Đi Nga làm việc, trở về trắng tay |
Tác Giả: ĐỨC TÂM | ||
Thứ Sáu, 20 Tháng 2 Năm 2009 22:57 | ||
TT - Lời khuyên từ Đại sứ quán Nga tại VN: Đừng ký hợp đồng với công ty môi giới.
Nhờ tiền gia đình gửi sang, một số bạn đã về VN và đến Tuổi Trẻ tố cáo Công ty Sovilaco - Ảnh: H.T.VÂN Ngày 29-1, một nhóm lao động gồm 22 người được Công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) - thương mại và du lịch Sovilaco đưa qua Liên bang Nga làm việc cho Công ty may Vesna. Tuy nhiên, vừa đặt chân đến Nga họ đã lập tức viết đơn kêu cứu về VN. "Đề nghị các cấp lãnh đạo ở VN, Bộ LĐ-TB&XH VN yêu cầu Công ty Sovilaco lập ngay thủ tục đưa tất cả chúng tôi về nước và hoàn trả mọi chi phí mà chúng tôi đã đóng cho Công ty Sovilaco…" - đó là một đoạn trong đơn kêu cứu của nhóm lao động tại Nga gửi về báo Tuổi Trẻ. Lời kêu cứu từ Matxcơva Nhóm lao động cho biết họ được Công ty Sovilaco ký hợp đồng sang Nga làm việc với mức lương tối thiểu không thấp hơn 400 USD và có thể đạt từ 500-600 USD/tháng tùy theo tay nghề, không qua thời gian thử việc và nhiều điều hấp dẫn khác. Nhưng khi nhóm lao động sang Nga mới vỡ mộng, mức lương mà Công ty Vesna thông báo chỉ không quá 300 USD chưa kể các chi phí khác sẽ bị trừ, phải thực hiện thời gian thử việc ba tháng… Nhận thấy những dấu hiệu không đúng như hợp đồng đã ký, nhóm lao động liền điện về Công ty Sovilaco cầu cứu nhờ can thiệp nhưng vô vọng. Cả nhóm liền gom góp tiền đủ mua một vé máy bay cho một đại diện trong nhóm là Cao Văn Tuấn (quê Thanh Hóa) về VN kêu cứu và nhờ sự can thiệp từ phía Sovilaco để Công ty Vesna thực hiện đúng hợp đồng, hoặc nếu không thì hỗ trợ để cả nhóm được về VN. Ít ngày sau đó, năm lao động khác quê Bến Tre nhờ gia đình gửi tiền qua mua vé máy bay về nước theo Tuấn cùng kêu cứu. Tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, chị Đoàn Thị Hồng Thơ, một trong năm lao động, nói như muốn khóc: "Chúng tôi phải vay tiền ngân hàng hơn 40 triệu đồng đóng cho Công ty Sovilaco để được qua Nga làm việc. Ngày đi thì tràn trề biết bao hi vọng, nhưng khi qua Nga mới biết mình như bị lừa. Công ty bên Nga không ký hợp đồng lao động, buộc chúng tôi phải thử việc ba tháng. Khi chúng tôi trưng ra bản hợp đồng với Công ty Sovilaco, họ cho biết mức lương mà chúng tôi ký với Sovilaco là không đúng. Công ty Vesna chỉ có thể trả lương cho người lao động theo sản phẩm và thường thì không cao hơn 300 USD". Còn chị Lê Thị Lùng phẫn uất: "Chúng tôi không được phép ra ngoài tự do dù là ngày nghỉ. Kinh khủng nhất là chuyện vệ sinh, tắm rửa. Cả ký túc xá nữ chỉ có một phòng tắm tập thể, cứ đúng giờ thì nước ấm được mở và hàng chục người cứ trần truồng tắm chung với nhau, ai không tắm đúng giờ thì sau đó chỉ có nước... lạnh như đá để tắm". Sovilaco lập lờ trong hợp đồng Sau khi về nước, nhóm năm lao động quê Bến Tre cùng với Cao Văn Tuấn đến ngay Công ty Sovilaco để phản ảnh mọi tình hình và đòi lại số tiền đã đóng cho công ty này. Nhưng phía Công ty Sovilaco cho rằng lao động tự ý bỏ về nước thì chịu hoàn toàn trách nhiệm, vì vậy công ty không thể hoàn lại chi phí đã thu. Theo ông Vũ Đức Hùng - trưởng phòng thị trường Nga, công ty chỉ hoàn trả cho lao động tiền thu môi giới một tháng lương/năm theo quy định và 200 USD. "Lao động viết đơn tự nguyện xin về nước và chịu hết mọi chi phí