Thị trấn PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Chí Kham   
Thứ Ba, 30 Tháng 12 Năm 2008 03:29

An Lộc, Quảng Trị, Kontum, lần lượt được giải tỏa. Giữa tháng 10/72 tình hình trở nên lắng dịu với nhiều dấu hiệu lạc quan cùng sự thắng lợi về phía bên quân đội miền Nam. Cộng quân tổn thất nặng, mặc dù lấn chiếm được một nửa phần đất ở tỉnh Quảng Trị.

Ðầu tháng 11, Nguyện nhận được SVL thuyên chuyển. Trước khi giã từ đơn vị, ông Trung đoàn trưởng cho anh một huy chương đồng và bảy ngày phép. Nguyện về Huế thăm Loan, sống ở bên nàng những ngày hạnh phúc.

Hết phép, Nguyện lên đường. Chuyến đi bằng máy bay quân sự C123, rời Huế lúc gần trưa. Pleiku là một thị trấn đất đỏ, đầy bụi mù. Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II ở cách phi trường Cù Hanh khoảng một cây số.

Ngày hôm sau, Nguyện đến trình diện tại Khối Chiến Tranh Chính Trị. Ðại Tá N. hỏi chuyện trong nửa giờ, và ký giấy bổ nhiệm anh về Ban Thông Tin Báo Chí. Nguyện đi dọc theo hàng rào kẽm gai, qua từng dãy nhà ngói đỏ cách khoảng nhau, cùng hướng ra con đường đang rải đá. Tới dãy cuối hết, nơi đó là phòng của BTT/BC.

Khi bước vào cửa, Nguyện bỗng có đôi chút ngỡ ngàng, khựng lại trước không khí mọi người đang chăm chú làm việc. Viên Ðại Úy có mái tóc đã bạc ngồi trên chiếc ghế bành, ông ta cầm một bản giấy đánh máy, vừa nói chuyện với một phóng viên. Anh chàng này có dáng cao lớn, ngồi ở bàn viết gần cửa sổ. Những sợi khói thuốc trườn lên, lởn vởn lan dần một khoảng rộng. Nguyện thả túi quân trang xuống, cho dựa vào tường rồi mở nắp túi áo lấy tờ SVL. Viên Ðại úy ngừng câu chuyện, cầm tờ giấy Nguyện vừa đưa. Ông cúi mắt đọc thật kỹ, một lúc lâu mới nhìn Nguyện hỏi:

- Anh đã nghỉ phép chưa ?

- Thưa Ðại úy, tôi đi rồi.

- Anh có gia đình theo không ?

- Dạ không. Tôi lên đây một mình.

- Anh có cần một ít ngày nghỉ để thu xếp chỗ ở?

-Cám ơn Ðại úy. Thưa Ðại úy, Quân Ðoàn có khu cư xá độc thân không?

- Có. Anh qua liên lạc với Tổng Hành Dinh.

- Tôi muốn nhờ Ðại úy giúp.

- Ðược, anh tạm ở phòng ngồi nghỉ đi.

Viên Ðại úy lật qua trang thứ hai, đọc nhấn mạnh một đoạn tin trong đó, rồi tiếp câu chuyện với phóng viên. Nguyện kéo chiếc ghế ngồi hơi xa một chút, thoáng nghe những điều ông Ðại úy nói, vừa đưa mắt nhìn những anh em khác đang làm việc trong phòng.

Khi viên Ðại úy xong việc đứng dậy đi vào phòng bên trong, anh phóng viên nhìn sang Nguyện nở một nụ cười hết sức thiện cảm. Anh ta cầm gói thuốc Capstan, kéo ra khỏi bao một điếu, rồi với người tới đưa mời Nguyện.

- Thiếu úy ở ngoài vùng I?

- Vâng.

Anh ta bật que diêm cho Nguyện đốt thuốc. Nguyện hít một hơi, nhả khói, rồi quay lưng kéo chiếc ghế lại gần người phóng viên. Nguyện dè dặt hỏi:

- Xin được biết cấp bậc của anh để gọi.

- Tôi làm phóng viên, nhưng là lính thường thôi.

- Anh chắc phải đi làm phóng sự nhiều nơi.

- Tôi đi luôn, Thiếu úy.

Nguyện nói:

- Cấp bậc tôi còn nhỏ, mình gọi nhau thân mật đi.

Anh chàng phóng viên nở một nụ cười. Có vẻ anh hút thuốc nhiều, nơi hai ngón tay thâm vết vàng ố. Nguyện nói:

- Anh có viết cho các báo ngoài không ?

- Thỉnh thoảng thôi.

Nguyện với tay qua cái gạt tàn, rảy thuốc xuống. Anh chợt để ý đến chồng sách đặt một bên, cuốn nằm ở giữa là một tác phẩm bằng Anh Ngữ.

- Trước đây, ở ngoài Thiếu úy cũng viết báo.

Nguyện cười, đáp:

- Không, anh.

Nãy giờ trong lúc hai người đang trò chuyện, ở bàn viết chính giữa tiếng máy đánh chữ gõ đều, Nguyện thấy viên Trung úy ngồi làm việc rất chăm chú. Xong bản đánh máy anh ta đứng dậy, Nguyện nhìn thấy rõ hơn một khuôn mặt hơi rám nắng, đôi mắt sáng, và mái tóc dưỡng rẽ.

Anh ta đi về hướng hai người đang ngồi. Ðến gần, Nguyện vừa đứng dậy để chào, anh ta bắt tay trước, thân mật hỏi:

- Thiếu úy mới đến.

