Đoạn kết... |
Tác Giả: Phạm Thị Thu Hiền |
Thứ Bảy, 29 Tháng 11 Năm 2008 05:00 |
Trước ngày chị đi, anh không khỏi băn khoăn dao động, vắng chị anh vất vả hơn đã đành, các con thiếu mẹ cũng ngơ ngác như ngôi nhà tốc mái. Vụng dại như anh liệu có thay thế được đôi cánh tình yêu ấp ủ như mẹ gà ấp đàn con không? Sau tất cả nỗi lo thường trực ấy còn một câu hỏi nhức buốt tim anh, 5 năm là bao nhiêu ngày? Giỏi lắm 3 năm chị được một lần về phép, làm sao anh chịu đựng cho nổi? Còn chị, giữa nơi xứ người xa lạ, ba bề bốn bên trống vắng... Cái tuổi "canh cô" của chị liệu có chịu đựng nổi không hay lại... xảy đàn tan nghé ??? Cuối cùng anh quyết định: - Ở lại thôi em ạ, vợ chồng no đói có nhau... Theo anh, đồng tiền không thay thế nổi hạnh phúc đâu em. Khối gia đình giàu "nứt đố đổ vách" ra mà chồng một quỹ, vợ một quỹ riêng. Con thì đùn đẩy cho nhau nuôi, rồi ăn miếng trả miếng nhau... chán mớ đời. - Ôi giời! chị thở dài, nhìn gương mặt mất ngủ phờ phạc của anh mà thương đến xót ruột: - Cũng là nước cùng anh ạ. Ra đi là để "ích nước, lợi nhà". 15 năm theo đuổi công việc rồi, quỹ thời gian mỗi ngày mỗi rút ngắn, con cái mỗi ngày mỗi lớn, nào tiền học, tiền ăn, mua sắm mà số lương thưởng, tích luỹ cứ teo tóp như miếng da lừa của Ban Zăc trong vở kịch "Tấn trò đời" ấy... Từ ngày con Hoà lên cấp III, em chỉ học cách tiêu tiền sao cho đồng tiền ít lọt qua kẽ ngón tay nhất mà đâu có được, nếu học được nghệ thuật "bóp cổ chày ra nước" thì em cũng học ... Đằng này, thôi để em đi, chị nói trong dòng nước mắt, nhưng giọng vẫn cố nén để khỏi bật ra tiếng khóc: Với lại đoàn của cả xí nghiệp đi những hơn 20 đứa con gái, người nọ bảo ban, để mắt đến người kia... lo gì. Em chỉ sợ đồng tiền không thay thế nổi hạnh phúc thật nhưng không có tiền cũng không làm nên hạnh phúc anh ạ. Và chị đi, anh và các con lưu luyến theo chị ra tận sân bay... Khuôn mặt chị nhoè nhoẹt nước, va li chưa đầy 20kg mà nặng trĩu cánh tay... Nhìn cái dáng liêu xiêu của anh bên hai đứa con ngây thơ dở cười, dở mếu, chị chỉ muốn xé tan tất cả, vứt bỏ tất cả để lao vào vòng tay anh, xoè đôi cánh tình yêu như đôi cánh gà mẹ ấp ủ hai đứa con khỏi mọi nắng, mưa, giông bão của cuộc đời. Không có chị chúng sẽ ra sao? Cuộc sống trước mặt vốn đầy cám dỗ. Thời gian đầu chị đi, anh và hai con liên tiếp nhận được thư, một tác phẩm như tầng non cao ngất, 12 tờ chi chít những ý thơ, và anh đáp lại đầy yêu thương cuốn quýt tưởng như những ngày đầu mới cưới. 5 tháng, 7 tháng rồi tết, trong lúc các gia đình bạn bè chị chụp ảnh, gửi những bức ảnh chăng đèn kết hoa rực rỡ, cụng li, chúc phúc, cốc chén đầy bàn thì chị bấm máy tự động chụp cảnh mình ngồi ôm hai tay hai con búp bê, chỏng trơ chiếc gối, khuôn mặt buồn thiu, đằng sau đề: Nhớ anh và các con quá mà chẳng biết làm thế nào??? Rồi hàng họ gửi về liên tục, cuộc sống gia đình thay đổi hẳn, cả anh cả chị cùng dồn nỗi nhớ vào công việc... chị vẫn động