Home Văn Học Điểm Sách Đọc ‘nhìn Xuống Cuộc Đời’ Của Nhà Văn Huy Phương

Đọc ‘nhìn Xuống Cuộc Đời’ Của Nhà Văn Huy Phương PDF Print E-mail
Tác Giả: Triều Giang   
Thứ Sáu, 22 Tháng 5 Năm 2009 21:40

Đọc ‘Nhìn Xuống Cuộc Đời’ Của Nhà Văn Huy Phương: Nhân Chứng Tiêu Biểu và Chân Thành Nhất.

 

Bìa sách “Nhìn Xuống Cuộc Đời”.

Người viết tạp ghi mà tiếng người bản xứ còn gọi là “columnist” tức là người viết liên tục trên một cột báo của một tờ báo hay tập san định kỳ về những vấn đề thời sự của thế giới, văn hoá cuả nhân sinh, và tâm tình của con người. Nói nôm na là viết về đủ mọi thứ, mọi vấn đề. Người viết tạp ghi thành công cần phải có một kiến thức thời sự sâu rộng, một khả năng thu nhận nhậm lẹ, một cái nhìn sắc bén, và một kinh nghiệm sống thật dầy.

Khác với các nhà bình luận và xã luận muốn thu phục khối óc của người đọc, vì thế họ phải dùng luận lý, nhưng tham vọng của người viết tạp ghi lại là chinh phục trái tim của người đọc bằng văn chương, và bằng nhân sinh quan. Khi nói đến trái tim thì chúng ta đều được nghe nhiều định nghiã khác nhau như “con tim luôn có lý lẽ của riêng nó”, “trái tim mù loà”,v.v và v.v…tựu trung muốn nói trái tim thì không có “logic”, không có luận lý. Viết tạp ghi vì thế, có thể nói rằng; tưởng dễ, nhưng thật khó.

Bút pháp của người viết tạp ghi ngoài việc phải gãy gọn, cô đọng, và mang một sắc thái riêng biệt, còn cần phải có một kỹ thuật bố cục tinh xảo, vững vàng. Một bài tạp ghi thường chỉ được dài không quá 1,500 chữ. Với lượng chữ này phải chuyển tải cho được những gì người viết muốn gửi đến cho người đọc. Có thể là một thông điệp, một vấn đề muốn đưa ra cho mọi người suy nghĩ, một cái hay cái đẹp của thiên nhiên hay con ngưòi để chiêm ngưỡng, một thói xấu, tật hư để nhìn vào và rút tiả ra những bài học , v.v và v.v…Nói rõ ra là mọi chuyện hỉ, nộ, ái, ố, yêu thương, giận ghét, ghen tương, thù hằn phải giải quyết trong vòng 1,500 chữ. Nếu không thì sẽ không còn là tạp ghi nữa.

Nhà văn Huy Phương đã có được tất cả những yếu tố vừa kể trên. Hơn thế nữa, ông đã từng làm thơ, viết văn thành công trước khi ông viết tạp ghi. Trước năm 1975 ông đã có 2 tác phẩm được xuất bản: “Mắt Đêm Dài” (thơ 1960), “Mây Trắng Đồn Xa” (truyện 1966). Vì thế, đã không nhiều ngạc nhiên sau khi 4 tuyển tập tạp ghi cuả ông xuất bản, ông đã được nhiều người bầu cho là nhà văn viết tạp ghi thành công nhất và có nhiều độc giả nhất hiện nay. Đó là “Nước Mỹ Lạnh Lùng”, “Ấm Lạnh Quê Người”, “Đi Lấy Chồng Xa”, và mới đây nhất; “Nhìn Xuống Cuộc Đời”. Ba tác phẩm đầu đã được tái bản 3 lần, riêng “Nước Mỹ Lạnh Lùng” được tái bản 4 lần. Đây là một kỷ lục.