- Vâng, chào Trung úy.

Anh ta đặt một bàn tay lên vai Nguyện, cử chỉ như đã thân thiện, quen biết.

- Ở đây ít người, mình sẽ làm việc chung với nhau.

- Cám ơn Trung úy.

Anh phóng viên giới thiệu:

- Ðây là Trung úy Lê Tiến, phụ tá Trưởng Ban.

Nguyện ngạc nhiên:

- Thì ra, tôi đã có đọc bài của Trung úy, bây giờ mới biết.

Lê Tiến cười hơi lớn, rồi chỉ vào phóng viên.

- Người viết nhiều nhất ở đây là anh Vĩnh Khuê.

Nguyện nhìn sang người bạn, bỗng nói đùa:

- Vậy mà, anh này cứ giấu tên, không nói cho tôi biết.

Không khí vui, cho Nguyện những giây phút tự nhiên hơn. Tiến nói:

- Còn hai người nữa, anh sẽ gặp sau. Giờ, tụi mình kiếm cà phê uống.

Buổi gặp gỡ đầu, câu chuyện giòn như pháo Tết. Họ trở nên thân, như đã sống ở đây lâu ngày.

Trở về phòng làm việc, gặp viên Ðại úy, Nguyện đã nhận ngay tin vui về chỗ ở của mình. Rất sốt sắng, Tiến lấy xe Jeep đưa Nguyện qua Tổng Hành Dinh để làm thủ tục. Trên đoạn đường đi, Nguyện và Tiến nói chuyện với nhau về tình hình cuộc chiến, mà qua đó, theo Tiến dự đoán có khả năng sẽ được chấm dứt bằng Hiệp định Paris vào đầu năm tới. Những điều Tiến lập luận cho thấy sự sắc bén, chính xác của một người rất am hiểu tình hình.

Ðến nơi, mọi sự đều suông sẻ. Ký giấy tờ, nhận chìa khóa phòng xong, Tiến đưa Nguyện đến khu vực cư xá. Xe ngừng, Nguyện kéo chiếc sac marin xuống, rồi cùng Tiến tìm phòng ở. Nguyện thật may mắn, anh được hưởng một căn phòng trống ngoài cùng, trước đây là của một Trung úy nay đổi về làm việc ở Sài Gòn. Căn phòng có cánh cửa mở ra bên lối đi dọc hành lang, đứng ở bậc thềm tam cấp nhìn ra khoảng sân rộng, xa hơn là con đường dốc đi lên các ngọn đồi.

Tiến trở lại làm việc, một mình Nguyện ở lại với căn phòng yên tĩnh. Nguyện thư thả thu dọn, rồi giặt quần áo, tắm rửa, cảm thấy một nỗi vui lan rộng quanh tâm hồn mình.

Buổi chiều, ở đây có tiếng còi hụ thật dài để báo giờ tan sở. Nguyện đi theo xe của phòng ra phố. Từ trên đồi cao, nhiều đoàn xe hướng ra cổng trước, cổng sau, và đổ xuống thị trấn bằng hai con đường ven theo bìa thung lũng chạy ngang qua khu vực căn cứ của phi trường. Tới trạm ngừng, Nguyện và Khuê cùng xuống. Nguyện nhìn thấy khung cảnh thị trấn có vẻ lạ lùng, mới mẻ. Khi chưa biết đến, Nguyện cứ nghĩ lên đây vắng lạnh, buồn tẻ lắm. Nhưng không, một buổi chiều đầu tiên nơi xứ lạ, Nguyện đã sống trong tiếng động đang dồn dập đổ tới. Nhiều ngả phố, trong tiệm ăn, quán cà phê, bi da, rạp hát, chỗ nào cũng đầy đặc lính.

Khuê đưa Nguyện về nhà ở đường Phan Bội Châu. Ngôi nhà khá rộng nằm giữa một dãy phố buôn bán nhộn nhịp. Gian trước, vợ Khuê ngồi bán hàng, cửa hàng gồm đủ loại mỹ phẩm và quần áo ấm mùa đông. Chị còn rất trẻ, tiếng nói tuy là người miền Nam nhưng có pha một chút giọng miền Bắc. Bỗng dưng, Nguyện cảm thấy mình có chút ngượng ngùng đối với cuộc sống sung túc của gia đình người bạn.

Vào bên trong, qua khỏi phòng khách, nhà có một lối đi sâu dẫn ra tới phía sau. Khuê nói chuyện với Nguyện một cách thân mật thực sự, thỉnh thoảng dí dỏm trong vài ba câu nói đùa rất tự nhiên. Hai người dừng lại ở khoảng sân sau mái che, có vài chậu hoa, mấy bức tranh treo dựa vào các bản gỗ, tưởng như chỗ này là một quán cà phê. Khuê không cần nói hết, Nguyện cũng nhận ra ngay khoảng sân này là nơi Khuê dùng làm chỗ anh em văn nghệ gặp nhau với trà, cà phê, thuốc lá, đôi khi còn có cả cuộc rượu kéo dài qua hết đêm.

Khuê trút bỏ bộ đồ lính, mặc vào bộ quần áo xi vin chải chuốt, rồi rủ Nguyện đi bát phố chơi. Hai người thả bộ từ nhà, đi lên phố khác bằng một con dốc. Nguyện chợt nhớ mấy câu hát từ trong một bài thơ phổ nhạc. Và lúc này, có vẻ Nguyện đang thấy mình sống thực với hồn những câu thơ đó.

