Home Tin Tức Thời Sự “Thước Núi, Tấc Sông”, bài viết gây nhiều chú ý trên báo Lao Động

“Thước Núi, Tấc Sông”, bài viết gây nhiều chú ý trên báo Lao Động PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang, RFA   
Thứ Tư, 11 Tháng 3 Năm 2009 03:31

Một bài viết trên tờ Lao Động, báo tin đã có sự thống nhất giữa ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc VN và Quân chủng Hải quân về các biện pháp tuyên truyền về biển, đảo tới các tầng lớp nhân dân.
 
RFA photo: Hình chụp bài 'Thước Núi, Tấc Sông', đăng trên trang nhất báo Lao Động ngày 09/03/2009.
Bài viết có tên “Thước Núi, Tấc Sông” đăng trên báo Lao Động số 51 phát hành ngày 09/03/2009, đã và đang gây ra nhiều bàn tán trong dư luận.  Hà Giang tìm hiểu tại sao một bản tin như thế đã gây được sự chú này, và có bài tường trình sau đây.

 Bài viết “Thước Núi, Tấc Sông” của tờ Lao Động ngày 9/3/09 đã chuyển tải thông điệp của MTTQVN và Quân chủng Hải Quân, và được chia làm ba phần chính:

Thứ nhất, dù chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã được sử sách chứng minh đầy đủ, nhưng hiện vẫn đang bị “các quốc gia khác” không thừa nhận.

Thứ hai, chủ quyền của VN trên những vùng biển đảo này cần phải được toàn thể công dân của nước VN biết đến, và không chỉ biết đến như một kiến thức địa lý thông thường, mà phải biết bằng một lòng yêu thương và gắn bó sâu xa với lịch sử quốc gia.

Thứ ba, kêu gọi các nhà viết sách giáo khoa và các tác giả sáng tác các tác phẩm văn chương làm thế nào để tăng cường hiểu biết của học sinh với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và khơi dậy lòng lòng tri ân về sự hy sinh xương máu của tổ tiên trong việc mở nước ra biển Đông,  cũng như trách nhiệm phải bảo vệ tổ quốc.

Bài viết này đã lôi cuốn được nhiều chú ý, cũng như tạo ra nhiều phản ứng khác nhau trong dư luận.

Nhà báo Bùi Tín, nguyên đảng viên đảng CSVN, cựu đại tá quân đội Nhân dân, hiện đang sinh sống tại Pháp cho rằng sự việc này có nhiều điểm bất thường, ông phân tích:

“Thường thì lời kêu gọi này là của đảng hay của chính phủ, thế nhưng mà lời kêu gọi này lại đưa ra bởi một cái cuộc họp của trung ương Mặt Trận tổ quốc Việt Nam, cùng với bộ tư lệnh Hải Quân. Thế thì thông thường những cuộc họp như thế là phải do bộ Chính Trị, do trung ương đảng, rồi là do bộ chính phủ do bộ quốc phòng, thế mà đây lại không có lệnh của bộ Quốc Phòng, không có lệnh đứng ra của bộ Tổng Tham Mưu, thế thì tôi thấy cái đó cũng hơi là bất thường. Mà chỉ có một cái mạng của báo Lao Động đưa lên, thì cũng là một cái lạ, bởi vì nếu là một chủ trương lớn của đảng, của bộ Quốc Phòng đó, thì đáng lẽ báo quân đội nhân dân hay là báo Nhân Dân, hay là những cái báo lớn khác, chứ đằng này riêng rẽ chỉ có báo Lao Động đặt ra.”

Đa số cho rằng đây là một sự kiện bất ngờ, vì từ trước đến giờ việc nhắc đến chủ quyền của VN trên hai quần đảo Hoàng và Trường Sa, cũng như sự bầy tỏ lòng yêu nước, đối với nhà cầm quyền VN dường như là những điều cấm kỵ. Người ta vẫn chưa quên cảnh công an thẳng tay đàn áp những sinh viên VN biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược vào đầu tháng 12 năm 2007, và việc blogger Điếu Cầy, cô Phạm Thanh Nghiên cùng một số người khác đã bị bỏ tù vì đã công khai biểu lộ lòng yêu nước khi xác định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Anh Đỗ Xuân Cang, một người Việt sống ở Tiệp Khắc phát biểu:

 “Rất ngạc nhiên đọc cái bài này, cái điều đầu tiên để nhìn thấy rằng là họ muốn thông báo sự thực rằng các quốc gia khác không thừa nhận việc Hoàng Sa Trường Sa là các quần đảo của Việt Nam, gần như thông báo một cái sự đã rồi mà tất cả mọi người, những người quan tâm đều biết, đã biết từ lâu, và rất bức xúc, bởi vì họ không được thông báo, và họ đòi hỏi cũng không được trả lời, và đây là lần đầu tiên chính thức trên mặt báo họ đưa ra cái vấn đề đó.”

Người ta tự hỏi và thảo luận với nhau là họ có thể suy đoán gì từ sự kiện đáng chú ý này? Phải chăng đã có sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao của Việt Nam? Ông Bùi Tín đưa ra nhận xét:

“Tôi thấy là bộ chính trị hiện nay đứng một cái tình hình rất hiểm hóc, hiểm hóc vì một đàng họ đã ký với Trung Quốc những cái văn kiện gần như là nhượng cái hải đảo, thứ hai nữa là chưa có ý kiến gì của Quốc Hội, họ đã cho hàng nghìn, hàng vạn công nhân TQ vào Tây Nguyên để khai thác Bô Xít rồi, là một cái tình hình rất hiểm nguy cho đất nước mà nhân dân đang phản đối rất mạnh mẽ. Cả các nhà khoa học uy tín nhất, cả một số đại biểu quốc hội, những cựu chiến binh, những nhà trí thức, đều lên tiếng ầm ầm lên để mà phản đối và ngăn chặn cái hành động này, cho nên bộ chính trị ở trong một cái tình hình hết sức là hiểm hóc. Tôi nghĩ là nếu đặt vấn đề chuyển hướng thì chưa. Đây có phải là có một cái cuộc tách riêng của các cơ quan bên dưới làm mà bên trên không biết hay không, hay là cũng có một ý định gì ở bên trên nhưng dấu mặt chăng, thì những cái đó tôi nghĩ là chúng ta còn phải chú ý theo dõi.”’

