Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc đề nghị cùng Mỹ “chia đôi Thái Bình Dương” và tính 3 nước cờ trước tuyên bố mới đây của Philippines.

Trung Quốc đề nghị cùng Mỹ “chia đôi Thái Bình Dương” và tính 3 nước cờ trước tuyên bố mới đây của Philippines. PDF Print E-mail
Tác Giả: Linh Hương   
Chúa Nhật, 08 Tháng 3 Năm 2009 21:59

Tờ Thái dương và tờ Đông phương (Hong Kong) gần đây cho rằng hải quân Trung Quốc đã và đang thực hiện một loạt hành động bố trí mang tầm chiến lược, khiến Mỹ đặc biệt quan tâm. Vì từ sau Chiến tranh Triều Tiên đến nay Mỹ là nước giữ vai trò chủ đạo về quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dư luận cho rằng những hành động này của hải quân Trung Quốc là những bước đi đầu tiên hướng tới "chiến lược nước xanh", tức là xây dựng lực lượng hải quân thành hải quân viễn dương.

                         Tướng Mỹ thăm một cơ sở hải quân Trung Quốc

Bước đi đầu tiên hướng tới "chiến lược nước xanh”

Tháng 12/2008, hải quân Trung Quốc điều động ba chiến hạm tới vùng biển Somali, tham gia hoạt động hộ tống tàu thuyền qua lại vùng biển này; tiếp đó hai tàu thăm dò hải dương của Trung Quốc đã phá vỡ sự phong tỏa của Nhật Bản, tiến sâu vào vùng biển phụ cận đảo Điếu Ngư, thực hiện khảo sát, khiến Nhật Bản bị bất ngờ.

Cũng trong thời điểm này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc công khai nói tới khả năng Trung Quốc nghiên cứu chế tạo tàu sân bay, ngoài ra, Tư lệnh lực lượng hải quân Trung Quốc, Ngô Thắng Lợi, đã thăm một số nước xung quanh Trung Quốc.

Các hành động này của hải quân Trung Quốc là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang từng bước thay đổi, thậm chí bỏ chiến lược "phòng ngự biển gần", chuyển sang phát triển theo hướng "hải quân viễn dương".

Thực tế hiện nay, ngoài nguồn dầu mỏ tại khu vực Trung Á, tuyệt đại đa số dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu từ bên ngoài đều phải vận chuyển qua đường biển, trong đó có một phần rất lớn được vận chuyển qua Eo biển Malacca. Bảo vệ lợi ích dầu mỏ nhập khẩu là một nhiệm vụ quan trọng đối với lực lượng hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, trong vấn đề chủ quyền biển đảo, Trung Quốc vẫn đang tranh chấp chủ quyền với hầu hết các nước có biển giáp với Trung Quốc. Khu vực biển Đông vẫn tồn tại những điểm nóng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Tại khu vực biển Hoa Đông, tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản về đảo Điếu Ngư đã không ít lần khiến quan hệ hai nước căng cẳng. Để giải quyết những vấn đề này, chiến lược "hải dương nước xanh" cùng với lực lượng hải quân hùng mạnh, đủ sức tác chiến tại vùng biển xa là mục tiêu Trung Quốc ráo riết theo đuổi.

Mới đây, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Tướng Timothy J. Keating công khai nhận định rằng một loạt hành động mang tầm chiến lược gần đây của hải quân Trung Quốc cho thấy tham vọng hải dương của Trung Quốc rất lớn.

Hải quân Mỹ cho rằng tàu chiến của hải quân Trung Quốc tiến vào vùng biển Somali thực sự là bước tập dượt đầu tiên hướng tới xây dựng một lực lượng "hải quân viễn dương" của Trung Quốc. Khi Trung Quốc có tàu sân bay, trong tương lai, rất có thể sẽ rơi vào tình trạng Trung Quốc quản lý Tây Thái Bình Dương (tức là vùng biển Đông Á), còn Mỹ sẽ quản lý Đông Thái Bình Dương!

Hiện thực đang đòi hỏi Trung Quốc phải vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường sức mạnh quân sự, tập trung ưu tiên cho hải quân và không quân. Tuy nhiên, hướng tới một "chiến lược nước xanh" và xây dựng lực lượng "hải quân viễn dương" hiện vẫn là thách thức rất lớn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, đà tăng trưởng kinh tế nhanh, cũng như vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng nâng cao sẽ là nền tảng để Trung Quốc đạt được mục tiêu này.

Trung Quốc đề nghị chia đôi Thái Bình Dương

Theo Tapei Times, ngày 22/2/2009, Đô đốc Timothy Keating đã bày tỏ một chút ngạc nhiên trước tuyên bố quá nhanh của bà Clinton tại Bắc Kinh về hợp tác quân sự Mỹ - Trung. Lầu Năm Góc và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đồng ý trên nguyên tắc nối lại trao đổi quân sự với Quân Giải phóng bị ngưng lại tháng 10/2008 sau khi Mỹ đồng ý bán hơn 6 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan.

Tuy vậy, các nhìn nhận về hợp tác quân sự vẫn còn khác nhau. Phát biểu sau chuyến thăm Thái Lan, Hong Kong và Hàn Quốc tuần qua, Đô đốc Keating cho biết một tướng Trung Quốc đã đề nghị với ông rằng hai nước nên chia đôi Thái Bình Dương, theo đó, Trung Quốc sẽ "lo gìn giữ hòa bình từ Hawaii về phía Tây, còn Mỹ lo từ Hawaii sang phía Đông". Nhưng Đô đốc Keating nói ông đã trả lời "No, thanks!" (Không, xin cảm ơn). Ông cũng nói tham vọng xuất xưởng hai tàu sân bay trong năm 2015 của Trung Quốc không dễ thực hiện và điều khiển hàng không mẫu hạm sẽ còn khó hơn.