Bằng một lối văn bình dị, trong sáng, với cách đặt vấn đề một cách nghiêm chỉnh, nhân hậu, và cảm thông , nhà văn Huy Phương qua  tuyển tập tạp ghi  “Nhìn Xuống Cuộc Đời” đã nhìn xuống, có thể nói, mọi khía cạnh của cuộc đời. Từ những đổ nát thương đau của quê hương trong một thời lịch sử nhiễu nhương, của một xã hội Việt Nam ly tán, băng hoại đến tột cùng, của thân phận và tâm tình của những con người Việt Nam lưu lạc, hoặc đang lưu vong trên chính quê hương của mình.

Có thể nói rằng, mỗi người Việt Nam ở tuổi 40 trở lên nhiều ít, đều là một nhân chứng của thời đại. Riêng nhà văn Huy Phương thì ông là một trong những nhân chứng tiêu biểu nhất. Sinh trưởng trong một gia đình còn ảnh hưởng thời phong kiến với tục đa thê; ông là con của người hầu của cha ông nên trong gia đình, ông và mẹ ông đã sống trong nước mắt và thua thiệt. Lớn lên trong thời chiến, ông nhập ngũ để chiến đấu và hiểu được nỗi nhọc nhằn của đời quân ngũ. Chiến tranh chấm dứt, ông cũng phải tù đày để sống cảnh khốn cùng của người tù khổ sai. Con gái ông bị mất tích trong một chuyến vượt biên để gia đình ông phải đau cái đau của thuyền nhân. Ông và gia đình ông sau đó được đi định cư tại Hoa Kỳ khi tuổi ông đã không còn trẻ để bắt đầu lại cuộc đời cho tươm tất hơn nên ông đã viết: “ tôi đến Mỹ với nỗi mặc cảm đầy mình” trang 162 trong bài “Nhìn Xuống Cuộc Đời”.

Tất cả những chi tiết về cuộc đời của ông đã do chính ông kể ra trong những bài viết rải rác trong 4 tuyển tập tạp ghi đã được xuất bản. Ông không dấu diếm, không tô son điểm phấn. Sự chân thành của ông đã khiến độc giả cảm thấy gần gũi và yêu mến ông vì họ cảm thấy tìm được một phần đời của chính họ qua những tự truyện của ông.

Nhà văn Huy Phương không chỉ chiếm trái tim của bạn đọc bằng sự chân thành. Ông còn được ngưỡng mộ, quý trọng vì thái độ nghiêm chỉnh với một nhân sinh quan rộng mở và vượt lên trên mọi huống cảnh của cuộc đời. Thuở thiếu niên, ông chịu khổ đau, thua thiệt, nhưng ông không chua cay và hận thù. Ông đã vưọt thắng tất cả để trở thành người có học vấn, có chỗ đứng tốt trong xã hội. Khi nhập ngũ, dù khi chiến đấu ngoài mặt trận hay chiến đấu bằng ngòi bút, ông cũng đã hoàn thành nhiệm vụ thật tốt. Khi là người tù khổ sai, trong cảnh tuyệt vọng và khốn cùng của ngục tù, ông đã không khuất phục. Khi đau nỗi đau của thuyền nhân, ông đã không gục ngã giống như tinh thần “nghiêng ngả nhưng không đắm chìm” của thuyền nhân Việt Nam. Và khi ông đến Mỹ với “nỗi mặc cảm đầy mình”, ông đã không cay cú và hiềm tị mà trái lại ông đã mở rộng tấm lòng để cảm thông và nhìn thấy rằng trong hạnh phúc nào cũng có những bóng dáng của khổ đau. Trong may mắn nào cũng có hình ảnh của bất hạnh. Điều đáng quý ở mỗi con người là chọn cho mình một chỗ đứng cho đúng đắn

Chỗ đứng của ông là chỗ đứng của những người thua thiệt, của những nạn nhân, của những người khốn khó. Từ chỗ đứng đó ông không nhìn lên, mà ông đã nhìn xuống cuộc đời với lòng nhân ái, sự cảm thông nhưng đôi lúc cũng có những cái nhìn nghiêm khắc, thẳng thắn và gay gắt đối với những manh tâm, những khuất lấp, những tội ác của kẻ cầm quyền, những vô tình, bạc nghĩa, những thói rởm của thế nhân.

