Home Tin Tức Thời Sự GS.Thomas Patterson dự đoán truyền thông thế giới 2009

GS.Thomas Patterson dự đoán truyền thông thế giới 2009 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thuỷ Chung   
Thứ Bảy, 31 Tháng 1 Năm 2009 22:46

 - Bức tranh truyền thông thế giới trong năm mới qua nhận định và dự đoán của GS Thomas Patterson, GĐ Trung tâm Báo chí, Chính trị và Chính sách công Shorenstein, Đại học Harvard, không tránh khỏi bị tác động của suy thoái kinh tế nhưng cũng có nhiều dấu hiệu lạc quan. Năm 2008 đã đặt nền móng cho những mô hình truyền thông mới, năm 2009 sẽ là cơ hội để những cái mới chứng tỏ sức sống của mình.

 
 GS Thomas Patterson (giữa) trong một buổi hội thảo tại ĐH Harvard.

Truyền thông sẽ bị ảnh hướng lớn từ suy thoái

- Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã và đang tác động ngày càng nghiêm trọng đến truyền thông Mỹ và thế giới. Ông có thể dự báo sự tác động này đến báo in, phát thanh và truyền hình Mỹ và thế giới trong năm 2009?

Suy thoái kinh tế luôn là thời điểm khó khăn đối với ngành truyền thông. Doanh thu quảng cáo của khu vực truyền thông thương mại thu hẹp lại, còn áp lực ngân sách ở các chính phủ thì ảnh hưởng đến đầu tư cho khu vực truyền thông nhà nước hay truyền thông công. Cuộc suy thoái hiện nay đặc biệt đáng sợ bởi mức độ nghiêm trọng của nó, và bởi vì nó đến trong thời điểm truyền thông truyền thống đang mất dần công chúng và doanh thu vì những lý do khác.

Báo in ở hầu hết các quốc gia đều giảm lượng xuất bản và doanh thu quảng cáo do sự cạnh tranh của truyền hình cáp và Internet. Vấn đề này thực sự nghiêm trọng ở Mỹ. Các tờ báo vùng Detroit đã tuyên bố ngừng dịch vụ giao báo tại nhà. Tờ Boston Globe đã mất 10% lượng độc giả trong năm ngoái, tờ Washington Post cũng vậy. Tờ Chicago Tribune cũng thâm hụt tài chính đến nỗi họ có thể sẽ buộc phải bán một số tài sản truyền thông khác của mình.

Doanh thu quảng cáo của mọi tờ báo ở Mỹ đều giảm, và gần như tất cả đều giảm cả lượng phát hành. Giá trị thị trường của báo chí Mỹ điển hình giờ chỉ còn khoảng một nửa so với 5 năm trước và vẫn đang tiếp tục giảm. Suy giảm kinh tế đã “cướp” đi của các báo in hai trong số những khách hàng quảng cáo quan trọng nhất - các công ty bất động sản và các nhà môi giới ôtô. Người Mỹ không mua nhà mua xe nữa, nên những người bán cũng phải đành lòng cắt giảm quảng cáo trên báo.

Trong vòng một thập kỷ tới, sẽ có rất nhiều tờ báo ở Mỹ phá sản, ít nhất là ở mảng sản xuất báo giấy. Những tờ báo lớn và mạnh nhất – như New York Times và Wall Street Journal - vẫn sẽ an toàn cho dù doanh thu giảm mạnh. Các “báo tàu điện ngầm” như ở các thành phố Detroit, St. Louis, Seattle và Atlanta là những tờ có nguy cơ cao nhất.

Phát thanh truyền hình Mỹ thì khá hơn một chút so với báo in. Nguyên nhân là chi phí vận hành của chúng thấp hơn. Vận hành một đài phát thanh hay một đài truyền hình đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với vận hành một toà soạn báo in. Hơn nữa, quảng cáo trên phát thanh và truyền hình ít liên quan đến lợi nhuận tại chỗ. Trong khi hầu hết quảng cáo trên báo in đều nhắm đến bán hàng trực tiếp – như ôtô, nhà, thiết bị điện tử, thì hầu hết quảng cáo trên phát thanh truyền hình là nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu, như quảng cáo của Coca-Cola hay Toyota.

Kiểu quảng cáo này cũng bị thu hẹp do suy thoái kinh tế, nhưng không đột ngột như những kiểu phụ thuộc vào các báo địa phương. Đến nay các đài phát thanh truyền hình ở Mỹ vẫn có thể duy trì doanh thu quảng cáo, mặc dù trong năm 2009, doanh thu này vẫn sẽ giảm đi ít nhiều.

Các xu hướng kể trên ở Mỹ cũng có thể thấy rõ ở các nước khác, mặc dù sự khác biệt về hệ thống truyền thông có thể giảm bớt sự tác động. Hệ thống truyền thông ở Mỹ hầu như đều thương mại hoá, trong khi hệ thống báo chí ở các nước khác vẫn có một bộ phận công hoặc nhà nước mạnh. Tuy nhiên, hầu hết báo in trên thế giới là báo tư nhân và phụ thuộc vào kinh doanh quảng cáo và phát hành, và đều bị ảnh hưởng.

