Home Văn Học Khảo Luận Việt ngữ với tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại

Việt ngữ với tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyên Huy   
Thứ Bảy, 27 Tháng 12 Năm 2008 09:48

Mười năm trước đây, nhiều người Việt di tản, định cư ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác lo rằng chỉ trong vòng 5 hay 6 năm nữa thì tiếng Việt sẽ không còn nữa vì thế hệ trẻ lớn lên trong xã hội chúng sống sẽ không có dịp dùng đến tiếng Việt. Thực tế đã chứng minh ngược lại, tiếng Việt không những không mất đi mà còn phát triển hơn.

Hàng trăm trung tâm Việt ngữ tại các chùa, nhà thờ do Gia Ðình Phật Tử và cộng đoàn công giáo chủ trương bên cạnh những trung tâm do các thầy cô cựu giáo chức tổ chức. Một Viện Việt Học, một thư viện với hàng chục ngàn sách Việt, một thư viện trên Net có hàng chục ngàn độc giả xuất hiện hoạt động hữu hiệu. Hàng trăm tờ báo Việt ngữ tại các địa phương Hoa Kỳ. Ba đài truyền hình Việt ngữ lớn và hàng chục đài “lô cồ” (local) mỗi ngày mỗi lớn mạnh.

Ðó là một thực tế mà cộng đồng người Việt hải ngoại rất lấy làm kiêu hãnh và vui mừng rằng “con em, các thế hệ người Việt tiếp nối sẽ không bao giờ mất gốc.”

Thành quả trên phải nhắc đến những hoạt động âm thầm bền bỉ của nhiều người, đặc biệt là giới thầy cô trong đó có những người trong Viện Việt Học.

Vào trưa hôm Thứ Bảy 20 tháng 12 vừa qua, trong khi nhiều nơi có tổ chức đón mừng Giáng Sinh cho các em thì tại Viện Việt Học, lớp Việt Ngữ Thí Ðiểm khóa học Mùa Thu 2008 cho các em đã cử hành lễ Bế Giảng với hàng trăm phụ huynh và các em đến tham dự.

Cô Thúy Minh Hồng người điều hành lớp Việt Ngữ Thí Ðiểm trong dịp này cho biết, “Việt ngữ là một thao thức của cộng đồng chúng ta. Nó sẽ bảo tồn và cho tuổi trẻ biết mà về với nguồn cội của mình. Lớp Việt ngữ thí điểm được tổ chức ra với một số nội dung và phương pháp dựa trên các nghiên cứu như tập nói và học tiếng Việt để làm quen với văn hóa tự nhiên mà viện đã gửi đến cho chúng tôi.”

“Tám tháng qua với 24 khóa chúng tôi đã chia các em theo học, phần lớn là con em của thân hữu của viện trong lúc khởi đầu, ra làm hai trình độ, trình độ sơ cấp và trình độ Trần Quốc Toản. Theo những phương pháp được viện gửi đến cho thực hiện, chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Các em thuộc lớp vỡ lòng đã biết rành cách ráp vần một cách trôi chẩy. Bên cạnh đó là múa hát những bài hát có nội dung cho các em thấm nhuần tinh hoa lễ nghĩa của dân tộc...”

“Với trình độ Trần Quốc Toản là trình độ cao hơn thì các em được hướng dẫn đặt câu, ráp vần hướng về gia đình, đất nước, dân tộc mục đích để cho các em không thấy có khoảng cách văn hóa của Hoa Kỳ và văn hóa Việt Nam trong cuộc sống của người Việt hải ngoại. Nghĩa là chúng tôi đã mong mỏi hướng dẫn được các em làm sao sống ở Hoa Kỳ, là người Hoa Kỳ mà tâm hồn vẫn là Việt Nam.”

Ðể thực hiện được như trên, cô Thúy Minh Hồng cũng cho biết đã được nhiều anh chị em trong Viện Việt Học, các thầy cô và nhất là phụ huynh con em cùng hợp tác để cho được thành quả này.

Buổi lễ bế giảng cũng được các em trong ban võ thuật Sa Long Cương Bình Ðịnh đến giúp vui qua các màn võ đẹp mắt. Ðồng thời nhiều em cũng lên trình diễn các màn trình tấu Piano, dance và Guitar rất điệu nghệ. Ðặc biệt, các em thuộc lớp Việt ngữ thí điểm đã cùng cô giáo của mình đồng ca hai bài học là “A chào Ba! A! chào Má!” và bài “Hò Dô Ta!” rất vui nhộn và dễ thương.

Cô Kim Ngân, một thành viên trong viện và trong tổ chức Giải Khuyến Học cho chúng tôi hay rằng lớp Việt Ngữ Thí Ðiểm là sự thử nghiệm của viện sau những nghiên cứu tìm tòi cách giảng dậy và học hỏi Việt ngữ cho các em và cho người ngoài muốn học. Ðây là một trong những chương trình mà Viện Việt Học đang nỗ lực phát triển rộng để tuổi trẻ Việt Nam có thêm cơ hội tìm về với nguồn cội, với cha ông, với dân tộc và đất nước cho dù đã là người Mỹ, người Pháp, người Canada, người Úc v.v...

Các bạn trẻ muốn tìm hiểu thêm về Viện Việt Học xin vào Website:www,viethoc.org hay email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it để biết thêm chi tiết. (N.H.)