Nguyện chợt quay sang Khuê, nói:

- Ðọc thơ anh, tôi bỗng nhớ rất nhiều đến những ngày đã sống ở Ðà Lạt.

Khuê cười:

- Tôi cũng có khá nhiều kỷ niệm ở đó.

- Cũng lạ, thơ anh hết sức thơ mộng, hồn nhiên. Vậy mà, đọc những bài phóng sự chiến trường anh viết, tôi như nghe thấy tiếng súng đạn, và chất lửa cháy thật dữ dội.

Khuê đưa qua cho Nguyện một điếu thuốc. Hai người dừng lại trên đường, Khuê bật que diêm cháy sáng. Bằng cái phong cách của một nhà báo, Khuê nói:

- Chiến tranh là một đề tài lớn. Bởi vậy khi viết, tôi muốn mình phải trung thực.

- Tôi hiểu, nhưng điều tôi thấy lạ, thơ tình của anh nó mơ mộng, dễ thương quá.

- Có lẽ, trong thơ tôi không thể nào xa được những hình ảnh các thiếu nữ.

- Lãng mạn quá. Có mối tình nào hay, kể nghe đi.

- Anh có nhớ bài thơ Hoa Vàng không ?

- Phải nhớ, vì đã có phổ nhạc. Bài đó, cứ đến Xuân về là ở đâu cũng được nghe hát.

- Tôi làm bài đó, từ chuyện tình của một cô bé.

- Cô bé thôi.

- Nói là cô bé, nhưng cũng là thiếu nữ rồi.

Và Khuê bắt đầu kể. Quả thực, cách Khuê gọi nàng là cô bé cũng đúng. Ðiều bất ngờ hết sức thú vị, là mối tình thơ mộng của Khuê, phần nào nó giống như cốt truyện trong phim Les dimanches de ville d'Avray.

Truyện kể vắn tắt, nhưng có nhiều chi tiết thú vị. Khi Khuê ngừng, Nguyện nói ngay:

- Tôi nghĩ anh còn nhiều nàng nữa, đúng không?

- Bạn thì sao?

- Ờ, thì cũng có một bóng dáng để làm thơ.

- Ðọc nghe đi.

Nguyện im lặng ít giây để nhớ, rồi nói:

- Tôi không nhớ hết bài, chỉ được bốn câu này:

Năm ấy cây xanh trồng phố cũ

Chắp nối những ngày tôi đã quên

Bây giờ giữa nụ cười thân thiết

Sống được một thời trong mắt em.

Khuê thốt lên:

- Hay quá. Tôi xin đề nghị anh thay một chữ được không?

- Anh nói đi.

Khuê bảo:

- Ba câu đầu, được rồi. Câu chót, dùng chữ lại thay cho được, anh nghĩ sao?

- Hay đấy, cám ơn bạn.

Hai người đi bộ loanh quanh qua những đoạn phố ngắn, có nhiều quãng dốc. Buổi chiều, thị trấn đang ồn ào tiếng xe cộ bỗng dưng nghe nó rơi lắng xuống như một nỗi nhớ mỏi mệt, êm đềm. Hôm nay, tuy là buổi chiều đầu tiên mới đặt chân đến nhưng Nguyện đã hiểu được Pleiku là một thành phố chiến tranh. Những người lính ở đây dường như họ mang trong tâm thức mình một thứ quê nhà khác. Ở đây, và nơi đó, cứ tưởng xa cách, vậy mà luôn thấy gặp nhau, hoài hoài nhớ đến nhau. Nơi quê nhà ở đây, chiến tranh lại nói đến rất nhiều về cuộc sống. Nơi quê nhà bên kia, thì nó đeo đẳng vào tâm trạng mình nỗi ly biệt, trông chờ, đôi khi ám ảnh bởi sự chết chóc nữa. Bởi thế, nên nhiều người lưu lạc tới đây họ không còn muốn trở về, hoặc đi nơi khác. Khi nghe tiếng bước chân người trên những con phố, tiếng máy nổ khô đặc của những chiếc lam xe cũ kỹ chạy trên con đường đất bụi đỏ, thảng hoặc chợt thấy núi rừng, sương mù hiện ra dáng hình của bầy thú dữ, hay gợi nên một vẻ ma quái, thì với từng thứ một đó, nó tự phơi bày cách sống, sinh hoạt đặc biệt của thị xã này. Mỗi ngày, chập chờn trong ánh nắng, cơn mưa, buổi hoàng hôn đều thấy có bóng dáng những người lính, và sự chờ đợi rất lâu dài của chiến tranh.

Nguyện được Tiến cắt cử trong phần việc viết tin và điểm báo. Buổi sáng, bản tin phải viết xong trước 9 giờ. Buổi chiều, một người trực ở Sài Gòn đọc qua điện thoại về tin tức các báo, Nguyện ghi chép, sau đó chọn lọc lần nữa những tin cần biết, nhất là các loại tin sinh hoạt lãnh thổ, xong tự đánh máy đem Trưởng ban duyệt, rồi chuyển lên cho văn phòng Tư Lệnh. Những tuần lễ đầu do chưa quen lối viết tin, bản viết của Nguyện thường được Vĩnh Khuê và Lê Tiến, đọc, sửa lại nhiều câu chữ, và Nguyện nhận ra ngay, nó có được sự nổi bật, sinh động hơn.

