Home Văn Học Khảo Luận Huyền Thoại Hoa Ti Gôn

Huyền Thoại Hoa Ti Gôn PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Thiên Hoa   
Thứ Năm, 01 Tháng 1 Năm 2009 03:18

1. Phần 1 - 1

Lời giới thiệu
    Trong lịch sử văn học Việt Nam, hiếm có một tác giả tạo ra nhiều huyền hoặc, mâu thuẫn nghịch lý nhưng đầy hấp dẫn, lôi cuốn độc giả ngưỡng mộ, thêu dệt như trường hợp nhà thơ Thâm Tâm. Những hiểu biết mập mờ về Thâm Tâm và tác phẩm của ông trên những trang sách với nguồn tư liệu để đời bao dấu hỏi, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi đưa ra một tiêu chuẩn đánh giá thống nhất về vị trí của Thâm Tâm trong nền văn học. ...

Gia tài văn học mà Thâm Tâm để lại cho hậu thế quả khiêm tốn về số lượng. Thế nhưng, số giấy mực mà người đời sau viết về ông thì lại cực kỳ đồ sộ. Chỉ riêng việc thống kê những huyền hoặc, thêu dệt mà các tác giả với chủ đề "Thâm Tâm - T.T.Kh" đã gởi vào cánh đồng văn học, là cả một công việc mất nhiều thời gian và công sức. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, bí mật xung quanh Nhà thơ Thâm Tâm và Huyền thoại T.T.Kh vẫn là thách đố lớn và hấp dẫn nhất với các nhà phê bình cũng như bạn đọc yêu mến ông. Ngoài thi phẩm tuyệt bút "Tống biệt hành" đã, đang và sẽ không ngừng được khám phá giải mã, thống nhất về mặt văn bản mà còn nhiều bí ẩn liên quan đến ông, đến sự nghiệp sáng tác của ông. Những thắc mắc ấy, đến nay, chúng ta cũng chưa có lời giải cuối cùng, ngõ hầu làm sáng rõ một sự thật: ông có phải là tác giả của toàn bộ những bài thơ mang tên ông hay không? Ngược lại, nhiều bài thơ được ký tên người khác liệu có hoàn toàn không dính dáng đến ông? Những câu hỏi như vậy không dễ trả lời trong khi thời gian cứ mỗi ngày một trôi qua, người trong cuộc cũng đi về nơi xa khiến khả năng tiếp cận sự thật càng khó khăn gấp bội. Nhưng đấy mới chính là sự hấp dẫn của mọi đề tài nghiên cứu về Thâm Tâm mà cuốn sách chúng tôi sắp nói đến là một bằng chứng điển hình.

Trong số những bí mật xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Thâm Tâm, bài thơ "Hai sắc hoa Ti-Gôn" gắn với ẩn danh T.T.Kh được coi như một huyền thoại văn chương. Nó là nguồn "cá tháng tư" cho những phỏng đoán, thêm thắt của người đời sau. Hàng trăm thắc mắc trong quá khứ vẫn còn treo lơ lửng thì hàng trăm câu hỏi hiện tại khác lại được đặt ra. Tựu trung lại, người ta muốn biết T.T.Kh là ai? Nam hay nữ? Nhân vật có thật hay được hư cấu? Nếu là thật thì cuộc đời sau đó của T.T.Kh ra sao? Nếu là nhân vật thật thì tại sao có quá nhiều mâu thuẫn trong chính tác phẩm của mình? Còn nếu là nhân vật hư cấu thì ai là tác giả? Tại sao phải lấy bút danh ký tự T.T.Kh? Với mục đích gì? Phần lớn những mối quan tâm ấy chỉ là do hiếu kỳ mà các tác giả đã viết về nó tưởng chừng như để thỏa mãn mọi thắc mắc độc giả, muốn giải mã đáp số văn học T.T.Kh mà nhiều khi chính mình cũng vô tình góp thêm vào sự thêu dệt khi những dẫn chứng đưa ra không khớp với thời gian, cá nhân được chỉ chứng lại xa lạ với người trong cuộc.