Tôi dám dự đoán rằng các vấn đề tài chính của họ sẽ nghiêm trọng hơn trong và cả sau cuộc suy thoái kinh tế này. Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên truyền thông mới, trong đó báo in là quá khứ còn Internet mới là tương lai.

Thời của báo trực tuyến, nhưng danh tiếng tờ báo mới là điều quyết định

- Vậy trong cơn lốc suy thoái đó, báo trực tuyến sẽ sống sót hay sẽ chịu chung số phận?

Báo trực tuyến sẽ tiếp tục thu hút ngày càng nhiều độc giả. Vấn đề đặt ra cho họ là liệu doanh thu của họ có đạt được mức có lãi để có thể trang bị một toà soạn hàng đầu không. Rất nhiều báo trực tuyến trên mạng hiện nay đang tiêu tiền là chính hoặc vận hành với ngân sách rất eo hẹp.

Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên truyền thông mới, trong đó báo in là quá khứ còn Internet mới là tương lai.

Có những bằng chứng rõ ràng rằng công chúng của báo trực tuyến sẽ ngày càng vững chắc. Mỗi ngày đều có thêm nhiều trang web lên mạng, nhưng công chúng hưởng thụ thông tin Internet đang ngày càng tập trung hơn. Ở Mỹ, 10 trang web hàng đầu, trong đó có NYTimes.com và CNN.com, đã thu hút đến hơn 90% công chúng. Khoảng vài nghìn trang khác chỉ chiếm chưa đến 10% công chúng. Những trang đã lớn rồi thì ngày càng lớn hơn. Nhờ quy mô đó, họ dễ dàng thu hút quảng cáo hơn. Nhờ doanh thu quảng cáo tăng, họ lại có tiền đầu tư cho website của mình ngày càng hấp dẫn, dễ truy cập và phong phú thông tin hơn.

Các trang web nhỏ sẽ khó khăn hơn trong cạnh tranh. Cùng một khoản đầu tư cho quảng cáo, phải 10-20 khách hàng trực tuyến mới đem lại nguồn thu bằng một khách hàng bình thường. Vì vậy, mô hình kinh doanh của các báo trực tuyến đòi hỏi một lượng công chúng lớn hơn nhiều, việc mà chỉ có những trang web danh tiếng, có thương hiệu mới làm được. Trang web của một nhật báo điển hình ở Mỹ chỉ có khoảng 200.000 visitors, không đủ để báo trực tuyến của họ có lợi nhuận. Nhưng website của New York Times lại có đến 10 triệu visitors một tháng, nên họ có lợi nhuận.

Khi cuộc suy thoái kinh tế này kết thúc, tác động tích luỹ của các xu hướng này sẽ thể hiện rõ hơn ở Mỹ, cũng như ở một số quốc gia khác. Báo điện tử của các tổ chức truyền thông có danh tiếng sẽ ngày càng lớn mạnh, còn phần lớn báo trực tuyến và báo in sẽ phải đấu tranh thực sự để có lợi nhuận, hay thậm chí chỉ để tồn tại.

Tân Tổng thống Mỹ: Internet vẫn là vũ khí

- Các thế lực truyền thông lớn ở Mỹ như CBS, CNN, Fox News… sẽ đóng vai trò ra sao đối với nền chính trị của Mỹ khi ông Obama làm Tổng thống, khi mà ông ấy đã tranh cử có phần rất độc lập với các tổ chức này?

Thực ra ông Obama đã hưởng lợi đáng kể từ các ông lớn truyền thông trong thời gian tranh cử Tổng thống. Thông tin về ông trên truyền hình quốc gia và các báo lớn trong giai đoạn vận động trong nội bộ đảng Dân chủ nhiều và hay hơn so với thông tin về bà Hillary Clinton. Cuộc đua đó thực sự là gắt gao, nên tôi có thể nói nếu không có sự giúp đỡ của truyền thông, ông Obama chưa chắc đã chiến thắng.

Trong giai đoạn tổng tuyển cử, ông Obama cũng được các ông lớn truyền thông ưu ái, được đưa tin với thái độ tích cực hơn nhiều so với ông John McCain. Chuyện đó cũng tiếp diễn trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Kể từ tháng 11 năm ngoái sau khi đắc cử, thông tin về ông Obama luôn mang tính chất tích cực trên gần như tất cả các khía cạnh.

Truyền thông chính thống ở Mỹ sẽ tiếp tục là phương tiện chính trị quan trọng nhất. Khi ông Obama làm Tổng thống, truyền thông phản ứng thế nào với các sáng kiến của ông ấy, có thái độ ra sao trước những sai lầm mà Tổng thống nào cũng phải, đều sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì mức độ ủng hộ trong dân của ông Obama.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất mà từ trước đến nay đều là hòn đá tảng trong mức độ ủng hộ đối với bất cứ Tổng thống nào, là tình hình kinh tế. Ông Obama vẫn còn 6 đến 12 tháng nữa trước khi người Mỹ bắt đầu trách cứ ông vì đã không vực dậy được nhanh chóng nền kinh tế. Nếu không làm được điều đó, mức độ ủng hộ ông ấy sẽ sụt giảm, và đảng Dân chủ sẽ mất khá nhiều ghế ở Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010.