Vĩnh Khuê là một phóng viên chuyên nghiệp nên mỗi ngày khi tập viết tin Nguyện học hỏi thêm nhiều. Khuê lại có óc hài hước, trong cách nói chuyện, lúc nào cũng để cho người khác nghe mình, và tự cười thoải mái. Thời chưa vào lính, anh đã là Trưởng đoàn của một ban kịch lưu động. Khi có chuyến công tác, Khuê luôn sẵn sàng trong túi xách lớn của mình, giấy bút, máy ảnh, máy cassette, đợi một cú điện thoại chót báo tin là lên đường ngay. Mỗi chuyến đi, cho Vĩnh Khuê những đề tài rất phong phú và khi về, có bạn ta, cả phòng lúc nào cũng vui nhộn đủ thứ chuyện cười.

Ở xa, mỗi tháng Nguyện đều nhận được thư Loan. Ðôi khi, trong thư nàng gởi kèm một vài bức ảnh chụp một mình, hoặc với bạn bè tại những nơi có thắng cảnh đẹp ở Huế. Huế, thành phố cổ kính ấy lúc nào cũng lặng lẽ, và cần một bóng dáng người ở xa xôi để nhớ. Nàng đang nhớ đến chàng, và nàng nghĩ, chàng sống ở Pleiku một mình chắc buồn lắm. Nhưng không phải đâu, Pleiku là một thị trấn cao nguyên ắp đầy tình chiến hữu. Những người lính biên ải này, đích thực họ sống bằng cái hồn nhân hậu của những nhân vật trong các tiểu thuyết chiến tranh của nhà văn Ðức Erich Maria Remarque.

Khu cư xá độc thân lại có bốn chiến hữu nữa từ các đơn vị xa đến. Một số phòng rộng được chia thêm người. Nguyện và Hải ở chung một phòng. Hải đến Pleiku cũng giống như Nguyện, tuổi trẻ không có gì ngoài cái túi sac marin nhét đầy mũ nón và áo quần nhà binh.

Hải hỏi:

- Anh ở đây lâu chưa ?

Nguyện cười đáp:

- Hơn bạn chừng sáu tháng.

- Vậy là thời tiết ở đây còn rét lắm phải không?

- Không đâu bạn, xứ này vui lắm. Ðừng nên rời khỏi đây.

Hải làm việc ở phòng Tâm Lý Chiến. Ngay trong tháng đầu, công việc anh bạn phải lưu động luôn, thường đi theo các chuyến bay Cessna phóng thanh thả truyền đơn ở những vùng được ghi chú trên bản đồ là có Cộng quân trú đóng. Tuổi trẻ, tinh thần trách nhiệm cao, Hải rất xông xáo trong công việc mới của mình, và những chuyến đi cũng đã cho hắn nhiều chi tiết sâu sắc về chiến tranh. Về Nguyện, khả năng làm việc cũng khá tiến bộ với những bản tin chiến sự viết trở nên sáng sủa, rõ ràng.

Thường lệ vào mỗi buổi sáng, sau 9 giờ, bản tin viết xong, là bắt đầu phone đi cho các Ðài địa phương thuộc lãnh thổ Quân Khu 2. Khi xong nhiệm vụ đọc hết tin cho các Ðài, một đám anh em trong phòng kéo nhau xuống Câu Lạc Bộ pháo binh ăn sáng, uống cà phê.

Thế rồi, đến một buổi sáng bất ngờ gặp cô Nguyệt qua điện thoại, Vĩnh Khuê không thèm nhập bọn nữa, đọc xong hết phần bản tin, anh ra dấu cho mọi người cứ đi, một mình ở lại rề rà tán tỉnh nàng.

Hai người, nói chuyện qua điện thoại chừng như đã chịu nhau lắm. Mỗi buổi sáng, xong bản tin Nguyện đưa, Khuê lại ưu tiên đọc trước cho Ðài Qui Nhơn. Luôn luôn, có tiếng cô Nguyệt đầu dây. Và mỗi cuộc nói chuyện, không biết, hai anh chị đã nói gì, nhưng luôn thấy vẻ mặt Vĩnh Khuê lộ ra trong cặp mắt sáng, nụ cười rất tươi.

Chàng, trước khi cúp máy, nhỏ nhẹ nói với nàng:

- Thôi, hẹn mai nhé.

Có thể, nàng cười sung sướng không cần đáp lời nữa.

Hôm đó, có một bạn phóng viên Sài Gòn lên chơi. Tiến, Khuê cùng anh em mời anh ta xuống Câu Lạc Bộ. Nguyện hơi khó chịu về cái kiểu cách làm dáng của anh ta nên không đi. Lúc nãy, có mặt người đó, anh cũng ngồi khoảng cách xa, không thân mật chuyện trò. Nguyện nhìn anh ta, nghe lối nói chuyện có một chút phô bày, kênh kiệu, và còn coi thường những anh em làm văn nghệ ở các tỉnh nhỏ. Tuy nhiên, với Vĩnh Khuê, anh ta phải kính trọng, bởi Khuê đã vào làng báo Sài Gòn trước anh ta nữa.

Bỗng nhiên điện thoại reo, Nguyện nhấc máy, đài Qui Nhơn xin tin, và lúc nghe tiếng Nguyện nghĩ ngay đấy là cô Nguyệt, nàng tình mới của Vĩnh Khuê. Nguyện nói:

- Anh Khuê bận đi chút việc. Lát nữa cô gọi lại được không?

- Ờ..., nhưng đã có bản tin rồi phải không?

- Vâng, có.