Nhưng với giới nghiên cứu văn học thì mối quan tâm không chỉ dừng lại ở đó. Ngoài vấn đề lịch sử, việc giải mã bí ẩn T.T.Kh còn là câu chuyện của khoa học: Khoa học văn bản, khoa học về thi pháp, khoa học về ảnh hưởng của những yếu tố ngoại cảnh đến tư tưởng và sự nghiệp của nhà văn và cuối cùng chính là khoa học về thân phận nghệ sĩ trước thời đại. Tức Thời đại - Con người - Tác phẩm không thể tách rời. Chính từ nhu cầu khách quan đó, hàng trăm công trình nghiên cứu về Thâm Tâm ra đời như đã nói ở phần trên. Mỗi công trình lại gây ra một cuộc tranh luận thú vị nhưng không tránh khỏi càng làm cho việc giải mã trở nên mù mờ. Giá trị văn học cũng như vị trí nhà thơ được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 như Thâm Tâm càng ngày tầm thường hóa tiểu sử, dung tục hóa thi ca. Sở dĩ như vậy, trước hết là vì người viết chưa đưa ra đủ những căn cứ thuyết phục, thiếu tư liệu hoặc tư liệu bị làm sai lệch vì nhiều nguyên nhân... trong khi lại áp đặt nhiều ý kiến mang tính suy diễn chủ quan, thậm chí là võ đoán. Vì thế, hình như bạn đọc và giới nghiên cứu vẫn chờ có một tác phẩm công phu hơn, khoa học hơn, tâm huyết hơn, thuyết phục hơn để có thể yên tâm khép lại vấn đề. Chúng tôi hy vọng đang giới thiệu một công trình như vậy: "Huyền thoại hoa Ti-Gôn" của Ngọc Thiên Hoa.

Trên văn đàn, Ngọc Thiên Hoa được biết đến như một cây bút nữ đa tài trên nhiều lĩnh vực: Thơ, Truyện, Tiểu thuyết, Kiếm hiệp, Biên khảo, Lịch sử, Trào phúng, Truyện cười, Ngụ ngôn, Phê bình, Tiểu luận, Văn tế, Nhạc, Nhíếp ảnh, và cả Họa nữa. Tác phẩm phê bình, tiểu luận gần đây nhất: "Nhìn lại bến bờ I" khiến bạn đọc lại một phen ngạc nhiên không chỉ về khả năng làm việc của tác giả mà đáng nói hơn là về sự mới mẻ, táo bạo mà chị góp cho nền phê bình nước nhà. Cuốn tiểu luận lập tức nhận được nhiều ý kiến từ giới chuyên môn. Nhiều sự đánh giá khác nhau như bất cứ cuốn sách nào đáng đọc nhưng tựu chung lại, hầu hết đều ghi nhận Ngọc Thiên Hoa đã nỗ lực thổi một luồng sinh khí mới vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học khiến mảnh đất đang khô cằn, lắm đá sỏi này trở nên tươi tắn, hấp dẫn và đầy sức sống hơn.

