Đôi dòng về cuốn sách mới: Ở tù Cộng sản - Đố ai không cười |
Tác Giả: Trần Khải Thanh Thủy |
Thứ Sáu, 17 Tháng 7 Năm 2009 22:33 |
Tôi chào đời vào những ngày cuối cùng của những năm 1960, năm Tố Hữu vung bút ngợi ca "chào 61 đỉnh cao muôn trượng. Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng, trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau, trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu". Song khi tôi đủ tuổi lớn khôn, tự cảm nhận qua những điều mẹ kể và những điều mắt thấy tai nghe ở xung quanh, mới thấy thật nực cười, nghịch nhĩ. Đỉnh cao muôn trượng gì mà đói ăn, đói mặc đến vàng mắt. Khi mang thai tôi mẹ 24 tuổi, đi làm cho nhà nước cộng sản từ 6 giờ 30 phút sáng, đến 11 giờ 30 phút trưa mới được ăn ba bát cơm độn ngô, hoặc mì, leo 4 tầng cầu thang đến mức tôi không phải là con so mà mới 8 tháng kém 10 ngày đã suýt đẻ rơi tôi ở chân cầu thang, nặng 2,5 ký, bé tị bé tẹo, đỏ hỏn như chuột. Tuổi thơ tôi tràn đầy nước mắt đắng cay, nhưng lúc nào cũng phải học phải nhồi, phải hô khẩu hiệu về công lao thành tích của đảng bác, hết “vĩ đại”, “quang vinh” lại “muốn nằm”, toàn những đao to, búa lớn, những nhân danh đáng ngờ mà sự thực chỉ là một sự bôi bác, trái ngược hoàn toàn. Có lẽ vì phải chịu quá nhiều thua thiệt, mà ngay từ khi còn bé, trong tôi đã xuất hiện tính hài hước bẩm sinh; càng lớn, đặc tính này càng phát triển như một sự biệt hoá, một điểm nổi trội của tôi giữa đám đông - cái đám đông phi cá tính đông như rừng, lúc nào cũng tẻ nhạt, trống rỗng nhưng lại ra vẻ nghiêm trang đến mức nực cười. Năm 1982, khi đó xã hội Việt Nam tuy nghèo nàn, lạc hậu nhưng chưa đến mức xảo trá, khốn nạn như bây giờ. Sự thực dẫu chưa được hoàn toàn xác lập ở đời, nhưng giữa thật và giả, giữa xấu và tốt, giữa đen và trắng vẫn còn khoảng cách 50/50, như câu thơ của nhà văn Khuất Quang Thụy viết: Trong món nộm cuộc đời ít ỏi sao sự thực, Nhưng dù có một nửa thì sự thực vẫn còn tồn tại, không đến nỗi xã hội hoá về mặt nói dối như hiện tại, vì thế các giải thưởng văn học hầu hết còn mang tính xác thực, nếu không chỉ là may hơn khôn, chứ không đơn thuần là ...khôn hơn may như hiện tại. (Người ta bỏ ra cả tỉ bạc để mua một giải thưởng văn học thường kỳ hàng năm cho một tập thơ mỏng tèo 3-40 trang với trị giá giải thưởng là 4-6 triệu). Chính trong bối cảnh may hơn khôn đó, tôi liên tiếp nhận được 6 giải thưởng, trong đó có hai giải về chuyện vui, nụ cười của báo Văn Nghệ trung ương và Tiền Phong 1982, 1983 Từ đó tôi luôn được các báo Quân Đội Nhân Dân, Lao Động Xã Hội, Thiếu Niên Tiền Phong, Tạp chí Thanh Niên mời làm cộng tác viên trong các mục vui cười. Năm 1986 tôi tiếp tục phát huy thế mạnh của mình viết những chuyện bổ thẳng vào cơ chế quan liêu bao cấp như "Chết ngoài kế hoạch”, “Đổi mới cơ chế tình yêu", "Xã tôi nhận cờ", "Cha và con", "Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?”, "Không mày đố thầy làm nên", "Những nghịch lý cuộc đời", “Vòng nguyệt quế", " Tâm sự của một chiếc ghế", "Ảnh hưởng nghề nghiệp" v.v Tất nhiên viết chỉ để mà viết, để mài sắc ngòi bút, để chọc cười cho vui, chứ không nhà xuất bản nào dám in, cũng không báo nào dám sử dụng, nhưng cái cười như một người bạn đồng hành theo tôi đi khắp cuộc đời, đặc biệt sau khi ra khỏi báo Văn hoá Văn nghệ Công An vì "vi phạm kỷ luật lao động", (cậy có chữ, nên khi vào báo không mất một cân chè, lạng thuốc nào, tết không vác xác đến nộp ai, bố mẹ thủ trưởng ốm chỉ hỏi thăm chứ không đến đưa phong bì, lãnh đạo bảo viết đơn xin vào đảng, cả mấy tháng trời chỉ vâng vâng dạ dạ chứ nhất định không viết)...Thay vì biến bi kịch thành thiên tài như tất cả những thiên tài gặp nạn trên thế giới tôi quyết định phải biến bi kịch thành hài kịch. Đó cũng chính là lý do tôi cho ra đời một lô các tập truyện cười trong nước từ Chuyện vui trong cuộc đời, Vợ chồng như thớt với dao, Song hỉ lâm môn