Ngày 31/7/1974, sau ba ngày không thấy Willem Smit, 41 tuổi, đến chi nhánh của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), đặt tại Sứ quán Mỹ ở thủ đô Montevideo của Uruguay, để báo cáo tình hình, Raul Sendrich, chỉ huy chi nhánh liền ra lệnh cho các nhân viên thuộc quyền truy tìm Smit. Cảnh sát Uruguay sau khi nhận được đề nghị từ Sứ quán Mỹ truy tìm dấu vết của công dân Mỹ tên Smit, cũng tổ chức điều tra nhưng vẫn không mang lại kết quả.
|
Điệp viên CIA mất tích tại Uruguay Willem Smit và người tự xưng là điệp viên Willem Smit vào năm 1989.
|
Ngày 4/8/1974, Sendrich liền thông báo vụ mất tích của Smit cho tổng hành dinh CIA ở Langley, Mỹ. Đích thân Giám đốc CIA William Casey ra lệnh cho Sendrich phải truy tìm và làm sáng tỏ cho bằng được vụ mất tích của Smit để xác định có phải đó là một vụ bắt cóc, thủ tiêu hay đào thoát. Tuy nhiên, cho dù truy tìm đến đâu thì bóng dáng Smit vẫn biệt tăm. Ngay cả tổ chức du kích cánh tả Tupamaros chống đối chế độ độc tài tại Uruguay được Mỹ hậu thuẫn cũng lên tiếng khẳng định là không liên quan đến vụ mất tích khó hiểu của Smit. Willem Smit sinh năm 1933 tại thành phố Richmond, bang Indiana. Năm 1953, Smit gia nhập Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và thăng tiến rất nhanh nhờ ngón nghề thẩm vấn giỏi. Thành tích của Smit đã được CIA đặc biệt chú ý và đến năm 1964 Smit chính thức tuyển dụng. Nhiệm vụ của Smit được CIA giao là hoàn thành các kỹ năng thẩm vấn và huấn luyện các biện pháp thẩm vấn cho lực lượng cảnh sát và an ninh của nhiều quốc gia Mỹ Latinh được Mỹ hậu thuẫn. Quốc gia Nam Mỹ đầu tiên mà Smit đến thi hành nhiệm vụ là Brazil với thời gian phục vụ từ năm 1963 đến 1967. Dưới lốt nhân viên của Cơ quan Phát triển quốc tế (AID), một tổ chức của Chính phủ Mỹ chuyên thực hiện các hoạt động viện trợ kinh tế và nhân đạo tại khu vực Nam Mỹ nhưng hoàn toàn bị CIA thao túng, Smit đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện nghiệp vụ thẩm vấn cho lực lượng cảnh sát và an ninh tại thành phố Belo Horizonte và sau đó là Rio de Janeiro. Năm 1967, Smit quay về Mỹ để tổng kết kinh nghiệm và truyền đạt lại cho các điệp viên mới tuyển dụng của CIA. Năm 1968, Smit được lệnh đến hoạt động tại Cộng hòa Dominique. Nhiệm vụ của Smit là huấn luyện nghiệp vụ thẩm vấn và tra tấn cho lực lượng cảnh sát mật của chính quyền do Mỹ thành lập để trấn áp những cá nhân và tổ chức phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ tại Dominique. Năm 1970, Smit đến Uruguay. Vào thời kỳ này, đang nổi lên các phong trào của sinh viên, công nhân và các tổ chức chính trị chống đối chính phủ của Tổng thống Juan Maria Bordaberry thuộc đảng Colorado được Mỹ hậu thuẫn vì đã đưa đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế, nghèo đói và tham nhũng tràn lan. Chính phủ Mỹ do lo ngại sự sụp đổ của Tổng thống Bordaberry sẽ tạo điều kiện cho đảng cánh tả Frente Amplio lên nắm quyền và sẽ biến Uruguay thành một nước dân chủ xã hội nên đã ra lệnh cho CIA tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát, tình báo và an ninh Uruguay để mạnh tay trấn áp các phong trào chống đối. Không chỉ cung cấp tài chính, vũ khí mà CIA còn tăng cường cố vấn cho các lực lượng này. Đây chính là lý do khiến Smit được điều động đến Uruguay. Nhiệm vụ của Smit là phổ biến và huấn luyện nghiệp vụ thẩm vấn và cả tra tấn hiệu quả nhất với yêu cầu đặt ra là: "Muốn có kết quả thì phải đánh trúng chỗ đau nhất, vào thời điểm thích hợp nhất để buộc tù nhân phải khai ra sự thật". Smit làm việc tích cực đến nỗi còn tổ chức những buổi huấn luyện nghiệp vụ thẩm vấn ngay tại nhà riêng của mình ở thủ đô Montevideo. Nhiều cựu nhân viên cảnh sát và an ninh Uruguay sau này thừa nhận rằng Smit từng thử nghiệm nghiệp vụ thẩm vấn và tra tấn dã man đối với hàng chục tù nhân là sinh viên, công nhân và chính trị gia bị bắt giữ vì tham gia hoạt động phản đối chính quyền. Tuy nhiên, do khéo léo giấu mặt nên nhiều người cho rằng Smit chỉ là một nhân viên dân sự làm việc tại chi nhánh AID tại thủ đô Montevideo. Vậy mà bỗng nhiên xảy ra vụ mất tích khó hiểu của Smit vào ngày 29/7/1974. Kiểm tra căn nhà của nhân viên tình báo này tại thủ đô Montevideo, các nhân viên điều tra của CIA không phát hiện bất cứ dấu vết gì chứng tỏ Smit đã bị bắt cóc tại nhà. Đồ đạc, áo quần không có dấu vết của sự xáo trộn hay lục soát. Một gia nhân làm công cho Smit tên Francesca khai báo là Smit rời nhà vào sáng sớm ngày hôm ấy và không quay trở về. Các nghi vấn đều dồn vào tổ chức du kích cánh tả Tupamaros, có thể đã phát hiện Smit chính là một điệp viên CIA nằm vùng nên đã tổ chức bắt cóc. Tuy nhiên, tổ chức Tupamaros vẫn im hơi lặng tiếng về trường hợp mất tích của Smit. Vậy cá nhân hay tổ chức nào đã bắt giữ Smit? Smit có phải đã bị thủ tiêu hay đã đào thoát đến một nơi nào khác? Sau một thời gian dài điều tra về vụ mất tích của Smit mà không có kết quả, CIA quyết định xếp Smit vào danh sách điệp viên mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ. Năm 1989, xuất hiện tại thành phố Los Alamos, bang New Mexico, Mỹ, một người tên Smit có nhân dạng giống điệp viên CIA mất tích Willem Smit, tự xưng là cựu điệp viên CIA từng hoạt động nhiều năm tại Nam Mỹ, đến thành phố Los Alamos mở cửa hàng cầm đồ để kiếm tiền sinh sống qua ngày. Những thông tin này liền đến tai CIA và CIA lập tức tổ chức điều tra về viên chủ cửa hàng cầm đồ này. Sau một thời gian bí mật thẩm tra, CIA cho rằng đây không phải là điệp viên mất tích Willem Smit do nhận dạng chữ viết và dấu vân tay không trùng khớp. Vì vậy cho đến nay, CIA vẫn xếp Smit vào danh sách những điệp viên bị mất tích khi thi hành nhiệm vụ
Hòa Văn (theo Spy Eyes) |