Tiếp tục nỗ lực đáng quý đó chính là "Huyền thoại hoa Ti-Gôn" mà chúng tôi đang nói tới. Trước hết, chúng tôi ghi nhận đây là một trong những công trình nghiên cứu văn học đầy tính khoa học, tràn ấp tâm huyết và cực kỳ công phu của Ngọc Thiên Hoa. Có thể nói, đây cuốn sách công phu nhất trên nhiều phương diện nghiên cứu một tác giả nổi tiếng với "Tống biệt hành" và nghi án văn chương gắn với ẩn danh T.T.Kh. Điểm đáng chú ý nhất và có lẽ là điểm độc đáo của cuốn sách chính là cách thức sưu tầm và xử lý tư liệu lịch sử. Chỉ riêng về mặt cung cấp tư liệu, cuốn sách này là cuốn tư liệu tham khảo rất cần cho nhiều người. Nhưng không dừng lại ở đó, Ngọc Thiên Hoa đã qua mặt các đàn anh, cha chú đi trước khi thay vì liệt kê đơn thuần, chị đã làm một cuộc tổng sàng lọc, truy tầm gắt gao những sự thật bị khuất lấp bởi thời gian và bởi trăm ngàn lý do khác. Tác giả sử dụng mọi khả năng mình có để làm điều đó. Bạn đọc sẽ được chứng kiến một cuộc điều tra thú vị mà đối tượng bị điều tra là... lịch sử. Đó cũng là những trang hấp dẫn nhất của cuốn sách. (Ưu điểm dễ thấy nhất của cuốn sách này là sự hấp dẫn). Tại đó, tác giả muốn tìm sự thật về nguồn cung cấp thông tin của các cuốn sách bậc cha chú nên đã mạn phép yêu cầu các tác giả nên trình ra những tư liệu gốc. Tư liệu gốc theo yêu cầu của Ngọc Thiên Hoa không phải là mới mẻ nhưng rất cần thiết để minh chứng mọi sự việc liên quan tới cuộc đời tác giả, "khai sinh" một tác phẩm mà chúng ta thường hay bỏ qua hoặc ghi chú cho có là. Cách thức mà tác giả sử dụng để minh chứng khẳng định hoặc so sánh đối chiếu bằng văn bản để phủ định, thực sự đáng ghi nhận và đáng để bàn luận theo một chiều hướng chân thiện mỹ. Vì thế, có thể chỗ này, chỗ khác người đọc cảm thấy "tiếc rẻ” khi nhiều điều từng trở thành huyền thoại ngọt ngào nay đã không còn mờ ảo và được và phơi bày trên từng trang sách với các sự thật nhuốm màu cay đắng.

TTKh là ai? Tác giả thẳng thừng bác bỏ những giả thuyết liên quan đến một nhân vật phụ nữ có thật mà khẳng định nó là sản phẩm của một màn kịch đầy bi thương nhưng cũng rất thú vị, trong đó nhiều người thủ vai một người và một người thủ vai nhiều người. Nếu ý kiến của tác giả là đúng thì chúng ta cũng sẽ phải lên sân khấu văn học để nói lời kết, rằng kịch vừa là đời sống vừa không phải, vừa của trí tưởng tượng vừa không phải. Còn hơn cả một thách thức táo bạo nhất mà chỉ những người có bản lĩnh cao cường mới dám đặt ra và dám chơi tới cùng. Ngoài điều đó ra, cuốn sách cũng nỗ lực làm sáng tỏ nhiều chuyện, cung cấp cho độc giả một khối lượng tư liệu và kiến thức lịch sử, kiến thức văn chương đồ sộ, một bảng chỉ dẫn tỉ mỉ, đáng tin cậy nhằm đến những căn bản nhất của các sự kiện. Khi khép sách lại, bạn đọc không khỏi không ngậm ngùi trước lòng thương cảm, sự  ngưỡng mộ của tác giả với một tài hoa thơ gặp nhiều lận đận trên đường đời và tình trường là Thâm Tâm. Ngọc Thiên Hoa đã cố gắng trả lại cho Thâm Tâm một gương mặt thật vốn vẫn mờ ảo trong huyền thoại và những uẩn khúc của thời gian. Đó vừa là mục đích xuất phát từ nhu cầu thẩm mỹ và lương tâm, vừa là đòi hỏi khắt khe của sự thật: Không thể cắt xén nhưng cũng không được tùy tiện thêm vào gia tài của một tác giả văn chương. Cả hai việc làm đó, theo Ngọc Thiên Hoa đều là sự xúc phạm không thiện chung với một tác giả, độc giả và đánh lừa lịch sử. Xuất phát từ mục đích cao cả trên, "Huyền thoại hoa Ti-Gôn" xứng đáng là một công trình khoa học đồ sộ và xứng đáng nhận được sự trân trọng, cũng bằng một tinh thần khoa học.

