Home Tin Tức Thời Sự Cả doanh giới lẫn công nhân đều tuyệt vọng

Cả doanh giới lẫn công nhân đều tuyệt vọng PDF Print E-mail
Tác Giả: G.Đ   
Thứ Tư, 04 Tháng 2 Năm 2009 01:34

Hình chụp một bà cụ đi bán hàng rong. Với người nghèo, kinh tế suy thoái càng ngày càng trầm trọng đang khiến gánh cơm áo nặng hơn bao giờ hết. (Hình: myopera.com.fiat.xinvang)

 

Sài Gòn - Tuy đã là mùng 9 Tháng Giêng Âm lịch nhưng hôm qua 3 Tháng Hai Dương lịch, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chưa mở cửa, hoạt động trở lại. Tình trạng này phổ biến tới mức trở thành đề tài chung, được nhiều tờ báo ở Việt Nam cùng khai thác. 

Tờ Tiền Phong kể rằng, ở Sài Gòn, các khu nhà trọ quanh khu công nghiệp Tân Bình vắng ngắt, không có người thuê vì nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp này chưa mở cửa hoạt động trở lại. Ðó cũng là tình trạng phổ biến ở nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp khác tại Sài Gòn. 

Ðiều tương tự cũng đang xảy ra tại Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp. Theo một số dự đoán, sau Tết, khoảng 30% đến 40% công nhân các tỉnh từ các nơi đổ về Sài Gòn và Bình Dương làm việc sẽ không quay lại vì lương thấp không đủ sống, thất nghiệp không hy vọng tìm được việc làm mới... Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều ngàn công nhân bị thất nghiệp trước Tết và đang chờ việc sau Tết chạy đôn, chạy đáo đi tìm việc. Theo Tiền Phong, Tết rồi, có 75,000/500,000 công nhân từ các nơi đổ về Sài Gòn và Bình Dương làm việc không có tiền để về quê đón Tết với gia đình.

 Ở Quảng Nam và Ðà Nẵng, hầu hết các công ty trong những khu công nghiệp như: An Ðồn, Hòa Khánh, Hòa Cầm, Ðiện Nam, Ðiện Ngọc... cũng đang nghỉ... Tết. Bà Ðàm Thị Thanh Xuân, chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất của thành phố, kể với phóng viên tờ Tiền Phong: “Chưa năm nào doanh nghiệp nghỉ... Tết lâu như năm nay. Cuối năm 2008, Ðà Nẵng có khoảng 1,200 công nhân thất nghiệp và hơn 1,000 công nhân được cho nghỉ chờ việc. Sắp tới, việc các doanh nghiệp cắt giảm người sẽ tiếp tục diễn ra”.

 Chẳng riêng công nhân âu lo cho tương lai. Ngay cả giới chủ doanh nghiệp cũng được mô tả là đang giống như “ngồi trên lửa”. Báo điện tử VietNamNet dẫn một khảo sát của các liên đoàn lao động quận, huyện tại Sài Gòn, thực hiện hồi cuối năm 2008, cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa vì không có đơn đặt hàng hoặc do giá nguyên vật liệu tăng nên bị lỗ. Khoảng 90% số doanh nghiệp đóng cửa, ngưng hoạt động là doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp giày da... những lĩnh vực sử dụng rất nhiều lao động. Ðiều đó sẽ khiến số lượng lao động thất nghiệp gia tăng nhanh chóng.

 VietNamNet kể rằng, năm ngoái, do lương thấp không đủ sống, Tết đến, công nhân về quê ăn Tết rồi ở lại với gia đình, không đi tha phương cầu thực nữa nên các doanh nghiệp “khát nhân lực”. Năm nay, bảng tuyển dụng ở các trung tâm giới thiệu việc làm gần như không có thông báo tuyển người. Ông Nguyễn Thanh Tùng, làm việc tại trung tâm giới thiệu việc làm cho các khu chế xuất - khu công nghiệp ở Sài Gòn so sánh, sau Tết năm ngoái, các doanhn nghiệp cần khoảng 10,000 người. Năm nay, từ trước Tết tới giờ, nhu cầu tuyển dụng chỉ còn chưa tới... 100 người.

 Các chuyên viên lao động dự báo thêm rằng, sắp tới, ngoài công nhân, tình trạng thất nghiệp trong các ngành bất động sản, chứng khoán, tài chính sẽ nghiêm trọng hơn. Từ đầu năm 2008 đến đầu quý III/2008, nhân lực của các ngành này đã bị cắt giảm đến 65%.

 Phóng viên báo điện tử VietNamNet kể, khi đến khu lưu trú dành cho công nhân khu chế xuất Tân Thuận, họ thấy ông Nguyễn Văn Thuận, công nhân công ty Ðông Á đang rao bán chiếc xe đạp với giá 150,000 đồng để lấy tiền về quê. Ông Thuận cho biết: “Ăn Tết xong, tôi quay lại Sài Gòn làm việc không dè công ty cho nghỉ việc. Tiền bạc không có, xin việc nơi khác quá khó nên tôi đành bán hết tư trang về quê.” Ông Thuận chỉ là một trong nhiều ngàn công nhân đang gặp tình cảnh như vậy. (G.Ð)