- Chiến dịch tranh cử tận dung triệt để Internet của ông Obama là nhân tố quan trọng trong chiến thắng của ông ấy. Vậy Internet sẽ tiếp tục đóng vai trò ra sao trong việc điều hành đất nước của tân Tổng thống Mỹ?

Internet sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama, lớn hơn đối với bất cứ Tổng thống nào trước đây. Tất nhiên ông Obama sẽ không thể lợi dụng Internet để phản kháng trước những thông tin bất lợi nếu có. Ích lợi mà Internet mang lại cho ông là ở chỗ gây áp lực khiến Quốc hội phải ủng hộ ông ấy trong các sáng kiến chính sách.

Giống như Tổng thống Franklin D. Roosevelt trước đây đã tận dụng phương tiện mới lúc đó là phát thanh để kêu gọi trực tiếp người dân Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái, và gây áp lực khiến Quốc hội phải ủng hộ Biện pháp mới của ông ấy. Ông Obama cũng sẽ thấy Internet là một công cụ vận động hành lang hữu hiệu.

Chiến dịch vận động của ông Obama đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu với hàng chục triệu địa chỉ email. Ông ấy đã tận dụng chúng trong việc gây quỹ tranh cử và thu hút phiếu bầu trong ngày bầu cử. Khi ông ấy vào Nhà Trắng, số địa chỉ này sẽ lại được tận dụng để thông báo đến những người ủng hộ về các đạo luật đang chờ thông qua cũng như truyền thông điệp đến các đại biểu Quốc hội, thúc giục họ ủng hộ ông trong các đạo luật này.

Các nghị sĩ của đảng Dân chủ chắc chắn không thể lờ đi các thông điệp này. Họ tất nhiên chẳng bao giờ muốn làm các cử tri giận dữ vì họ cần những lá phiếu đó trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010.

 
 GS Thomas Patterson (giữa) trong một buổi hội thảo tại ĐH Harvard.

Internet chỉ hữu dụng khi đúng người đúng cảnh

- Nhiều chuyên gia nhận định cách tranh cử đầy sáng tạo này sẽ là hình mẫu cho mọi cuộc tranh cử ở Mỹ trong tương lai. Ông có đồng ý với nhận định này không? Và ở bên ngoài nước Mỹ, cách làm này sẽ được áp dụng ra sao?

Chiến dịch tranh cử dựa vào Internet của ông Obama đã thành công ngoài sức tưởng tượng của cả các cố vấn của ông ấy. Thông qua Internet, ông Obama đã gây quỹ được hàng trăm triệu USD và kêu gọi được hàng trăm nghìn tình nguyện viên.

Chiến dịch tranh cử của ông Obama đã cho thấy khả năng vốn có của Internet. Các ứng cử viên Tổng thống khác cũng đã cố gắng khai thác sức mạnh của mạng toàn cầu nhưng lại không thành công bằng. Điều này cho thấy, muốn vận động tranh cử thành công trên Internet cần phải có sự kết hợp giữa kiến thức về web và một ứng cử viên thích hợp.

Ngay từ đầu ông Obama đã có lập trường chống cuộc chiến Iraq, chính lập trường đó đã thu hút nhiều người. Trên thực tế, sự ủng hộ dành cho ông là sự ủng hộ của các nhóm cộng đồng mạng có cùng quan điểm chống chiến tranh Iraq quyết liệt. Họ đã góp phần lớn lượng truy cập cho ông trong những tháng đầu tiên của chiến dịch tranh cử.

Ông Obama đã dựa vào sự ủng hộ ban đầu này mà tiến lên và xây dựng một phương thức sử dụng Internet chưa từng có. Có khoảng 3 triệu người Mỹ đã quyên tiền cho chiến dịch của ông qua Internet, và khoảng 10 triệu người đã ký tên ủng hộ chiến dịch của ông qua Internet, giúp ông có được một mạng lưới ủng hộ mạnh mẽ để truyền đi các thông điệp và thu hút các ủng hộ viên cho ngày bầu cử.

Tôi không nghi ngờ rằng ứng cử viên cho các vị trí lãnh đạo trong tương lai ở cả Mỹ và trên thế giới, sẽ học tập ông Obama và cố gắng bắt chước. Tuy nhiên, họ sẽ không thể thành công nếu các công dân không có đủ lý do để ủng hộ họ.

Và ở bên ngoài nước Mỹ, các ứng cử viên khó có thể lặp lại mức độ thành công như ông Obama. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, dù tỉ lệ đi bỏ phiếu của người Mỹ thấp hơn so với nhiều nước, nhưng người Mỹ vẫn hào hứng hơn người dân các nước khác trong việc đóng góp thời gian và tiền bạc cho các chiến dịch tranh cử. Nếu một hệ thống chính trị không có truyền thống hay văn hoá trong đó người dân tích cực tham dự vào các cuộc bầu cử, thì Internet cũng khó lòng tạo ra được điều đó.