SAN JOSE: 30,000 cử tri sẽ quyết định việc bãi nhiệm |
Tác Giả: Tin Tổng Hợp |
Thứ Bảy, 28 Tháng 2 Năm 2009 07:26 |
San Jose (Tổng hợp) - Cuộc bầu phiếu bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn vào ngày Thứ Ba 3-3-09 của cử tri Khu vực 7 sắp đến hồi kết thúc. Văn phòng bầu cử Hạt Santa Clara cho biết tính đến ngày Thứ Sáu 27-2-09 đã nhận được 8600 phiếu bầu. Dân gốc Việt trong khu vực 7 chiếm khỏang 25%, ghi danh khỏang 7 ngàn trong tổng số cử tri ghi danh là 30 ngàn. Điều này chứng tỏ số người đi bầu lần này có lá phiếu của các sắc dân khác. Người ta ước lượng sẽ có 40% cử tri ghi danh đi bầu trong cuộc bầu phiếu bãi nhiệm này, có nghĩa là sẽ có khỏang 12 ngàn người tham gia bầu phiếu. Đây là con số nói lên sự quan tâm đối với cuộc bầu phiếu đặc biệt. Cử tri sẽ trả lời câu hỏi là có nên bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn hay không. Có hai ô YES và NO để gạch chéo, nếu NO nhiều thì người nghị viên gốc Việt này còn ở lại trong hội đồng thành phố, còn ngược lại thì phải ra đi. Theo thăm dò trong cử tri gốc Việt thì hai phe bênh và chống bãi nhiệm có vẻ ngang ngửa. Lá phiếu của sắc dân khác trở nên quyết định. Phe bãi nhiệm đã lấy được 5 ngàn chữ ký để buộc thành phố tổ chức bầu cử bãi nhiệm ngày 3-3-09, trong số này có sắc dân gốc Mễ. Phía chống bãi nhiệm có sự ủng hộ của nhiều vị dân cử gồm thị trưởng San Jose và nhiều nghị viên thành phố, phòng thương mại Silicon Valley, nghiệp đòan lao động, hội cảnh sát và cứu hỏa. Tờ báo San Jose Mercury bày tỏ quan điểm ủng hộ NO RECALL. Cộng đồng người Việt tại San Jose cũng chia làm hai ý kiến khác nhau, các tổ chức truyền thông báo chí gốc Việt chia làm hai phía bênh và chống bãi nhiệm nghị viên Madison Nguyễn. Và theo suy đóan, càng có nhiều người đi bầu thì cơ hội sống còn của chiếc ghế nghị viên càng có hy vọng. Lúc đầu ai cũng nghĩ là chỉ có vài ngàn người tham gia bỏ phiếu trong lần này nhưng tình hình trở nên sôi nổi khi nhóm bãi nhiệm vận động tối đa và phía ủng hộ Madison Nguyễn cũng tụ họp để đấu tranh quyết liệt. Phía bãi nhiệm đưa ra nhiều lý do và thay đổi theo tình thế. Lúc đầu họ nói là Madison Nguyễn đưa 2.8 triệu đô la của dự án Trung tâm sinh họat VN cho bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, và bây giờ thì sửa đổi lại nói là Madison "có ý định" mà thôi. Phía chống bãi nhiệm lý luận rằng bất cứ giá nào phải bảo vệ chiếc ghế nghị viên của người Việt đang nắm giữ không thể để lọt vào tay sắc dân khác. Madison Nguyễn có khuyết điểm trong vụ giải quyết chuyện đặt tên cho khu thương mại Việt Nam trên đường Story nhưng cũng có ưu điểm trong làm việc phục vụ cho cư dân khu vực 7. Sự việc cô vận động xin được 2.8 triệu đô la cho dự án Trung Tâm Sinh Họat Việt Nam là một chứng cớ. Phía ban bãi nhiệm đã quyên được gần 200 ngàn đô la, phía chống bãi nhiệm quyên đựơc khỏang 250 ngàn đô la. Các truyền đơn bằng tiếng Anh, Việt, Mễ của hai phe gởi tới cư dân khu vực 7, các bài viết cậy đăng có trả tiền và quảng cáo trên báo cùng đài phát thanh làm ầm ỉ cả cộng đồng gốc Việt. Không ai biết được kết quả phe nào thắng thua, YES và NO ra sao. Chỉ biết là trận đánh bầu phiếu lần này rất gây cấn, cả hai phe đều tung hết tòan lực từ tài chánh đến nhân sự. Một số người quan tâm đến sinh họat cộng đồng đang xúc tiến thành lập một ban đại diện cộng đồng gốc Việt tại San Jose để đảm nhận những sinh họat của hơn 100 ngàn đồng hương. Trong 30 năm qua, mặc dù là một thành phố lớn thứ 10 nước Mỹ nhưng chưa bao giờ có tổ chức mang danh xưng ban đại diện cộng đồng San Jose mà chỉ có ban đại diện Bắc Cali, liên hội Bắc Cali, hội đồng đại biểu Bắc Cali. Nhiều đồng hương ở San Jose không đồng ý với sự can thiệp của những đồng hương ở nơi khác vào nội bộ của địa phương này. Dĩ nhiên người ở San Jose thì hiểu rõ chuyện San Jose hơn người phương xa. Và thành phố mang tên thung lũng hoa vàng qui tụ nhiều nhân tài gốc Việt, từng một thời được coi là thủ phủ tình thương, thủ phủ tị nạn, thủ phủ chính trị người Việt hải ngọai, tự giải quyết được các sinh họat của mình . Kết quả bãi nhiệm ra sao, phe nào thắng phe nào thua chẳng quan trọng. Điều quan trọng nhất là cộng đồng gốc Việt tại San Jose tan nát, bao nhiêu nỗ lực đều dồn vào cuộc nội chiến mà bỏ quên đi những công tác xây dựng khác và những mục tiêu cao quí như hỗ trợ đấu tranh dân chủ tự do trong nước và hỗ trợ cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam trước nguy cơ chiếm đất chiếm đảo của Trung Cộng qua vụ Hòang Sa Trường Sa. |