    Về nguyên tắc tiếp nhận văn bản, chúng tôi đồng ý với tác giả giữ nguyên nội dung các bài, đoạn trích dẫn các tác giả khác trong cuốn sách này. Mọi sự góp ý chân thành của bạn đọc sẽ là nguồn động viên cho chúng tôi, cho tác giả tiếp tục xuất bản các cuốn khác trong thời gian tới mỗi ngày hoàn thiện hơn, xứng đáng là món ăn tinh thần cho bạn đọc trong những tháng ngày buồn vui ấm lạnh của cuộc đời.

Cuối cùng, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc: "Huyền thoại hoa Ti-Gôn"...

Hà Nội tháng 11- 2008

LỜI MỞ:
"Huyền thoại Hoa Ti-Gôn": Huyền thoại về một loài hoa tim vỡ, tượng trưng cho những cuộc tình chia ly một đi không trở lại…

T.T.KH:

Cuốn "T.T.KH nàng là ai?" chỉ chứng Trần Thị Vân Chung là T.T.Kh của Thế Nhật được nhà xuất bản Văn Hóa - Thông Tin tung ra năm 1994 và 2001 chưa xoa dịu hết những bực bội cho người trong cuộc: Thanh Châu và Vân Nương thì cuốn "Giải mã nghi án văn học T.T.Kh" của Trần Đình Thu lại được nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn chắp cánh lên trời năm 2007.

Như ong mật thích đi tìm hương hoa, như tằm ăn dâu nhả tơ cho người lụa, như nắng nhạt nằm trên cây góa bụa, tôi là kẻ... chanh chua trong văn học bốn mùa. Mây trời ấm sợ tan trong cơn gió. Con mọt sách tôi nào biết chữ “no” gì!

Tôi lật lại giai đoạn 1937 - 1938 của T.T.Kh và Thâm Tâm. Thơ T.T.Kh có nhiều mâu thuẫn. Thơ Thâm Tâm đầy những nét ngờ. Tôi lạn qua cuộc đời Thâm Tâm và nhóm bạn "Áo bào gốc liễu" để nhận dạng tiếng thơ. Tôi rà trong đám bạn bè Thâm Tâm để tìm ra thi pháp. Tôi mở sách Nguyễn Thạch Kiên. Ngút ngàn điều cần giải. Tôi lần từng trang hai cuốn sách Thế Nhật. Rừng tắt ánh mặt trời. Tôi tìm vào sách Trần Đình Thu. Âm u sương mù một cõi!

Tôi đọc những lá thư Trần Thị Vân Chung, tìm coi có chút gì là giải mã? Tôi đọc thư Thư Linh. Thư viết loanh quanh. Tôi lần vào chốn thơ Vân Nương, coi có gì ngờ để cho là y… Thị?
So sánh đã làm. Đối chiếu cũng xong. Dò tìm cũng khối. Liên lạc tùm lum. Mail đi tứ xứ...

T.T.Kh có phải là Trần Thị Vân Chung? Là ai nữa, cũng như bao huyền thoại, loài hoa Ti-Gôn là có thật trên đời!

THÂM TÂM – “TỐNG BIỆT HÀNH”:

Một bài thơ nhiều ẩn số văn học. Những ẩn số vô danh giải đến muôn đời!

