Home Tin Tức Thời Sự Nỗi Đau Và Nỗi Nhục: Tình Trạng Buôn Bán Người Việt

Nỗi Đau Và Nỗi Nhục: Tình Trạng Buôn Bán Người Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Ts Nguyễn Đình Thắng   
Thứ Năm, 12 Tháng 3 Năm 2009 01:00

Đối với một dân tộc thì không có gì nhục và đau hơn là dân bị buôn và nước bị bán. Đó là hoàn cảnh của chúng ta ngày hôm nay. Một phần của đất nước bị dâng hiến cho ngoại bang thì nhiều người đã nói đến. Còn dân bị buôn thì chưa mấy ai biết hoặc quan tâm.
 
Mỗi năm hàng trăm, hàng ngàn đồng bào bị buôn, qua rất nhiều hình thức. Nào là những cô dâu bị đưa sang Đài Loan, Nam Hàn, Singapore. Và rồi hàng trăm phụ nữ và trẻ em bị đưa vào các hang ổ mãi dâm ở Cambốt, Thái Lan. Nhưng kinh khủng nhất thì phải nói đến các lao nô: một số lớn trong tổng số 600 ngàn công nhân Việt đang lao động ở ngoài nước nằm trong tình trạng nô lệ. Và hiểm hoạ tăng lên khi Việt Nam bắt đầu xuất cảng người Việt đi ở đợ cho chủ ở Mã Lai và các quốc gia Trung Đông.

Một số nạn nhân buôn người (ảnh CAMSA)

Khi đang viết những dòng này tôi nhận được điện thoại của một thanh niên Việt từ Phoenix, Arizona. Hốt hoảng và bủn rủn, anh cầu cứu hộ cho một người thân. Người này, một thiếu nữ từ Hậu Giang, cho biết là môi giới Việt Nam hứa hẹn đưa sang Mã Lai để làm trong nhà hàng với mức lương khá cao. Đến phi trường Kuala Lumpur thì cô bị tịch thu sổ thông hành và chở xe ô tô ra vùng ngoại ô nào đó. Cô bị giam cách li và tối tối được chở ra nhà điếm để đi khách. Tại đây cô gặp một số thiếu nữ Việt khác cùng hoàn cảnh, có người đã ba năm nay. Không ai biết mình đang ở đâu, thành phố nào. Gia đình ở Việt Nam xem như họ bị mất tích.
 
Trước những cảnh đau lòng ấy, chúng ta không thể không bùi ngùi cho thân phận của đồng bào. Điều may mắn là, nếu tập trung tâm trí và cùng dốc sức, chúng ta có cơ hội bài trừ tệ nạn buôn người này tận gốc rễ.
 
Chúng ta không đơn độc. Năm 2000 Liên Hiệp Quốc khởi xướng nỗ lực toàn cầu để chống buôn người. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng. Ngày càng nhiều những quốc gia tham gia. Chúng ta có thể nương vào lực lượng quốc tế ngày càng lớn mạnh này để đối phó với tệ trạng buôn người đang hoành hành ở Việt Nam.
 
Để thực hiện điều này, tháng 2 năm 2008 bốn tổ chức từ ba quốc gia Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Đức cùng nhau thành lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, tức CAMSA). Chỉ trong vòng hai tháng, Liên Minh CAMSA đã giải cứu và can thiệp thành công cho hàng ngàn đồng bào ở Jordan và Mã Lai. Đầu năm nay Liên Minh CAMSA đã đóng góp tích cực cho đạo luật chống buôn người vừa được chính phủ Đài Loan ban hành.
 
Liên Minh CAMSA thực hiện kế hoạch toàn diện về cả chiều sâu lẫn bề rộng. Về chiều sâu, kế hoạch áp dụng nguyên tắc “truy nguyên”, nghĩa là khởi sự bằng cuộc giải cứu nạn nhân, rồi truy ngược về gốc ngõ hầu nhận diện các nhân tố buôn người: chủ sử dụng lao động, công ty môi giới ở quốc gia tiếp nhận, công ty môi giới ở Việt Nam và có khi cả những giới chức chính quyền can dự vào việc buôn người. Về bề rộng, kế hoạch này vận dụng tất cả những biện pháp đa dạng nhằm tạo áp lực tối đa lên từng nhân tố: vận động dư luận, truy tố dân sự và hình sự, đánh quyền lợi kinh tế, tạo ảnh hưởng ngoại giao và chính trị từ các chính phủ… Tôi tin tưởng rằng với kế hoạch này thì chỉ trong 5 năm chúng ta có thể làm giảm hẳn đi tình trạng buôn người ở Việt Nam.
 
Bước tiên khởi để thực hiện kế hoạch là thiết lập văn phòng thường trực, mà chúng tôi mệnh danh là “toà đại sứ tình thương”, ở những quốc gia có đông người Việt bị buôn. Qua đó chúng ta giải cứu nạn nhân và khởi đầu việc truy nguyên. Văn phòng này cũng sẽ là điểm tựa để huy động áp lực tổng hợp ở địa phương và phối hợp với những áp lực quốc tế. Hiện nay Liên Minh CAMSA đã lập toà đại sứ tình thương ở Mã Lai và dự định sẽ lập thêm toà đại sứ tình thương ở hai quốc gia nữa.
 
Để thực hiện kế hoạch toàn diện, chúng tôi rất cần sự tiếp tay của đồng bào ở khắp nơi. Mỗi toà đại sứ tình thương cần khoảng 50 ngàn Mỹ kim một năm để duy trì và điều hành. Đây không phải là một ngân khoản quá lớn cho tập thể lên đến hàng triệu người Việt ở hải ngoại.
 
Trở lại trường hợp đáng thương tâm kể trên, toà đại sứ tình thương ở Mã Lai đang tìm cách giải cứu cho các thiếu nữ Việt đang là nạn nhân. Riêng về anh thanh niên ở Phoenix, khi được biết tôi sẽ đến thành phố của anh trong ngày gần đây để dấy lên phong trào chống buôn người, anh cho biết sẽ hết lòng tiếp tay trong công tác này.
 
Buôn người ở thế kỷ 21 là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, nhưng nó rầt cận kề. Đồng bào đang là nạn nhân và có thể chính thân nhân của chúng ta cũng sẽ không thoát khỏi nanh vuốt của kẻ đi buôn người.
 
Chúng ta hãy cùng nhau xoa dịu nỗi đau và rửa đi nỗi nhục chung này.

Mọi thông tin hay đóng góp, xin gởi về:
 
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041-8065