- Ông đọc giúp tôi được không?

- Ðược, cô.

Nguyện chợt cảm thấy hồi hộp, bối rối. Nguyện đọc, nhưng giọng nặng, khó nghe, khiến cô Nguyệt đầu dây cứ phải ngắt lời, hỏi lại nhiều lần. Nguyện hơi lúng túng, rồi có chữ đọc không rõ, anh phải đánh vần để cho cô ta ghi.

- Vâng, xin cám ơn ông.

Nguyện nghe câu chào xã giao có chút lạnh lùng. Khi cúp máy, Nguyện cảm thấy hổ thẹn vì giọng nói mình quê mùa, trên gương mặt anh tự nhiên váng đỏ như vừa mới uống rượu. Nhưng thế đó, Nguyện không thể quên được, anh lại còn muốn cất giấu những âm thanh giọng nói của nàng.

Ðám anh em xong cữ cà phê cùng đứng dậy rời quán trở lại phòng. Họ tiếp tục câu chuyện, nhưng Nguyện ngồi yên ở bàn mình không qua tham dự. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo. Khuê nhấc máy, sau một giây nhỏ nghe tiếng anh ta cười reo lên. Thì ra, cô ấy lại gọi lên hỏi chuyện. Nguyện đưa mắt nhìn sang Khuê, chợt nhận ra trên vẻ mặt bạn mình đang tỏ sự ngạc nhiên. Tiếng Khuê đáp:

- Anh bạn mới ở xa đổi tới.

- Ðúng, nơi đó là vùng biển.

Rồi Khuê cầm bản tin đã viết xong, đọc lại. Vừa đọc, Khuê vừa nói đùa với nàng. Nguyện nghe, tưởng như có một chút đau đớn, nhức buốt trong đầu óc. Nhưng sau đó, khi bản tin kết thúc, cô ta muốn trở lại câu chuyện của anh. Qua cử chỉ thân mật của Khuê, Nguyện đọc hiểu được điều phân trần của cô nàng, ý hẳn, cô không có điều gì phiền trách, và chỉ muốn cho người kia hiểu rằng, cô chưa quen được tiếng nói địa phương nơi vùng quê anh ở thôi.

Từ đó, Nguyện giữ một khoảng cách yên lặng, không vội vã cầm phone đọc tin cho các đài nữa. Ngay trong lúc gặp tình huống, anh cũng gọi người khác nhờ đọc tin. Và, Nguyện chợt nghĩ đến Loan cảm thấy thương nàng hơn hết. Dù thời gian đến mau, hoặc lâu hơn nữa, Loan cũng sẽ là người vợ của anh.

Giữa Khuê và Nguyệt, hai người đã trở thành đôi tình nhân qua điện thoại. Tuy nhiên, nàng ta cũng đã biết khá rõ đời tư chàng rồi. Và thực sự, có lẽ Khuê chỉ vui chuyện, tán tỉnh thôi, anh không có vẻ muốn tiến sâu. Bởi thế, anh luôn nói chuyện đùa rất thoải mái với nàng. Nguyện được nghe Khuê kể về Nguyệt, trước đây cô học ở Ðà Lạt. Nhà cô có hiệu sách nằm bên dưới con đường Duy Tân, từ chỗ đó, trông qua ngôi trường Việt Anh xa khoảng chừng hai trăm mét. Có thể, Nguyện đã có gặp cô nàng một lần, hoặc nhớ thấp thoáng cái bóng dáng của thiếu nữ, vì hồi đó, học ở Ðà Lạt Nguyện vẫn có những buổi trưa hay ghé vào hiệu sách nàng đọc báo cọp. Người thường có mặt là ba của cô. Ba cô làm việc trong ngành Tòa Án, còn cô, phải rời xa gia đình vì mới ra trường. Nguyện còn được biết thêm, cô có một em gái, hai cậu em trai, và cũng đã có một vị hôn phu, nhưng anh ta bị mất tích trên quãng đường chuyến xe đò từ Sài Gòn lên Ðà Lạt. Ðã nhiều năm, cô Nguyệt vẫn chờ đợi anh ta trở về.

Nguyện cười nói với Khuê:

- Câu chuyện có vẻ lạ, anh viết một truyện ngắn đi.

- Ý kiến hay đấy, để hôm nào viết ra thử.

- Viết đi, tôi nghĩ anh viết được.

Báo ngày, cũng như các tuần báo và tạp chí ở Sài Gòn Khuê thường có thơ, tùy bút, và truyện ngắn đăng khá nhiều. Nhưng từ hôm ấy gợi ý, Nguyện chưa thấy truyện ngắn viết về cô Nguyệt xuất hiện. Hiểu theo nghĩa thật, truyện đã có ấp ủ, nhưng Khuê viết chưa hoàn tất. Nguyện bỗng nghĩ, thường một đề tài mình tìm kiếm dễ, nhưng viết ra, có lúc rất khó. Cũng mang tâm trạng người viết văn, nên Nguyện dễ hiểu chuyện sáng tác của người cầm bút. Nhiều chuyện được cho là rất thật, xúc động, nhưng viết không ra được. Ðôi khi viết ra rồi, lại thấy có nhiều kịch tính, giả tạo. Khi làm văn chương, hầu như, người ta muốn nói đến sự phong phú của trí tưởng tượng, sáng tạo, không phải chỉ ở cốt truyện có là thực hay không? Nhiều chuyện, đơn giản, tầm thường, nhưng đột nhiên trở thành những truyện ngắn độc đáo. Sự kiện này, với các truyện hay như thế, Nguyện được đọc nhiều nhất ở nhà văn Nga Antoine Tchékhov.

