Home Văn Học Khảo Luận Nỗi Buồn Tiếng Việt

Nỗi Buồn Tiếng Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Hai, 20 Tháng 4 Năm 2009 03:59

Trong một bài viết được ông đặt cho cái tựa là “Nỗi Buồn Tiếng Việt”, tác giả Chu Đậu nêu rõ sự kiện sau đây: “Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, theo sinh hoạt xã hội. Mỗi ngày, từ những đổi mới của đời sống, từ những ảnh hưởng của văn minh ngoại quốc mà ngôn ngữ dần dần chuyển biến. Những chữ mới được tạo ra, những chữ gắn liền với hoàn cảnh sinh hoạt xưa cũ đã quá thời, dần dần biến mất. Cứ đọc lại những áng văn thơ cách đây chừng năm mươi năm trở lại, ta thấy nhiều cách nói, nhiều chữ khá xa lạ, vì không còn được dùng hàng ngày. Những thay đổi này thường làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động hơn, giàu có hơn. Tuy nhiên, trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những thay đổi rất kém cỏi. Ban đầu những thay đổi này chi giới hạn trong phạm vi bắc vĩ tuyến 17, nhưng từ sau ngày cộng sản toàn chiếm Việt Nam, 30 tháng tư năm 1975, nó đã xâm nhập vào ngôn ngữ miền Nam. Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy nghĩ, rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay. Nếu những thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng, nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm…”

 Sao đó, tác giả dẫn chứng những thay đổi mà ông cho là đã làm buồn tiếng Việt hôm nay:

 1. Chất Lượng:

Ðây là chữ đang được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch vụ. Người ta dùng chữ này để dịch chữ “quality” của tiếng Anh. Nhưng “lượng” không phải là phẩm tính, không phải là “quality” mà là số nhiều ít, tức là “quantity”. Theo Hán Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu, thì lượng là: đồ đong, các cái như cái đấu, cái hộc dùng để đong đều gọi là lượng cả. Vậy thì tại sao lại dùng một chữ sai như thế? Muốn nói về tính tốt xấu của món đồ, phải dùng chữ “phẩm” bởi vì phẩm tính mới là “quality”. Mình đã có chữ “phẩm chất”, tại sao lại bỏ để dùng chữ “chất lượng”?

 2. Liên Hệ:

“Liên hệ” là có chung với nhau một nguồn gốc, một đặc tính. Người cộng sản Việt Nam dùng chữ “liên hệ” với nghiã là “nói chuyện”, “đàm thoại”. Tại sao không dùng chữ “nói chuyện” cho đúng và giản dị. Chữ “liên hệ” dịch sang tiếng Anh là “to relate to”, chứ không phải là “to communicate'”!

 3. Ðăng Ký:

Ðây là chữ mà người Cộng Sản miền Bắc dùng vì tinh thần nô lệ người Tầu của họ. Trước đây, ta có chữ “ghi tên” (và “ghi danh”), còn người Tầu dùng chữ “đăng ký” để dịch chữ “register” trong tiếng Anh. Ta hãy dùng chữ “ghi tên” hay “ghi danh” cho dễ hiểu, cần gì phải “đăng ký”?!

 4. Xuất Khẩu, Cửa Khẩu:

Người Tầu dùng chữ “khẩu”, người Việt dùng chữ “cảng”. Vì thế ta nói “xuất cảng”, “nhập cảng”, chứ không theo Tầu gọi là “xuất khẩu”, “nhập khẩu”. Trong tiếng Việt, ta nói “phi trường Tân Sơn Nhất”, “phi cảng Tân Sơn Nhất”, “hải cảng Hải Phòng”, “giang cảng Saigon”, “thương cảng Saigon” chứ không ai nói” phi khẩu Tân Sơn Nhất”, “hải khẩu Hải Phòng”, “thương khẩu Saigon”!

 5. Khả Năng:

Chữ này tương đương với chữ “ability” trong tiếng Anh, và chỉ được dùng cho người, tức là với chủ từ có thể tự gây ra hành động theo chủ ý. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt nam người ta dùng chữ “khả năng” trong bất kỳ trường hợp nào, tạo nên những câu nói rất kỳ cục. Ví dụ thay vì nói “Hôm nay trời có thể mưa”, thì lại nói: “Hôm nay trời có khả năng mưa.”!

 6. Tranh Thủ:

Thay vì dùng một chữ vừa rõ ràng, vừa giản dị là “cố gắng”, thì vì cái tệ sính dùng chữ Hán Việt của người cộng sản, người ta lại dùng một chữ vừa nặng nề, vừa tối nghĩa là chữ “tranh thủ”. Thay vì nói: “Anh hãy cố làm cho xong việc này trước khi về”, thì lại nói: “Anh hãy tranh thủ làm cho xong việc này trước khi về”!