thì làm sao công ty có thể hoàn lại tiền cho họ được…" - ông Hùng nói. Nhưng theo nhóm lao động thì họ bị phía Công ty Vesna ép buộc phải viết đơn mới có thể "giúp đỡ" họ trở về VN. Theo điều tra của Tuổi Trẻ, hợp đồng mà Công ty Sovilaco ký với người lao động có nhiều điều khoản khác biệt với hợp đồng họ ký với đối tác Vesna. Trong hợp đồng cung ứng lao động giữa Sovilaco và Vesna có điều khoản Công ty Vesna áp dụng mức lương tối thiểu 300 USD/tháng cho ba tháng học việc. Nhưng khi ký hợp đồng với người lao động, Sovilaco lại ghi mức thu nhập không thấp hơn 400 USD/tháng, lại không phải thử việc và được ký hợp đồng ngay với chủ sử dụng lao động. Theo phản ảnh của người lao động, khi tới Trường cao đẳng nghề Đồng Khởi (Bến Tre) để hướng nghiệp cho lao động về thị trường Nga, Sovilaco còn đưa ra những bản hợp đồng với mức lương có thể đạt 800-900 USD/tháng để lôi kéo người lao động. Thực tế cũng có mức lương này, nhưng đó là dành cho lao động bậc cao. Thu sai hay ăn chặn? Khi nghiên cứu hai bản hợp đồng ký giữa Sovilaco với Vesna và với người lao động, chúng tôi phát hiện thêm Sovilaco thu tiền của người lao động cao hơn quy định trong hợp đồng cung ứng mà Vesna sẽ thu của người lao động thông qua Sovilaco. Theo đó, Công ty Vesna sẽ thu của người lao động (thông qua Sovilaco) 1.800 USD để làm sổ lao động, giấy phép làm việc, lệ phí xin visa, chi phí vé máy bay… Nhưng Công ty Sovilaco lại thu khoản này của người lao động 2.000 USD và còn ghi rõ là để phía đối tác Vesna làm thủ tục như nói trên. Như vậy, trong khoản này người lao động đã bị thu sai 200 USD. Theo như hợp đồng cung ứng lao động ký với Vesna và hợp đồng ký với người lao động thì tổng cộng các khoản người lao động chỉ có thể đóng 1.800 USD (tiền làm thủ tục) + 475 USD (phí môi giới đóng cho Sovilaco theo quy định) = 2.275 USD. Nhưng khi thu của người lao động, Công ty Sovilaco lại thu tới 2.650 USD. Giải thích về những khoản tiền chênh lệch trên, ông Hùng cho rằng: "Không phải chúng tôi ăn chặn hay thu thêm của người lao động đâu, có thể do thời gian quá gấp (mồng 4 tết đã bay) nên nhiều khi nhân viên đánh máy sai các con số và thiếu các khoản thu khác… Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lại, nếu có sự chênh lệch thì trả lại cho người lao động thôi" (!). HỒ VĂN Đừng ký hợp đồng với công ty môi giới Liên quan việc một số lao động VN đi xuất khẩu lao động ở Nga nhưng điều kiện làm việc, mức lương... không đúng như thỏa thuận ban đầu, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với tùy viên báo chí Đại sứ quán Liên bang Nga tại VN AleKSey Shevtsov. * Đề nghị ông cho biết về những vấn đề cấp bách nhất hiện nay của thị trường lao động tại Nga trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến người lao động nhập cư từ nước ngoài? - Ông AleKSey Shevtsov: Trong những năm gần đây, từ một nước hoàn toàn chỉ có trao đổi lao động trong nước giữa các vùng với nhau, Nga đã trở thành một trong những nước tiêu thụ nguồn lực lao động lớn và là một thành viên chính thức của thị trường lao động quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, khi cả thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, Nga cũng phải đối mặt với những vấn đề khó khăn trên thị trường lao động. Tình hình đó không thể không gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng của những người lao động nhập cư. Đồng thời cũng xuất hiện những khả năng luân chuyển dòng lao động nhập cư tới những vùng kinh tế đình đốn của đất nước, tới những công trường mới, mà những nơi đó không phải là ít. Thêm vào đó Chính phủ Nga đã xây dựng những biện pháp bình ổn giúp những ngành kinh tế như xây dựng và nông nghiệp. Tình trạng gia tăng tội phạm trong hàng ngũ lao động nhập cư đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng khác. Cơ quan liên bang về di trú và Bộ Nội vụ Liên bang Nga đang tăng cường làm việc về vấn đề này với những người nhập cư và các chủ thuê lao động phía Nga, áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát vấn đề di trú. * Hiện nay một số công ty VN đang tiếp tục gửi lao động sang Nga. Theo ông, việc này có phù hợp với các nhu cầu hiện nay của thị trường lao động Nga hay không? Ông có lời tư vấn nào cho những công dân VN đang có mong muốn sang Nga làm việc theo hợp đồng lao động hay không? - Xin được phát biểu thẳng thắn như sau: đối với những ai đang muốn có công ăn việc làm tại Nga, hiện nay không phải là thời điểm tốt nhất. Khi hoạt động kinh doanh suy giảm thì tất yếu việc cạnh tranh từng chỗ làm tốt sẽ càng gay gắt hơn. Chính quyền bất kỳ nước nào lẽ tự nhiên cũng phải quan tâm làm sao để thu xếp công ăn việc làm cho công dân của mình trước tiên. Trong những điều kiện này thì các tiêu chí như tay nghề chuyên môn của người lao động và nhu cầu cần người ở đúng thời điểm cụ thể nào đó cũng như của chính xí nghiệp hoặc công ty cụ thể nào đó đang có ý nghĩa quyết định. Những lời bàn luận trừu tượng về nhu cầu của thị trường lao động ở đây là không đúng chỗ, đặc biệt khi đề cập số phận của những con người cụ thể. Vì vậy nên tôi xin được có lời khuyên hết sức cụ thể như sau: Đi làm việc tại Nga cần có hợp đồng thỏa thuận lao động được lập theo đúng thể thức. Đó là hợp đồng được ký kết với pháp nhân phía Nga với tư cách là chủ thuê lao động chứ không phải với một công ty môi giới trong nước. Trong văn bản hợp đồng cần ghi rõ quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên tham gia quan hệ lao động cũng như trách nhiệm của họ. Chủ thuê lao động phía Nga, cụ thể phải chịu trách nhiệm đảm bảo các điều kiện lao động và cư trú thỏa đáng cho người lao động nước ngoài, cũng như chịu trách nhiệm đưa họ về nước khi hợp đồng lao động hết thời hạn, còn người lao động nước ngoài có nghĩa vụ làm việc một cách tận tâm tại chỗ làm việc đã thỏa thuận và tôn trọng pháp luật của nước sở tại, bao gồm việc nộp thuế đúng kỳ hạn và tuân thủ trật tự xã hội. Điều chính yếu đối với tất cả chúng ta là loại trừ những trường hợp người lao động sang Nga làm việc nhưng bỗng dưng bị lâm vào tình trạng dở dang, không việc làm, không có những quyền lợi cơ bản và không có cả phương tiện để sống. Chúng ta đã có cơ sở pháp lý cần thiết để đảm bảo điều này - đó là hiệp định giữa Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ nước CHXHCN VN về lao động có thời hạn của công dân Liên bang Nga tại CHXHCN VN và công dân CHXHCN VN tại Liên bang Nga ký hồi tháng 10-2008. Kể cả việc giải quyết tất cả vấn đề nảy sinh cũng nên theo đúng văn bản này, điều đó cho phép bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng của công dân hai nước chúng ta. ĐỨC TÂM thực hiện |