viên anh, ví mình như cánh cò bay ngược trong giông bão, vì gánh nặng gia đình mà phải vất vả lần hồi ở xứ người để gánh gạo nuôi con. Cả tuần 7 ngày thì 6 ngày nhớ về tổ ấm gia đình, lặng lẽ cất tiếng khóc nỉ non để ngày hôm sau lại chai sạn, sắt son hơn lao vào công việc. Người bạn cùng phòng với chị bị đánh gục đầu tiên... mới đầu còn e dè nể sợ, gặp gỡ lén lút theo kiểu người á đông, sau mỗi ngày một công khai hơn. Nhiều lần chị và người bạn cùng phòng phải nhắm mắt làm ngơ ôm chăn chiếu đi ngủ phòng bên cho anh chị có chỗ cười đùa tâm sự... rồi nỗi cô đơn từng ngày từng giờ kéo đến, nằm ngửa lạnh bụng, nằm sấp lại lạnh lưng, người lúc nào cũng chuếnh choáng như thể mất trọng lượng, trong khi buôn bán thua thiệt vì cảnh "liễu yếu đào tơ" không biết tựa vào đâu mà gom hàng kết mối? Đã thế cô bạn cùng phòng lại rỉ tai: Rõ lũ ngốc chúng mày, đây có còn là xứ mình đâu mà ngồi ôm cả nền tảng đạo đức truyền thống mấy ngàn năm trong người như thế, rũ bớt đi cho nhẹ nợ còn làm ăn, buôn bán nuôi chồng nuôi con, bao giờ về nhà hãy tính. Mưa dầm ngấm lâu, ngày một ngày hai bị nó cùng ông chồng hờ không hôn thú chủ động co kéo, dắt mối giới thiệu hết người này đến người khác, chị đành mặc kệ. Thay vì xấu hổ, mặc cảm, lắc đầu quầy quậy, vác chăn màn đi sơ tán, chị liều ở lại trằn trọc một mình giữa 3 cặp vợ chồng hờ trên ba chiếc giường trong phòng chờ mong những điều sẽ đến với mình.
Những lá thư thưa dần và lời lẽ mỗi ngày lại bớt mặn nồng đi, dù hàng gửi về vẫn đều đặn liên tục, anh bắt đầu linh cảm thấy dấu hiệu bất an trong tổ ấm của mình, nhưng vì điều kiện cách trở đành lực bất tòng tâm... Cuối cùng ngày nghỉ phép của chị đã đến, ba bố con anh lại hồi hộp náo nức như buổi đầu ra sân bay đón chị và không thể không nhận thấy sự ngượng ngùng trong mỗi lời nói thái độ cử chỉ của chị, cũng giống ba cô bạn cùng phòng, chị không về một mình mà đi bằng chân anh ta, người đàn ông hào hoa đã thay thế vai trò làm chồng chị suốt hai năm qua. "Có mới nới cũ", chị bỗng sợ cái mùi mồ hôi trộn lẫn vị thuốc lào, thuốc lá của chồng, sợ cái tấm thân gầy guộc và vầng trán chớm những vết nhăn sâu và dài của anh, vì mưu sinh, kinh tế chị phải ra đi và đã tìm được sự bù đắp của số phận mình vào cái lúc tuyệt vọng cô đơn nhất. Giữa nơi xứ người lạnh lẽo, không chồng, con người thân, họ hàng, không bị những nhu cầu của cuộc sống câu thúc ám ảnh, càng không bị lệ thuộc bởi bao quan niệm cũ kỹ lỗi thời, họ đã sống những ngày tràn trề hạnh phúc, buông thả mình trong làn sóng đam mê tình dục, khát khao cháy bỏng... Giờ buộc phải trở về, đối diện với sự thực trần trụi bên ông chồng già nua cổ lỗ với một nhúm hủ nho và nhúm tây học trong đầu, chị đâm chán, chỉ vì hai con và chút tình cảm, đạo lý mà nén lòng chịu đựng, trong khi con tim vượt qua khuôn khổ của ngôi nhà, đập những nhịp đập rạo rực nóng hổi bên người tình xa. Sự thờ ơ của chị khiến anh dễ dàng nhận ra, anh