Home Tin Tức Thời Sự Vì thiếu dân chủ, thiếu minh bạch và phi pháp: Chủ nhiệm Ðoàn Luật Sư Sài Gòn tiếp tục tẩy chay Liên đoàn Luật Sư Việt Nam

Vì thiếu dân chủ, thiếu minh bạch và phi pháp: Chủ nhiệm Ðoàn Luật Sư Sài Gòn tiếp tục tẩy chay Liên đoàn Luật Sư Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Sài Gòn (NV)   
Thứ Ba, 10 Tháng 3 Năm 2009 05:03

Sài Gòn (NV) - Trong một thông báo vừa được gửi cho các thành viên Ðoàn Luật Sư Sài Gòn, đoàn luật sư các địa phương khác, ông Nguyễn Ðăng Trừng, chủ nhiệm Ðoàn Luật Sư Sài Gòn cho biết: “Với tư cách chủ nhiệm Ðoàn Luật Sư TP.HCM tôi quyết định không tham gia ứng cử, đề cử vào các chức vụ lãnh đạo trong Hội Ðồng Luật Sư Toàn Quốc, nếu việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Ðại Hội Ðại Biểu Luật Sư Toàn Quốc lần thứ nhất vẫn tiếp diễn theo hướng hạn chế dân chủ, không đảm bảo công khai - minh bạch theo chủ trương của Ðảng, Nhà nước, Hiến pháp và Luật Luật sư”.

 
Luật Sư Lê Thị Công Nhân trước Tòa án CSVN hôm 11 Tháng Năm năm 2007. Cô là một trong số hàng chục luật sư Việt Nam đã bị bắt và bị phạt tù chỉ vì kêu đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam.

Ông Trừng giải thích lý do khiến ông quyết định như đã kể ở trên: “Tôi nhận thấy tất cả các ý kiến đóng góp của Ban Chủ Nhiệm Ðoàn Luật Sư TP.HCM: Từ việc thành lập Ban Chỉ Ðạo Ðại Hội Ðại Biểu Luật Sư Toàn Quốc lần thứ nhất, Hội Ðồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc, đến việc chuẩn bị nhân sự, tiêu chuẩn và thể thức bầu các chức vụ lãnh đạo Hội Ðồng Luật Sư Toàn Quốc, đều không có tác dụng... Việc tiếp tục quá trình chuẩn bị nhân sự và tổ chức đại hội theo như đề án nhân sự của Hội Ðồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc là trái tiêu chuẩn được qui định trong đề án tổ chức luật sư toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ, hạ thấp tiêu chuẩn của chủ tịch - phó chủ tịch Hội Ðồng Luật Sư Toàn Quốc và hạn chế dân chủ đối với quyền ứng cử, bầu cử của luật sư”.

Năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN phê duyệt “Ðề án thành lập tổ chức luật sư toàn quốc”, theo đó, trong năm 2007, phải thành lập xong Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, liên đoàn này vẫn chưa ra đời vì đụng phải sự chống đối của Ðoàn Luật Sư Sài Gòn.

Nguyên nhân dẫn tới sự chống đối kể trên là khi thành lập Hội Ðồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc, Bộ Tư Pháp CSVN đã chỉ định ông Lê Thúc Anh, cựu phó chánh án tòa án tối cao làm chủ tịch và ông Trần Ðại Hưng (cựu phó ban nội chính của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN), ông Nguyễn Văn Thảo (cựu vụ trưởng Vụ Bổ Trợ Tư Pháp của Bộ Tư Pháp CSVN) là phó chủ tịch trong khi cả ba nhân vật này đều chưa từng làm luật sư.

Dựa vào chỉ đạo của thủ tướng CSVN (người đứng đầu tổ chức luật sư toàn quốc phải là người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, am hiểu sâu sắc nghề luật sư và thực tiễn hoạt động luật sư ở Việt Nam, có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt và thuyết phục đối với đội ngũ luật sư...) và các qui định pháp luật khác liên quan tới luật sư, hồi giữa năm ngoái, Ðoàn Luật Sư Sài Gòn đã từ chối kết nạp ông Lê Thúc Anh làm thành viên, nói cách khác là từ chối giúp Bộ Tư Pháp hợp thức hóa vai trò “chủ tịch hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc” của ông Lê Thúc Anh.

Bất kể sự ép buộc của Bộ Tư Pháp, ông Nguyễn Ðăng Trừng, chủ nhiệm Ðoàn Luật Sư Sài Gòn vẫn từ chối tham gia Hội Ðồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc, với lý do ông phải tôn trọng quyết định của ban chủ nhiệm và ban khen thưởng - kỷ luật của Ðoàn Luật Sư Sài Gòn.

Sự phản kháng quyết liệt và rất đúng với các qui định pháp luật của Ðoàn Luật Sư Sài Gòn đã khiến Bộ Tư Pháp CSVN phải tạm xếp lại việc thành lập Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam.

Về danh nghĩa, Liên Ðoàn Luật Sư Việt Nam là một tổ chức thuần túy nghề nghiệp, song việc sắp xếp nhân sự (cả chủ tịch và hai phó chủ tịch “lâm thời” đều là đảng viên và từng là viên chức cao cấp) cho thấy, cả đảng lẫn chính quyền CSVN đang muốn kiểm soát giới luật sư chặt chẽ hơn, sau khi nhiều thành viên trong giới này bắt đầu tham gia các hoạt động phản kháng hoặc lên tiếng chỉ trích chính quyền một cách mạnh mẽ.

Sau sự phản kháng kể trên, Bộ Tư Pháp CSVN đã đưa một dự thảo có tên“Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư” để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo này.

Dự thảo “Nghị định hướng dẫn thi hành các quy định của luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư”, có những qui định như: “Kết quả bầu cử, nghị quyết của (các) đại hội (đoàn luật sư và liên đoàn luật sư) mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn thì phải tổ chức lại đại hội”. Ngoài ra: “Nếu ban chủ nhiệm đoàn luật sư vi phạm nghiêm trọng điều lệ đoàn luật sư, điều lệ của liên đoàn luật sư thì Ban Thường Vụ Liên Ðoàn Luật Sư ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của ban chủ nhiệm, yêu cầu đoàn luật sư tổ chức đại hội bất thường để bầu ban chủ nhiệm mới”.

Cuối năm ngoái, tường thuật về một buổi góp ý cho dự thảo mới kể, tờ Pháp Luật TP.HCM, tiết lộ: “Ðại diện Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam cho rằng, cần có điều khoản quy định về mối quan hệ pháp lý giữa các đoàn luật sư và liên đoàn luật sư” và ông Hoàng Thế Liên, thứ trưởng Bộ Tư Pháp, thừa nhận: “Dự thảo cần có thêm quy định làm rõ mối quan hệ giữa hai chủ thể này”. Ðồng thời ông Liên khẳng định: “Liên đoàn luật sư không phải là cấp trên của đoàn luật sư”.

Một số luật sư nhận xét: “Nếu liên đoàn luật sư không phải là cấp trên của đoàn luật sư” thì Ban Thường Vụ Liên Ðoàn Luật Sư không thể ra 'quyết định tạm đình chỉ hoạt động của ban chủ nhiệm, yêu cầu đoàn luật sư tổ chức đại hội bất thường để bầu ban chủ nhiệm mới' như dự thảo đã xác định và cuộc đối đầu giữa Ðoàn Luật Sư Sài Gòn với Hội Ðồng Lâm Thời Luật Sư Toàn Quốc cũng như Bộ Tư Pháp CSVN chưa thể kết thúc sớm”. (G.Ð)