“Cái thói đời, có những người chỉ chuyên bắt nạt đồng hương chứ không dám ngang ngửa với người ngoại quốc ở đây.” trang 178, giòng 11, bài “Câu chuyên đồng hương”

Hoặc dí dỏm nhẹ nhàng trưóc những dị hợm của ngôn ngữ xã hội chủ nghiã:

“Báo Thanh Niên trong nước(ngày 25-12-2008) có một bài báo nhan đề “Công bố gói kích cầu du lịch”. Tôi đố bạn biết là cái gì? : trang 231, giòng số 8, bài “Rối bời Chữ Nghiã”.

Hoặc u uất khi nói về tâm sự của người lính:

“…chúng tôi, những người lính đã bị tước đoạt khí giới…”. Trang 32, giòng cuối. Hay:

“Một người lính dù đã giã từ vũ khí, cũng còn tình đồng đội, lòng tự trọng và niềm hãnh diện về quá khứ của mình”. Trang 54, giòng 1.

Với 59 bài viết, lấy bài thứ 28 trang 161; “Nhìn Xuống Cuộc Đời”  làm tựa đề cho cuốn sách, để nhắc nhở với người đọc một triết lý ngàn năm của cha ông chúng ta để lại. Đó là “nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thi chẳng ai bằng mình” để ủi an những người trong hoàn cảnh khó khăn. Đối với những người may mắn, ông kêu gọi hãy nhìn xuống để cảm thông và yêu thương những người kém may mắn hơn mình. Tuy nhiên, ông cũng nhắc nhở mọi người, đặc biệt là các nhà lãnh đạo rằng: muốn tiến bộ phải nhìn lên để vươn tới. Và muốn sống cho ra con người, phải ngẩng cao đầu không phải để phách lối mà để cầu tiến và để sống cho đúng với nhân cách con người.

“ Cái nhìn xuống chịu đựng này khác hẳn với cái nhìn xuống thương yêu, vị tha và lòng bác ái của những con người biết thương yên những người thua kém, khốn khổ, bất hạnh hơn mình. Như thế, trong thương yêu, phải biết nhìn xuống cuộc đời, nhưng muốn sống ra con người, lại phải ngẩng đầu lên.”. Trang165, giòng 6.

Cái nhìn xuống của nhà văn Huy Phương vì thế, khác hẳn với cái nhìn xuống của nhân vật Ả Quy cuả nhà văn Trung Hoa Lỗ Tấn. Ả Quy luôn tự nhìn xuống, nhưng không nhìn thẳng vào vấn đề để đối diện nó mà nhìn xuống để tự né tránh và để an ủi và bào chữa cho sự khiếp nhược của mình mỗi khi bị ức hiếp. Những Ả Quy thời nay cũng không thiếu.

Nhà văn Huy Phương còn có một lòng yêu mến quê hương, đất nước một cách đặc biệt. Trong “Nhìn Xuống Cuộc đời”, ông đã dành 2 bài để khóc Huế là “Huế ơi” (trang 94) và “Một Nén Hương Cho Huế” (trang 48) và trong cả 4 tuyển tập có ít nhất là trên 10 bài về Huế, chưa kể đến hình ảnh Huế bàng bạc ở nhiều bài viết khác. Dưới mắt ông Huế đẹp, Huế cổ kính nhưng Huế cũng phải chịu quá nhiều oan khiên. Ông thương nhớ và sót xa cho Huế nhưng có lẽ ông sẽ không bao giờ trở lại vì “ Huế không còn người cũ, chỉ còn cảnh xưa xót xa, hoang tàn và vô hồn. Huế ơi!”. Trang 98” giòng cuối, bài “Huế ơi”

