú thực với chị, nếu em không làm vậy thì con gái em sẽ phải chết." Rồi cô thổn thức kể cho tôi: "Vợ chồng em đi vượt biên từ cửa Đai Ngãi, Gò Công. Khi vừa được chuyển từ ghe xuống "cá lớn" thì bị công an phát hiện, em nghe súng bắn tứ tung. Lúc đó chủ tàu vội vã tắt đèn và nổ máy dời bến. Em hoảng sợ kêu tên chồng em lung tung nhưng không nghe anh ấy trả lời. Hôm sau, khi trời sáng thì em mới biết là chồng em không có mặt trên tàu. Đến bây giờ em cũng không biết tình trạng chồng em sống, chết ra sao. Khi lên tới đảo, con em mới có 4 tháng, nó bị tiêu chảy liên miên, lại thêm em tự nhiên bị cạn hết sữa nên không có đủ sữa cho con bú. Em chỉ có một mình trên đảo, lại không có thân nhân ngoại quốc tiếp tế nên không có tiền để mua sữa bò cho cháu. Nhìn con mỗi ngày một tiều tụy, em không cam tâm. Chẳng thà em chịu nhục, hay chết đi còn hơn là nhìn thấy con em chết". Nhìn cô gái trẻ nước mắt chứa chan, tôi cũng mủi lòng. Tôi hứa với cô sẽ cố gắng xin Soeur Marie cấp phát sữa cho cháu bé. Phần cô, cũng cần hứa với tôi phải chấm dứt ngay tức khắc hành động không đẹp này. Cô Như Tâm vô cùng mừng rỡ, nắm chặt lấy tay tôi và quả quyết với tôi rằng: "Nếu chị "cải tử hoàn sinh" được cho mẹ con em thì em cũng xin thề sẽ không tiếp tục làm chuyện xấu hổ này nữa." Trước khi giã từ, tôi ân cần mời cô ra chung vui với chúng tôi vào chiều nay, 28 Tết và dự tính sáng mai, ngày 29 Tết sẽ vào Galang II để gặp Soeur Marie, trình bày hoàn cảnh của cô. Buổi "Mừng Xuân" bỏ túi của Hội Phụ Nử chúng tôi được bảo nhau giữ kín trong vòng nội bộ, nhưng không hiểu sao khi chúng tôi tới lớp học thì đã có nhiều người chờ sẵn ngoài cửa. Một bác lớn tuổi bảo tôi: "Chúng tôi là khách không mời mà tới, không muốn làm phiền mấy cô, nhưng đầu năm thấy cô đơn, nhớ nhà quá, mong mấy cô cho đứng ngoài nghe mấy bài ca xuân để đỡ nhớ quê hương". Thế rồi người đem bánh, người đem kẹo, đổ hết ra bàn chung vui. Buổi liên hoan dự tính cho 25 người bây giờ trở nên trên 50, 60 người. Chúng tôi hơi hồi hộp lo sợ vì đông người, khó kiểm soát, có thể xẩy ra điều đáng tiếc. Tuy nhiên, cuộc vui diễn ra trong bầu không khí hết sức thân mật và đầm ấm. Để mở đầu, chúng tôi mời một cụ cao niên lên chúc Tết mọi người, Sau đó, là phần văn nghệ. Có rất nhiều ca sĩ nghiệp dư tình nguyện lên sân khấu. Hết bài hát về "Xuân" là mấy bài nhạc "tình cảm". Tôi còn nhớ một anh thanh niên lên hát bài "thuyền Viễn Xứ" rất truyền cảm. Khán giả im phăng phắc. Tới câu: "… quay lại xóm làng, Đà Giang lệ ướt tràn …" thì tôi nghe nhiều tiếng sụt sịt, trong đám khán giả và chính tôi cũng cảm thấy cay cay ở mắt. Tới 9 giờ khuya thì chúng tôi phải chấm dứt buổi liên hoan để dọn dẹp lớp học. Mọi người chia tay ra về. Lúc đó, tôi loáng thoáng thấy cô Như Tâm bồng con đứng ở cuối đám đông. Có lẽ, cô muốn chứng tỏ cho tôi thấy cô đã bắt đầu thay đổi từ hôm nay. Tôi rời Galang để đi định cư sau 13 tháng, lưu lại sau lưng biết bao kỷ niệm khó quên. Những ngày tạm cư ở Galang, tôi đã được chứng kiến những hoàn cảnh đau thương của cuộc đời, những phấn đấu can trường để tồn tại, và những tình cảm chân thành của những người cùng cảnh ngộ. Trong cuộc đời định cư, tôi luôn luôn sâu sắc ghi ơn Cao Uỷ Tỵ Nạn và chính quyền Nam Dương đã mở rộng vòng tay nhân đạo để cưu mang chúng tôi trong giai đoạn thập tử nhất sinh của cuộc đời. Hôm nay đây, tôi xin gửi tới Galang, hòn đảo nhỏ bé, thân thương, những tình cảm biết ơn chân thành nhất từ trái tim tôi. |