hiểu trái tim anh giờ đã trở nên lỗi nhịp bên chị, rằng cái cầu dải yếm ngày xưa chị từng bắc cho anh sang, giờ người khác đã đi, nếu anh cứ cố tình thì kết cục không khác gì câu chuyện cổ của Léc Môn Tôp: "Hai con dê cùng đi chung một cái cầu, dê trắng đi đằng này lại, dê đen đi đằng kia sang, dê trắng cậy mình là người sang trước nên bảo: "Tránh ra cho tao đi"!. Dê đen biết mình có lợi thế hơn hẳn về hình thể, tầm vóc, sắc đẹp nên cũng bảo: "Tránh ra cho tao đi". Cả hai chẳng ai chịu nhường ai, chúng húc nhau và lăn tòm xuống suối". Trái tim đập những điều vô lý thế, chỉ vẻn vẹn 5 năm trời anh đã đứng ở thế chênh vênh, lỡ nhịp. Có muốn sang cũng chẳng bắc nổi cầu, trái tim chị chẳng những đã làm đau lồng ngực của anh còn tìm đủ mọi lý do để thờ ơ, thoái thác. Sau cả tháng trời không ngủ, anh đành quyết định để trái tim lặng lẽ... lên đường về hưu, nhường cầu cho người kia bước tiếp.
Ngày chị đi, anh lặng lẽ thu xếp mọi thứ quần áo, thuốc men cho chị, và âm thầm chìa ra trước mặt chị một tờ giấy do anh chủ động viết, chị nhận tờ đơn ly hôn trong tay anh mà lặng đi, mãi sau mới thốt được một câu: Em không ngờ anh cao thượng và chu đáo đến thế, đã biết hết mọi chuyện, không những bỏ qua còn giúp em hoàn thành mọi thủ tục pháp lý. Anh cười, những nếp nhăn buồn bã hằn ngang vầng trán: - Anh biết có cố đấm cũng không thể biến cơm nguội thành xôi được, thôi coi như anh giải phóng cho em, cũng may mà hai đứa đã lớn, không còn phải ràng buộc nhiều nữa. Người Trung quốc nói: "Vợ chồng ví như hai dải áo mà những đứa con là hàng khuy ở giữa". Nếu cố tình dứt tung hai dải áo ra thì số phận những đứa con sẽ ra sao? Nếu là thời điểm 10 năm trước, chắc chắn anh sẽ níu vạt áo kia ở lại, dẫu chẳng đề được câu thơ như cũ cũng là đề vào đấy trách nhiệm và nghiã vụ của người làm mẹ, nhưng bây giờ các con đã lớn, dù hai dải áo có buông nhau ra thì hàng khuy ở giữa cũng không thể lăn xuống sông, xuống suối hay lề đường cống rãnh được nữa. Em mãi là mẹ của hai con vì anh biết tình mẫu tử trong em vẫn đầy, không ai có thể thay thế vai trò làm mẹ cho các con được, chỉ còn tình vợ chồng là lỡ trớn, vạt ngắn, vạt dài, so le, cũn cỡn. Anh quyết định giải phóng cho em... Nếu có gì trục trặc, đổ vỡ phía người ta, hãy tin vẫn có một người chờ em nơi bến cũ. Chị ngậm ngùi khóc, những giọt nước mắt tiếc nuối, xót thương, ân hận, nhưng tất cả đã muộn rồi, sau cánh cửa hôn nhân này là một người tình mới, một chân trời mới mở ra, bao la, sôi động. Càng ngẫm càng thấy lời anh nói đúng: Không có tiền thì không làm nên hạnh phúc, song nếu có tiền mà không biết gìn giữ, gây dựng thì sự giàu có cũng không thể thay thế nổi hạnh phúc... Phải chi ngày ấy chị đừng nghèo đến thế để đến mức phải cất bước ra đi? Hoặc đừng tìm sự an ủi bù đắp của số phận mình như những cô bạn cùng phòng để bây giờ phải mặc cảm, ân hận tràn đầy. Ra đi cũng dở mà ở lại không xong ??? Hà Nội 2003-2008 |