Hiệp định Paris ký kết sau một mùa Giáng Sinh mà quân Ðồng Minh Mỹ thực hiện một cuộc ném bom khốc liệt bằng B52, làm rung chuyển Hà Nội, và buộc Hà Nội phải ngồi vào bàn hội nghị để ký kết. Dịp Tết, mọi quân nhân đều được cho thêm một tháng lương. Hải dù về Sài Gòn ít ngày, Nguyện lãnh tiền, ra chợ mua mấy thứ quà thổ sản gởi cho bên gia đình anh và cả bên Loan nữa. Anh cũng được Loan gởi qua người bạn quen một gói quà trong đó, có một chiếc áo len màu thuốc lá mà nàng tự đan lấy.

Buổi sáng mồng một, Nguyện ghé Trung Tâm Hành Quân lấy tin rồi xuống phòng làm việc. Anh viết sơ lược bản tin 24 giờ qua, với những vùng có dữ kiện về kết quả các vụ vi phạm ngưng bắn. Nhưng viết vậy thôi, anh nghĩ sáng mồng một chắc các đài cũng nghỉ việc không có ai gọi.

Bất thần, đang ngồi một mình hút thuốc, nhấm nháp ly cà phê còn nóng mua ở Câu Lạc Bộ lên, anh nghe tiếng chuông điện thoại reo. Với tay cầm ống nghe, Nguyện vẫn nghĩ là một người bạn nào đó gọi, nhưng không phải. Nguyện hơi bối rối, vì đó là tiếng Nguyệt đang hỏi:

- Ông cho xin bản tin đi ông?

Hơi gượng, Nguyện mới ấp úng nói:

- Anh Khuê hôm nay không vào, tôi có bản tin nhưng viết sơ lược lắm.

- Không sao, ông cho một ít dữ kiện, tôi viết lại được.

- Vâng, có đây. Cô sẵn sàng chưa?

- Rồi ạ.

Nguyện đọc thật chậm rãi, lần này tiếng khá rõ, bình tĩnh. Nguyệt vừa chép, vừa đọc lại. Ðến lúc xong, Nguyện định cúp phôn, tiếng Nguyệt chợt hỏi:

- Hôm nay, ông không đi chơi đâu?

- Thưa cô không, mà cũng không biết đi đâu nữa cô.

- Ông không ra phố chơi Tết.

Nguyện đáp:

- Nhưng hôm nay, cũng phải trực phòng nữa cô.

- Ông đang trực một mình.

- Vâng. Nói chuyện với cô cho vui được không?

- Ông nói đi, tôi nghe đây.

- Nghe Khuê nói, trước đây cô ở Ðà Lạt.

- Vâng, đúng vậy.

- Tôi có học ở trên đó hai năm.

- Ông học ở trường nào?

- Trường Việt Anh cô.

- Ô, thế thì gần nhà tôi.

- Cô cũng học ở đó sao?

- Không, tôi học trường Bùi Thị Xuân.

Hai người bắt đầu nhắc nhở đến thành phố Ðà Lạt. Câu chuyện trở nên gần gũi, có lúc xa xôi, và mỗi người như gợi ra trong tiếng nói của mình những ý nghĩ lãng mạn để tỏ tình. Mỗi giây, mỗi phút, âm thanh qua tiếng nói của nàng như tiếng lá rụng, gây một nỗi xao xuyến trong lòng Nguyện. Anh chợt im lặng, tưởng nhớ. Một lúc khá lâu, Nguyện hỏi:

- Sáng nay, cô phải trực ở đài.

- Không, tôi đến lấy tin, đọc xong thì về.

- Ở dưới Qui Nhơn, Tết vui không cô?

- Cũng vui, ông.

Nguyện nói:

- Ở đây, buồn lắm cô.

- Tôi hiểu điều ông nói, cô Nguyệt cười trong một vài tiếng rất nhỏ.

- Hôm nào, tôi xuống Qui Nhơn, đến thăm cô được không?

Nguyệt đáp ngay:

- Ðược chứ.

Nơi thành phố ấy, Nguyện không còn nhớ được gì nhiều ở một chuyến đi xa lần đầu, vì chỉ ghé lại vài giờ và cách đây đã gần mười lăm năm. Lần này, từ một thị trấn cao nguyên Nguyện xuống dưới đó, nhưng chưa thể nào hình dung được thành phố biển ấy như thế nào.

Hôm đi, là buổi trưa Thứ Bảy. Xe đò ngừng rước khách qua nhiều trạm, nên lúc về tới thành phố đã mất hết một buổi chiều. Về đó, Nguyện ở nhà cô em họ, có người chồng làm việc ở Ty Xã Hội.

Thành phố Qui Nhơn không lớn, ít cây cối, chỉ có vài ba con đường rộng ngang qua mấy phố chính đi lên nhà ga và ra đến ngoài ngã ba Quốc Lộ I.

Buổi sáng Chủ Nhật, Nguyện tìm đến Ðài Phát Thanh. Ðài nằm trên một khoảng đất hẹp, trong khu vực sân vận động. Nhưng đến nơi, Nguyện không gặp Nguyệt, và hôm nay, nhằm vào ngày trực của hai xướng ngôn viên bên Ðài Quân Ðội. Nguyện ngỡ ngàng, muốn hỏi thăm Nguyệt, nhưng anh nghĩ là bất tiện nên bỏ đi. Ở chuyến đi lần này, đối với Nguyện là một phút giây quyết định trong bất ngờ. Và, anh cũng muốn khi gặp Nguyệt, hai người sẽ cùng ngạc nhiên. Tương tự như một ngày này hai năm trước, từ đơn vị cũ anh chợt trở về tìm Loan, sau một lần hai người gặp lại và quen nhau ở Ðà Nẵng.