Với điệu tango Trung-Mỹ, nơi sự gắn kết không đến từ trái tim mà từ nhu cầu kinh tế, năng lượng, chắc còn phải đợi có thêm thời gian nữa mới thấy kết quả. Gần đây, người ta hay nói đến liên minh Chimerica (do sử gia Niall Ferguson đưa ra - biểu tượng của sự chắp ghép Trung Quốc và Mỹ), nơi đồng tiền không phải là petrodollar mà là Sinodollar, ám chỉ sự lệ thuộc Trung - Mỹ về hàng hóa, đầu tư và hàng trăm tỷ đô la trái phiếu Kho bạc Mỹ mà Trung Quốc đang nắm.

Theo một bài thuyết trình của một học giả Mỹ tại Đại học Texas gần đây, từ khoảng 20 năm trở lại đây, Trung Quốc đã sử dụng một công thức tổng hợp để thực hiện tham vọng của mình: (i) tấn công quân sự qui mô nhỏ; (ii) thực hiện đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng tranh chấp; (iii) đe doạ bằng vũ lực đối với ngư dân hoặc sử dụng sức ép kinh tế đối với các tập đoàn dầu khí quốc tế nhằm ngăn chặn các đối thủ tiến hành khai thác tài nguyên ở vùng tranh chấp; (iv) chia rẽ các nước trong khu vực bằng kinh tế và ngoại giao; (v) tuyên truyền chủ quyền và thái độ cứng rắn của họ đối với vấn đề biển Đông trên toàn thế giới để các nước phải e ngại.

Công thức này của Trung Quốc có mục tiêu hướng vào việc thiết lập chủ quyền của họ đối với biển Đông trên thực tế (de facto), mặc dù về mặt pháp lý (de jure) điều này không biện hộ được.

Các nước Đông Nam Á ở thế yếu

Theo học giả trên, các nước ASEAN đã tỏ ra rất yếu trong việc đưa vấn đề tranh chấp này ra công luận quốc tế, trong khi Trung Quốc đã làm tốt việc tuyên truyền về chủ quyền của họ. Do vậy,  các nước ASEAN có tranh chấp không được công luận quốc tế ủng hộ như đối với Trung Quốc.

Ngoài ra, các nước Đông Nam Á thường phản ứng rất yếu trước các bước đi của Trung Quốc. Đứng một mình, mỗi nước ASEAN đều yếu hơn Trung Quốc về mọi mặt. Nhiều nước ASEAN lại đang rơi vào khủng hoảng, nên không hợp tác được với nhau.

 
Soái hạm của hải quân Phillipines

Vì vậy, việc Phủ Tổng thống Philippines ngày 19/2 cho biết, sẽ đưa những tranh chấp về chủ quyền liên quan đến quần đảo Nam Sa ra Liên hợp quốc giải quyết đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Theo Tinh đảo hoàn cầu (Hong Kong), ngày 21/2, chuyên gia về vấn đề hải quân Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc có thể đi ba nước cờ: Một là đẩy nhanh việc xác định đường cơ sở lãnh hải; hai là tăng cường hữu hiệu việc quản lý và khống chế hành chính; ba là tăng cường chuẩn bị tác chiến trên biển về vũ khí và huấn luyện, bảo vệ quyền của Trung Quốc.

Chuyên gia hải quân nêu trên cho rằng, công tác xác định đường cơ sở lãnh hải của Trung Quốc vẫn đang được tiến hành trong những năm gần đây, tiến triển tại Hoàng Hải và Đông Hải tương đối nhanh, xác định tọa độ địa lý, kinh độ, vĩ độ căn cứ theo Công ước luật biển Liên hợp quốc cũng như sự phát triển, diễn biến và tập quán lịch sử.

Tiến triển tại những vùng biển đang có tranh chấp tương đối chậm. Cách làm thông qua lập pháp xác định đường cơ sở lãnh hải lần này của Philippines cũng đã cảnh tỉnh Trung Quốc cần đẩy nhanh công tác xác định đường cơ sở lãnh hải nhằm tăng cường tính bảo đảm về pháp lý đối với quyền lợi chủ trương, cũng như đảm bảo căn cứ trong giao thiệp ngoại giao.

Các nhà quan sát cho rằng bây giờ mà xung đột quân sự trên biển thì lại tạo cớ cho Mỹ mở rộng ảnh hưởng ra Đông Nam Á và ảnh hưởng đến việc triển khai chủ thuyết “thế giới hài hòa”, “các bên cùng thắng” của lãnh đạo Bắc Kinh.

Trong cuộc tranh chấp, các nước nhỏ có công cụ hoặc đòn bẩy nào tất nhiên sẽ dùng cái đó. Điều đang làm Trung Quốc e ngại phần nào, đó là Mỹ. Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ rút ra khỏi khu vực này. Cứ mỗi cuộc xung đột mà Trung Quốc tiến hành trên biển mười mấy năm qua, Mỹ lại tăng cường sự hiện diện trở lại khu vực này của thế giới.

Mới đây, khi đề cập đến sức mạnh tăng lên của hải quân Trung Quốc tác động thế nào đối với vị trí Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gates tuyên bố trước Quốc hội, Mỹ sẵn sàng đương đầu với bất kỳ "mối đe dọa quân sự nào của Trung Quốc trong thời gian tới"