v.v. Một trong ba tác phẩm này đã bị nhà cầm quyền cộng sản tịch thu vì cười không đúng lúc, đúng chỗ... Trong khi cả nước coi Mác Lê Nin là một thần tượng của quốc tế vô sản thì tôi lại lôi thơ của các bậc tiền bối cộng sản từ năm 1960 trên báo đảng ra để cười cợt, châm chọc chỉ trích: Đảng là gì hở em ơi Và: Bây giờ mẹ biết Xô Liên Từ khi ra tranh đấu, trong điều kiện gia đình: Con nhỏ, mẹ già, lại chưa thoát ra khỏi nỗi sợ hãi bản năng, tôi đã lấy bút danh Thoáng Hài, Thái Hoàng cho mình, vừa là thể hiện cái tính hài hước bẩm sinh, luôn thích rắc nấm cười vào trong câu chữ, để chọc cười độc giả cho vui, vừa là con cháu của Nguyễn Thái Học- đảng trưởng Quốc Dân Đảng Việt Nam, mà tôi vốn rất lấy làm ngưỡng mộ. Rồi bút danh bị lộ vì sự lạm cười quá đà trong từng câu chữ mà an ninh cộng sản phát hiện ra, theo đơn tố giác của dân oan Phạm Thị Lộc (Bắc Giang). Kẻ Giuđa bán tôi cho đảng để lấy một miêng đất 80 mét vuông mặt đường Ngã 5 kế giá 600 triệu đồng. Vì thế tôi buộc phải rời bỏ bút danh Thái Hoàng của mình ra công khai, lấy tên thật và chưa đầy 6 tháng sau thì phải vào tù. Trong cảnh: "một ngày tù nghìn thu ở ngoài", không được sử dụng giấy bút, trò chuyện cũng bị hạn chế, tất cả chỉ là bốn bức tường lổn nhổn nhọn hoắt cách âm, cả dài và rộng không đầy 4m, tôi quyết định phải tự cứu rỗi tâm hồn mình trước khi được mọi người giải cứu, bằng cách nghĩ lại các chuyện cười, các tình huống vẫn hay gặp ở ngoài đời, theo đúng những gì ông bà đã nói: "Cười mười thang thuốc bổ"... Thay vì thở ngắn than dài, đau thương ngậm ngùi, oán đời, oán mình, oán xã hội, oán những người bạn tù xung quanh, tôi lục lọi lại trong trí nhớ, tìm đến kho tàng dân gian của ông bà tổ tiên, đồng thời là cả kho chuyện phiếm của mình để dùng lại. Giữa hai sự lựa chọn sống, chết, khóc cười, tôi đành chọn tiếng cười, để còn có hy vọng sống mà trở về cùng gia đình, cộng đồng xã hội, đặc biệt là những người bà con anh em bên kia bờ biển đông, những người chưa một lần gặp mặt, xem ảnh, song đối với tôi còn hơn cả ruột thịt, bạn hữu. "Quá khứ là kho đồ cũ nát mà hiện tại hỏng hóc thì đem ra dùng lại"... Không cần nói, độc giả cũng hiểu là hiện tại của tôi trong tù hỏng hóc ra sao, vì thế, không những đem kho đồ cũ nát ra dùng lại, tôi còn tích cực sửa chữa, nâng cấp, chế biến, thành bộ sưu tập bổ ích và lý thú, thành thuốc bổ chưã trị và di dưỡng tâm hồn bầm dập rách nát của mình Từ đó nụ cười trở thành một loại dược phẩm tuyệt hảo, cũng là thuốc bổ của tâm hồn tôi và những người bạn tù bên cạnh, không những mang lại niềm vui mà còn nâng cấp chất lượng sức khoẻ, qua việc kích thích các hệ thống sinh học trong cơ thể, từ nhịp đập của tim, sự vận chuyển của máu, sự thay đổi của nét mặt, sự vận động của các tế bào nhằm tránh những căn bệnh hiểm nghèo mà bất cứ ai trong tù cũng mắc phải, đó là: trầm uất, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược thần kinh... Sách chia làm hai phần. Phần đầu gồm 25 chương kể lại một phần cuộc sống của tôi suốt 9 tháng 10 ngày ở tù, nơi tôi ấp ủ đau thương để sinh nở cái oai hùng thông qua tiếng cười thoả nguyền, ngạo nghễ, như các bậc anh hùng đa nạn thường làm. Phần hai là văn hoá đảng, văn hoá phân tươi, nghị quyết CP* mà đảng dành cho một kẻ ương ngạnh, cứng đầu như tôi khi đã ra khỏi nhà tù nhỏ, nhưng vẫn liên tục dùng tiếng cười như một thanh gươm của trí tuệ mình để bổ vào chế độ độc tài nổi tiếng nói hay, làm bậy này. Tất cả từ 15 thành viên của bộ chính trị, đến các quan đầu ngành, đầu thành, đầu tỉnh đều mang trong mình sức mạnh cư nhứt bất diệt của đảng- mà tôi vốn không hổ thẹn với biệt danh Thoáng Hài của mình đã muợn lời của bà con miền Nam để khắc hoạ bọn chúng: Việt Nam hạng nhứt ai ơi [*] Nghị quyết CP: viết tắt của “nghị quyết chính phủ”, hiểu nôm na dân dã có phần mách qué của người dân trong thời đại đồ đểu Hồ Chí Minh là “nghị quyết c... phân” |