Anh Đỗ Xuân Cang thì cho rằng đây là một bài viết nghe rất xuôi tai, nhưng thực ra thì không có thực chất gì cả. Anh nói:

“Cũng có thể một số người cho rằng đây là một bước thay đổi, đây là một bước công nhận những sự cần phải đưa ra quốc dân, nhưng mà miệng nói là như vậy nhưng không phải vậy, bởi vì thực chất là rõ ràng không có một cái gì đi vào thực chất vấn để phải làm cái gì cả. Ngay cả cái câu mà nói là các nhà viết kịch dựng phim hãy dành tâm huyết nhiều hơn để sáng tác tạo thêm những tác phẩm mới nói về cha ông. Thực ra cái điều đó thì rất nhiều người họ tâm huyết từ lâu rồi, họ muốn làm đấy, nhưng mà ai mở miệng thì họ bịt ngay tức khác, thì cái điều đó là chắc là mọi người trong nước ai cũng biết điều đó cả”

Cô Nga, một sinh viên ở Thủ Đức chia xẻ:

“Tôi thấy sao cái chuyện này nó mắc cười quá à! Một mặt thì nói người ta yêu nước, muốn người dân yêu nước mà yêu nước thì bị bỏ tù thì ai mà dám yêu nước?”

Đa số cho rằng khi nào mà những người dân biểu lộ lòng yêu nước vẫn còn bịt miệng, trù dập và cầm tù thì bài viết này thực ra không có thực chất, mà chỉ là một động tác nhằm xoa dịu những phản ứng gay gắt của người dân trước nhượng bộ thái quá của nhà cầm quyền VN với Trung Quốc.
Thước núi, tấc sông
Lao Động số 51 Ngày 09/03/2009 Cập nhật: 7:52 AM, 09/03/2009

(LĐ) - Ngày 4.3 tại Hà Nội, Ban thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQVN và Quân chủng Hải quân đã thống nhất các biện pháp tuyên truyền về biển, đảo tới các tầng lớp nhân dân.
Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo kết hợp giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của tổ quốc.
Vùng biển rộng và hàng trăm hòn đảo lớn - nhỏ đã được cha ông khai phá. Quá trình dựng nước, mở nước và giữ nước hùng tráng đó đã được lịch sử ghi, chứng minh đầy đủ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của VN đối với biển đảo, trong đó có biển Đông, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sự thực không thể chối cãi đó vẫn đang bị các quốc gia khác không thừa nhận, vẫn đang phải đàm phán, thương lượng và chờ đợi một cách giải quyết công bằng, trên cơ sở hoà bình và tôn trọng lẫn nhau.

Sự thực đó cũng cần phải được toàn thể công dân của nước VN biết đến. Không phải chỉ biết như một kiến thức địa lý thông thường, mà phải bằng nhận thức về lịch sử quốc gia, dân tộc gắn liền với lòng yêu nước.

Chúng ta đã tuyên truyền về biển đảo nhưng chưa thấm sâu vào hồn các thế hệ thanh niên học sinh, để toàn dân nhận thức về những mảnh đất tiền tiêu xa xôi đó là một phần máu thịt. Chúng ta cần lưu tâm sâu sắc việc giáo dục, tuyên truyền về biển đảo.

Môn học địa lý trong nhà trường cần phải tăng cường nhiều hơn kiến thức về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có dân số, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng.

Môn học lịch sử cần phải dành thêm những bài học nói về công cuộc mở nước ra biển Đông, với Hải đội Hoàng Sa từ thời nhà Nguyễn.

Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi rõ những chiến công mở cõi của cha ông, lịch sử hiện đại còn đó những trận đánh anh dũng và sự hy sinh của biết bao người lính để giữ gìn biển đảo.

Lịch sử có máu xương, nước mắt mới có sức lay động lòng yêu nước, mới ghi lòng tạc dạ con cháu mai sau.

Các nhà viết kịch, dựng phim hãy dành tâm huyết nhiều hơn để sáng tạo thêm những tác phẩm nói về cha ông đã giã từ đất liền ra đi khai phá những hòn đảo giữa mênh mông trùng dương từ xa xưa để cắm mốc chủ quyền làm phên giậu phía đông cho tổ quốc.

Phải công bằng mà nói, chúng ta đã chưa làm được nhiều việc khắc cốt ghi tâm các địa danh biển đảo cho tất cả công dân. Tuyên truyền về biển đảo không phải bằng những thông tin khô khan, những câu khẩu hiệu dễ nhớ chóng quên, mà là khơi dậy những thao thức về tình yêu lịch sử, suy nghĩ về giống nòi.

Xin hãy đưa lời của Vua Lê Thánh Tông nói với triều thần vào trong sách giáo khoa lịch sử, để cho học sinh ghi nhớ nằm lòng - rằng: "Ta phải giữ cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy một phân núi, một tấc sông của Vua Thái Tổ để lại".
Lê Thanh Phong