Nguyện sực nhớ, cái buổi nói chuyện hẹn nhau lần đó, anh quên không hỏi địa chỉ nhà Nguyệt ở. Vả lại, cần gì đâu, đến tìm nàng, ghé vào Ðài là sẽ gặp. Nhưng sáng hôm nay, rơi vào ngày Chủ Nhật. Hôm sau, Thứ Hai Nguyện phải trở lại Pleiku rồi. Tự dưng, đứng trên một ngả đường, Nguyện ngơ ngác, cảm thấy buồn. Những lần trò chuyện với nhau, nghe tiếng nói thôi, Nguyện đã hình dung Nguyệt qua một mái tóc phủ xuống vai áo, một dáng nụ cười trong cặp mắt thông minh, và cô ấy, sẽ có những ngón tay xinh xắn như những phím đàn dương cầm.

Nguyện đi lang thang, nhìn ngắm phố phường với rất nhiều cảm giác xa lạ. Một giờ sau, trở lại nơi công viên phố chính anh ngồi ở ghế đá đọc tờ báo, sau đó, ghé vào rạp hát Kim Khánh mua vé xem phim Doctor Zhivago đang chiếu.

Vào trong rạp hát, Nguyện thấy vắng khán giả. Có thể, đây là ngày cuối cùng, hôm sau, rạp sẽ đổi kỳ chiếu phim mới. Ngồi một mình ở hàng ghế giữa, Nguyện ngả lưng mơ nghĩ đến Nguyệt. Một lúc, ánh đèn trong rạp tắt hết, phim bắt đầu chiếu.

Nguyện bắt đầu có nỗi xao xuyến khi đem hết cảm giác, sự chú ý của mình vào tác phẩm được thực hiện qua cuốn phim. Nữ tài tử, Julie Christie thủ vai Lara, nàng có một khuôn mặt kiều diễm, và nàng kết hợp được trọn vẹn những nét tả về nhân vật Lara trong tác phẩm tiểu thuyết của nhà văn Nga, Boris Pasternak. Nguyện nhớ đến một lần nói chuyện với Loan, anh đưa ra nhận xét cho rằng, nàng Lara của Zhivago, đúng hơn của Boris Pasternak là khuôn mặt biểu tượng cho một nước Nga đến lúc đã suy tàn, và bác sĩ Zhivago, một người trí thức rất yêu dân tộc, nhưng ông ta đã thất bại vì không thể cưỡng kháng lại những hành động cách mạng của tầng lớp vô sản để cứu vãn cho nước Nga đừng trở nên quá tồi tệ. Hình ảnh Lara, lúc này, không gợi nhắc Nguyện nhớ đến Loan, mà vẻ đẹp ấy gợi thèm trong trí tưởng tượng của Nguyện, rồi đây sẽ có một ngày anh gặp Nguyệt, và thấy nàng, có một cốt cách, một vóc dáng như Lara. Nguyện chợt giật mình, thốt lên, khi đoạn phim chiếu đến lúc Zhivago trở về căn nhà cũ, nay đã bị chính quyền Cách Mạng trưng dụng, vợ con ông trở thành những người tạm trú trong một căn hộ lớn nhiều gia đình. Rồi tiếp theo cảnh đó, là sự tổn thương, đau xót nhất khi ông trở về, đứa con đã không nhìn nhận ông, còn đánh một cái tát đích đáng vào mặt ông, hành động này để ông hiểu, hôm nay chính quyền mới thuộc về Cách mạng, thế hệ của ông đã hết, đi đứt rồi. Nguyện sững sờ, không tưởng được có một cảnh như vậy đối với nước Nga.

Nhưng rồi, cũng may cuốn phim đã để lại một sự bù đắp khác. Hình ảnh đang di chuyển trên khung vải thật là tuyệt diệu, thật là thơ mộng, với một cánh đồng tuyết phủ ở Varikyno, với một ngôi nhà nơi đó dưới ngọn nến bập bùng cháy, Zhivago đang làm thơ, và cứ mỗi trang thơ viết nên được, hiện rõ một khuôn mặt Lara đang tươi cười.

Cuốn phim chiếu hơn ba tiếng đồng hồ mới kết thúc. Khi ra hỏi rạp hát, Nguyện không biết đi đâu, vì chưa muốn về nhà. Anh tìm đến quán ăn lấy chỗ nghỉ chân chốc lát, rồi trở ra đường, đi bộ lang thang hết phố này qua phố khác. Nguyện nhìn vào các căn nhà, tưởng như thấy có vóc dáng những hình ảnh của Nguyệt. Nhưng buổi chiều vẫn yên lặng, nơi nàng ở, nơi mà có tên nàng và tiếng nói, khuôn mặt ấy cứ bảng lảng mà anh không tìm ra. Tình cờ, ngang qua một dãy phố có vỉa hè lát đá nghe tiếng trò chuyện của mấy cô gái đang đứng chơi trước nhà, Nguyện chợt dừng bước hỏi nhà Nguyệt, may cho anh, có một người trong đó biết, đưa tay chỉ đường vừa nói:

- Ông cứ theo con đường này đi lên, gặp ngã tư, rẽ phải, nhà chị Nguyệt ở căn đầu tiên.