Tôi tìm về dòng sông đưa tiễn người của Thâm Tâm. Nhận thấy người đi chẳng phải bạn chiến trường. “Ly khách” là ai? Bao người đã tưởng tượng? Người mẹ can trường, chồng vắng, đảm nuôi con. Tôi bàng hoàng trong một thoáng rưng rưng... Sự "dửng dưng" kia là quên đi dĩ vãng. Tôi chìm dưới hoàng hôn lãng đãng… Hoàng hôn Thâm Tâm  “Hoàng hôn trong mắt trong”, cặp mắt vô hồn chẳng thể gởi phường... đực rựa. Thế là tôi đi nữa...

Tôi đi về quá khứ của Thâm Tâm với "chiều hôm trước" để biết nỗi buồn kia phát xuất tự lúc nào? Trời mùa thu có vô vàn cách giải. Có vô vàn kỷ niệm của thi ca. Tôi tìm về với một "sáng hôm nay" để nhận ra người ra đi, đó chính là... "người ấy"...

Tôi lội xuống đầm sen bao la để nhớ… "Trong đầm gì đẹp... ". Nét đẹp của sen vẹn toàn và rực rỡ. Thâm Tâm nỡ nào gán hai chị "già nua"! Trên trang giấy học trò, thầy vẫn dạy vu vơ... Hai người chị đến giờ sen “tàn tạ”!?

Thâm Tâm giấu nỗi lòng trong chiếc lá. Chị với "dòng lệ sót", đã khuyên em… Người mẹ, người em, người chị của trang thơ. Là hư cấu cho người bao dấu hỏi? Tiễn lòng mình với bao nhiếu nhức nhối, với bao nhiêu kỷ niệm cũng đành thôi! Tôi suy nghĩ về “chiếc khăn tay” em gái. Nó đã hóa thành kỷ vật của người yêu? Thâm Tâm nỗi lòng đầy ấp với hai chiều. Người khó hiểu chỉ vì không chịu hiểu.
 
Chiếc lá bay, là  hạt bụi, hơi rượu say”. Những hóa thân khẽ khàng lăn theo bước. Những lắng động của một "chiều hôm trước". Thành bạn đường "ly khách sáng hôm nay"...

Vậy ngày xưa, Thâm Tâm đã yêu ai? Nhiều cách diễn tầm thường thơ ẩn dụ. Những hóa thân đã tan vào sương núi. Nỗi lòng “chiều hôm trước” phải đành quên! Người ra đi là ai? Là ly khách? Ly khách là ai? “Ngươi” của “sáng hôm nay”. Không phải nhà thơ Lương Trúc -  Phạm Quang Hòa. Cũng chẳng phải là tên Viễn nào như Ngọc Giao dệt tưởng…. Chỉ tiễn lòng đi mới hoàng hôn đầy mắt… Tiễn nỗi lòng mình, nhân vật chính… Thâm Tâm!

Thể Hành:
Tôi nhiều chuyện lật sách Đường Thi. So sánh Thể “Hành” có gì khác biệt? Chẳng có gì gọi là bí ẩn. Chỉ là khúc ca cuộc đời bằng chữ Hán mà thôi!
Tôi đi vào "Hành" của 19 nhà thơ. Đề tài “Tống biệt” với 64 nhà thơ khác…
Biển văn học thơ Đường, chao, bát ngát. Cánh diều tôi, gió sắp bạt rơi rồi!
Tự kỷ:
Con ong mật đã làm nên ổ mật. Tham lam cũng coi chừng… ong chích mà đau. Tôi giơ búa nhưng lòng không nỡ… giáng! Vườn văn học rộn ràng xấu, đẹp cũng là hoa. Ngẫm suy:
“Văn kỳ thanh, bất kỳ hình”
Nắng thu hé mở bình minh chút nào?
Chưa coi, ai biết ra sao
Ti-Gôn Huyền Thoại, mời vào… đọc chơi!
Tháng 10/2008
Ngọc Thiên Hoa
(Viết xong  Phần I, tháng 5/2005. Thêm tư liệu 2007. Hoàn chỉnh phần II tháng 10/ 2008).