Có thể nói nhân chứng lịch sử Huy Phương là một trong những nhân chứng trải qua nhiều thăng trầm nhất và ông lại là một trong những người coi trọng ân nghiã và ân tình nhất. Ông ghi khắc vào lòng những ơn nghiã dù nhỏ nhoi như việc ông đã nhận tán đường từ người bạn trong tù, ông còn nhớ và trân trọng nhắc tới đến hôm nay. Trong 59 bài, ông đã có tới 10 bài nói về sự tri ân, lòng mang ơn, những ghi nhận về những người đã làm ơn cho ông. Chính tâm tình này đã được độc gỉa trân quý. Vì phải chăng nó là điều quý hiếm ở một xã hội băng hoại tại quê hương, và vội vã tại xứ người?

Nếu đọc 4 tuyển tập theo thứ tự  “Nước Mỹ Lạnh Lùng”, “ Ấm Lạnh Quê Người”, “Đi Lấy Chồng Xa” và “Nhìn Xuống Cuộc Đời”, người đọc còn như nhận ra được tiến trình hội nhập của chính mình vào xã hội này. Những ngày đầu mới đến, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, bạn bè nung nấu khiến cảnh vật chung quanh đối với chúng ta, có đó như không. Có đó mà sao lạnh lùng. Dần dà, chúng ta cũng thấy được xứ người cũng có cái tốt, cái xấu, và rồi khi quen đi, chúng ta cảm nhận ra rằng, đất tạm dung cũng có cái hay, cái đẹp và từ đó, chúng ta bắt đầu chập nhận và thấy rằng quê hương thứ hai cũng đáng quý, đáng yêu. Cũng trong tinh thần này, nhà văn Huy Phương hôm nay “Nhìn Xuống Cuộc Đời” đã hoàn toàn rộng mở và cảm thông. Từ đó, “Nước Mỹ Đáng Thương”, “Nước Mỹ đáng Yêu” chứ không còn là “Nước Mỹ Lạnh Lùng” cuả những năm ông mới đến Hoa Kỳ nữa.

Trước những nghiệt ngã của lịch sử, đem đến bao nhiêu hoang tàn, đổ nát cho quê hương, điêu linh cho dân tộc, nhiều người trong chúng ta đã tỏ ý mong mỏi văn chương Việt Nam sẽ có một đại tác phẩm cỡ “Quần đảo ngục tù” (The Gulag Archipelago) cuả nhà văn Nga Solzhenitsyn, hay Dr. Zhivago cuả Boris Pasternak để nói lên những nỗi thống khổ cuả đất nước, dân tộc. Trong lúc chờ đợi tác phẩm vĩ đại này, chưa biết có đến hay không, người yêu sách có thể đọc bốn tuyển tập tạp ghi của Huy Phương để thấy được bức tranh vân cẩu của đất nước Việt Nam và con người Việt Nam; đang bị dày đọa nơi quê hương hay đang lưu lạc khắp năm châu, bốn biển; mà nhà văn Huy Phương đã trân trọng gửi đến mỗi người chúng ta.

Thay mặt cho con cháu của chúng tôi và cho thế hệ mai sau, xin cám ơn nhà văn Huy Phương, một nhân chứng trung thực của thời đại; ông đã sống và viết với tấm lòng chân thành và trái tim rộng mở, và chính vì lý do này, ông là nhà văn viết tạp ghi chiếm được nhiều trái tim của độc giả nhất hiện nay.

Cũng xin chân thành cám ơn bà Huy Phương, người đã hỗ trợ, hy sinh để góp phần vào sự nghiệp của nhà văn Huy Phương hôm nay và những tác phẩm trong tương lai.

Độc giả muốn mua sách, xin liên lac với nhà văn Huy Phương qua điện thoại số (949) 241-0488. Hoặc điện thư về: huyphuong37@ sbcglobal. net. Hoặc gửi ngân phiếu về địa chỉ: P.O. Box 14982. Irvine, CA. 92623. Giá bán $20.

Triều Giang
(Tháng 5/2009)