- Cám ơn cô.

Nguyện đáp lời, rồi vội vàng bước nhanh. Sau lưng, có lẽ những cặp mắt ấy trông theo. Buổi chiều, lúc này đã hết nắng, bóng mờ tối như đang vội vã muốn bao trùm các con đường. Ðến trước một căn nhà mở ngỏ nhưng cửa trước đóng kín, Nguyện hơi bâng khuâng, một chút sau bình tĩnh anh bước tới gần, tay gõ cửa. Một cô gái đã lớn tuổi ra mở, hỏi nhẹ nhàng:

- Thưa ông cần gặp ai ?

- Cô Nguyệt có nhà không cô.

- Vâng, tôi đây.

- Thưa, cô làm xướng ngôn viên ở đài.

- Vâng.

- Tôi ở Pleiku mới xuống.

- Hình như ông là bạn ông Khuê phải không?

- Ðúng, cô. Tôi là Nguyện.

Nguyệt cười lớn tiếng, rồi mời Nguyện vào nhà. Nàng hỏi:

- Ông xuống hôm nào vậy?

- Buổi chiều hôm qua cô.

Nguyệt bật sáng ngọn đèn néon, Nguyện trông thấy khuôn mặt nàng rõ hơn. Một thoáng hơi tư lự, anh nghĩ lại hình ảnh qua trí tưởng tượng và hình ảnh có thực không mấy trùng hợp nhau. Ðến tiếng nói cũng thế, nó còn đấy, nhưng không vang lên đúng âm nhạc của tiếng chim trong lùm cây buổi sáng.

- Ông xuống dưới này công tác?

- Không cô. Về chơi thôi. Sáng mai tôi lên trở lại rồi.

- Không ở chơi thêm ít ngày nữa.

- Về làm việc chứ cô.

Nàng mỉm cười, hai bàn tay để ngửa tựa vào cằm nhìn sang Nguyện. Nghe tiếng đũa bát va chạm, Nguyện hơi giật mình hỏi:

- Xin lỗi, tới thăm lúc cô đang ăn cơm.

- Không, lúc nãy tôi ở nhà sau nói chuyện với dì tôi.

Rồi nàng hỏi Nguyện:

- Ông uống cà phê nhé, tôi đi pha.

- Thôi, cô cho nước uống được rồi.

Nguyệt liền đứng dậy, đi xuống nhà dưới. Nguyện ngồi một mình, nhìn căn phòng khách trống và rộng. Ở giữa, cái tủ lớn bày bàn thờ, có bức tượng Ðức Phật, một ít hoa quả, và mùi nhang thơm xông khói. Nguyệt trở lên lại, bóng dáng nàng mặc chiếc áo chấm bông xanh cho thấy một đời bình thường, giản dị. Nguyệt đặt ly trà đá đầy, thật mát, xuống bàn phía bên Nguyện.

- Cô để cho tôi uống một mình thôi.

- Ông đang khát mà.

- Cám ơn cô.

- Mai ông trở lên đó bằng phương tiện gì.

- Tôi đi xe đò cô.

- Ông đi sớm không?

- Khoảng gần trưa tôi đi.

Nguyện ngừng lại, vì nghe có tiếng bước chân dưới nhà đi lên. Bà cụ tới gần trong chiếc áo màu lam, Nguyện đứng lên chào, Nguyệt giới thiệu người dì mình, bà ta vui cười hỏi khách một vài câu rồi bước ra cửa. Thấy ly nước vơi quá nửa, Nguyệt hỏi:

- Ông uống thêm nước nhé.

- Ðủ rồi, nhưng cô cho hút thuốc.

- Ồ, ông cứ tự nhiên. Tôi xin lỗi không nói trước để nãy giờ ông nhịn, nàng cười.

Nguyện bật que diêm đốt điếu thuốc. Có vẻ lúc này, nắm được sự tự chủ, anh tưởng như mình là người trong nhà. Nguyện hỏi:

- Cô còn nhớ bản tin lần đầu tôi đọc cho cô không?

Nguyệt cười lớn tiếng, nàng nói:

- Tôi nhớ. Thế lúc đó, ông có giận tôi phải không?

- Không đâu, người đẹp.

Nguyệt ngước mắt lên, nàng hơi đỏ mặt thẹn nhưng vẫn giữ nụ cười nhìn thấy Nguyện trong lúc vui, có vẻ thân mật. Nguyện nói:

- Tôi ở vùng biển, thành ra giọng nói hơi nặng, khó nghe.

Nàng hơi rùng mình hất mái tóc ra đằng sau, rồi một giọng thân tình, nàng nói:

- Lúc đó, tôi cũng ngỡ ngàng vì chưa nghe quen tiếng nói của ông.

- Về cô, cô có giọng nói hay quá.

- Cám ơn, thế ông có buồn gì tôi không?

Nguyện không đáp, nghe câu hỏi đó, tự nhiên anh đưa mắt nhìn sang Nguyệt. Hai người cùng yên lặng, trong đôi mắt nhìn nhau lúc này, thời gian của đêm có vẻ như di chuyển chậm, và rất lâu.

Bỗng nhiên, Nguyệt nói trước:

- Nãy giờ, tôi biết ông thất vọng.

Nguyện thoáng nghĩ trong ít giây, rồi đáp:

- Không, cô vẫn giống như hình ảnh tôi nghĩ.