 7. Khẩn Trương:

Người ta dùng chữ này thay thế chữ “nhanh chóng” và như thế là vô tình làm tối nghiã tiếng Việt. Tại sao không nói: “Làm nhanh lên”, mà lại nói: “Làm khẩn trương lên”?!

 8. Sự Cố, Sự Cố Kỹ Thuật:

Tại sao không dùng chữ vừa giản dị vừa phổ thông như trước đây là “trở ngại” hay “trở ngại kỹ thuật”, hay giản dị hơn là chữ “hỏng”? Nói “Xe tôi bị hỏng” rõ ràng mà giản dị hơn là nói “Xe tôi có sự cố”!

 9. Tham Quan:

Đi thăm, đi xem thì nói là đi thăm, đi xem; tại sao phải dùng chữ “tham quan” của người Tầu?! Sao không nói “Tôi đi Nha Trang chơi”, “Tôi đi thăm lăng Minh Mạng”, mà lại nói “Tôi đi tham quan Nha Trang”, “Tôi đi tham quan lăng Minh Mạng”?

 10. Nghệ Nhân:

Ta gọi những người này là “nghệ sĩ”. Mặc dù đây cũng là tiếng Hán Việt, nhưng người Tầu không có chữ “nghệ sĩ”, nên họ dùng chữ “nghệ nhân”. Có người tưởng rằng chữ “nghệ nhân” cao hơn chữ “nghệ sĩ”, nhưng thực ra nghĩa của hai chữ giống nhau! Sở dĩ người cộng sản Việt Nam dùng chữ “nghệ nhân” là vì tinh thần nô lệ người Tầu.

 11. Tư Liệu:

Trước đây ta dùng chữ “tài liệu”. Để cho khác miền Nam, người công sản dùng chữ “tư liệu” theo ý đây là “tài liệu riêng của người viết”. Nếu như vậy, thì bây giờ phải giải thích ra sao khi tài liệu người viết sử dụng là tài liệu đọc trong thư viện chứ không phải là tài liệu riêng của ông/bà ấy?

 12. Danh Từ Kỹ Thuật Mới:

Thời đại của điện tử, của computer tạo ra nhiều danh từ kỹ thuật mới, hay mang ý nghĩa mới. Theo sự phổ biến rộng rãi của kỹ thuật, những danh từ này trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Hầu hết những chữ này có gốc từ tiếng Anh, bởi vì Hoa Kỳ là nước đi trước các nước khác về kỹ thuật. Với các ngôn ngữ có những chữ cùng gốc (tiếng Ðức, tiếng Pháp…), thì việc chuyển dịch trở nên tự nhiên và rõ ràng; còn với những ngôn ngữ không cùng gốc, thì người ta địa phương hóa những chữ ấy để dùng. Riêng Việt Nam cộng sản thì làm chuyện kỳ cục là dịch những chữ ấy ra tiếng Việt, hay mượn những chữ dịch của người Tầu, từ đó tạo nên một mớ chữ ngây ngô, người Việt đọc cũng không hiểu nghĩa của chúng là gì! Ví dụ:

- “Scanner” dịch thành “Máy Quét”! Máy Quét đây, thế còn máy lau, máy rửa đâu?! Mới nghe cứ tưởng là máy quét nhà!

- “Digital Camera” dịch là “Máy Ảnh Kỹ Thuật Số”!

- “Database” dịch là “Cơ Sở Dữ Liệu”! Những người Việt không biết “database” là gì, thì khi đọc “cơ sơ dữ liệu” cũng mù tịt, không biết là gì luôn!

- “Sofware” dịch là “Phần Mềm”, “Hardware” dịch là “Phần Cứng”! Mới nghe cứ tưởng nói về đàn ông, đàn bà! Chữ “hard” trong tiếng Anh không luôn luôn có nghĩa là “khó”, hay “cứng”, ví dụ như trong “hard evident” (bằng chứng xác đáng). Chữ “soft” như trong “soft benefit” (quyền lợi phụ thuộc) chẳng lẽ lại dịch là “quyền lợi mềm” hay sao?

- “Computer Monitor” dịch là “Điều Phối” khiến chẳng ai hiểu nghiã là gì!

- VCR dịch là “Đầu Máy”, vậy thì “đuôi máy” đâu, và như vậy thì những thứ máy khác không có đầu à? Sao không gọi VCR là VCR như gọi TV là TV? Nếu VCR dịch là “đầu máy” thì DVD, DVR dịch là gì?

- “Radio” dịch là “Đài”! Trước đây, mình đã Việt hóa chữ này thành “ra-đi-ô” hay “ra-dô”, hoặc dịch là “máy thu thanh”; nay gọi là “đài” vừa sai, vừa kỳ cục! Ðài phải là một cái tháp cao, trên một nền cao (ví dụ đài phát thanh), chứ đâu phải là một vật nhỏ ta có thể mang đi khắp nơi được?!